Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính, bệnh diễn biến kéo dài và gây ra nhiều biến chứng nặng nề nếu không được điều trị sớm và đúng phương pháp.

Có hai nhóm biến chứng, đó là biến chứng cấp tính có thể đe dọa tính mạng người bệnh và biến chứng mạn tính (biến chứng xa) làm suy yếu sức khỏe, có thể tàn phế, giảm chất lượng cuộc sống.

Biến chứng cấp tính

Là những biến chứng nặng, có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng. Ở đái tháo đường type 1 biến chứng cấp tính thường gặp là nhiễm toan cetone, trong khi type 2 là tình trạng tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng glucose máu, hạ glucose máu, nhiễm toan acid lactic.

+ Nhiễm toan cetone:

Thường gặp trong đái tháo đường type 1, đặc trưng bằng tam chứng tăng glucose máu rất cao, nhiễm toan chuyển hóa và nhiễm toan ceton máu.

Nguyên nhân phổ biến dẫn đến nhiễn toan cetone là dùng insulin không đủ liều, cũng có thể xảy ra khi mắc các bệnh lý cấp tính như viêm phổi, viêm đường tiết niệu, nhiễm khuẩn tiêu hóa, tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim, viêm tụy cấp, chấn thương….

Diễn biến thường nhanh chóng với các biểu hiện như buồn nôn, nôn, đau bụng, ỉa chảy thở nhanh sâu, khát nước nhiều, mạch nhanh, huyết áp tụt, giảm thân nhiệt,… Trường hợp nặng có biểu hiện thần kinh như ngủ gà, lơ mơ, co giật, hôn mê.

Đây là biến chứng nặng, cần được cấp cứu nhanh chóng, nếu không cấp cứu kịp thời để lại nhiều hậu quả nặng nền, thậm chí tử vong.

+ Hạ glucose máu:

Thường gặp ở người già mắc đái tháo đường type 2 điều trị bằng viên uống hạ đường huyết nhóm sulfonylurea.

Biểu hiện thường gặp là hoa mắt, chóng mắt, vã mồ hôi, chân tay lạnh, mạnh nhanh, huyết áp tụt, ngất xỉu, thậm chí mất ý thức....

+ Nhiễm toan acid lactic:

Cũng thường gặp ở người cao tuổi bị đái tháo đường type 2. Nguyên nhân thường do uống quá nhiều biguanid, làm phân hủy quá nhiều glycogen dẫn đến tăng acdi lactic. Ngoài do thiếu oxy tổ chức như suy tim, suy hô hấp, thiếu máu, mất máu, suy gan, suy thận,.…

Xuất hiện đột ngột, với các biểu hiện nôn, da nhợt, hạ thân nhiệt, tụt huyết áp, mạch nhanh, thở nhanh sâu, đái ít. Trường hợp nặng có biểu hiện lơ mơ, rối loạn ý thức, rồi hôn mê.

+ Tăng áp lực thẩm thấu máu:

Đây cũng là một biến chứng cấp tính, gặp ở người đái tháo đường type 2, mất nước nhiều. Yếu tố thuận lợi do nôn nhiều, tiêu chảy cấp, nhiễm khuẩn, tai biến mạch não, dùng thuốc lợi tiểu,…

Biểu hiện lâm sàng là tình trạng mất nước như khát nhiều, da khô, nhăn nheo, mắt trũng, buồn nôn, nôn, ỉa chảy,… Trường hợp nặng có thể ý thức lơ mơ, vật vã, kích thích, hôn mê.

Biến chứng mạn tính

+ Biến chứng vi mạch:

Bệnh lý võng mạc đái tháo đường, đây là nguyên nhân chính gây mù. Gồm hai giai đoạn là bệnh lý võng mạc do đái tháo đường không tăng sinh và bệnh lý võng mạc do đái tháo đường tăng sinh.

