Xơ vữa động mạch là tình trạng xơ hóa thành mạch, do lắng đọng mỡ và các tế bào tạo thành mảng xơ vữa tại lớp bao trong thành động mạch. Mảng xơ vữa gặp chủ yếu ở các thân động mạch lớn và vừa, như động mạch chủ bụng, động mạch vành, động mạch chậu, động mạch đùi, động mạch cảnh. Đặc biệt hay gặp ở những vùng xoáy máu như chỗ uốn cong hay chỗ chia nhánh.

Biến chứng nguy hiểm của xơ vữa động mạch là nhồi máu cơ tim và nhồi máu não. Bệnh gặp chủ yếu ở độ tuổi trung niên và người cao tuổi, nhưng vẫn có thể mắc ở người trẻ và đang có xu hướng trẻ hóa.

Nguyên nhân

- Tăng lipid máu: Tăng cholesterol máu là nguyên nhân chính gây xơ vữa động mạch, trong đó LDL cholesterol (còn gọi là cholesterol tỷ trọng thấp) có vai trò quan trọng nhất đối với sự hình thành mảng xơ vữa động mạch.

Sự gia tăng LDL cholesterol ở bất kỳ mức độ nào trong máu đều có nguy cơ gây xơ vữa động mạch. Trong khi HDL cholesterol (còn gọi là cholesterol tỷ trọng cao) có tác dụng ngăn chặn xơ vữa động mạch, vì nó vận chuyển cholesterol về gan để chuyển hóa, do đó còn gọi là cholesterol tốt.

- Tăng huyết áp: Huyết áp cao làm tăng sinh tế bào cơ trơn, làm dầy lớp áo giữa động mạch. Huyết áp cao còn làm dễ vỡ mảng xơ vữa, làm tăng biến chứng của xơ vữa động mạch.

- Hút thuốc: Nguy cơ bệnh mạch vành tăng gấp đôi ở người hút thuốc, nhất là những người hút 40 điếu/ ngày.

- Bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường dễ gây rối loạn lipid máu, nên dễ gây xơ vữa động mạch.

- Stress: Tình trạng căng thẳng thần kinh kéo dài cũng làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.

- Sử dụng thuốc tránh thai, liệu pháp hormon thay thế: Được chứng minh là có nguy cơ hình thành xơ vữa động mạch.

Biểu hiện của xơ vữa động mạch

Biểu hiện lâm sàng trải qua 3 giai đoạn:

- Giai đoạn tiềm tàng: Chưa có biểu hiện gì đặc biệt

- Giai đoạn lâm sàng: Có các triệu chứng thiếu máu cơ quan điển hình

- Giai đoạn biến chứng: Xảy ra tại cơ quan do hậu quả của thiếu máu.

Các triệu chứng phụ thuộc vào vị trí động mạch bị xơ vữa và cơ quan bị tổn thương.

- Xơ vữa động mạch chủ: Hay gặp ở vị trí gốc động mạch chủ, động mạch ngực, động mạch chủ bụng nơi phân chi động mạch chậu. Có thể gặp các biểu hiện như đau thắt ngực, hoặc bệnh cảnh lâm sàng của hở van động mạch chủ, hẹp động mạch chủ, phình tách động mạch chủ,…

- Xơ vữa động mạch vành: Biểu hiện cơn đau thắt ngực cấp hoặc mạn tính, nhồi máu cơ tim

- Xơ vữa động mạch não: Biểu hiện bệnh cảnh thiểu máu não, ù tai, rối loạn trí nhớ, đau đầu, mất ngủ. Biến chứng nặng nhất là nhồi máu não gây liệt nửa người, liệt mặt, rối loạn ngôn ngữ, thậm chí hôn mê.

- Xơ vữa động mạch thận: Gây ra bệnh cảnh thiếu máu thận lâu ngày, làm xơ hóa thận, tăng huyết áp.

- Xơ vữa động mạch chi dưới: Với bệnh cảnh thiếu máu chi dưới, như tê bì, cơn đau cách hồi, huyết áp 2 chân chênh lệch, không bắt được mạch bên tắc. Bệnh kéo dài có thể gây hoại tử đầu chi.

- Xơ vữa một số động mạch khác như động mạch thái dương gây đau nửa đầu, động mạch đáy mắt gây rối loạn thị giác, động mạch tụy gây đái tăng đường máu,…

Chẩn đoán

Chẩn đoán căn cứ vào biểu hiện lâm sàng, các biểu hiện thiếu máu cục bộ tại cơ quan. Chẩn đoán quyết định căn cứ vào kết quả thăm dò cận lâm sàng, đặc biệt là siêu âm Doppler màu tim và mạch máu, chụp mạch (có cản quang), chụp CT scanner 64 dãy,….

