1. Rối loạn nhịp tim là gì?

Trái tim thường được ví như một chiếc máy bơm làm nhiệm vụ bơm máu liên tục đi khắp cơ thể. Mỗi ngày tim đập khoảng 100.000 lần, bơm ra khoảng hơn 7.500 lít máu, và trong suốt cuộc đời khoảng 80 năm, tim đập trung bình hơn 3 tỷ lần.

Để có thể co bóp một cách nhịp nhàng như vậy là nhờ tim có một hệ thống điều kiện tự động đặc biệt, gồm các phần chính:

  • Nút xoang, nằm ở tâm nhĩ phải có vai trò làm chủ nhịp, phát xung động
  • Nút nhĩ thất, nằm sát vách ngăn giữa buồng tâm nhĩ và tâm thất, có vai trò dẫn truyền xung động thần kinh được nút xoang tạo ra (bản chất là xung động điện học) từ nhĩ xuống thất.
  • Bó His chung, dẫn truyền xung động từ nút nhĩ thất xuống buồng tâm thất và chia thành hai nhánh cho hai buồng thất
  • Nhánh bên phải và nhánh bên trái, dẫn truyền xung động vào hai buồng thất
  • Mạng Purkinje là những nhánh nhỏ xuất phát từ nhánh phải và trái lan tỏa tới các vùng cơ của tâm thất.

Hệ thống này chỉ huy hoạt động của toàn bộ quả tim, đầu tiên nút xoang phát xung động (bản chất là xung động điện học) và khởi đầu quá trình khử cực. Từ nút xoang, xung động điện học được dẫn truyền đến 2 buồng tâm nhĩ và kích thích tâm nhĩ co bóp tống máu từ nhĩ xuống thất. Sau đó xung động được dẫn truyền xuống thất nhờ nút nhĩ thất. Tại nút nhĩ thất, tốc độ dẫn truyền bị chậm lại sau đó theo bó His xuống 2 buồng thất. Khi đến hai buồng tâm thất, xung động theo mạng Purkinje lan ra toàn bộ buồng thất để kích thích cơ tâm thất co bóp (khử cực cơ thất) bơm máu vào hệ thống động mạch chủ đi nuôi cơ thể và động mạch phổi để máu trao lấy ôxy là thải khí carbonic.

Rối loạn nhịp tim là gì?

Nhịp tim bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như hoạt động thể lực của cơ thể trước lúc đó, tình hình sức khỏe và bệnh lý, nhiệt độ môi trường, tư thế đứng, ngồi, hay nằm. Ngoài ra, trạng thái tinh thần và cảm xúc cũng ảnh hưởng ít nhiều đến nhịp tim, ví dụ như cảm xúc giận dữ, vui mừng, sợ hãi, lo lắng.... Bên cạnh đó, một số loại thuốc cũng có khả năng ảnh hưởng đến nhịp tim.

Ở người trưởng thành, nhịp tim trung bình khoảng 60 – 80 nhịp mỗi phút, có thể dao động từ 50 – 100 nhịp mỗi phút. Ở trẻ em từ 1 – 12 tháng tuổi, nhịp tim có thể dao động từ 80 – 140 nhịp mỗi phút. Trong khi vận động viên thể thao nhịp tim có thể chỉ từ 40 – 60 nhịp mỗi phút.

Rối loạn nhịp tim là một nhóm bệnh lý trong đó các xung điện điểu khiển và điều hòa nhịp tim không hoạt động như bình thường. Khi đó tim sẽ đập bất thường, có thể quá nhanh, quá chậm, không đều, lúc nhanh lúc chậm hoặc các buồng tim co bóp không đồng bộ với nhau. Mặc dù gây ra các khó chịu nhất định, nhưng hầu hết những người gặp phải tình trạng rối loạn nhịp tim đều có thể sống bình thường nếu được phát hiện và điều trị kịp thời.

2. Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim

Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim

Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim, gồm những nguyên nhân sinh lý và bệnh lý:

  • Các nguyên nhân sinh lý có thể gặp như căng thẳng, stress, lao động gắng sức, sau luyện tập thể thao, cường giao cảm, sử dụng các chất kích thích như uống rượu, chè, cà phê, hút thuốc lá…
  • Các bệnh lý gây rối loạn nhịp tim có thể gặp như thiếu máu cơ tim, các bệnh van tim, viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim, các bệnh tim bẩm sinh….
  • Một số bệnh lý toàn thân gây rối loạn nhịp tim như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, đái tháo đường, béo phì, cường giáp, thiếu máu, rối loạn cân bằng kiềm – toan, rối loạn điện giải, tác dụng phụ của thuốc…
  • Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp rối loạn nhịp tim không xác định được nguyên nhân một cách rõ ràng.

