Tăng huyết áp là bệnh rất thường gặp, hiện đã trở thành một vấn đề của xã hội. Ở Việt Nam cuối thập kỷ 80 của thế kỷ 20 tăng huyết áp ở người lớn chỉ khoảng 11%, thì gần đây đã tăng lên khoảng 20%.

Sự nguy hiểm của tăng huyết áp là ở chỗ nó không hề có biểu hiện gì nhưng biến chứng của nó thì vông cùng nặng nề, có thể tử vong hoặc di chứng tàn tật suốt đời. Tổ chức Y tế thế giới coi bệnh tăng huyết áp là “Kẻ giết người thầm lặng”.

Ngày nay, với những tiến bộ của khoa học, sự ra đời của nhiều nhóm thuốc điều trị huyết áp có hiệu quả cao, quan niệm về điều trị tăng huyết áp cũng có nhiều thay đổi, cả về dùng thuốc và giáo dục sức khỏe. Điều này đã nâng cao hiệu quả kiểm soát huyết áp, làm thay đổi tiên lượng của bệnh tăng huyết áp.

Định nghĩa tăng huyết áp

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hội Tăng huyết áp Quốc tế (ISH) đã thống nhất gọi là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg.

Con số này có được là do dựa trên những nghiên cứu lớn về dịch tễ cho thấy: Có sự gia tăng đặc biệt nguy cơ tai biến mạch não ở người lớn có con số huyết áp ≥ 140/90 mmHg. Tỷ lệ tai biến máu não ở người có số huyết áp < 140/90 mmHg giảm rõ rệt.

Phân độ tăng huyết áp

Hiện nay thường áp dụng cách phân loại tăng huyết áp của JNC VI (Ủy ban phòng chống huyết áp Hoa Kỳ) do tính thực tiễn và dễ áp dụng.

Phân loại tăng huyết áp theo JNC VI (1997)

Khái niệm Huyết áp tâm thu
(mmHg)
Lưu ý Huyết áp tâm trương
(mmHg)
HA tối ưu < 120 < 80
HA bình thường <130 <85
HA bình thường cao 130-139 85-98
Tăng huyết áp      
Độ I 140 – 159 và/ hoặc 90 - 99
Độ II 160 – 179 và/ hoặc 100 - 110
Độ III ≥ 180 và/ hoặc ≥ 110

Chẩn đoán tăng huyết áp

Nói chung, chẩn đoán một trường hợp tăng huyết áp khá đơn giản, chỉ cần đo huyết áp. Tuy nhiên, một số lưu ý khi đo huyết áp, tránh sai sót:

- Khi đo huyết áp phải ở trạng thái nghỉ ngơi (ít nhất 5 phút trước khi đo), trước đó không dùng các chất kích thích ảnh hưởng đến huyết áp (như uống rượu, cà phê, hút thuốc, sử dụng thuốc hạ huyết áp,…).

- Ngồi thoải mái ở tư thế tựa lưng, tay để trên bàn sao cho nếp khuỷu ngang với mức tim. Trong một số trường hợp đặc biệt cần đo huyết áp ở cả tư thế nằm, ngồi, hoặc đứng.

- Bề rộng bao đo huyết áp nên bằng 80% chu vi cánh tay, do đó ở một số bệnh nhân tay to cần dùng loại bao rộng hơn.

- Tốt nhất nên dùng máy đo huyết áp thủy ngân, trong trường hợp không có huyết áp thủy ngân thì dùng huyết áp đồng hồ.

- Huyết áp điện tử (tự động) chỉ được khuyến khích sử dụng để theo dõi huyết áp trong cộng đồng, khi phát hiện tăng, phải đo bằng huyết áp cơ (huyết áp thủy ngân hoặc đồng hồ).

- Đo huyết áp ở hai tay, lấy trị số ở bên có huyết áp cao hơn. Nên đo ít nhất 2 lần cách nhau ít nhất 2 phút, và lấy trung bình cộng giữa các lần đo.

Khẳng định tăng huyết áp

Khi đo huyết áp lần đầu, kết quả > 160/100mmHg thì có thể khẳng định là tăng huyết áp, nếu nghi ngờ thì khám lại để khẳng định.

Thái độ đối với một trường hợp tăng huyết áp khi đo lần đầu (theo JNC VI)

HA tối đa (mmHg) HA tối thiểu (mmHg) Thái độ
< 130 < 85 Kiểm tra lại trong 2 năm
130 – 139 85 – 89 Kiểm tra lại trong 1 năm
140 – 159 90 – 99 Khẳng định lại trong vòng 2 tháng
160 – 179 100 – 109 Đánh giá và điều trị trong vòng 1 tháng
≥ 180 ≥ 110 Lập tức đánh giá và điều trị trong vòng 1 tuần, tùy tình trạng lâm sàng.
 