Bệnh lý vi mạch thận (bệnh thận đái tháo đường), thường xảy ra đồng thời với bệnh lý võng mạc, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy thận mạn tiến triển. Triệu chứng ở giai đoạn sớm là protein niệu, xuất hiện sau 10-15 năm sau khi bị phát hiện đái tháo đường, mà biểu hiệu giai đoạn đầu là albumin niệu vi thể.

+ Biến chứng thần kinh đái tháo đường:

Đường huyết tăng cao có thể gây tổn thương toàn bộ sợi thần kinh của cơ thể nhưng chi dưới và bàn chân thường bị tổn thương nhiều nhất.

Biến chứng thần kinh do bệnh đái tháo đường ít khi gây tử vong nhưng lại là thủ phạm chính gây tàn phế, giảm chất lượng cuộc sống và là nguyên nhân hàng đầu phải cắt cụt chân.

Cơ chế gây tổn thương thần kinh ở các bệnh nhân tiểu đường chưa được biết rõ hoàn toàn. Có thể tình trạng đường máu cao kéo dài sẽ gây tổn thương (tắc, hẹp) các mạch máu nhỏ nuôi dây thần kinh, mặt khác đường máu cao còn sinh ra các sản phẩm chuyển hóa gây độc cho dây thần kinh.

Triệu chứng của bệnh thần kinh do tiểu đường rất khác nhau, tùy thuộc vào vị trí và dây thần kinh nào bị tổn thương. Dấu hiệu sớm là giảm cảm giác đồng đều ở cả hai chân, tê bì, kiến bò, đau chân.... Các biểu hiện thường gặp ở hai bàn chân, cẳng chân, tuy nhiên cũng có thể gặp ở những vị trí cao của cơ thể.

Hậu quả của biến chứng thần kinh có thể dẫn đến loét, hoại tử vô khuẩn, nhiều trùng ở bàn chân, nhiều trường hợp phải cắt cụt chân, dẫn đến tàn phế. Một số hậu quả khác có thể gặp là tiểu không tự chủ, nhiễm khuẩn tiết niệu, đau khớp, biến dạng khớp, rối loạn tiêu hóa,…

+ Biến chứng mạch máu lớn:

Biểu hiện xơ vữa nhiều mạch máu, tùy theo vị trí mà có thể gây ra các bệnh khác nhau, như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, viêm tắc mạch chi dưới, nhồi máu thận,…

+ Biến chứng nhiễm trùng:

Những người bị đái tháo đường nguy cơ nhiễm trùng rất cao, khi bị nhiễm trùng rồi thì việc điều trị rất khó khăn, nguy cơ rất cao hình thành các ổ áp xe.

Có thể gặp như lao phổi, áp xe phổi, viêm đường tiết niệu, viêm thận bể thận, áp xe thận, nhiễm trùng cơ quan sinh dục, nhiễm trùng da,…

+ Tăng huyết áp:

Thường tăng huyết áp xuất hiện trước hoặc song song với bệnh đái tháo đường. Nhưng cũng có thể do hậu quả của bệnh lý cầu thận gây tăng huyết áp. Hay gặp ở những người đái đường type 2, nhất là bị béo phì.

+ Biến chứng bàn chân ở người đái tháo đường:

Bệnh lý bàn chân ở người đái tháo đường phối hợp của 3 yếu tố, đó là bệnh lý mạch máu ngoại biên, bệnh lý thần kinh và suy giảm miễn dịch.

Mức độ nhẹ có thể chỉ loét ở ngoài da, chảy nước, hoại tử không có hoặc rất ít. Mức độ trung bình có thể loét sâu hơn, chảy mủ, hoại tử mô mức độ trung bình, có thể có viêm xương. Trường hợp nặng, tình trạng loét sâu vào tận lớp dưới da, thậm chí loét vào xương, khớp, chảy mủ nhiều, hoại tử vô khuẩn nặng và lan rộng.

Hoại tử vô khuẩn nặng là nguyên nhân hàng đầu phải cắt cụt chi, dẫn đến tàn phế, sống phụ thuộc, mất tự chủ.
 

Ths.Bs Vũ Văn Lực

Đái tháo đường