2. Một số loại rối loạn nhịp tim thường gặp

Một số loại rối loạn nhịp tim thường gặp
  • Rung nhĩ: Là rối loạn nhịp tim phổ biến nhất, trong đó tim đập không đều và nhanh hơn bình thường
  • Nhịp nhanh trên thất: Có những đợt nhịp tim nhanh bất thường khi nghỉ ngơi
  • Nhịp tim chậm: Tim đập chậm hơn bình thường, dưới 50 nhịp mỗi phút, thậm chí dưới 40 nhịp mỗi phút
  • Block nhĩ thất: Do tắc nghẽn hoàn toàn hoặc một phần dẫn truyền xung động từ tâm nhĩ xuống tâm thất, biểu hiện điển hình trên điện tim là khoảng PR kéo dài
  • Block nhánh phải: Là tình trạng xung động điện truyền qua phía bên phải của tim bị gián đoạn trong khi phía bên trái vẫn bình thường, khiến hai bên trái phải của tim co bóp không đồng thời.
  • Block nhánh trái: Xung động điện truyền qua bên trái bị gián đoạn trong khi phía bên phải vẫn bình thường
  • Rung tâm thất: Tình trạng nhịp tim nhanh và hỗn loạn, có khả năng gây mất ý thức và đột tử nếu không được điều trị ngay lập tức.

3. Chẩn đoán rối loạn nhịp tim

Chẩn đoán rối loạn nhịp tim

 Phần lớn trường hợp, chẩn đoán rối loạn nhịp tim khá đơn giản, chỉ dựa vào thăm khám lâm sàng, như bắt mạch, nghe tim là có thể chẩn đoán được. Nhưng một số trường hợp kín đáo hoặc cần chẩn đoán nguyên nhân hoặc chẩn đoán chuyên sâu thì phải thực hiện các xét nghiệm hoặc các thăm dò chức năng mới chẩn đoán được. Các thăm dò thường được áp dụng:

  • Ghi điện tim đồ: Cho thấy đặc điểm điện học của từng loại rối loạn. Tuy nhiên, nhiều loại loạn nhịp tim phải ghi vào thời điểm bị rối loạn mới phát hiện được.
  • Điện tim đồ 24h: Còn gọi là holter điện tim, là một thiết bị được sử dụng khá rộng rãi, máy được người bệnh đeo vào người với các điện cực gắn trên thành ngực. Điện tim đồ được ghi lại liên tục trong suốt thời gian mang máy. Ưu điểm là giúp theo dõi điện tim được liên tục, có thể ghi lại những rối loạn nhịp mà người bệnh không để ý đến hoặc không phát hiện được ra và chi phí rẻ. Nhược điểm là nhiều trường hợp trong thời gian đeo máy lại không xuất hiện nhịp bất thường nên không phát hiện được.
  • Thăm dò điện sinh lý tim: Được thực hiện ở các cơ sở y tế chuyên sâu, trong phòng thông tim. Sử dụng các ống thông luồn vào quả tim theo đường động hoặc tĩnh mạch để ghi lại một cách chính xác hoạt động điện học của quả tim. Một số trường hợp còn dùng ống thông để kích thích hệ thống dẫn truyền của tim nhằm phát hiện các rối loạn nhịp.
  • Siêu âm tim có mắc điện tim: Là một phương pháp phát hiện rối loạn nhịp tim ở mức cơ bản, nhưng mang lại nhiều thông tin rất hữu ích để chẩn đoán nguyên nhân hoặc hậu quả của rối loạn nhịp tim gây ra, như giãn các buồng tim, hở van tim, chức năng tim giảm…

4. Điều trị rối loạn nhịp tim

Điều trị rối loạn nhịp tim

Tùy vào nguyên nhân và từng loại rối loạn nhịp tim mà bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị khác nhau. Các loại rối loạn nhịp tim do nguyên nhân sinh lý nói chung không cần điều trị gì, nó cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe, chỉ cần làm việc và nghỉ ngơi hợp lý là tình trạng rối loạn nhịp tim sẽ suy giảm. Một số phương pháp dưới đây được áp dụng để điều trị rối loạn nhịp tim:

4.1. Điều trị nhịp tim chậm

  • Khi nhịp tim chậm kéo dài có thể dùng thuốc tăng nhịp tim
  • Nhưng nếu dùng thuốc không hiệu quả, tức nhịp tim vẫn chậm làm ảnh hưởng đến sức khỏe thì phải đặt máy tạo nhịp. Máy tạo nhịp đặt ở trước ngực, tạo các xung điện, hỗ trợ kích thích và khôi phục tần số tim cần thiết, tránh đột tử.

4.2. Điều trị nhịp tim nhanh

Có nhiều biện biện pháp được sử dụng để điều trị nhịp tim nhanh như:

  • Thuốc điều trị: Thuốc chống loạn nhịp để kiểm soát và khôi phục nhịp tim bình thường
  • Liệu pháp phế vị: Thao tác đặc biệt này được dùng để ngăn chặn chứng nhịp nhanh trên thất bằng việc tác động lên dây thần kinh phế vị và hệ thống thần kinh kiểm soát nhịp tim.
  • Đốt điện: Các sóng điện sẽ đốt các ổ nhịp tim bệnh lý hoặc đốt đường dẫn truyền điện học phụ của tim.... để phòng ngừa nhịp tim không đều, nhịp nhanh.
  • Sốc chuyển nhịp: Tác động lên các xung điện để khôi phục nhịp tim bình thường.

