Số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao ở miền Bắc
TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam có hơn 40 nghìn ca mắc sốt xuất huyết trong đó có 8 ca tử vong. So với năm 2022 thì tình hình giảm gần 50% số người mắc. Tuy nhiên cũng không được chủ quan vì năm 2022 có số ca mắc và tử vong vì sốt xuất huyết (49 ca tử vong) nhiều nhất trong lịch sử.
Trong khoảng 2 tuần trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết bắt đầu tăng dần. 6 tháng đầu năm ở miền Bắc có hơn 1000 ca mắc sốt xuất huyết (cao hơn 60% so với cùng kỳ so với năm ngoái), nên khả năng cao bùng phát dịch. Hà Nội hiện tại là điểm nóng nhất nước về sốt xuất huyết. Do có mật độ dân số cao nên tỉ lệ mắc thường tăng rất nhanh.
"Năm nay nắng mưa rất thất thường, miền Bắc có nhiệt độ trung bình cao, mưa nhiều, nắng lắm, làm môi trường sống của muỗi sốt xuất huyết phát triển. Những năm El Nino có nền nhiệt độ cao thì số ca mắc sốt xuất huyết cũng tăng theo. Đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo để chúng ta không được phép chủ quan. Nhiệt độ cao thì vòng đời của muỗi ngắn lại khiến muỗi sinh sản nhiều hơn, khả năng tiếp xúc giữa muỗi và người cũng nhiều hơn. Chỉ cần có nguồn bệnh là sẽ bùng phát dịch", TS Dũng nói.
Theo TS Dũng, hiện nay thời tiết khá thất thường sẽ ảnh hưởng đến khả năng bùng dịch sốt xuất huyết. Chu kỳ trước đây là 4-5 năm lặp lại chu kỳ nhưng với sự biến động của thời tiết, quy luật này đã phá vỡ. Dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào, năm nay dịch ở miền Nam đã giảm hơn so với năm ngoái nhưng miền Bắc lại tăng đến 60% so với cùng kỳ. Năm 2017 số ca mắc và tử vong vì sốt xuất huyết rất cao, đến 2019 và 2022 cũng có số ca mắc rất cao. Đây đều không phải là các chu kỳ 4 năm.
Về nguyên nhân năm 2022 có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao kỷ lục, TS Dũng cho biết, năm 2022 gần như mọi người đều mắc COVID-19, miễn dịch giảm xuống, khi mắc sốt xuất huyết thì số ca tử vong tăng cao. Những ca có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cũng tăng bất thường. "Chưa có số liệu chính thức nhưng các nhà khoa học đã nghĩ tới nguyên nhân này", TS Dũng nói.
Phòng bệnh tại nhà là biện pháp hữu hiệu nhất
Sốt xuất huyết là một trong những bệnh phòng chống phức tạp vì không chỉ dựa vào đội ngũ y tế mà phải dựa vào người dân. Sau dịch COVID-19, nguồn lực y tế dự phòng của chúng ta bị thay đổi rất nhiều, thiếu nhân lực là một thách thức lớn. Sắp tới cần phải quan tâm hơn nữa đến y tế dự phòng.
Sốt xuất huyết bắt đầu xuất hiện vào tháng 4 và kết thúc vào tháng 12. Tuy nhiên năm 2022 thì bệnh bùng phát không theo chu kỳ thường gặp. Năm nay, tháng 1-3 số người bị bệnh cao hơn năm 2022, còn ở miền Bắc lại tăng cao hơn. Nắng lắm mưa nhiều khiến miền Bắc năm nay có khả năng rất cao bùng phát dịch.
Để phòng chống sốt xuất huyết, người dân phải dọn dẹp sạch sẽ môi trường sống, không để nước đọng trong các xô chậu, chum vại… Muỗi đẻ trứng trong các thiết bị đồ dùng chứa nước trong nhà, chỉ cần không có nước đọng thì không có muỗi. Chỉ có người dân mới làm được chứ không có đội ngũ y tế nào làm thay được.
