Bệnh ung thư tinh hoàn

Tinh hoàn nằm trong túi da ở dưới dương vật, còn gọi là bìu. Tinh hoàn là bộ phận sản xuất ra tinh trùng và nội tiết tố nam, có vai trò rất lớn đối với sức khỏe sinh sản ở nam giới.

Ung thư tinh hoàn xảy ra khi các tế bào khỏe mạnh trong tinh hoàn bị thay đổi. Các tế bào khỏe mạnh phát triển và phân chia một cách có trật tự để giữ cho cơ thể hoạt động bình thường. Tuy nhiên, đôi khi có một số tế bào phát triển bất thường khiến sự tăng trưởng này vượt khỏi tầm kiểm soát, những tế bào ung thư tiếp tục phân chia tạo thành khối u tinh hoàn.

Dù chiếm tỷ lệ rất thấp chỉ khoảng 1% trong tổng số các bệnh ung thư thường gặp ở nam giới, nhưng lại xảy ra ở nam giới trẻ từ 15 – 49 tuổi. Ung thư tinh hoàn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản và sinh lý nam giới, nên nó là nỗi ám ảnh với tất cả nam giới khi mắc phải.

1. Nguyên nhân gây ung thư tinh hoàn

Người có tinh hoàn ẩn rất dễ bị ung thư tinh hoàn

Nguyên nhân chính xác của ung thư tinh hoàn chưa được biết chính xác, nhưng có một số yếu tố chắc chắn sẽ làm nguy cơ gây bệnh, bao gồm:

  • Người có tinh hoàn ẩn: Bình thường tinh hoàn phát triển trong bụng thai nhi và đi xuống bìu trước khi sinh. Tuy nhiên, ở khoảng 3% bé trai, tinh hoàn không xuống bìu khi sinh ra mà nằm ở trong ổ bụng bé trai, gọi là bệnh “tinh hoàn ẩn”. Ở những người bị tinh hoàn ẩn nếu không được phát hiện và phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu, nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2,5 đến 14 lần so với người bình thường.
  • Tiền sử gia đình bị ung thư tinh hoàn: Những người có bố hay anh em trai bị ung thư tinh hoàn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân ung thư tinh hoàn không có tiền sử gia đình mắc bệnh.
  • Người nhiễm HIV: Một số bằng chứng cho thấy bệnh nhân nhiễm HIV gây suy giảm miễn dịch làm tăng nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn
  • Tiền sử bị ung thư tinh hoàn: Khoảng 3 - 4% người bệnh ung thư tinh hoàn sau khi được chữa khỏi có thể xuất hiện ung thư tinh hoàn ở bên còn lại.
  • Thoát vị: Nam giới sinh ra bị thoát vị bẹn có nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn cao hơn
  • Biến chứng của bệnh quai bị: Đây là biến chứng hiếm gặp của bệnh quai bị, trong đó một hoặc cả hai tinh hoàn bị viêm, gây đau, làm giảm khả năng sinh tinh trùng, có thể gây vô sinh hoặc phát triển ung thư tinh hoàn.
  • Chủng tộc: Nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn ở đàn ông da trắng cao gấp 4 đến 5 lần so với đàn ông da đen và châu Á.

2. Triệu chứng của ung thư tinh hoàn

Triệu chứng của ung thư tinh hoàn

Cũng giống như hầu hết các loại ung thư khác, ung thư tinh hoàn ở giai đoạn sớm hầu như không có triệu chứng gì. Khi xuất hiện các triệu chứng thì lúc đó nhiều khả năng ung thư đã ở giai đoạn nặng rồi.

Các triệu chứng thường gặp của ung thư tinh hoàn bao gồm:

  • Xuất hiện khối u ở tinh hoàn hoặc thấy 1 bên tinh hoàn to lên bất thường
  • Cảm giác khó chịu hay đau ở tinh hoàn hay trong bìu
  • Đau vùng bụng dưới do ung thư di căn hạch ổ bụng hoặc do ung thư tinh hoàn ẩn phát triển trong ổ bụng
  • Bìu cảm giác nặng, căng tức ở một bên bìu
  • Đọng dịch trong bìu ở một hoặc hai bên
  • Nổi hạch vùng bẹn, đau tức vùng bẹn
  • Suy giảm ham muốn tình dục.
  • Có thể sờ thấy hạch cổ, đau ngực, khó thở… do ung thư di căn

3. Các xét nghiệm giúp chẩn đoán ung thư tinh hoàn

Các xét nghiệm giúp chẩn đoán ung thư tinh hoàn

Ngoài các triệu chứng lâm sàng gợi ý ra, bác sĩ có thể yêu cầu chỉ định thêm một số xét nghiệm trước khi đưa ra chẩn đoán và phương pháp điều trị cuối cùng. Các xét nghiệm cần thực hiện là:

  • Xét nghiệm máu: Các chỉ số như AFP, HCG, LDH tăng cao hơn bình thường trong máu có thể là dấu hiệu của khối u tinh hoàn.
  • Siêu âm: Siêu âm tinh hoàn có thể phát hiện và xác định được kích thước khối u tinh hoàn. Bác sĩ cũng có thể xác định được tính chất của bất kỳ khối u nào.
  • Sinh thiết: Mẫu mô nhỏ được lấy từ vùng khối u trong tinh hoàn, tiến hành xét nghiệm giải phẫu bệnh giúp chẩn đoán xác định là u lành hay u ác tính một cách chính xác nhất.
  • Xác định di căn: Để chẩn đoán mức độ di phải thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu như chụp CT scan, chụp cộng hưởng từ (MRI), hoặc đơn giản nhất là chụp X quang ngực, bụng…

4. Các giai đoạn tiến triển của ung thư tinh hoàn

Các giai đoạn tiến triển của ung thư tin hoàn

Chẩn đoán giai đoạn ung thư tinh hoàn có vai trò rất quan trọng trong việc lựa chọn phác đồ điều trị hợp lý cũng như tiên lượng bệnh. Ung thư tinh hoàn được chia thành các giai đoạn như sau:

Giai đoạn 0 (còn gọi là ung thư biểu mô tế bào): Giai đoạn này các tế bào bất thường được tìm thấy trong các ống nhỏ, nơi tế bào tinh bắt đầu phát triển. Những tế bào bất thường này có thể trở thành ung thư và lan truyền vào các mô bình thường gần đó.

Giai đoạn 1: Giai đoạn này khối u đã hình thành, giai đoạn này lại được chia thành các giai đoạn 1A, 1B và 1S

  • Giai đoạn 1A: Ung thư có thể phát triển ở tinh hoàn và mào tinh hoàn, có thể lan đến lớp bên trong của màng bao quanh tinh hoàn. 
  • Giai đoạn 1B: Ung thư ở tinh hoàn và mào tinh hoàn, đã lan rộng đến các mạch máu hay mạch bạch huyết ở tinh hoàn. Ngoài ra, khối u có thể đã lan rộng đến các lớp ngoài của màng tế bào xung quanh tinh hoàn, hoặc bìu và có thể ở trong mạch máu hoặc mạch bạch huyết tinh hoàn. 
  • Giai đoạn 1S: Ung thư có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào trong tinh hoàn, dây thần kinh, hoặc bìu và các phần khác của tinh hoàn

Giai đoạn 2: Giai đoạn này lại được chia thành giai đoạn 2A, 2B và 2C

  • Giai đoạn 2A: Ung thư ở bất cứ đâu trong tinh hoàn, dây thần kinh, hoặc bìu và lan đến 5 hạch bạch huyết ở bụng với kích thước hạch nhỏ hơn 2 cm. 
  • Giai đoạn 2B: Ung thư ở bất cứ nơi nào trong tinh hoàn, dây thần kinh, hoặc bìu và lan rộng đến 5 hạch bạch huyết ở bụng, ít nhất một trong số các hạch bạch huyết lớn hơn 2 cm, nhưng không quá 5 cm. Hoặc đã lan đến hơn 5 hạch bạch huyết, các hạch bạch huyết không lớn hơn 5 cm. 
  • Giai đoạn 2C: Ung thư ở bất cứ nơi nào trong tinh hoàn, dây thần kinh, hoặc bìu tụ và lan đến một hạch bạch huyết ở bụng với kích thước lớn hơn 5 cm.

Giai đoạn 3: cũng được chia thành giai đoạn 3A, 3B và 3C

  • Giai đoạn 3A: Khối u có thể lan đến một hoặc nhiều hạch bạch huyết ở bụng và lan sang các hạch bạch huyết ở xa, hoặc di căn đến phổi 
  • Giai đoạn 3B: Khối u có thể phân mảnh và lan đến một hoặc nhiều hạch bạch huyết ở bụng, hạch bạch huyết xa hoặc di căn phổi
  • Giai đoạn 3C: Khối u có thể lan đến một hoặc nhiều hạch bạch huyết ở bụng, hạch lympho ở xa hoặc di căn phổi. Hoặc ung thư ở bất cứ nơi nào trong tinh hoàn, dây thần kinh, hoặc bìu và có thể lan đến một hoặc nhiều hạch bạch huyết ở bụng và không lan sang các hạch bạch huyết xa hoặc phổi nhưng đã lan ra các phần khác của cơ thể.

Giai đoạn 4: Khối u lan rộng và xâm chiếm sâu vào trong hệ bạch huyết và ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể.

5. Điều trị ung thư tinh hoàn

Điều trị ung thư tinh hoàn có tỷ lệ thành công khá cao, nếu điều trị sớm có thể khỏi 95%. Nói cách khác 95% các trường hợp được điều trị sẽ hồi phục hoàn toàn. Phác đồ điều trị có thể bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hoặc kết hợp.

5.1. Phẫu thuật

Phẫu thuật ung thư tinh hoàn

Phẫu thuật cắt bỏ niệu đạo thường là phương pháp điều trị đầu tiên. Tinh hoàn được phẫu thuật cắt bỏ để ngăn không cho khối u lan ra. Nếu được chẩn đoán và điều trị trong giai đoạn 1, phẫu thuật có thể là điều trị duy nhất cần thiết, khi đó vẫn có thể giữ được 1 bên tinh hoàn, cuộc sống tình dục và cơ hội sinh sản sẽ không bị ảnh hưởng.

Nhưng nếu ung thư đã lan rộng, việc phải cắt bỏ cả hai tinh hoàn là không thể tránh khỏi. Khi đó phải thực hiện liệu pháp hormon thay thế, tức phải bổ sung testosteron giúp người bệnh duy trì chức năng tình dục, nhưng sẽ không còn khả năng sinh sản nữa.

Phẫu thuật hạch bạch huyết: Nếu ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết, sẽ cần phải được phẫu thuật cắt bỏ. Thường liên quan đến các hạch bạch huyết ở bụng và ngực. 

5.2. Xạ trị

Sử dụng các chùm tia X năng lượng cao hoặc các hạt (bức xạ) để tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị bằng cách làm hỏng ADN bên trong tế bào khối u, phá hủy khả năng sinh sản của chúng. Người bị ung thư tinh hoàn, tuyến tiền liệt thường sẽ áp dụng phương pháp xạ trị cũng như phẫu thuật. Xạ trị được sử dụng để ngăn ngừa tái phát ung thư. Khi ung thư đã lan tới hạch lympho cần được xạ trị.

5.3. Hóa trị

Hoá trị liệu là việc sử dụng hóa chất (thuốc) để tiêu hủy các tế bào ung thư. Thuốc kháng độc tố ngăn ngừa tế bào ung thư không phân chia và phát triển. Hóa trị thường được dùng cho ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể. Hoá trị liệu cũng được sử dụng để ngăn ngừa tái phát ung thư, ngăn chặn ung thư tái phát.

6. Dự phòng ung thư tinh hoàn

Phòng ngừa ung thư tinh hoàn

Việc khám sức khỏe thường xuyên giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời ung thư tinh hoàn là biện pháp vô cùng quan trọng, có thể giúp điều trị khỏi hoàn toàn đến 95% các trường hợp sau phẫu thuật.

Ngoài ra, biện pháp phòng tránh các yếu tố nguy cơ cũng giúp hạn chế nguy cơ gây ung thư tinh hoàn như:

  • Phòng tránh nhiễm HIV bằng cách không dùng chung bơm kim tiêm, quan hệ tình dục an toàn, không tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết của người nghi ngờ hoặc đã nhiễm HIV…
  • Phòng tránh quai bị bằng cách tiêm phòng quai bị trước khi đến tuổi dậy thì
  • Khám và điều trị sớm thoát bị bẹn nếu có
  • Kiểm tra tinh hoàn ở trẻ sơ sinh, giúp phát hiện sớm tình trạng tinh hoàn lạc chỗ. Khi phát hiện tình trạng tinh hoàn lạc chỗ thì phải phẫu thuật ngay để đưa tinh hoàn về đúng vị trí của nó, là ở trong bìu.

Ung thư tinh hoàn