Khí phế thũng là bệnh của phế nang và các tiểu phế quản, gây ra khó thở kéo dài trên lâm sàng. Bệnh gây ra do sự mất chức năng của các túi phế nang và các tiểu phế quản do căng giãn quá mức hoặc bị phá hủy do quá trình viêm mạn tính của các thành phần ở đường hô hấp dưới.

Tìm hiểu về bệnh khí phế thũng

Khí phế thũng kéo dài làm mất tính đàn hồi của hệ thống hô hấp, làm cho không khí sau khi hít vào bị ứ lại ở phổi và không thoát ra ngoài được ở thì thở ra, hình thành nên các túi khí chứa không khí nghèo oxy. Theo thời gian, thành của các phế nang và các tiểu phế quản bị phá hủy. Đây là bệnh tiến triển tăng dần theo thời gian và không hồi phục.

Khí phế thũng là hậu quả của các bệnh lý hô hấp mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), hen phế quản kéo dài. Bệnh thường gặp ở người hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm với số lượng lớn và thường chỉ gặp ở người cao tuổi. Điều trị khí phế thũng hiện nay vẫn là một vấn đề nan giải, không điều trị triệt để được, chỉ có phương pháp hỗ trợ làm nhẹ triệu chứng và làm chậm diễn tiến của bệnh.

1. Nguyên nhân gây khí phế thũng

 Nguyên nhân gây khí phế thũng

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh khí phế thũng, các nguyên nhân chính bao gồm:

Viêm phế quản mạn tính:

Viêm phế quản mạn tính do thường xuyên tiếp xúc với các chất kích ứng, hóa chất có hại và các vi sinh vật trong không khí là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh khí phế thũng.

Các hóa chất độc hại bao gồm khói thuốc lá, thuốc lào, khói của các chất đốt như than đá, khói bếp… Các vi sinh vật có thể là virus, vi khuẩn, nấm.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), lao phổi

Hen phế quản: Hen phế quản kéo dài làm căng dãn các túi khí quá mức và liên tục, dẫn đến việc mất tính đàn hồi của phế nang và các tiểu phế quản cũng gây nên bệnh khí phế thũng.

Biến dạng lồng ngực bẩm sinh, chít hẹp phế quản gây tắc nghẽn đường dẫn khí, không khí bị ứ lại bên trong phổi gây nên khí phế thũng.

Bệnh di truyền: Thiếu hụt protein có tên là alpha 1 antitrypsin (A1AT), một protein được sản xuất tại gan, có chức năng chống lại hoạt động của enzym elastase của bạch cầu đa nhân trung tính, bảo vệ tế bào khỏi quá trình viêm nhiễm. Đây là một bệnh lý di truyền, các cấu trúc đàn hồi trong phổi không được bảo vệ do thiết A1AT nên dẫn đến bệnh khí phế thũng.

2. Yếu tố nguy cơ gây khí phế thũng

Yếu tố nguy cơ gây khí phế thũng
  • Hút thuốc lá: Khí phế thũng thường gặp ở những bệnh nhân hút thuốc lá, thuốc lào. Người hít phải khói thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường.
  • Người cao tuổi: Người trên 40 tuổi dễ mắc các bệnh lý tại phổi, nên tỷ lệ mắc bệnh khí phế thũng cao hơn.
  • Yếu tố nghề nghiệp: Những người làm việc trong môi trường nhiều khói bụi và các hóa chất độc hại cũng dễ mắc bệnh khí phế thũng hơn.

3. Triệu chứng bệnh khí phế thũng

Khó thở:

Khó thở là triệu chứng cơ bản và nổi bật của khí phế thũng. Lúc đầu khó thở thì thở ra, xuất hiện nhiều khi gắng sức, về sau khó thở xuất hiện thường xuyên, kéo dài.

Triệu chứng bệnh khí phế thũng

Trường hợp nặng là khó thở cả khi nghỉ ngơi, phải ngồi để thở. Khó thở nặng hơn khi mắc các đợt nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới cấp tính như viêm phổi, áp xe phổi.

Ho: thường là ho khan, hoặc có ít đờm, động tác khạc đờm không mang lại hiệu quả.

Một số triệu chức thực thể có thể gặp: Khám thấy lồng ngực biến dạng hình thùng, gõ vang, nghe phổi thấy thông khí giảm, có thể có rales.

Khí phế thũng diễn tiến kéo dài có thể gây ra các biến chứng như bệnh tim phổi mạn tính, suy hô hấp mạn tính, tràn khí màng phổi, tắc nghẽn động mạch phổi... Ở giai đoạn này, các triệu chứng có thể gặp bao gồm phù, gan to, tĩnh mạch cổ nổi.