Muỗi sốt xuất huyết không đẻ trứng ở ao tù nước đọng, chúng chỉ đẻ trứng trong các thiết bị đựng nước sạch như nước mưa. Do vậy càng ở nội đô, khả năng bị sốt xuất huyết càng cao. Ở các vùng ngoại thành, bao giờ số lượng bệnh nhân cũng thấp hơn. Loại muỗi này sống gần người, mật độ đô thị càng đông thì muỗi càng phát triển. Đó là lý do ở các vùng dân tộc thiểu số miền núi hiếm khi gặp bệnh nhân sốt xuất huyết.
TS Dũng khẳng định, không có loăng quăng bọ gậy thì không có sốt xuất huyết. Khi xuất hiện muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thì phải phun hóa chất diệt muỗi, nhưng nên nhớ chỉ 1-2 tiếng là không còn tác dụng. Nếu không diệt bọ gậy thì chúng lại nở ra thành muỗi. Để phòng bệnh, hãy vệ sinh môi trường trong nhà và xung quanh nhà. Những dụng cụ nào không cần thiết thì tuyệt đối không được chứa nước.
"Người ở chung cư cao tầng cũng hoàn toàn có thể bị muỗi sốt xuất huyết đốt. Muỗi không bay cao được như vậy nhưng có một số con đường muỗi có thể phát tán như thang máy. Nhà cao tầng nên sử dụng các biện pháp cơ học như vợt muỗi do chỉ có một vài con thì không nhất thiết phải sử dụng hóa chất. Hóa chất diệt côn trùng ở góc độ nào đó cũng ảnh hưởng đến sức khỏe nên hạn chế sử dụng", TS Dũng nhấn mạnh.
Hiện trên thị trường có rất nhiều nhãn hàng hóa chất phòng chống diệt côn trùng. TS Dũng cho biết ông không bao giờ khuyên người dân mua hóa chất về phun diệt côn trùng. Để phun thì phải có kỹ năng và dụng cụ chuyên biệt mới an toàn cho sức khỏe. Nếu muốn phun hóa chất thì hãy sử dụng các dịch vụ cung cấp của các đơn vị rõ ràng. Không nên sử dụng các loại hóa chất không rõ ràng tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thậm chí làm cho muỗi trở nên kháng thuốc.
Các tỉnh thành hiện đang tự chủ nguồn phòng chống sốt xuất huyết. Các Viện là cơ quan tham mưu cho Bộ Y tế để có chiến lược phòng bệnh tốt nhất. Mới đây, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Paster, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng, côn trùng Trung ương đã tham mưu cho Bộ Y tế để xây dựng lại hướng dẫn phòng chống bệnh sốt xuất huyết ban hành từ năm 2014, hiện đang chờ được phê duyệt.
TS Dũng cho biết, hiện nay đã có vaccine thế hệ 4 phòng chống sốt xuất huyết, đang chờ các thủ tục nhập về và lưu hành ở Việt Nam. Vaccine này có 4 tip (chủng khác nhau), chúng biến đổi rất nhanh nên việc nghiên cứ khá phức tạp. Tuy nhiên đến thời điểm này đã có đơn vị nghiên cứu thành công, hy vọng thời gian tới Việt Nam sẽ có thể lưu hành vaccine này.
Sốt xuất huyết là bệnh cấp tính, do virus Dengue gây ra. Với thể nhẹ có thể tự điều trị tại nhà nhưng phải được chẩn đoán theo dõi bởi các nhân viên y tế. Thể nhẹ nghĩa là chỉ có sốt ngày thứ 1, thứ 2 chưa có biến chứng. Bệnh nhân điều trị tại nhà bằng thuốc giảm đau, hạ sốt. Thường vào ngày thứ 5-7 là giai đoạn bệnh có thể tiến triển nặng. Cần chú ý theo dõi các dấu hiệu như chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài phân đen hoặc có biểu hiện nặng hơn như chân tay lạnh, đau bụng, buồn nôn và tụt huyết áp, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn.