Thuật ngữ chấn thương để chỉ các tổn thương đụng dập, sưng nề, tụ máu, loét… mà không có vết rách, còn gọi là chấn thương kín. Còn vết thương là các tổn thương rách da hoặc niêm mạc có mở thông với bên ngoài. Trong bài này, mặc dù nói đến chấn thương khí quản, nhưng bao gồm đề cập đến cả các trường hợp chấn thương và vết thương ở khí quản.

Khí quản là một ống dẫn khí hình lăng trụ (còn gọi là ống thở), nối tiếp từ dưới thanh quản ở ngang mức đốt sống cổ 6 đến đoạn chia 2 nhánh phế quản chính ở ngang đốt sống lưng 4 hoặc 5.

Chấn thương khí quản là gì?

Ở người trưởng thành khí quản dài 15 cm, đường kính khoảng 1,2 cm, di động dễ. Có 2 phần là phần cổ và phần ngực. Khí quản có nhiệm vụ dẫn không khí vào, ra khỏi phổi, đồng thời còn điều hòa lượng không khí đi vào phổi và làm tăng khả năng trao đổi khí ở phổi.

Chấn thương khí quản là tình trạng tổn thương hệ thống cấu trúc và các thành phần của khí quản, làm biến đổi hình thái giải phẫu và chức năng của khí quản ở các mức độ khác nhau, do các tác động cơ học từ bên trong hoặc từ bên ngoài khí quản.

Mặc dù hiếm gặp nhưng chấn thương khí quản là một tình trạng nghiêm trọng. Khí quản bị tổn thương có thể làm ảnh hưởng đến chức năng dẫn khí ra vào phổi, dịch hay các dị vật khác vào phổi có thể làm tắc nghẽn đường thở gây suy hô hấp và đe dọa tính mạng.

1. Nguyên nhân gây chấn thương khí quản

Nguyên nhân gây chấn thương khí quản

Chấn thương khí quản có thể xảy ra do các lực xuyên thủng như vết thương do súng đạn hay do vật sắc nhọn, nhưng thường gặp hơn là chấn thương do lực cùn. Chấn thương khí quản do các lực cùn thường là hệ quả của việc té ngã từ trên cao, tai nạn giao thông, bị đánh…

Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:

  • Vết thương do hỏa khí: Rất hay gặp thời chiến như vết thương do đạn, mảnh đạn, mảnh vỡ bom, mìn…
  • Vết thương do dao, vật sắc nhọn như manh thanh kim loại, mảnh thủy tinh, cành cây…
  • Tai nạn giao thông: Thường gặp các tổn thương đụng dập, hoặc đứt gãy
  • Tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt cũng rất hay gặp
  • Bị đánh, tấn công bằng vật tù hoặc vật sắc nhọn, như gậy, dao, súng, thuốc nổ…

Các tổn thương kí quản chủ yếu xảy ra ở đoạn cổ, rất ít khi xảy ra ở trong lồng ngực. Vì khí quản trong lồng ngực rất sâu và do đó được bảo vệ tốt.

Ngoài ra, một số thủ thuật y tế cũng có thể gây chấn thương khí quản như:

  • Đặt nội khí quản
  • Mở khí quản
  • Nội soi phế quản
  • Hút đờm rãi…
  • Một số trường hợp khí quản có thể bị tổn thương do hít phải khí nóng hoặc các hơi độc hại như khí clo, khói độc, acid, bazơ…

Nhưng nói chung, các thương tích khí quản do hít khói, hít vật thể lạ và các thủ thuật y tế là không phổ biến.

2. Triệu chứng lâm sàng của chấn thương khí quản

Triệu chứng lâm sàng của chấn thương khí quản

Các triệu chứng lâm sàng của chấn thương khí quản rất khác nhau tùy theo mức độ và đặc điểm tổn thương. Trường hợp nặng triệu chứng rất rõ, rất rầm rộ và nguy kịch, trong khi trường hợp nhẹ hầu như không có triệu chứng gì.

Một số triệu chứng thường gặp:

  • Đau nhức vùng tổn thương, đau tăng lên khi cử động cổ hoặc hít thở
  • Sưng nề, bầm tím, đụng dập vùng cổ
  • Chảy máu vùng tổn thương
  • Tràn khí dưới da vùng cổ
  • Rách khí quản trong lồng ngực có thể gây tràn khí màng phổi, hoặc xuất hiện bóng khí ở trung thất, quanh tim, đỉnh phổi và có thể làm xẹp một phần hoặc cả một thuỳ phổi.
  • Khó thở, thở phì phò do không khí đi qua vết thương khí quản, khó thở cơ thể nhẹ đến trung bình hoặc nặng, ngày càng tăng.
  • Ho, ho liên tục hoặc thành cơn, đặc biệt là ho khạc ra máu
  • Suy hô hấp với các biểu hiện khó thở, thở nhanh nông, tím môi, tím đầu chi
  • Thăm khám tại chỗ có thể thấy tổn thương vùng cổ, như đụng dập, bầm tím, sưng nề, hoặc thấy vết thương hở thông với bên ngoài, còn chảy máu hoặc không

