Viêm phổi do virus xảy ra với tần suất cao 60 – 70% trong các trường hợp viêm phổi, nhất là ở trẻ 2-3 tuổi. Thời tiết cũng ảnh hưởng rất lớn đến bệnh viêm phổi do virus, bệnh hay gặp vào thời tiết lạnh, ẩm ướt.

Viêm phổi do virus có thể dẫn đến các biến chứng như suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, bội nhiễm vi khuẩn.... Bệnh khó phòng tránh, dễ lây nhiễm và tái phát, nhiều trường hợp có thể lây lan thành dịch.

1. Nguyên nhân viêm phổi do virus

Nguyên nhân viêm phổi do virus

Có nhiều loại virus gây viêm đường hô hấp trong đó có viêm phổi. Một số loại virus thường gặp gây viêm phổi bao gồm:

  • Virus cúm: Gồm cúm A và cúm B (Influenza typ A, typ B) là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra viêm phổi do virus ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh hay xảy ra theo mùa (thường gặp là mua đông, thời tiết lạnh) nên còn gọi là cúm mùa.
  • Virus hợp bào đường hô hấp (RSV): Lại là nguyên nhân thường gặp gây viêm phổi ở trẻ em, đặc biệt trẻ nhỏ.
  • Các loại virus khác như cũng có thể gây viêm phổi như coronavirus, rhinovirus, virus á cúm, adenovirus.
  • Một số virus gây bệnh thường gặp nhưng lại rất hiếm khi gây viêm phổi như virus sởi, quai bị, thủy đậu, herpes.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi do virus:

  • Tuổi: Bệnh hay gặp ở người cao tuổi, trẻ em nhất là trẻ nhỏ do sức đề kháng yếu
  • Thời tiết: Thời tiết lạnh (mùa đông) nguy cơ mắc bệnh rất cao, nhất là bệnh cúm
  • Môi trường sống đông đúc, chặt hẹp, vệ sinh kém
  • Mắc bệnh mạn tính làm giảm sức đề kháng
  • Mắc hội chứng suy giảm miễn địch, điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, hóa trị liệu ung thư…
  • Hút thuốc lá kéo dài
  • Người đang điều trị trong bệnh viện

2. Đường lây truyền của virus gây viêm phổi

Đường lây truyền của virus gây viêm phổi
  • Các virus gây viêm phổi khả năng lây nhiễm rất cao, có thể lây từ người sang người qua các giọt nhỏ do người bị nhiễm ho hoặc hắt hơi bắt ra từ đường hô hấp
  • Virus cũng có thể lây từ người này sang người khác do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ đường hô hấp của người nhiễm, rồi virus có thể theo tay hay các đồ dùng cá nhân xâm nhập vào miệng, mũi, mắt… sau đó vào phổi và gây bệnh.
  • Virus cũng dễ dàng lây nhiễm thông qua bàn tay, bởi sau khi tiếp xúc với các vật dụng nguy cơ cao chứa virus như tay nắm cửa, nút bấm thang máy, điện thoại, mặt bàn... từ đó rất dễ đưa virus vào cơ thể khi chạm vào miệng hoặc mũi.

3. Các triệu chứng của viêm phổi do virus

Một số triệu chứng của viêm phổi do virus

Triệu chứng của viêm phổi do virus thay đổi rất khác nhau giữa các loại virus, tuổi người nhiễm, sức đề kháng, thời tiết… Phần lớn các trường hợp có triệu chứng nhẹ, có thể tự khỏi sau 5 – 7 ngày mà không cần điều trị gì. Nhưng cũng có một số diễn biến nặng, có thể gây bội nhiễm viêm phổi, suy hô hấp thậm chí tử vong.

Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Sốt cao 39 – 40 độ, ớn lạnh, kèm theo rét run
  • Ho khan, hắt hơi
  • Đau tức ngực, đau tăng lên khi ho hoặc hắt hơi
  • Sổ mũi, chảy nước mũi, chảy nước mắt
  • Người mệt mỏi, đau đầu, đau người
  • Ở trẻ em gặp quấy khóc, bỏ bú, chán ăn, rối loạn tiêu hóa
  • Một số trường hợp nặng có thể gặp khó thở, nhịp thở nhanh, tím môi, tím đầu chi
  • Khám phổi thường rất ít thay đổi, một số có thể có ral rít, ral ngáy, ít khi thấy ral ẩm

4. Các biến chứng của viêm phổi do virus có thể gặp

Các biến chứng của viêm phổi do virus có thể gặp
  • Bội nhiễm viêm phổi là hay gặp nhất, làm tình trạng viêm phổi kéo dài, nếu không được điều trị phù hợp có thể dẫn đến suy hô hấp, thậm chí tử vong
  • Biến chứng viêm não, màng não: Đây là biến chứng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, có thể để lại di chứng suốt đời
  •  Suy hô hấp nặng: Một số ít trường hợp biến chứng viêm phổi nặng, gây suy hô hấp, tím tái

5. Chẩn đoán viêm phổi do virus

Chẩn đoán dựa vào các triệu chứng:

Lâm sàng:

  • Sốt cao, ho khan, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi
  • Trẻ em có rút lõm lồng ngực, tím môi, trẻ quấy khóc, bỏ bú, chán ăn…
  • Khám phổi ít có thay đổi, có thể có ral rít, ral ngáy
  • Các triệu chứng ngoài phổi có thể gặp: nôn trớ, tiêu chảy, phát ban, viêm kết mạc, gan lách to…

Nói chung triệu chứng lâm sàng trong viêm phổi do vi rút rất nghèo nàn, không đặc hiệu, rất khó phân biệt với các triệu chứng của viêm phổi do vi khuẩn.

Chẩn đoán viêm phổi do virus

Cận lâm sàng:

  • Công thức máu: Số lượng bạch cầu bình thường hay tăng nhẹ
  • CRP bình thường
  • X quang phổi: Tổn thương đa dạng và không điển hình, hay gặp hình ảnh thâm nhiễm khoảng kẽ lan toả hình lưới hay hình liễu rủ.

Chẩn đoán xác định viêm phổi do virus dựa vào:

  • Test nhanh phát hiện kháng nguyên virus cho kết quả nhanh trong vòng 15 phút. Tuy nhiên độ nhạy còn thấp, nên nhiều trường hợp âm tính giả. Hiện đang được áp dụng với cúm A, B, virus hợp bào đường hô hấp, coronavirus. 
  • Real-time PCR phát hiện chuỗi RNA đặc hiệu của virus từ dịch tiết đường hô hấp: phương pháp này có độ nhạy cao, cho kết quả chính xác nhất nhưng hiện ít làm vì tốn kém và cho kết quả chậm.
  • Chẩn đoán huyết thanh: Phát hiện sự hiện diện của kháng thể kháng virus. Với 2 mẫu huyết thanh, một mẫu ở giai đoạn cấp, một mẫu ở giai đoạn lui bệnh. Khi có sự tăng hiệu giá kháng thể đối với một loại virus lên gấp 4 lần thì được chẩn đoán xác định. Xét nghiệm này chủ yếu thực hiện với mục đích nghiên cứu, vì kết quả muộn.

6. Điều trị viêm phổi do virus

Nói chung bệnh viêm phổi do virus khá nhẹ, nhiều trường hợp tự khỏi sau 5 – 7 ngày mà không cần điều trị gì. Các biện pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng.

Điều trị triệu chứng

Điều trị triệu chứng viêm phổi do virus

  • Hạ sốt nếu có sốt cao, thường dùng nhất là nhóm paracetamol với liều 15mg/kg cân nặng mỗi 4 giờ
  • Rất hạn chế cho thuốc giảm ho, vì động tác ho giúp tống các chất tiết ra ngoài
  • Điều trị sổ mũi bằng thuốc kháng histamin
  • Bù nước điện giải bằng cách uống uống nhiều nước, sữa, oresol… trường hợp có mất nước thì phải bù dịch bằng đường tĩnh mạch.

