Dị ứng là gì?

Dị ứng được định nghĩa là tình trạng phản ứng của cơ thể mà trong y khoa được nhắc đến với khái niệm “phản ứng quá mẫn”, xuất hiện khi hệ miễn dịch của cơ thể được kích hoạt để phản ứng lại với các kháng nguyên lạ xâm nhập vào. Kháng nguyên được hiểu là các đặc điểm nhận dạng của các chất mà cơ thể có thể nhận biết là “bạn bè” hay là “kẻ ngoại lai. Các kháng nguyên lạ xâm nhập vào cơ thể gây ra phản ứng dị ứng được gọi là “dị nguyên”.

Trừ một số bệnh lý đặc trưng như hen phế quản, viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng… thì nói chung dị ứng không hoàn toàn là bệnh, chỉ được xem là phản ứng dị ứng mà thôi hay gọi đơn giản là dị ứng.

Trong trường hợp bình thường, các protein hay các chất rất thường gặp và vô hại như sữa bò, protein từ tôm, cua, hải sản, cá.… sẽ được cơ thể bỏ qua. Tuy nhiên trên cơ địa dị ứng, những thành phần này có thể bị hệ miễn dịch của cơ thể nhận diện là kháng nguyên lạ và đưa đến các phản ứng dị ứng.

1. Nguyên nhân gây dị ứng

Nguyên nhân gây dị ứng

Dị ứng có tính gia đình khá rõ, tức là trong gia đình từng có người bị dị ứng thì có nguy cơ cao mắc dị ứng. Dị ứng xuất hiện khi hệ miễn dịch nhầm lẫn một chất bình thường vô hại thành mối nguy hiểm.

Sau đó, hệ miễn dịch sẽ tạo ra các kháng thể và ghi nhớ chất gây dị ứng cụ thể đó. Khi tiếp xúc với chất gây dị ứng một lần nữa, các kháng thể này kích hoạt để giải phóng một số hóa chất trong hệ miễn dịch, chẳng hạn như histamine, gây ra các triệu chứng dị ứng.

Các tác nhân gây dị ứng phổ biến bao gồm:

  • Dị ứng với tác nhân trong không khí như bụi, lông vật nuôi (chó, mèo, gà, vịt… còn gọi là lông vũ), phấn hoa, phấn bướm, nấm mốc
  • Thức ăn như tôm, cua, cá, hải sản, đậu nành, lúa mì, trứng, sữa…
  • Côn trùng đốt, chẳng hạn như vết ong đốt
  • Các loại thuốc như kháng sinh (hay gặp) nhất là penicillin, hay bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc chống dị ứng cũng gây dị ứng
  • Mủ cao su, đồ nhựa, thuốc nhuộm, hóa chất… khi chạm vào có thể gây ra phản ứng dị ứng ngoài da

Một số bệnh dị ứng thường gặp:

  • Viêm kết mạc dị ứng
  • Viêm mũi dị ứng
  • Viêm xoang dị ứng
  • Viêm da dị ứng
  • Hen phế quản dị ứng

2. Các biểu hiện triệu chứng của dị ứng

Các biểu hiện triệu chứng của dị ứng

Tùy thuộc vào loại dị ứng và mức độ nghiêm trọng của dị ứng, nói chung các triệu chứng dị ứng khá dễ nhận biết. Đôi khi, người bệnh tự biết là mình bị dị ứng.

Các triệu chứng dị ứng thường gặp bao gồm:

Biểu hiện trên da

Biểu hiện trên da dễ nhận thấy nhất, thường sau khi tiếp xúc với dị nguyên (thức ăn, bụi, phấn hoa, thuốc…) trên da xuất hiện ngứa, nổi mẩn đỏ. Tùy theo mức độ, có thể chỉ bị vài nốt tiếp xúc với dị nguyên, nhưng cũng có thể bị cả một vùng, thậm chí toàn thân.