4.3. Phẫu thuật

Khi các phương pháp dùng thuốc và can thiệp thủ thuật không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để điều trị rối loạn nhịp tim. Các phương pháp phẫu thuật có thể áp dụng:

  • Phẫu thuật bắc cầu mạnh vành: Cải thiện lưu lượng máu đến tim, được dùng trong trường hợp mắc bệnh động mạch vành khiến chứng rối loạn nhịp tim nặng hơn.
  • Phẫu thuật Maze: Bác sĩ sẽ rạch các đường lên tầng nhĩ của tim, tạo nhiều mô sẹo để cắt các đường đi của xung điện gây loạn nhịp tim.

4.4. Các nhóm thuốc điều trị rối loạn nhịp tim thông dụng

Rối loạn nhịp tim thường được ưu tiên điều trị bằng thuốc trước, nếu không hiệu quả mới xem xét đến các biện pháp can thiệp lên tim, vì có thể gây biến chứng hoặc tái phát. Cần sử dụng thuốc trong thời gian dài để điều chỉnh rối loạn xung điện và phục hồi nhịp tim bình thường. Các cơ chế tác động của thuốc gồm:

  • Ngăn chặn nhịp tim tự động bất thường
  • Kéo dài thời gian trơ và tăng thời gian phục hồi cơ tim
  • Giảm hoặc tăng tốc độ dẫn truyền xung điện trong tim

Với 3 cơ chế trên, một số nhóm các thuốc được sử dụng:

  • Nhóm thuốc chống loạn nhịp: Nhóm thuốc này có tác dụng kéo dài thời gian trơ của tim, ngăn chặn nhịp tim tự động bất thường. Các thuốc đại diện gồm dronedaron, amiodaron, propafenon...
  • Nhóm thuốc chẹn beta giao cảm: Nhóm này có tác dụng làm chậm nhịp tim, thư giãn cơ tim để giảm gánh nặng hoạt động cho tim, giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất. Nhóm này rất nhiều loại, được sử dụng rộng rãi, gồm các nhóm thuốc như atenolol, metoprolol, bisopropol...
  • Nhóm chẹn kênh canxi: Nhóm này có tác dụng giãn mạch, làm giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất, gồm các thuốc như diltiazem, verapamil…
​​Các nhóm thuốc điều trị rối loạn nhịp tim thông dụng

Ngoài ra, có thể sử dụng thêm các thuốc phụ trợ như:

  • Digoxin: Là một glycoside tim giúp tăng sức co bóp cơ tim, giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất.
  • Adenosine: Là chất chủ vận purin giúp giãn mạch và làm giảm dẫn truyền qua nút nhĩ thất.

Nhìn chung, các thuốc điều trị rối loạn nhịp tim đều phải được bác sĩ chuyên khoa kê đơn, chỉ rõ liều cần dùng và cách sử dụng, thời gian sử dụng. Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị, tránh bỏ thuốc hoặc sử dụng không đúng liều. 

Trong quá trình điều trị, các thuốc điều trị rối loạn nhịp tim có thể gây tác dụng phụ như:

  • Khiến tình trạng rối loạn nhịp tim nghiêm trọng hơn.
  • Phù chi dưới
  • Dị ứng thuốc
  • Sạm da do nhạy cảm với ánh nắng sáng mặt trời
  • Mắt nhìn mờ
  • Rối loạn vị giác
  • Tiêu chảy hoặc táo bón...

5. Những lưu ý với người bị rối loạn nhịp tim

Những lưu ý với người bị rối loạn nhịp tim

Khi điều trị rối loạn nhịp tim, ngoài sử dụng thuốc và điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ chuyên khoa, thì chế độ sinh hoạt cũng rất quan trọng. Thói quen sinh hoạt phù hợp sẽ giúp hạn chế những diễn biến nặng của rối loạn nhịp tim.

Người bệnh điều trị rối loạn nhịp tim cần có chế độ sinh hoạt phù hợp, hãy tập cho mình các thói quen sinh hoạt lành mạnh sau:

  • Thường xuyên ăn thực phẩm tốt cho tim: ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc, ăn nhạt hoặc thực phẩm ít muối
  • Thường xuyên tập thể dục thể thao: luyện tập thể dục mỗi ngày, bài tập và cường độ tham khảo ý kiến bác sĩ
  • Hạn chế uống rượu, bia, các chè, cà phê, các chất kích thích, bỏ hút thuốc (nếu có)
  • Duy trì cân nặng ổn định, luôn giữ chỉ số BMI ở mức dưới 25
  • Kiểm soát lượng cholesterol máu và đường máu ổn định
  • Luôn tái khám định kỳ.

Rối loạn nhịp tim