4. Chẩn đoán bệnh khí phế thũng

Các triệu chứng lâm sàng và thăm khám chỉ có vai trò định hướng và gợi ý nghĩ tới bệnh khí phế thũng. Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào các xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh.

Xét nghiệm khí máu: Lấy máu động mạch rồi đo nồng độ oxi và carbonic trong máu, trong bệnh khí phế thũng thường giảm nồng độ oxi, đông thời tăng nồng độ carbonic trong máu.

Đo chức năng hô hấp:

  • Sử dụng thiết bị có tên hô hấp kế để đo lường chức năng phổi. Giảm dung tích sống (Forced Vital Capacity – FVC), giảm thể tích hít vào (Inspiration capacity – IC) là những biến đổi thường gặp trong bệnh khí phế thũng.
  • Đo các thể tích phổi: bệnh khí phế thũng thường có tăng các thể tích cặn chức năng và tăng thể tích khí cặn.
Chẩn đoán bệnh khí phế thũng

Chụp X quang phổi: Hình ảnh điển hình của khí phế thũng thấy được trên X quang là hai phổi tăng sáng, khoảng gian sườn giãn rộng, lồng ngực hình thùng, cơ hoành hạ thấp, bóng tim hình giọt nước.

Chụp CT scan lồng ngực: Cho phép thấy được hình ảnh khí phế thũng khu trú hay lan tỏa, cho hình ảnh rõ ràng hơn phim chụp X quang phổi.

Ghi điện tim đồ (ECG): Phát hiện các biến chứng tim mạch.

5. Điều trị bệnh khí phế thũng

Khí phế thũng là bệnh mạn tính, tiến triển tăng dần, là bệnh không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Hiện điều trị chỉ dừng lại ở việc làm giảm nhẹ triệu chứng và làm chậm diễn tiến của bệnh.

Điều trị bằng thuốc

Điều trị bệnh khí phế thũng

Các thuốc thường được chỉ định sử dụng bao gồm:

  • Thuốc giãn phế quản: Thuốc giãn phế quản tác dụng dài hay ngắn đều giúp cải thiện chức năng hô hấp, giảm khó thở lúc gắng sức và tăng khả năng hoạt động của người bệnh. Có thể sử dụng phối hợp 2 loại thuốc giãn phế quản với nhau để đạt được hiệu quả điều trị cao hơn.
  • Corticosteroid loại xịt hoặc hít: Thường được kết hợp sử dụng với các thuốc giãn phế quản giúp cái thiện khả năng gắng sức của bệnh nhân.
  • Thuốc kháng sinh: Được chỉ định điều trị các đợt nhiễm trùng hô hấp cấp tính, giúp giảm nhẹ triệu chứng.
  •  

Các biện pháp điều trị hỗ trợ

  • Thở oxy liều thấp kéo dài: Giúp làm tăng khả năng gắng sức, làm chậm tiến triển của bệnh, làm chậm hình thành các biến chứng và giúp kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
  • Phục hồi chức năng hô hấp: Các kỹ thuật thở như thở chúm môi giúp ích cho việc giảm thể tích khí ứ đọng trong phổi, quá trình hô hấp từ đó có nhiều hiệu quả hơn.

Phẫu thuật: Cắt giảm thể tích phổi, khi đó một phần phổi bị ứ giãn khí quá mức sẽ được cắt bỏ. Kỹ thuật này hiệu quả với khí phế thũng khu trú thùy trên, cải thiện hoạt động của các cơ hô hấp và khả năng gắng sức của người bệnh.

6. Dự phòng khí phế thũng

  • Bỏ hút thuốc lá, thuốc lào, tránh tiếp xúc với khói thuốc
  • Vệ sinh răng miệng hằng ngày
  • Tiêm vaccine phòng các bệnh viêm đường hô hấp và các loại vaccine khác đầy đủ cho trẻ em
  • Khi mắc các bệnh viêm đường hô hấp, cần đi khám và điều trị triệt để không để bệnh tái phát và diễn tiến thành quá trình viêm mạn tính.
  • Nếu làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi, các hóa chất độc hại như công nhân khai thác than, dệt may, xây dựng… cần phải có đồ bảo hộ đầy đủ và phù hợp.
  • Tập thể dục đều đặn, kết hợp với tập thở nhằm tăng sức đàn hồi cho phổi.

Khí phế thũng