Bệnh khớp do thần kinh khi đã tiến triển thì rất nhanh, cần có biện pháp phát hiện và điều trị kịp thời.

Bệnh gây ra những thay đổi về xương, khớp thứ phát, tổn thương điển hình trên phim chụp X quang là hủy hoại bề mặt sụn khớp, đặc xương dưới sụn, hẹp khe khớp, biến dạng khớp, trật khớp.

1. Nguyên nhân gây bệnh khớp do thần kinh

 Nguyên nhân gây bệnh khớp do thần kinh

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh khớp do thần kinh là tổn thương các dây thần kinh gây ra rối loạn cảm giác và vận động của khớp.

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, trong đó các yếu tố thường gặp là:

  • Tổn thương thần kinh ở người bị tiểu đường
  • Giang mai biến chứng thần kinh
  • Bệnh rỗng tủy xương
  • Chấn thương gây chèn ép tủy sống
  • Tổn thương thần kinh ngoại biên
  • Mắc một số bệnh mạn tính như bệnh phong, cường vỏ thượng thận, xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp, ung thư…
  • Một số nguyên nhân khác như nhiễm khuẩn, dùng thuốc corticoid kéo dài, nghiện rượu, nhiễm độc hóa chất…

2. Triệu chứng bệnh đau khớp do thần kinh

Triệu chứng bệnh khớp do thần kinh

Triệu chứng của bệnh khớp do thần kinh rất đa dạng, phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và nguyên nhân gây bệnh. Nói chung các biểu hiện ở giai đoạn sớm thường nhẹ, sau đó tiến triển tăng dần.

Các triệu chứng giai đoạn sớm có thể gặp:

  • Triệu chứng chủ yếu là đau, đau nhẹ, đau âm ỉ, thường đau tăng lên khi vận động.
  • Sưng khớp có thể gặp nhưng cũng rất nhẹ, các dấu hiệu khác có thể gặp là sung huyết hoặc xuất huyết quanh khớp, tràn dịch khớp…
  • Hạn chế vận động khớp rất nhẹ
  • Chưa có dấu hiệu biến dạng khớp

Sau vài tháng hoặc vài năm bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn nặng với các triệu chứng như:

  • Các triệu chứng đau nặng hơn, đau liên tục kèm theo sưng khớp, có thể nóng đỏ
  • Tụ máu hay xuất huyết quanh khớp
  • Khớp bị cứng, hoặc xuất hiện tiếng lạo xạo khi vận động, hạn chế vận động
  • Khớp biến dạng, lệch trục

Ngoài ra các triệu chứng còn tùy theo nguyên nhân gây bệnh nữa, chẳng hạn:

  • Bệnh khớp do tổn thương thần kinh ở người bị tiểu đường, các triệu chứng chủ yếu ảnh hưởng tới khớp ở bàn chân và cổ chân
  • Biểu hiện khớp ở bệnh giang mai lại chủ yếu gặp ở khớp gối, khớp háng và cổ chân
  • Còn trong bệnh rỗng tủy xương thì ảnh hưởng tới cột sống và chi trên, đặc biệt ở khớp vai và khớp khuỷu.

3. Chẩn đoán bệnh khớp do thần kinh

Chẩn đoán bệnh khớp do thần kinh

Bệnh khớp do thần kinh xảy ra sau một bệnh liên quan đến thần kinh ngoại biên, nên chẩn đoán phải khai thác tiền sử mắc bệnh liên quan đến thần kinh ngoại biên.

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, có đến 15% người bệnh tiểu đường, 20% người bệnh giang mai và 25% người bệnh rỗng tủy xương có biểu hiện bệnh đau khớp do thần kinh.

Chẩn đoán xác định bệnh dựa vào:

  • Tiền sử có tổn thương dây thần kinh ở một số bệnh như bệnh tiểu đường, bệnh giang mai thần kinh, rỗng tủy xương, bệnh phong… sau đó vài tuần đến vài tháng, thậm chí nhiều năm xuất hiện các triệu chứng ở khớp như đau khớp, sưng khớp. Các triệu chứng tiến triển từ từ tăng dần.
  • Chụp X quang khớp bị tổn thương: Giúp phát hiện giai đoạn tiến triển của bệnh. Hình ảnh trên X quang gần tương tự như trong thoái hóa khớp với tam chứng hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn, mọc gai xương ở rìa khớp. Tuy nhiên tiến triển của bệnh nhanh hơn thoái hóa khớp, không cân xứng giữa mức độ đau khớp với tổn thương trên X quang. Mức độ đau ít hơn trong khi tổn thương trên X quang nặng hơn. Trên X quang cần chẩn đoán phân biệt bệnh với các bệnh thoái hóa khớp, hoại tử xương, bệnh khớp lắng đọng tinh thể canxi pyrophosphat, bệnh khớp do tiêm corticoid nội khớp, nhiễm khuẩn xương khớp...
  • Siêu âm khớp: Có thể phát hiện dịch trong khớp, dày màng hoạt dịch, hẹp khe khớp, định hướng cho hút dịch làm xét nghiệm để chẩn đoán những trường hợp viêm khớp nhiễm khuẩn.
  • Chụp cắt lớp: Có thể giúp đánh giá tốt hơn tổn thương vỏ xương, mảnh xương chết hay khí ở trong xương.
  • Chụp cộng hưởng từ: Đặc biệt có phối hợp thuốc cản quang rất có giá trị trong phân biệt tổn thương tủy trong bệnh rỗng tủy với các viêm tủy nhiễm khuẩn, viêm đĩa đệm đốt sống nhiễm khuẩn cũng như giúp chẩn đoán một số biến chứng nhiễm khuẩn xương, khớp ở vị trí khác ngoài cột sống.

