Trong bệnh lao xương - khớp, trực khuẩn lao xuất phát từ tổn thương lao phổi hoặc lao hạch rồi lan đến khu trú và gây bệnh ở các đốt sống, các khớp háng, gối, cổ chân, khuỷu tay và cổ tay. Lao khớp thường chỉ khu trú ở một khớp đơn độc.

Trực khuẩn lao có thể lan từ phức hợp sơ nhiễm tới bất kỳ xương hoặc khớp nào trong cơ thể. Thông thường, trực khuẩn lao tới xương - khớp chủ yếu theo đường máu, một số ít theo đường bạch huyết. Cũng có thể lao lan đến khớp theo đường kế cận, như lao khớp háng có thể lan đến từ khối áp xe lạnh của cơ thắt lưng.

Trước đây, tuổi mắc bệnh thường gặp ở người trẻ, dưới 20 tuổi. Nhưng hiện này chủ yếu gặp ở người lớn, lứa tuổi từ 16 - 45 tuổi.

 

Các yếu tố thuận lợi

- Trẻ em không được tiêm phòng lao
- Có tiếp xúc với nguồn lây, đặc biệt tiếp xúc với người nhiễm lao đang trong giai đoạn tiến triển, thời gian tiếp xúc nhiều
- Đã và đang điều trị lao sơ nhiễm, lao phổi hay một lao ngoài phổi khác
- Mắc các bệnh lý toàn thân như tiểu đường, loét dạ dày - tá tràng, cắt dạ dày
- Tình trạng suy giảm sức đề kháng, như còi xương, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV/AIDS, suy kiệt nặng,...

Vị trí tổn thương lao xương - khớp

- Lao cột sống chiếm khoảng 60 - 70%
- Lao khớp háng chiếm 15 - 20%
- Lao khớp gối chiếm 10 - 15%
- Lao khớp cổ chân chiếm 5 - 10%
- Lao khớp bàn chân chiếm 5%
- Lao vị trí khác hiếm gặp

Biểu hiện lâm sàng

- Giai đoạn khởi đầu:
Chưa có triệu chứng lâm sàng điển hình:
+ Ảnh hưởng toàn thân, như ăn ít, gầy sút, mất ngủ.
+ Cơ thể mỏi hoặc đau ở khớp hoặc đau mơ hồ ở vị trí xa hơn không điển hình.
+ Tại chỗ: Có thể thấy ấn vào khớp đau, vận động khớp đau, bao khớp dày lên, teo cơ quanh khớp, nổi hạch tương ứng vùng lao...
+ X quang xương có thể thấy: Hình ảnh loãng xương, mặt khớp mờ hoặc nham nhở, hẹp khe khớp.
+ Chẩn đoán cận lâm sàng khác: Soi đờm tìm BK, X quang phổi, chọc khớp để cấy dịch và soi trực tiếp, sinh thiết bao khớp...

- Giai đoạn toàn phát (giai đoạn phá hủy):
+ Đầy đủ các triệu chứng điển hình với khớp sưng to, nhợt nhạt, cơ quanh khớp teo mạnh.
+ Hạn chế vận động khớp, rất đau khi ấn và vận động.
+ Hạch rõ, dính, đau khi ấn.
+ Có áp xe lạnh lan đi xa.
+ X-quang: Loãng xương, khe khớp hẹp, bờ khớp nham nhở hoặc khuyết, xương tù, không có phản ứng tạo xương. Khi bị rò, hình ảnh lao khó phân biệt với viêm xương.
+ Có thể trật khớp háng, biến dạng xương, gãy xương bệnh lý.
- Giai đoạn ổn định (tái tạo) nhưng không khỏi:
+ Các triệu chứng giảm bớt.
+ Ăn ngủ được, lên cân.
+ Đỡ đau tại chỗ, nếu đã có di chứng biến dạng để lại thì không thể hết (ví dụ liệt, rò...).
+ X-quang: Bè xương rõ ra, hết loãng xương, có tái tạo xương nhưng không thể phục hồi lại mặt khớp cũng như các biến chứng dính cứng khớp.