3. Chẩn đoán chấn thương phế khí quản

Chẩn đoán chấn thương khí quản
  • Hoàn cảnh xuất hiện: Các trường hợp sau tai nạn do hỏa khí, tai nạn giao thông, sau ngã, tai nạn lao động hoặc sau những vụ ẩu đả, đánh nhau…
  • Biểu hiện lâm sàng có đau nhức vùng cổ, ho, khạc ra máu tươi, khó thở, tím tái…
  • Khám tại chỗ thấy biểu biện sưng nền, bầm tím, đụng dập vùng cổ, tràn khí dưới da vùng cổ, có thể thấy vết thương khí quản thông với bên ngoài, kèm theo chảy máu hoặc không…
  • Nội soi khí - phế quản chẩn đoán bằng ống mềm là phương pháp hiệu quả nhất để chẩn đoán, xác định vị trí và mức độ nghiêm trọng của thương tổn khí quản và thường là phương pháp duy nhất cho phép chẩn đoán xác định. Tuy nhiên cần hết sức thận trọng vì có thể làm chấn thương nặng thêm và gây khó thở nặng.
  • Chụp X quang ngực: Là kỹ thuật hình ảnh ban đầu được sử dụng để chẩn đoán tổn thương khí quản. X quang cũng có thể cho thấy tràn khí ở cổ, khí trong các mô ở cổ, các thương tích đi kèm và các dấu hiệu như gãy xương và tràn khí dưới da. Tuy nhiên, những người bị chấn thương do lực cùn không thấy dấu hiệu chấn thương trên X quang ngực.
  • Chụp CT scan: Phát hiện trên 90% chấn thương khí quản do chấn thương cùn và các tổn thương khu vực lân cận. Nhưng cả X quang hay CT đều không thay thế được cho nội soi khí - phế quản.

4. Điều trị chấn thương khí quản

Tùy theo tình trạng và mức độ tổn thương mà có biện pháp điều trị khác nhau. Nói chung, các biện pháp điều trị bao gồm:

Mở khí quản cấp cứu cho người chấn thương khí quản

Cấp cứu:

Khi có thủng, rách, vỡ sụn khí quản hoặc khi có tình trạng khó thở, đe dọa chảy máu vào đường thở, có tràn khí rõ dưới da hay tràn khí màng phổi rõ… thì cần phải tiến hành xử trí cấp cứu.

  • Mở khí quản cấp cứu, nếu cho phép nên mở khí quản thấp, xa vết thương để duy trì sự thông thoáng đường thở.
  • Chống sốc: Bằng cách truyền dịch, truyền dung dịch cao phân tử, truyền máu nếu có mất máu cấp
  • Cầm máu cấp, nếu có đang chảy máu từ vết thương.
  • Giảm đau, an thần

Điều trị nội khoa:

  • Nằm đầu cao, hạn chế thay đổi tư thế đầu và cổ
  • Sử dụng corticoid sớm để giảm phù nề, tránh sẹo dính
  • Dùng kháng sinh toàn thân để chống nhiễm trùng
  • Thuốc giảm xuất tiết đường hô hấp để phòng tránh viêm đường hô hấp dưới.
  • Tiêm phòng uốn ván

Phẫu thuật:

Tuỳ theo tình trạng vết thương và mức độ tổn thương mà lựa chọn các biện pháp phẫu thuật khác nhau. Phẫu thuật phải đảm bảo nguyên tắc:

  • Khâu kín vết thủng hoặc rách vỡ
  • Tiết kiệm tối đa trong cắt bỏ các phần bị rách, vỡ.
  • Khâu từng lớp theo đúng vị trí giải phẫu và nút buộc luôn ở mặt ngoài.
  • Lấp phủ vết thương hở bằng cân, cơ, niêm mạc…nếu thiếu có thể di chuyển lấy từ nơi khác tới.
  • Đặt ống nong đỡ khí quản, với các loại ống Aboulker hay Montgomery và để lâu dài.
  • Nếu đứt rời hay dập nát vòng sụn thì cắt bỏ và thực hiện khâu nối khí quản tận-tận.
  • Cố định bất động cổ ít nhất 1 tuần.
Điều trị chấn thương khí quản

Theo dõi:

Sau quá trình điều trị, hoặc sau khi rút ống thở cần theo dõi định kỳ trong vài tháng tiếp theo để phát hiện sớm các hiện tượng sùi, sẹo, chít hẹp khí quản.

5. Dự phòng chấn thương khí quản

Hầu hết nguyên nhân chấn thương khí quản hiện nay là do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, hay do bị đánh. Vì vậy, để phòng tránh chấn thương khí quản cần thực hiện:

  • Tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông
  • Không chạy nhanh, vượt ẩu, không lái xe khi uống rượu bia
  • Tuân thủ đúng pháp luật khi tham gia giao thông
  • Phải thắt dây an toàn khi ngòi trên xe ôtô, độ mũ bảo hiểm và cài dây đúng quy cách khi ngồi trên xe máy
  • Trong lao động phải có biện pháp bảo hộ an toàn và phù hợp, tránh các nguy cơ tai nạn xảy ra trong lao động
  • Phải chú ý cẩn thận trong sinh hoạt, bố trí các đồ dùng phù hợp, tránh té ngã
  • Tránh xa các vụ gây rối trật tự công cộng, các vụ đánh nhau, giáo dục người dân không nên dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn cá nhân…

Chấn thương khí quản