Tóm tắt nội dung
Giác mạc quyết định hầu hết khả năng thị lực của cơ thể, giống như cửa sổ bảo vệ. Chức năng của giác mạc là để tia sáng xuyên qua mắt và hội tụ ở võng mạc.
Củng mạc là một sợi mô xơ rất dai đan chéo nhau rất vững chắc, màu trắng chiếm 4/5 sau của nhãn cầu, có nhiệm vụ bảo vệ cho các màng và các môi trường bên trong của nhãn cầu.
Lót bên trong giác mạc và củng mạc là màng bồ đào. Màng bồ đào gồm ba phần: mống mắt, thể mi và hắc mạc. Mống mắt và thể mi gọi là màng bồ đào trước, hắc mạc gọi là màng bồ đào sau. Mống mắt – nơi quyết định màu sắc của mắt, ở trung tâm mống mắt có lỗ đồng tử có phản ứng co hoặc giãn với các kích thích của ánh sáng.
Viêm màng bồ đào được phân loại theo vị trí giải phẫu:
- Viêm màng bồ đào trước: Viêm mống mắt – thể mi.
- Viêm màng bồ đào trung gian: Viêm vùng pars-plana.
- Viêm màng bồ đào sau: Viêm hắc mạc.
- Viêm màng bồ đào toàn bộ: Viêm đồng thời cả mống mắt thể mi và hắc mạc.
1. Nguyên nhân gây viêm mống mắt thể mi
Viêm mống mắt thể mi có thể do nhiễm khuẩn, chấn thương hoặc là phản ứng viêm theo cơ chế miễn dịch, tự miễn với kháng nguyên xâm nhập hoặc kháng nguyên của chính màng bồ đào.
Các bạch cầu đa nhân, bạch cầu ái toan, tương bào đều có thể góp phần vào quá trình viêm màng bồ đào nhưng tế bào lympho là tế bào viêm chiếm ưu thế ở nội nhãn trong viêm màng bồ đào.
2. Biểu hiện triệu chứng của viêm mống mắt thể mi
Triệu chứng cơ năng
- Giảm thị lực: là triệu chứng xuất hiện đầu tiên, đôi khi có cảm giác như nhìn qua màn sương, ảnh hưởng đến sinh hoạt và làm việc.
- Đau nhức mắt: có thể đau âm ỉ, đôi khi đau nhiều thành cơn kèm theo nôn hoặc buồn nôn.
- Sợ ánh sáng, chảy nước mắt, đỏ mắt.
Nhiều trường hợp không hề có triệu chứng gì, bệnh viêm mống mắt thể mi được phát hiện tình cờ khi khám mắt.
Triệu chứng thực thể
- Cương tụ rìa: Cương tụ xung quanh vùng rìa giác mạc, càng xa vùng rìa cương tụ càng giảm dần.
- Mặt sau giác mạc có thể có lắng đọng chất xuất tiết, mống mắt có màu sẫm.
- Thủy dịch vẩn đục.
- Thể thủy tinh có những chấm sắc tố mống mắt bám ở mặt trước.
- Nhãn áp ở giai đoạn đầu thường thấp, sau có thể cao trong đợt viêm cấp do xuất tiết làm bít diện đồng tử hoặc nghẽn góc tiền phòng.
- Những thay đổi ở đồng tử: Đồng tử co nhẹ, phản ứng chậm, có thể dính vào mặt trước thể thủy tinh, nếu dùng thuốc giãn đồng tử có thể làm tách dính hoàn toàn hoặc không hoàn toàn.
- Tổn thương ở mống mắt: Mống mắt phù viêm, khi dính hết bờ đồng tử vào mặt trước thể thủy tinh, thủy dịch ứ đọng ở hậu phòng đẩy phồng mống mắt.
- Dấu hiệu phản ứng thể mi.
- Thể thủy tinh: Thường gặp tủa sắc tố mặt trước thể thủy tinh hoặc có thể gặp đục thể thủy tinh do bệnh viêm mống mắt – thể mi.
3. Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm mống mắt thể mi
- Tăng nhãn áp là biến chứng khá phổ biến của viêm mống mắt thể mi, tăng nhãn áp trong đợt viêm cấp là do nghẽn đồng tử, nghẽn góc tiền phòng do xuất tiết.
- Tăng nhãn áp còn có thể do dùng kéo dài thuốc corticosteroid trong điều trị bệnh viêm màng bồ đào.
- Đục thể thủy tinh cũng rất thường gặp trong viêm mống mắt thể mi mạn tính hoặc tái phát, là biến chứng của chính quá trình viêm hoặc do điều trị corticosteroid kéo dài.
- Teo nhãn cầu trong viêm mống mắt thể mi nặng, thể mi giảm tiết thủy dịch vĩnh viễn đến teo nhãn cầu.
4. Chẩn đoán viêm mống mắt thể mi
Triệu chứng lâm sàng viêm mống mắt thể mi không có gì đặc hiệu, nên chẩn đoán chủ yếu dựa vào các xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Xét nghiệm sinh hóa: Xét nghiệm máu, thủy dịch hoặc dịch kính tìm tác nhân gây bệnh hoặc kháng thể đặc hiệu (miễn dịch huỳnh quang, Elisa, PCR…), xác định kháng nguyên bạch cầu HLA-B27, HLA-B5...
- Siêu âm mắt: Đánh giá tình trạng dịch kính, võng mạc trong trường hợp đục dịch kính, bong dịch kính sau, bong võng mạc nội khoa…
- Đo điện nhãn cầu.
- Chụp huỳnh quang đáy mắt.
5. Điều trị viêm mống mắt thể mi
Điều trị nội khoa
- Điều trị viêm mống mắt thể mi thường khó khăn vì điều trị phải dựa vào chẩn đoán nguyên nhân mà nhiều trường hợp không tìm được nguyên nhân.
- Điều trị theo nguyên nhân bằng thuốc đặc hiệu như: Kháng sinh chống vi khuẩn, thuốc kháng virus, thuốc chống nấm, thuốc diệt ký sinh trùng…
- Thuốc làm giãn đồng tử và liệt thể thể mi: Atropin 1 – 4% tra mắt 1 – 2 lần/ngày, có tác dụng làm giãn đồng tử, tách dính mống mắt vào mặt trước thể thủy tinh, làm giảm tiết và nghỉ ngơi thể mi, có tác dụng giảm viêm và giảm đau.
- Thuốc kháng viêm: Corticosteroid là thuốc kháng viêm chủ lực trong điều trị viêm mống mắt thể mi, có nhiều dạng và nhiều đường dùng như tra mắt, tiêm tại mắt hoặc dùng đường toàn thân. Thuốc có nhiều tác dụng phụ nên cần theo dõi chặt chẽ khi dùng.
- Các thuốc kháng viêm không steroid có thể dùng thay thế trong trường hợp chống chỉ định dùng corticosterid: Indomethacin, Diclofenac….
- Thuốc ức chế miễn dịch: Dùng trong những trường hợp viêm mống mắt thể mi nặng, kháng corticosteroid. Bao gồm các thuốc như Cyclophosphamit, Clorambuxil, Azathioprin, Methotrexat, Cyclosporin.…
Điều trị bằng phẫu thuật
Phẫu thuật chủ yếu để điều trị biến chứng viêm mống mắt thể mi. Các biện pháp có thể áp dụng:
- Phẫu thuật thể thủy tinh.
- Phẫu thuật điều trị tăng nhãn áp.
- Cắt dịch kính, bóc màng trước võng mạc.
- Phẫu thuật bong võng mạc.
Viêm mống mắt thế mi