Chống nhiễm khuẩn

  • Chỉ sử dụng kháng sinh khi có bội nhiễm
  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: Vệ sinh răng miệng, vệ sinh ngoài da, trang phục sạch sẽ, không dùng chung đồ dùng cá nhân
  • Chống nhiễm khuẩn bệnh viện đối với trường hợp phải nằm điều trị tại bệnh viện

Chống suy hô hấp bằng các biện pháp

Nhỏ nước muối sinh lý để tránh làm tắc mũi

Phòng nghỉ phải thoáng khí, yên tĩnh, trang phục thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông

Hỗ trợ kịp thời tùy theo mức độ suy hô hấp

  • Nhỏ nước muối sinh lý rồi hút sạch mũi để tránh tắc mũi, vỗ rung kèm dẫn lưu tư thế, hút sạch đờm rãi.
  • Trường hợp có khó thở, tím tái phải cho thở oxy qua mặt nạ hay thở oxy gọng kính cho đến khi hết tím tái. Phải thường xuyên theo dõi nhịp thở, SpO2, mạch, nhiệt độ, huyết áp để kịp thời xử trí.
  • Trường hợp tím tái nặng, ngừng thở có thể phải đặt ống nội khí quản để dễ dàng hút thông đường thở, bóp bóng hô hấp hỗ trợ hoặc thở máy. 

Đảm bảo dinh dưỡng

  • Đối với trẻ nhỏ: Cung cấp đủ năng lượng theo cân nặng, lứa tuổi, nếu bú kém cần cho trẻ ăn bằng thìa để đảm bảo số lượng.
  • Trẻ ăn dặm, trẻ lớn và người trưởng thành: Cần cung cấp thức ăn dễ tiêu và đảm bảo lượng calo cần thiết.
  • Trường hợp không tự ăn được: Cần phải tiến hành cho ăn qua ống thông dạ dày hoặc nuôi dưỡng tĩnh mạch

Chống mất nước, rối loạn điện giải

  • Theo dõi và đánh giá tình trạng mất nước dựa vào thóp ở trẻ, môi, mắt, nếp véo da khát nước, tinh thần, nước tiểu…. Đảm bảo nước và dinh dưỡng đủ.
  • Cho uống nhiều nước, sữa, dung dịch oresol, hoặc truyền dịch khi có chỉ định.
  • Theo dõi tình trạng điện giải để kịp thời điều chỉnh.

Dùng thuốc kháng virus đặc hiệu

Dùng thuốc kháng virus đặc hiệu để điều trị viêm phổi do virus

Chỉ dùng khi đã xác định được chính xác chủng virus gây viêm phổi. Một số trường hợp cụ thể:

  • Dùng oseltamivir (Tamiflu): Để điều trị cúm A
  • Zanamivir dạng hít định liều, sử dụng trong trường hợp không có oseltamivir.
  • Ribavirin: Dạng khí dung, điều trị RSV, adenovirus

7. Dự phòng viêm phổi do virus

Dự phòng chủ động tốt nhất là tiêm vaccine, hiện đã có vaccine phòng cúm mùa. Tuy nhiên chưa có loại vaccine nào phòng được tất cả các chủng cúm mùa, nên hiệu quả còn chưa cao.

Ngoài ra, cần thực hiện cá biện pháp sau giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh:

  • Thường xuyên rửa tay đúng cách vời xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay khô
  • Tránh tiếp xúc với những người bị nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh
  • Không đưa tay lên miệng, mũi hay mắt khi chưa sát khuẩn tay sạch
  • Vệ sinh môi trường sạch sẽ, thoáng mát, hạn chết tập trung đông người trong môi trường chặt hẹp
  • Vệ sinh các bề mặt như mặt bàn, tay nắm cửa… tại nhà và nơi làm việc
  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác
  • Khi có dấu hiện viêm đường hô hấp phải ở nhà, không đến các nơi đông người để tránh lây nhiễm cho người khác.
  • Khám và điều trị sớm các bệnh lý đường hô hấp hay các bệnh lý mạn tính khác.

Viêm phổi