Bệnh Glocom góc mở nguyên phát do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là tăng nhãn áp gây ra.

1. Nguyên nhân gây bệnh glocom góc mở nguyên phát

Nguyên nhân gây bệnh glocom góc mở nguyên phát

Hiện nguyên nhân chính của glocom góc mở nguyên phát vẫn chưa được hiểu rõ ràng, nhưng nhiều tác giả đều đồng ý rằng trong glocom góc mở nguyên phát có sự xơ hoá vùng bè. Quá trình xơ hoá tăng lên theo tuổi nên nguy cơ xảy ra glocom càng tăng khi tuổi càng cao.

Ngoài ra, các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Chủng tộc: Người da màu (đen, đỏ) thường bị bệnh nhiều hơn và khó điều trị hơn so với người da trắng, vàng. Người châu  , Mỹ tỷ lệ mắc cao hơn người châu Á.
  • Di truyền: Người trong gia đình có người mắc glocom, có nguy cơ mắc cao hơn 5-6 lần so với người bình thường (yếu tố gen).
  • Tuổi tác: Thường gặp ở tuổi trên 40, tuổi càng cao nguy cơ mắc càng lớn.

2. Phân loại bệnh glocom góc mở nguyên phát

Glocom góc mở nguyên phát được phân làm 3 nhóm chính:

  • Glocom góc mở nguyên phát có nhãn áp cao
  • Glocom góc mở nguyên phát có nhãn áp không cao: Nhãn áp <22mmHg, kèm theo có tổn thương đĩa thị giác, thị trường như nhau. Nhóm này hay gặp ở người có bệnh lý toàn thân (tim mạch, đái tháo đường…), độ dày giác mạc trung tâm mỏng (<0,545 mm).
  • Nhãn áp cao đơn thuần.

3. Biểu hiện triệu chứng bệnh glocom góc mở nguyên phát

Biểu hiện triệu chứng bệnh glocom góc mở nguyên phát

Glocom góc mở nguyên phát thường xuất hiện âm thầm, tiến triển chậm, lần lượt qua từng giai đoạn trong thời gian dài, thị lực trung tâm thường được bảo tồn đến giai đoạn muộn của bệnh nên người bệnh không nhận thấy thị lực của mình đang giảm đi cho đến khi bệnh đã ở giai đoạn tiến triển với tổn hại nặng thị thần kinh và thị trường.

Bệnh gặp ở cả hai mắt, nhưng mức độ tiến triển lại không đồng đều, thường có một mắt nặng hơn mắt kia. Các triệu chứng của bệnh bao gồm:

Triệu chứng cơ năng:

  • Thường biểu hiện kín đáo, không rầm rộ, không rõ ràng (trừ khi có tổn thương thị trường rộng).
  • Có thể cảm thấy mắt hơi căng tức hoặc nhìn mờ nhẹ thoáng qua khi làm việc bằng mắt nhiều, khi căng thẳng thần kinh, lo lắng…
  • Nhìn mờ như có màn sương trước mắt vào buổi sáng

Khám thực thể:

  • Mặc dù nhãn áp cao, nhưng ít có dấu hiệu điển hình của cơn glocom cấp.
  • Kết mạc cương tụ nhẹ (ít khi cương tụ rìa)
  • Giác mạc trong
  • Tiền phòng sâu, mở rộng, dấu hiệu này rất quan trọng để phân biệt với glocom góc đóng
  • Đồng tử tròn đều, phản xạ ánh sáng bình thường. Ở giai đoạn muộn thì có thể giãn nhẹ, phản xạ ánh sáng giảm hoặc mất.
  • Soi đáy mắt: Tùy theo giai đoạn bệnh mà hình thái lõm đĩa, mức độ teo lõm đĩa khác nhau: lõm đĩa glocom có hình bầu dục đứng, bờ lõm cao và dốc kèm theo mạch máu dạt phía mũi, có thể có xuất huyết cạnh đĩa hoặc đĩa thị. Tổn hại đĩa thị xuất hiện sớm, trước khi những thay đổi thị trường có thể phát hiện được.
Soi đáy mắt để phát hiện glocom góc mở nguyên phát

Các thủ thuật và cận lâm sàng:

Thị lực: Chỉ giảm ở giai đoạn muộn của bệnh

Thị trường: Thay đổi tùy theo giai đoạn bệnh, để phát hiện được bệnh sớm, dùng test xanh da trời trên nền vàng.

Nhãn áp:

  • Tăng cao > 25mmHg (với quả cân 10g, theo Maklakov), > 22mmHg (theo Goldmann).
  • Dao động nhãn áp trong ngày > 5mmHg, đỉnh nhãn áp cao rơi vào buổi tối hoặc sáng sớm, do vậy đo nhãn áp nhiều lần trong ngày.
  • Chênh lệch nhãn áp giữa hai mắt > 5mmHg.

