Bệnh ghẻ là gì?

Cái ghẻ có tên khoa học Sarcoptes scabiei là loài ký sinh trùng giống hominis. Cái ghẻ trưởng thành hình cầu có 8 chân, ấu trùng có 6 chân rất nhỏ nên khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Chúng đẻ trứng và ký sinh trên da người và động vật, gây bệnh ghẻ.

Ghẻ lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp giữa da người lành với da của người bị ghẻ. Cũng có thể lây gián tiếp thông qua sử dụng chung đồ dùng cá nhân như quần áo, khăn mặt, chăn, gối, hay dùng chung nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm ghẻ.

Là bệnh da liễu khá phổ biến ở nước ta, có thể xuất hiện thành ổ dịch ở các đơn vị tập thể, vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, vệ sinh kém, lớp học… nhất là sau các vụ thiên tai, bão lụt, môi trường bị ô nhiễm.

Tuy không gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe nhưng nếu không nhận biết và không được điều trị kịp thời, ghẻ có thể lan toàn cơ thể, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng, chàm hóa, viêm cầu thận cấp.

1. Yếu tố làm tăng nguy cơ bị ghẻ

Yếu tố làm tăng nguy cơ bị ghẻ

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ghẻ như:

  • Hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm
  • Đang điều trị hoặc đã từng điều trị hóa trị liệu
  • Môi trường sống bị ô nhiễm, thiếu nước sinh hoạt
  • Sống trong môi trường tập thể
  • Sử dụng thuốc corticoid kéo dài
  • Tiếp xúc da trực tiếp với một ai đó bị ghẻ
  • Dùng chung đồ dùng cá nhân với người bị ghẻ

2. Triệu chứng thường gặp

Triệu chứng thường gặp

Sau khi bị ghẻ, các triệu chứng bệnh sẽ xuất hiện sau khoảng sáu tuần. Nếu đã từng mắc bệnh, các triệu chứng có thể xuất hiện sớm hơn, chỉ trong vòng một vài ngày.

Các triệu chứng và dấu hiệu bệnh ghẻ thường bao gồm:

  • Ngứa dữ dội và phát ban, thường nặng hơn vào ban đêm do ghẻ cái chu ra khỏi hang
  • Có những dấu vết nhỏ, ngoằn ngoèo của hang ký sinh trùng ghẻ trên da
  • Xuất hiện những mụn nước hay u nhỏ nhạt màu trên da
  • Nếu bị ghẻ đóng vảy, trên da xuất hiện lớp vỏ dày chứa hàng nghìn con ve và trứng, lớp vảy thường xám, dày và hay vỡ vụn ra khi chạm vào
  • Ở người trưởng thành và trẻ vị thành niên, dấu hiệu bị ghẻ lở thường xuất hiện ở: kẽ các ngón tay, trong nách, vùng eo, các nếp gấp ở cổ tay, vùng khuỷu tay bên trong, lòng bàn chân, quanh núm vú, xung quanh khu vực bộ phận sinh dục nam, vùng mông, đầu gối, bả vai…
  • Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vị trí nhiễm ghẻ thường ở các vùng sau: da đầu, vùng mặt, cổ, lòng bàn tay, lòng bàn chân…

3. Chẩn đoán bệnh ghẻ

Bệnh ghẻ phần lớn chẩn đoán khá dễ, chỉ cần quan sát bằng mắt thường là có thể chẩn đoán được. Để chẩn đoán bệnh bác sĩ sẽ khám làn da để tìm kiếm dấu hiệu của ghẻ, trong đó quan trọng nhất là phát hiện các hang đặc trưng.

Bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán xác định dựa vào các triệu chứng đặc trưng cùng với tiền sử tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Trong trường hợp ghẻ kín đáo, bác sĩ có thể cạo một vùng da nghi ngờ chứa hang rệp và soi dưới kính hiển vi. Sau khi xác định được sự hiện diện cái ghẻ và trứng, các bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán cuối cùng.

4. Điều trị bệnh ghẻ

Điều trị bệnh ghẻ

Để điều trị ghẻ, cần phải dùng thuốc để tiêu diệt cái ghẻ. Bác sĩ thường chỉ định một số thuốc bôi trị ghẻ, phải bôi thuốc vào tất cả các vị trí có hang ghẻ hoặc vị trí nghi ngờ.

Điều trị cho tất cả các thành viên trong gia đình và người thân cận khác, mặc dù chưa có dấu hiệu bị bệnh, để ngăn chặn lây lan.

Song song với điều trị bằng thuốc tiêu diệt ghẻ, phải vệ sinh môi trường sạch sẽ, vệ sinh nguồn nước nghi ngờ nhiễm ghẻ, đồ dùng cá nhân như quần áo, chăn, màn… phải được luộc và phơi khô trước khi sử dụng.

Một số thuốc trị ghẻ có thể được chỉ định như:

  • Dung dịch D.E.P hoặc kem bôi D.E.P
  • Kem permethrin 5%
  • Benzyl benzoat lotion 25%

Ngoài ra, ivermectin (thuốc uống dành cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch) cũng có thể được kê cho người bị đóng vảy ghẻ hoặc không đáp ứng với các loại kem dùng ngoài.

Bên cạnh dùng thuốc diệt ghẻ, nếu bị ngứa nhiều thì bác sĩ có thể cho thêm thuốc kháng histamin để điều trị ngứa.

5. Dự phòng bệnh ghẻ

  • Vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, nhất là nguồn nước sinh hoạt
  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân, nhất là sống trong môi trường tập thể
  • Không tiếp xúc với người bị ghẻ hoặc nghi ngờ bị ghẻ
  • Phải khử trùng nước sinh hoạt nếu nghi ngờ bị nhiễm ghẻ

Ghẻ