Chẩn đoán phân biệt với các bệnh:

Chẩn đoán phân biệt bệnh khớp do thần kinh với các bệnh khớp khác

  • Thoái hóa khớp: Diễn biến từ từ, tăng dần, gặp ở người trung niên và cao tuổi, biểu hiện ở khớp với các triệu chứng đau có tính chất cơ học, ít khi có sưng nóng đỏ, không có tiển sử bệnh lý thần kinh. 
  • Bệnh gút: Gặp ở nam giới, người thừa cân, béo phì, chế độ ăn nhiều thịt màu đỏ, uống nhiều rượu bia, tổn thương điển hình là đau khớp dữ đội, kèm sưng nóng đỏ, hay gặp ở khớp bàn ngón chân cái, xét nghiệm có acid uric máu cao, chọc dịch khớp có tinh thể urat.
  • Bệnh giả gút: Triệu chứng khá giống với bệnh gút nhưng dịch khớp lắng đọng tinh thể canxi pyrophosphat.
  • Bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn: Đau khớp nhiều, kèm sưng nóng đỏ, hạn chế vận động nhiều do đau, dịch khớp có mủ, toàn thân có triệu chứng nhiễn trùng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau người, đau đầu.
  • Viêm khớp do bệnh tự miễn: Biểu hiện đau khớp, sưng khớp, hạn chế vận động, xét nghiệm các yếu tố miễn dịch dương tính như kháng thể kháng nhân (ANA), kháng nguyên bạch cầu người HLA-B27, tiền sử gia đình có người mắc bệnh khớp do tự miễn…
  • Bệnh viêm khớp phản ứng: Biểu hiện ở khớp xảy ra sau khi bị nhiễm khuẩn (thường ở đường tiêu hóa, sinh dục, tiết niệu) sau khoảng vài tuần đến vài tháng, không có dấu hiệu nhiễm khuẩn tại khớp, xét nghiệm yếu tố miễn dịch có thể dương tính, cũng gặp ở người có tiền sử gia đình có người mắc bệnh liên quan đến tự miễn dịch như bệnh lupus, viêm khớp dạng thấp, thấp khớp…

4. Điều trị bệnh khớp do thần kinh

Điều trị bệnh khớp do thần kinh

Điều trị nguyên nhân: Đặc biệt khi phát hiện sớm, điều trị tích cực bệnh chính có thể làm chậm quá trình tổn thương khớp do thần kinh, như bệnh tiểu đường, bệnh giang mai, bệnh rỗng tủy xương…

Điều trị bảo tồn:

  • Các trường hợp phát hiện sớm cần bất động khớp bằng các biện pháp: Đi giày thiết kế chuyên dụng, bó bột hay dụng cụ nẹp ngoài…
  • Hạn chế tối đa trọng lực cơ thể cũng như các lực ngoại cảnh tác dụng lên khớp tổn thương để bảo vệ khớp khỏi các chấn thương tiếp diễn, qua đó làm chậm tiến trình bệnh.
  • Dùng các thuốc giảm đau, giảm sưng nề khớp cũng như tăng mật độ xương tại chỗ.
  • Phối hợp các biện pháp vật lý trị liệu phục hồi chức năng chống loét do tì đè.

Điều trị phẫu thuật:

Trường hợp khớp tổn thương biến dạng nặng hay gãy xương có thể cần phải phẫu thuật nẹp vít bên trong xương, lấy bỏ các mảnh dị vật (như các mảnh canxi hóa trong khớp), làm cứng khớp hay phẫu thuật thay khớp toàn bộ.

5. Phòng ngừa bệnh khớp do thần kinh

Phòng ngừa bệnh khớp do thần kinh

Bệnh đau khớp do thần kinh không phải là bệnh xảy ra cùng lúc với bệnh thần kinh mà chỉ là hậu quả do bệnh thần kinh gây ra. Vì thế muốn phòng ngừa tổn thương khớp thì cần phải điều trị sớm và tích cực các bệnh chính gây ra các tổn thương thần kinh, rồi điều trị các vấn đề ở thần kinh, tuyệt đối không để bệnh tiến triển đến giai đoạn đau khớp.

Trong các bệnh lý có nguy cơ cao gây bệnh khớp do thần kinh là giang mai, khi đến giai đoạn giang mai thần kinh sẽ gây đau khớp. Vì vậy cần phòng tránh giang mai bằng các biện pháp như quan hệ tình dục an toàn, khám và điều trị triệt để bệnh giang mai từ giai đoạn đầu.

Tương tự bệnh giang mai thì người bị bệnh tiểu đường cũng có nguy cơ cao bị đau khớp. Chính vì vậy nếu mắc bệnh tiểu đường phải tuân thủ phác đồ điều trị, phải có chế độ ăn phù hợp với bệnh tiểu đường, mục đích là phải kiểm soát tốt đường huyết.

Ngoài ra còn phải phòng tránh chấn thương tủy sống bằng các biện pháp bảo hộ lao động như đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, trang bị bảo hộ phù hợp trong lao động…

Bệnh khớp do thần kinh