Tóm tắt nội dung
Giác mạc là một màng trong suốt, rất dai, không có mạch máu có hình chỏm cầu, chiếm 1/5 phía trước của vỏ nhãn cầu. Giác mạc che phủ mống mắt và đồng tử, là bộ phận tiếp xúc với ánh sáng đầu tiên, cho phép ánh sáng đi qua rồi khúc xạ ở võng mạc, giúp mắt nhìn thấy.
Viêm giác mạc là tình trạng mà giác mạc trở nên sưng phù hoặc viêm, làm cho mắt đỏ, đau và ảnh hưởng đến thị lực. Viêm giác mạc có khi đi kèm với loét giác mạc còn được gọi là viêm loét giác mạc. Đây là bệnh rất nguy hiểm vì có thể để lại những di chứng vĩnh viễn như sẹo giác mạc, lồi mắt cua, thủng nhãn cầu, thậm chí là mất một phần hoặc toàn bộ thị lực.
Viêm giác mạc có thể liên quan đến nhiễm trùng bao gồm viêm giác mạc do vi khuẩn, do virus, do nấm và viêm giác mạc do ký sinh trùng. Người đeo kính tiếp xúc có nguy cơ cao bị viêm giác mạc nếu không vệ sinh tốt. Ngoài ra, viêm giác mạc có thể không phải do nhiễm trùng, xảy ra chỉ bởi một vết xước đơn giản hoặc từ việc đeo kính áp tròng quá lâu.
1. Nguyên nhân gây viêm giác mạc
Nguyên nhân viêm giác mạc hoặc viêm loét giác mạc bao gồm:
- Nhiễm vi khuẩn
- Nhiễm virus
- Nhiễm nấm, do dị vật thực vật trong mắt
- Nhiễm kí sinh trùng
- Vệ sinh và hoặc bảo quản kính tiếp xúc không đúng cách
- Đeo kính tiếp xúc quá lâu
- Vết thương rách giác mạc
- Thiếu vitamin A (hiện nay rất hiềm gặp).
2. Phân loại viêm giác mạc
- Viêm biểu mô giác mạc nông: Chủ yếu do virus như Herpes, Zona, Adenovirus… hoặc do khô mắt, hở mi, nhiễm độc…
- Viêm giác mạc sâu: Tác nhân gây bệnh thường theo đường máu, có thể do lao, giang mai, phong, virus….
- Viêm giác mạc sợi: Thường do bị khô mắt, có thể do tiêu hao nhiều nước mắt như thường xuyên thức đêm, mất ngủ, mắt nhắm không kín do liệt VII, hở mi... hay do không sản xuất đủ nước mắt gặp trong thiếu vitamin A, dị ứng thuốc, một số loại thuốc tra mắt….
- Viêm loét giác mạc: Nguyên nhân có thể do vi khuẩn, virus, nấm, kí sinh trùng, sau vết thương rách giác mạc…
3. Triệu chứng viêm giác mạc
Các triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Đỏ mắt
- Đau nhức mắt
- Chảy nước mắt
- Đau hoặc khó chịu làm cho việc mở mắt khó khăn
- Rát, cảm giác như có sạn hoặc ngứa trong mắt
- Sưng quanh mắt
- Có cảm giác có dị vật ở trong mắt
- Giảm thị lực
- Nhạy cảm với ánh sáng (sợ ánh sáng).
- Loét giác mạc
- Có thể hình hành vùng mờ đục ở giác mạc.
4. Điều trị viêm giác mạc
Điều trị viêm giác mạc hoặc viêm loét giác mạc phụ thuộc vào loại viêm giác mạc và mức độ viêm. Thuốc nhỏ mắt kháng khuẩn hoặc kháng nấm có thể được sử dụng để điều trị trường hợp nhiễm trùng giác mạc.
Một số trường hợp, có thể nhỏ thuốc có chứa steroid là cần thiết để làm giảm viêm, giảm sưng cho giác mạc.
Trường hợp mà giác mạc sau khi bị viêm để lại sẹo xấu hoặc hoặc bị mỏng, để phục hồi thị lực thì ghép giác mạc có thể phải xem xét đến.
Một số lưu ý khi điều trị viêm giác mạc:
- Không nên băng kín mắt vì có thể tạo điều kiện cho các vi sinh vật phát triển mạnh hơn.
- Nên đeo kính râm giúp bảo vệ mắt tránh những kích thích từ môi trường.
- Không nên đeo kính áp tròng hay trang điểm trong quá trình điều trị.
- Tránh dụi mắt hay những vật thể có tác động đến mắt.
5. Dự phòng viêm giác mạc
Để phòng viêm giác mạc, có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Sử dụng các biện pháp bảo hộ mắt khi làm việc trong môi trường nhiều khói, bụi, hơi hóa chất… như đeo kính bảo hộ, tấm che mặt
- Sử dụng kính mát khi di chuyển ngoài đường tránh bụi và dị vật bay vào mắt.
- Đeo kính bảo vệ mắt trong trường hợp bị hở mi.
- Điều trị dứt điểm các bệnh về mắt và bệnh toàn thân có nguy cơ gây viêm giác mạc.
- Không dùng tay dụi mắt, không tự sử dụng các vật dụng để lấy dị vật, không đắp các loại thuốc lá trực tiếp vào mắt.
- Uống đủ vitamin A cho mắt và thường xuyên chớp mắt để tránh khô mắt.
- Sử dụng kính áp tròng phải vệ sinh trước và sau khi đeo.
Viêm giác mạc