Các biểu hiện khác trên da có thể gặp

  • Phát ban: Các khu vực của da bị kích ứng, đỏ, sưng và có thể đau hoặc ngứa.
  • Mày đay: Các mảng da màu đỏ, ngứa và nổi lên với các kích cỡ và hình dạng khác nhau.
  • Các mảng da bị viêm, đỏ, ngứa, có thể chảy máu xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng
  • Cảm giác trên da nóng rát, châm chích rất khó chịu

Biểu hiện tại mắt có thể phù quanh mi mắt, chảy nước mắt, mắt đỏ và nhiều khi mắt sưng húp làm hai mí mắt dính vào nhau. 

Biểu hiện tại miệng và họng: Có thể sưng môi, sưng lưỡi, mất vị giác, đau họng, cổ họng bị kích thích hoặc viêm.

Biểu hiện tại mũi xoang: Có thể xuất hiện hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi, chảy nước mũi, ngứa mũi

Các biểu hiện hô hấp

  • Có thể gặp trong dị ứng thông thường, nhưng thường gặp trong hen phế quản dị ứng.
  • Các triệu chứng hay gặp là khó thở, có thể gặp khó thở dữ dội trong hen phế quản, thở rít, thở nhanh nông…

3. Sốc phản vệ

Một số dị ứng gây sốc phản vệ

Sốc phản vệ mặc dù rất hiếm gặp, nhưng là biểu hiện dị ứng nguy hiểm nhất, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc với dị nguyên, có thể là thức ăn, đồ uống, các loại bụi, lông vũ… nhưng thường hay gặp ở những trường hợp tiêm thuốc điều trị.

Nghĩ đến phản vệ khí có ít nhất một trong các triệu chứng sau:

  • Mày đay, phù, mạch nhanh
  • Khó thở, tức ngực, thở rít
  • Đau bụng hoặc nôn
  • Tụt huyết áp hoặc ngất xỉu
  • Rối loạn ý thức (như ngủ gà, lơ mơ, li bì, hôn mê)

Các bệnh cảnh lâm sàng:

Bệnh cảnh lâm sàng 1:

Các triệu chứng xuất hiện trong vài giây đến vài giờ ở da, niêm mạc (mày đay, phù mạch, ngứa...) và có ít nhất 1 trong 2 triệu chứng sau:

  • Các triệu chứng hô hấp: khó thở, thở rít, ran rít
  • Tụt huyết áp (HA) hay các hậu quả của tụt HA: rối loạn ý thức, đại tiện, tiểu tiện không tự chủ…

Bệnh cảnh lâm sàng 2:

Có ít nhất 2 trong 4 triệu chứng sau xuất hiện trong vài giây đến vài giờ sau khi tiếp xúc với yếu tố nghi ngờ:

  • Biểu hiện ở da, niêm mạc: Mày đay, phù mạch, ngứa
  • Các triệu chứng hô hấp: Khó thở, thở rít, ran rít
  • Tụt HA hay các hậu quả của tụt HA: Rối loạn ý thức, đại tiện, tiểu tiện không tự chủ…
  • Các triệu chứng tiêu hóa: Nôn, đau bụng…

Bệnh cảnh lâm sàng 3:

Tụt HA trong vài giây đến vài giờ sau khi tiếp xúc với yếu tố nghi ngờ mà người bệnh đã từng bị dị ứng:

  • Trẻ em: Giảm ít nhất 30% HA tâm thu (HA tối đa) hoặt tụt HA tâm thu so với tuổi (HA tâm thu dưới 70mmHg)
  • Người lớn: HA tâm thu dưới 90mmHg hoặc giảm 30% so với HA tâm thu nền.

Chẩn đoán phân biệt sốc phản vệ với:

  • Các trường hợp sốc: Sốc tim, sốc giảm thể tích tuần hoàn, sốc nhiễm khuẩn
  • Tai biến mạch máu não
  • Các bệnh đường hô hấp: Cơn hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), khó thở thanh quản (do dị vật, viêm)
  • Các bệnh lý ở da: Mày đay, phù mạch
  • Các bệnh lý nội tiết: Cơn bão giáp trạng, hội chứng carcinoid, hạ đường máu
  • Các ngộ độc: Ngộ độc rượu, opia, histamin.
Người bệnh bị dị ứng toàn thân

Phân loạn mức độ phản vệ:

Phản vệ được phân thành 4 mức độ, nhưng có thể diễn biến nặng lên nhanh chóng mà không theo tuần tự:

Nhẹ (độ 1): chỉ có triệu chứng ở da, tổ chức dưới da và niêm mạc như mày đay, ngứa, phù mạch

Nặng (độ 2):

Có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan:

  • Mày đay, phù mạch xuất hiện nhanh
  • Khó thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi
  •  Đau bụng, nôn, ỉa chảy
  • Huyết áp chưa tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp

Nguy kịch (độ 3):

Biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn như sau:

  • Đường thở: Tiếng rít thanh quản, phù thanh quản
  • Thở: Nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở
  • Rối loạn ý thức: Vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn
  • Tuần hoàn: Sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt HA

Ngừng toàn hoàn (độ 4): Biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn.