4. Điều trị glocom góc mở nguyên phát

Các bước điều trị

  • Sử dụng thuốc tra mắt, chỉ định cho hầu hết giai đoạn của bệnh.
  • Tiếp tục dùng thuốc tra khi kiểm tra nhãn áp còn điều chỉnh, chức năng thị giác, đĩa thị còn ổn định.
  • Điều trị bằng laser và phẫu thuật khi dùng thuốc tra không hiệu quả, hoặc người bệnh không có điều kiện dùng thuốc như: dị ứng thuốc, không theo dõi được, hoàn cảnh kinh tế khó khăn…

Điều trị bằng thuốc

Điều trị glocom góc mở nguyên phát bằng thuốc

Nguyên tắc điều trị:

  • Lựa chọn thuốc sao cho duy trì nhãn áp đích ổn định, ít tác dụng phụ và tiện sử dụng cho bệnh nhân.
  • Đơn trị liệu (dùng 1 thuốc) trước.
  • Nếu nhãn áp chưa giảm đến mức nhãn áp đích cần điều trị, tác dụng phụ gây khó chịu cho thì thay thế bằng một nhóm thuốc khác.
  • Nếu nhãn áp chưa điều chỉnh có thể dùng phối hợp thêm nhóm thuốc khác, hoặc thuốc phối hợp cố định.
  • Không nên dùng quá 3 loại thuốc (khiến người bệnh lẫn lộn, khó thực hiện theo y lệnh).

Các nhóm thuốc được sử dụng:

  • Nhóm huỷ beta-adrenergic: Có cơ chế là làm giảm tiết thuỷ dịch. Biệt dược phổ biến trên thị trường là Betoptic (0,25%; 0,5%), Timolol (0,25%; 0,5%)….
  • Nhóm cường adrenergic: Cơ chế làm tăng lưu thông thuỷ dịch qua vùng bè và qua đường màng bồ đào – củng mạc. Biệt dược là Epinephrin (0,25% – 2%), Alphagan P 0,15%…
  • Nhóm cường cholinergic: Cơ chế làm co rút cơ thể mi, kéo vào cựa củng mạc và vùng bè, do đó làm tăng lưu thông thuỷ dịch. Biệt dược là pilocarpin (0,5% – 4%).
  • Nhóm prostaglandin: Nhóm thuốc này có tác dụng hạ nhãn áp rất tốt bằng tăng lưu thông thuỷ dịch qua đường màng bồ đào – củng mạc. Biệt dược là Travatan 0,004%, Lumigan 0,03%…

Việc điều trị glocom góc mở nguyên phát bằng các thuốc tra tại chỗ đòi hỏi người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt liệu trình điều trị trong suốt cuộc đời dưới sự theo dõi định kỳ của bác sĩ 3 – 6 tháng/lần.

Đối với những trường hợp kinh tế khó khăn, không có điều kiện dùng thuốc suốt đời, hoặc những người bệnh ở quá xa, điều kiện đi lại khó khăn, nên xem xét để điều trị phẫu thuật.

Điều trị laser

  • Tạo hình vùng bè
  • Tạo hình vùng bè chọn lọc

Kết quả phụ thuộc tuổi, người trẻ kết quả thường kém hơn tuy nhiên tỷ lệ thành công ban đầu khá cao (70-80%) với mức giảm nhãn áp từ 30-40%.

Điều trị phẫu thuật

Điều trị bệnh glocom góc mở nguyên phát bằng phẫu thuật

  • Phẫu thuật cắt củng mạc sâu + áp chất chống chuyển hóa ở người trẻ
  • Phẫu thuật lỗ rò (cắt bè, cắt trước bè…)
  • Phẫu thuật đặt van dẫn lưu thủy dịch tiền phòng (khi phẫu thuật lỗ rò nhiều lần thất bại)
  • Laser quang đông thể mi, áp dụng khi tất cả các phương pháp điều trị trên thất bại.

Theo dõi sau điều trị

Yếu tố quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị glocom là theo dõi hợp lý. Người bệnh sau khi được phẫu thuật nên được kiểm tra mắt, đo nhãn áp 3 tháng/lần trong 1 năm đầu, sau đó cứ 6 tháng – 1 năm/ lần tại các bệnh viện chuyên khoa mắt, hoặc khoa mắt của bệnh viện đa khoa.

Đối với bệnh nhân glocom góc mở điều trị bằng thuốc tra mắt, phải đi khám và kiểm tra nhãn áp 2 tháng/lần, kiểm tra thị trường và khám lại đáy mắt 3-6 tháng/lần. Nếu nhãn áp tăng lên, cần điều chỉnh chế độ thuốc để hạ nhãn áp xuống mức an toàn.

Glocom góc mở nguyên phát