Do vậy, cần chẩn đoán sớm ở giai đoạn đầu thì điều trị lao mới hy vọng phục hồi tốt, không để lại di chứng.

Tiến triển lao thường gây rò và bội nhiễm, có nhiều trường hợp bệnh đã khỏi về lâm sàng và Xquang nhưng sau lại tái phát do mủ bã đậu còn chứa vi khuẩn lao.
 

Điều trị

- Điều trị nội khoa:
Lao xương - khớp điều trị nội khoa là chủ yếu, phải điều trị sớm, đúng nguyên tắc từ đầu. Phối hợp 4 - 5 loại thuốc chống lao trong giai đoạn điều trị tấn công.

- Cố định và vận động:
Quan điểm điều trị trước đây chủ yếu là cố định trong điều trị lao xương - khớp, chờ cho đến giai đoạn ổn định. Vì vậy cố định thường phải để lâu, hàng năm, đôi khi phải bó bột để cố định. Hậu quả là phần lớn trường hợp sau khi khỏi bệnh thường bị teo cơ và cứng khớp.

Hiện nay, quan điểm điều trị đã thay đổi, chỉ cố định trong giai đoạn bệnh tiến triển, nhưng không hoàn toàn và không liên tục. Tốt nhất là sử dụng các giường bột và máng bột. Có thể nằm trên nền phẳng, cứng để thay đổi tư thế lần trong ngày, tránh được hiện tượng cứng khớp và teo cơ. Trừ trường hợp tổ thương ở cột sống cổ nặng cần phải cố định bằng bột để tránh ép tủy.

Những trường hợp tổn thương nhẹ cần được chẩn đoán sơm, chỉ cần nằm nhiều, tránh vận động và gắng sức, không cần cố định bằng bột.

- Điều trị triệu chứng:
+ Nếu đau nhiều, tê nhiều thì phải dùng thuốc giảm đau, giảm tê.
+ Chống nôn, chống bội nhiễm (nếu có)
+ Bảo vệ tế bào gan
+ Nâng cao thể trạng

- Điều trị ngoại khoa:
Chỉ định điều trị ngoại khoa trong trường hợp:
+ Lao cột sống có nguy cơ chèn ép tủy sống hoặc đã ép tủy
+ Lao có ổ áp xe lạnh ở tại chỗ hoặc di chuyển đi xa
+ Tổn thương lao phá hủy đầu xương
+ Khớp di lệch có ảnh hưởng nhiều đến chức năng sau này

Phương pháp phẫu thuật:

+ Mổ sớm sau khi điều trị nội khoa tích cực từ 1 - 3 tháng. Sau mổ điều trị tiếp 6 -9 tháng.
+ Tùy từng trường hợp cụ thể mà phương pháp mổ khác nhau, có thể cắt bỏ bao hoạt dịch, lấy ổ áp xe lạnh, lấy xương chết, cắt đầu xương, làm cứng khớp, cố định cột sống.... Sau mổ nên cố định 1 - 3 tháng mới cho vận động trở lại.

Trong mọi trường hợp, bên cạnh việc điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật thì luôn luôn cần phải tăng cường sức khỏe, sức chịu đựng và sức đề kháng của xương bằng cách bổ sung đầy đủ và tích cực hàng ngày các dưỡng chất như Canxi, vitamin D và MK7 hàng ngày. Vì người bệnh sẽ rất khó bổ sung các chất này từ thực phẩm nên việc bổ sung bằng viên uống dạng thực phẩm chức năng chứa Canxi, vitamin D và MK7 với hàm lượng đủ, cân đối, đặc biệt là phải đủ 100mcg MK7 mỗi ngày.

Kết luận
Lao xương - khớp là thể hay gặp nhất sau lao phổi, trong đó lao cột sống chiếm tỷ lệ cao nhất. Bệnh lao hoàn toàn có thể điều trị khỏi dứt điểm. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm kịp thời bệnh để lại nhiều biến chứng nặng nề, có thể dẫn đến biến dạng khớp, cứng khớp, hạn chế vận động, thậm chí liệt, tử vong.


Ths.Bs Vũ Văn Lực

Lao xương