Một số thăm dò khác phát hiện các yếu tố nguy cơ có thể gặp như rối loạn chuyển hóa lipid máu, đường máu cao,…

Điều trị

Nguyên tắc điều trị:

- Điều trị các yếu tố nguy cơ: Tập trung vào điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu, điều trị bệnh tiểu đường, điều trị tăng huyết áp,….

- Điều trị các biến chứng của xơ vữa động mạch: Dùng thuốc chống ngưng kết tiểu cầu, có thể dùng suốt đời

- Điều trị biến chứng: Tùy theo xơ vữa động mạch gây ra biến chứng ở cơ quan nào mà điều trị ở cơ quan đó. Chẳng hạn như nhồi máu cơ tim thì điều trị nhồi máu cơ tim, nhồi máu não điều trị nhồi máu não,….

Một số biện pháp điều trị cụ thể:

- Điều trị yếu tố nguy cơ:

+ Nếu có tăng huyết áp thì điều trị tăng huyết áp, kiểm soát huyết áp ở mức dưới 130/85 mmHg. Hiện có nhiều nhóm thuốc hạ huyết áp có tác dụng tốt như nhóm chẹn beta giao cảm, nhóm ức chế men chuyển,… tốt nhất phải đi khám và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

+ Điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu: Dùng thuốc hạ lipid máu nếu có tăng kết hợp với điều chỉnh chế độ ăn và tăng cường luyện tập thể lực.

+ Điều trị tiểu đường: Nếu bị tiểu đường, cần kiểm soát tốt đường huyết ở mức đường huyết lúc đói dưới 7mmol/l, HbA1C dưới 6,5%.

+ Điều chỉnh cân nặng tránh béo phì bằng cách điều chỉnh chế độ ăn và lối sống: Hạn chế thức ăn giầu đạm, không ăn mỡ phủ tạng động vật, tăng cường thể dục, thể thao…

+ Bỏ hút thuốc là (nếu có), uống ít rượu bia, ăn nhạt, ăn nhiều rau uống nhiều nước

+ Sử dụng thuốc chống oxy hóa, như vitamin nhóm A, C, E, đặc biệt là nhóm OMEGA 3, được chứng minh là có tác dụng hạ lipid trong máu. 

- Phòng ngừa cục máu đông:

+ Cục máu đông hình thành trên mảng xơ vữa gây ra nhiều biến chứng nặng như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, nhồi máu mạc treo ruột,… Vì vậy điều trị ngăn ngừa cục máu đông có vai trò vô cùng quan trọng.

+ Có thể sử dụng thường xuyên aspegic 100mg mỗi ngày 1 – 2 gói tùy mức độ. Lưu ý thuốc có thể gây tác dụng phụ là viêm, loét dạ dày,… cho nên phải đi khám để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Hiện nay nhóm thuốc chống ngưng kết tiểu cầu thế hệ mới có tác dụng tốt, nhưng không gây tác dụng phụ lên dạ dày như clopidogrel, tên thương mại là Plavix 75mg. Liều dùng ngày 1 viên, có thể dùng thường xuyên. Nhược điểm là giá thành còn cao.

Dự phòng

Có hai mức độ dự phòng, đó là dự phòng tiên phát và thứ phát.

- Dự phòng tiên phát, còn gọi là dự phòng cấp 1, là dự phòng khi bệnh chưa xảy ra, có thể thực hiện ngay từ khi mới sinh ra. Các biện pháp thực hiện như:

+ Hạn chế thức ăn giầu đạm, đặc biệt là mỡ động vật, phủ tạng động vật, bánh ngọt, nước ngọt,….

+ Ăn nhiều rau, uống nhiều nước

+ Hạn chế uống rượu, bia, không hút thuốc

+ Tăng cường luyện tập thể lực, thể dục thể thao, ngày tập ít nhất 60 phút, ít nhất 5 ngày/ tuần, tránh tình trạng thừa cân, béo phì

- Dự phòng thứ phát, còn gọi là dự phòng cấp 2, áp dụng trong trường hợp đã bị biến chứng xơ vữa động mạch. Các biện pháp tập trung vào dự phòng các yếu tố nguy cơ như:

+ Dự phòng tăng huyết áp: Bằng các biện pháp tăng cường luyện tập, ăn nhạt, bỏ hút thuốc,…

+ Dự phòng bệnh tiểu đường: Hạn chế ăn đồ ngọt, trái cấy ngọt, thức ăn nhiều tinh bột như gạo, lúa mỳ,...

+ Bên cạnh đó thực hiện tất cả các biện pháp dự phòng tiên phát.
 

Ths.Bs Vũ Văn Lực

Xơ vữa động mạch