4. Chẩn đoán dị ứng

Chẩn đoán dị ứng

Nói chung chẩn đoán dị ứng nhiều trường hợp khá dễ, chỉ cần hỏi và thăm khám lâm sàng là chẩn đoán được, nhiều trường hợp người bệnh tự mô tả rằng mình bị dị ứng.

Hoàn cảnh xuất hiện: Thường xuất hiện sau khi ăn thức ăn lạ, hoặc tiếp xúc với yếu tố nghi ngờ, sau uống thuốc, tiêm thuốc. Nhiều trường hợp không rõ yếu tố tiếp xúc.

Hỏi bệnh: Bác sĩ thường hỏi hoàn cảnh xuất hiện triệu chứng, thời điểm cũng như các biểu hiện triệu chứng

Thăm khám lâm sàng: Thường bác sĩ khám và quan sát da tại vị trí xuất hiện mẩn ngứa, phát ban, khám mắt, miệng, hô hấp, tim mạch…

Trường hợp nghi ngờ bác sĩ có thể chỉ định thêm xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm dị ứng da: Cho da tiếp xúc với một lượng nhỏ protein của các chất được cho là tác nhân gây dị ứng, nếu xuất hiện triệu chứng với loại protein nào thì đó là tác nhân gây dị ứng
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm IgE, thường được gọi là xét nghiệm hấp thụ dị ứng phóng xạ (RAST) hoặc xét nghiệm ImmunoCAP, đo lượng kháng thể gây dị ứng trong máu (kháng thể immunoglobulin E).

Tuy nhiên, lưu ý rằng các xét nghiệm dị ứng này có thể dương tính giả hoặc âm tính giả.

5. Điều trị dị ứng

Điều trị dị ứng bằng thuốc bôi

Hiện nay dị ứng hay các bệnh lý liên quan đến dị ứng vẫn chưa có thuốc điều trị triệt để. Các biện pháp điều trị chỉ là điều trị triệu chứng mà thôi. Tùy theo tình trạng dị ứng, cũng như tùy theo mức độ bệnh dị ứng mà có biện pháp điều trị khác nhau. Điều trị dị ứng theo từng trường hợp cụ thể như sau:

Dị ứng thông thường ngoài da:

  • Nếu vùng da dị ứng chỉ là các nốt nhỏ, thì chỉ cần dùng thuốc bôi tại chỗ
  • Nếu vùng da dị ứng rộng hoặc toàn thân thì vừa dùng thuốc bôi tại chỗ vừa phải dùng thuốc kháng histamin đường toàn thân
  • Có thể dùng các loại thuốc bôi ngoài da như: Phenergan, Dibetalic, Gentrison… dùng một trong các thuốc này, ngày bôi 2 – 3 lần vào vùng nổi mẩn
  • Thuốc kháng histamin đường uống: Các thuốc thông dụng như Loratadin, Desloratadin, Fexofenadin… ở trẻ em có thể dùng loại siro, còn người lớn thì dùng viên uống. Liều dùng và cách sử dụng tốt nhất theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Trường hợp dị ứng nặng: Biểu hiện toàn thân, có kèm phù niêm mạc cần phải nhập viện điều tri. Khi đó vừa phải dùng thuốc đường uống, kết hợp với dùng thuốc glucocorticoid đường tĩnh mạch.

Điều trị dị ứng bằng thuốc uống

Viêm mũi xoang dị ứng:

  • Dùng thuốc kháng histamin đường uống, như Chlorpheniramine, Loratadin, Desloratadin, Fexofenadin…
  • Nếu có ho, hắt hơi thì dùng thuốc trị ho
  • Nếu có sổ mũi dùng thêm thuốc giảm sổ mũi như Xylometazoline, Flixonase…
  • Nếu có bội nhiễm thì dùng thêm thuốc kháng sinh
  • Có sốt thì uống thêm thuốc hạ sốt, thông dụng nhất là dùng Paracetamol với liều 15mg/kg cân nặng, mỗi 4 giờ/ 1 lần nếu có sốt trên 38,5 độ C, khi hết sốt thì ngừng uống
Viêm kết mạc dị ứng: Nói chung là khá nhẹ, chỉ cần dùng thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh kết hợp với glucocorticoid như Tobradex, Maxitrol, Dicortineff… Nếu viêm kết mạc nặng, có sưng phù mi mắt thì phải kết hợp thuốc kháng sinh và corticoid đường toàn thân.

Hen phế quả dị ứng:

  • Nhiều trường hợp hen phế quản rất nguy hiểm, hay xuất hiện vào nửa đêm về sáng, cơn hen có thể khó thở dữ dội, suy hô hấp thậm chí tử vong. Vì thế với người bị hen phế quản, tốt nhất luôn có 1 lọ thuốc xịt điều trị cắt cơn hen mang bên mình để sẵn sàng sử dụng khi cần.
  • Các loại thuốc xịt cắt cơn hen có thể sử dụng: Ventolin xịt, Seretide xịt, Flixotide xịt…
  • Với trường hợp cơn hen nhẹ và vừa: Chỉ cần dùng thuốc đường uống như thuốc kháng histamin như Loratadin, Fexofenadin kết hợp với thuốc glucocorticoid đường uống như Betamethasone, Metyl Prednisolon. Thường phối hợp với thuốc xịt cắt cơn hen nữa.
  • Nếu có bội nhiễm viêm phế quản thì phải dùng thuốc kháng sinh
  • Nếu cơn hen không cải thiện có thể kết hợp với khí dung, thường khí dung kết hợp Ventolin và Pulmicort
  • Trường hợp hen nặng, có suy hô hấp thì phải nhập viện điều trị

Trường hợp phản vệ: Tốt nhất phải nhanh chóng thực hiện cấp cứu tại chỗ, sau đó nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế. Bởi vì khi có dấu hiệu phản vệ, thì dù nhẹ nhưng cũng có thể diễn biến chuyển nặng rất nhanh mà không theo tuần tự.

6. Phòng ngừa dị ứng

Phòng ngừa dị ứng

Một số biện pháp giúp phòng ngừa bệnh dị ứng như:

Tránh tiếp xúc với dị nguyên, ngay cả khi bạn đang điều trị các triệu chứng dị ứng, hãy cố gắng tránh các tác nhân gây bệnh. Ví dụ, nếu bạn bị dị ứng với phấn hoa, hãy hạn chế ra ngoài và luôn đóng cửa nếu xung quanh có nhiều hoa. Nếu bị dị ứng với mạt bụi, thường xuyên lau dọn đồ đạc và quần áo. Trên thực tế, nhiều trường hợp dị ứng nhưng hoàn toàn không biết là tiếp xúc với dị nguyên gì.

Ghi nhật ký dị ứng: Cố gắng xác định nguyên nhân hoặc chất làm trầm trọng thêm các triệu chứng dị ứng, hãy ghi lại những hoạt động hoặc thực phẩm ăn trong ngày. Việc này có thể giúp xác định các yếu tố kích hoạt dị ứng.

Giải mẫn cảm đặc hiệu:

  • Được gọi là phương pháp điều trị dị ứng hay còn gọi là tiêm dị nguyên
  • Phương pháp này chỉ định khi đã biết chính xác là dị ứng với dị nguyên nào
  • Cho các chất đã biết chính xác là gây dị ứng với lượng nhỏ (vừa đủ) tiếp xúc với cơ thể, thường là tiêm trong da. Mục đích là làm cho hệ miễn dịch có thể quen dần với dị nguyên này, rồi dần học để nhận biết dị nguyên. Dần dần sẽ giảm các triệu chứng của dị ứng, đến một lúc nào đó sẽ bỏ qua phản ứng dị ứng.

Bệnh dị ứng