Thoái hóa cột sống thắt lưng là bệnh mạn tính tiến triển từ từ tăng dần gây đau, hạn chế vận động, biến dạng cột sống thắt lưng mà không có biểu hiện viêm. Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa sụn khớp và đĩa đệm cột sống phối hợp với những thay đổi ở phần xương dưới sụn, và màng hoạt dịch. Bệnh không gây nguy hiểm, nhưng lại mang tính dai dẳng, khiến người bệnh cảm thấy đau, khó chịu, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động, làm việc và học tập.
 

Nguyên nhân

Thoát hóa cột sống là hậu quả của nhiều yếu tố như tuổi cao, lao động nặng nhọc, tư thế làm việc sai lệch hoặc không thoải mái. Một số yếu tố khác như tiền sử chấn thương cột sống, bất thường trục chi dưới, tiền sử phẫu thuật cột sống, yếu cơ, di truyền,…

Do tình trạng chịu áp lực quá tải lên sụn khớp và đĩa đệm lặp đi lặp lại kéo dài trong nhiều năm, cộng thêm sự suy yếu, giảm khả năng chịu lực của cột sống (do mất xương, do thoái hóa theo tuổi tác,…) sẽ dẫn đến sự tổn thương sụn khớp, phần xương dưới sụn, mất tính đàn hồi của đĩa đệm, xơ cứng dây chằng bao khớp tạo nên những triệu chứng và biến chứng trong thoái hóa cột sống.

Biểu hiện của bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng

Biểu hiện của thoái hóa cột sống thắt lưng là do những tổn thương của đĩa đệm gây nên. Tùy thuộc vào mức độ hư đĩa đệm mà có các biểu hiện như:

- Đau lưng xuất hiện đột ngột sau chấn thương, vận động quá mức, hoặc khi thay đổi thời tiết, nhiễm lạnh.
- Đau dữ dội, hoặc âm ỉ làm hạn chế vận động, đứng vẹo qua một bên.
- Đau tăng xuất hiện khi vận động, thay đổi thời tiết, ho hay trở mình cũng đau.
- Đau có thể kèm theo cảm giác ê ẩm, tê bì vùng thắt lưng, có khi lan xuống vùng mông, thậm chí xuống tận bàn chân.
- Trường hợp nặng có thể biến dạng, lệch trục, gù vẹo cột sống.

 

Biến chứng thoái hóa cột sống thắt lưng

Thoái hóa cột sống thắt lưng không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm, tuy không gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như khả năng lao động. Các biến chứng của thoái hóa cột sống thắt lưng:

- Đau, hạn chế khả năng vận động
- Biến dạng cột sống, gù, vẹo, còng lưng
- Thoái hóa cột sống thắt lưng có thể gây ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa, gây ra đau nhức dọc theo đường của dây thần kinh tọa, khiến người bệnh phải chịu đựng cơn đau nhức từ thắt lưng xuống đến tận chân.
- Thoái hóa cột sống thắt lưng cũng sẽ gây thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, nhất là khi có một tác động như chấn thương, vận động mạnh và sai tư thế,…
- Hậu quả nghiêm trọng mà bệnh gây ra sẽ làm hạn chế khả năng vận động của bệnh nhân, đi lại khó khăn, để lâu gây teo cơ, bại liệt, làm mất khả năng vận động tự chủ, sống phụ thuộc.

Điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng

Nhìn chung tổn thương do thoái hóa khớp là không thể thay đổi, việc điều trị chỉ làm chậm quá trình diễn biến bệnh thôi. Ở những khớp chưa cứng hoàn toàn, việc điều trị có thể ngăn chặn được những suy giảm chức năng.

Điều trị nội khoa:

- Đau nhiều, người bệnh cần phải nghỉ ngơi, tránh tất cả những hoạt động gây đau. Dùng vật lý trị liệu để làm tăng tưới máu tại chỗ cho khớp. Có thể dùng đai cột sống thắt lưng, thậm chí bó bột để bất động. Ngay sau khi hết đau cấp, phải tập vận động nhẹ nhàng, phù hợp.
- Sử dụng thuốc:

Trong những trường hợp đau do thoái hóa khớp, những thuốc cơ bản được sử dụng là:

+ Thuốc giảm đau: Trong trường hợp đau nhiều, đau kéo dài, bác sĩ thường cho thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen, diclofenac, indometacin…phối hợp với paracetamol.
+ Thuốc giãn cơ: Như mydocalm, decontractyl…
+ Thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm như: Glucosamin sulfat, chondroitin sulfat, diacerein
+ Những thuốc an thần, đặc biệt nhóm diazepam có thể sử dụng trong trường hợp đau do co cơ, hoặc người bệnh quá lo lắng, nhưng không được dùng dài ngày vì dễ gây nghiện.
+ Giúp cột sống khỏe mạnh, giảm lực đè lên vị trí bị chèn ép và ngăn ngừa thoái hóa tiếp bằng sản phẩm chứa Canxi, vitamin D, MK7 cùng các dưỡng chất thiết yếu. Thời gian sử dụng sản phẩm này khi đã mắc bệnh ít nhất từ 3-6 tháng tùy theo mức độ thoái hóa. Có thể lặp lại mỗi năm ít nhất 2 đợt, mỗi đợt 3 tháng.
+ Giải phóng các rễ thần kinh và mạch máu bị chèn ép, giảm tê bì và giảm thoái hóa khớp bằng sản phẩm chứa tiền vitamin B1, các vitamin nhóm B, chondroitin, Ginkgo Biloba và cao Blueberry.
 
Điều trị ngoại khoa:

Chỉ định khi thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống gây đau thần kinh tọa kéo dài, hoặc có hẹp ống sống với các dấu hiệu thần kinh tiến triển nặng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống mà các biện pháp điều trị nội khoa không kết quả.

Phòng bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng

Phòng bệnh thoái hóa khớp nói chung đóng vai trò rất quan trọng, có thể ngăn ngừa và hạn chế các yếu tố thúc đẩy quá trình thoái hóa, làm quá trình này xảy ra chậm hơn, muộn hơn và nhẹ hơn. Phòng ngừa bệnh thoái hóa khớp có thể tập trung vào việc giảm các yếu tố nguy cơ ở trên:

- Điều chỉnh cân nặng ở trọng lượng lý tưởng, tránh dư cân béo phì.
- Tránh các tư thế xấu trong sinh hoạt và lao động hàng ngày như ngồi nhiều, đứng lâu, bảo đảm vệ sinh và an toàn lao động để giảm các lực tỳ đè bất hợp lý lên sụn khớp.
- Cố gắng tập thể dục hàng ngày và giữa các giờ lao động. Khi có tuổi, cần duy trì chế độ tập thể dục đều đặn, vừa sức, tốt nhất là đi xe đạp, đi bộ, bơi lội và tập dưỡng sinh...
- Tránh các động tác quá mạnh, đột ngột, tránh sai tư thế khi mang vác nặng.
- Phát hiện và điều trị sớm các dị tật, các di chứng của chấn thương, các bệnh lý tại cột sống.
- Bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối. Đặc biệt bổ sung Canxi, Vitamin D, MK7 và vitamin C,… vào khẩu phần ăn hàng ngày của người có tuổi.
- Sử dụng hàng ngày hoặc thành từng đợt (tùy theo độ tuổi) các sản phẩm có chứa các thành phần như canxi, vitamin D, MK7, chondroitin sulfat,… giúp tăng tái tạo xương, tái tạo mô sụn.

Ths.Bs Vũ Văn Lực

Thoái hóa cột sống