Cột sống bình thường có 3 đường cong tự nhiên tạo thành hình chữ S: Ở cổ, lưng và thắt lưng. Nhìn từ phía sau, cột sống khỏe mạnh nằm trên 1 đường thẳng. Với những người bị vẹo cột sống, nếu nhìn từ phía sau sẽ bị nghiêng bất thường sang một bên.

Cong vẹo cột sống là trình trạng cong của cột sống sang phía bên của trục cơ thể và vẹo xoay của các thân đốt sống theo trục của mặt phẳng ngang.

Nguyên nhân

Cong vẹo cột sống có thể gặp ở mọi lứa tuổi, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các nguyên nhân có thể gặp:
- Do bẩm sinh, do tập ngồi, tập đi quá sớm
- Tư thế trong học tập, làm việc không đúng
- Yếu tố di truyền
- Chiều dài chân không đồng đều
- Các bệnh lý liên quan đến tùy sống hay thần kinh cơ
- Bệnh lý xương khớp như còi xương, suy dinh dưỡng, giảm mật độ xương, loãng xương
- Trong đó có đến 75% trường hợp dị tật cột sống không rõ nguyên nhân.

Triệu chứng

BỆNH CONG VẸO CỘT SỐNG - Nguyên nhân và cách điều trị
Hình dáng giữa người bị cong vẹo cột sống so với người không bị.

Vẹo cột sống có thể nhẹ, trung bình hoặc nặng. Các triệu chứng và dấu hiệu có thể bao gồm:
- Một bên vai nghiêng xuống, như đang đứng dựa vào vật gì
- Xương sườn nhô lên
- Bả vai nhô ra
-Cột sống cong vẹo sang phía bên, có thể thấy đường con chữ S hoặc đường cong chữ C
- Khung chậu nghiêng sang một bên và chệch
- Có thể thấy các dị dạng khác như chân ngắn chân dài..
- Dùng quả dọi mà mốc là điểm gai đốt sống C7 ta thấy độ cong cột sống
- Chụp X quang cột sống có thể phát hiện tình trạng và mức độ cong vẹo cột sống

Tiến triển

Chứng vẹo cột sống có thể tiến triển trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian, nếu không được điều trị y tế, nó có thể gây ra tình trạng:
- Đau lưng liên lục
- Viêm đốt sống
- Khó thở khi lồng ngực bị nén
- Tổn thương tim và phổi do dị tật lồng ngực
- Viêm phổi
- Tăng nguy cơ mất xương, loãng xương
- Dị tật về thể chất có thể làm giảm chất lượng công việc và chất lượng cuộc sống.

Phân loại mức độ vẹo cột sống

Tình trạng cong vẹo cột sống có thể ít hay nhiều, thông thường được phân làm 3 loại:
- Vẹo độ 1: Khi đứng thẳng thì có xoáy vặn cột sống nhưng hình thể vẹo không thấy rõ ràng. Khó phát hiện bằng mắt thường. Nói chung chưa ảnh hưởng đến chức năng hô hấp.
- Vẹo độ 2: Khi đứng thẳng, nhìn sau lưng cũng đã thấy được hình dáng cong vẹo cột sống, thấy được ụ lồi sườn do đốt sống bị xoáy vặn. Bắt đầu có ảnh hưởng đến chức năng hô hấp.
- Vẹo độ 3: Nhìn thấy rõ tư thế lệch, cột sống bị cong ảnh hưởng rõ tới quá trình hô hấp, có thể gây biến dạng khung chậu, nếu là nữ thì trở ngại tới việc sinh con.
Ở các trường hợp nặng, bắp thịt bị kéo căng và có hiện tượng đau, xương ngực có thể bị biến dạng, tim phổi xê dịch vị trí, chiều dài của lưng bị ngắn lại. Xương chậu cũng có thể bị quay lệch, các cơ quan trong ổ bụng cũng có thể dịch vị trí.

Điều trị

- Việc điều trị sớm có tầm quan trọng đặc biệt nhằm ngăn chặn sự biến dạng cột sống dẫn tới biến dạng tư thế, khung chậu, thậm chí ảnh hưởng tới khả năng hô hấp và tuần hoàn.
- Đối với trường hợp vẹo cột sống nhẹ và không tiến triển thì không cần điều trị. Một số trường hợp, các biện pháp kỹ thuật điều trị thông thường như vật lý trị liệu, thể dục liệu pháp, chỉnh lại tư thế đứng ngồi trong sinh hoạt tình trạng bệnh sẽ được ổn định.
- Đối với trẻ chưa thành niên bị vẹo cột sống, có thể áp dụng biện pháp chỉnh hình đôi nẹp. Tuy nhiên, phương pháp này không đảm bảo hiệu quả 100%. Trong một số trường hợp, nẹp chỉ có thể ngăn chặn tình trạng trở nên xấu đi hoặc trì hoãn phẫu thuật.
- Với người trưởng thành, cột sống không còn mềm dẻo, đã có biến dạng nặng thì việc điều trị có khó khăn. Trong trường hợp này, có thể phải phẫu thuật chỉnh hình nhờ vào một loại nẹp kim loại đặc biệt được đặt cố định vào cột sống trong thời gian dài để nắn chỉnh. Các bước phẫu thuật phụ thuộc vào mức độ biến dạng của cột sống, nói chung là khá tốn kém cả về tiền bạc và thời gian.

Dự phòng


BỆNH CONG VẸO CỘT SỐNG - Nguyên nhân và cách điều trị
Trừ các nguyên nhân bẩm sinh, hoặc vẹo cột sống do di truyền,... không thể phòng tránh được. Các nguyên khác có thể phòng tránh bằng các biện pháp:
- Bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối, đặc biệt bổ sung canxi, vitamin D, MK7 và vitamin C,… ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ
- Không nên cho trẻ tập ngồi, tập đi sớm
- Tư thể ngồi học hoặc làm việc phải ngay ngắn, tránh ngồi nhiều, đứng lâu
- Không bê, vác nặng, làm việc quá sức
- Khám và điều trị sớm các bệnh lý xương khớp, bệnh lý cột sống
- Sử dụng hàng ngày hoặc thành từng đợt (tùy theo độ tuổi) các sản phẩm có chứa các thành phần như Canxi, Vitamin D, MK7, chondroitin sulfat,… giúp tăng tái tạo xương, tái tạo mô sụn, hạn chế nguy cơ giảm mật độ xương và loãng xương
- Phát hiện và điều trị sớm tình trạng cong vẹo cột sống, tránh biến chứng nặng.
Ths.Bs Vũ Văn Lực

Gọi 19001259 ( giờ hành chính ) hoặc email songkhoe@bacsituvan.vn để được chuyên gia tư vấn miễn phí về các BỆNH CƠ - XƯƠNG - KHỚP .

Cong vẹo cột sống