Một số phương pháp theo dõi huyết áp

Giáo dục mọi người tự đo huyết áp và theo dõi huyết áp tại nhà, việc này tránh cho việc người bệnh phải đến cơ sở ý tế liên tục chỉ để do huyết áp, tránh tình trạng tăng huyết áp “áo choàng trắng”.

Theo dõi huyết áp liên tục (Holter huyết áp), giúp chẩn đoán xác định một số trường hợp nghi ngờ hoặc chẩn đoán cơn tăng huyết áp, tăng huyết áp kháng lại điều trị, tụt huyết áp do dùng thuốc hạ huyết áp,...

Nguyên nhân gây tăng huyết áp

Phần lớn các trường hợp tăng huyết áp không rõ nguyên nhân chiếm tới 95%, còn gọi là tăng huyết áp tiên phát hay bệnh tăng huyết áp.

Tăng huyết áp thứ phát, hay tăng huyết áp có căn nguyên rõ ràng, thường do hậu quả một số bệnh gây ra như:

- Bệnh thận: Viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn, sỏi thận, viêm thận kẽ, hẹp động mạch thận,…

- Bệnh nội tiết: Cường tủy thượng thận, hội chứng Cushing, cường aldosteron, cường giáp, cường tuyến yên,...

- Bệnh tim mạch: Hở van động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ, xơ vữa động mạch chủ bụng gây ảnh hưởng đến động mạch thận,…

- Do dùng một số thuốc: Cam thảo, thuốc tránh thai, thuốc cường alpha giao cảm (thuốc nhỏ mũi chữa ngạt mũi)

- Một số nguyên nhân khác: Nhiễm độc thai nghén, rối loạn thần kinh,…

Phân tằng yếu tố nguy cơ tăng huyết áp

Việc phân tầng nguy cơ tăng huyết áp rất quan trọng, giúp cho chiến lược điều trị tăng huyết áp một cách hợp lý. Việc phân tầng dựa trên các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch và tổn thương cơ quan đích.

(1) Các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch:

- Hút thuốc lá

- Rối loạn chuyển hóa lipid máu

- Đái tháo đường

- Tuổi > 60

- Nam giới hoặc nữ giới đã mãn kinh

- Tiền sử gia đình có người thân bị bệnh động mạch vành, đối với nữ < 65 tuổi hoặc nam < 55 tuổi

(2) Tổn thương cơ quan đích có thể gặp trong tăng huyết áp:

- Tim:

+ Cấp: Phù phổi cấp, nhồi máu cơ tim

+ Mạn: Dày thất trái, suy vành, suy tim,…

- Não:

+ Cấp: Xuất huyết não, tắc mạch não, tai biến mạch não thoáng qua, bệnh não do tăng huyết áp,…

+ Mạn: Tai biến máu não, tai biến máu não thoáng qua.

- Thận: Đái máu, đái ra protein, suy thận,…

- Mắt: Soi đáy mắt có thể thấy các mạch máu co nhỏ, xuất huyết, xuất tiết võng mạc, phù gai thị,…

- Bệnh động mạch ngoại vi.

Căn cứ vào các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch và tổn thương cơ quan đích, có 3 nhóm nguy cơ (theo JNC VI):

Nhóm A: Là những trường hợp tăng huyết áp nhẹ hoặc tăng huyết áp mà không có tổn thương cơ quan đích, không có các yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành, không có biểu hiện bệnh tim mạch.

Nhóm B: Tăng huyết áp chưa có tổn thương cơ quan đích, không có bệnh tim mạch kèm theo, có ít nhất một yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch đã nói trên nhưng không phải là tiểu đường.

Nhóm C: Tăng huyết áp có bệnh tim mạch kèm theo hoặc có tổn thương cơ quan đích hoặc có bệnh tiểu đường, có hoặc không kèm theo yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch.

Phân tầng mối nguy cơ và thái độ điều trị tăng huyết áp

Giai đoạn tăng HA Nhóm nguy cơ
  Nhóm A Nhóm B Nhóm C
Bình thường cao Điều chỉnh lối sống Điều chỉnh lối sống Dùng thuốc**
Tăng HA độ I Điều chỉnh lối sống (đến 12 tháng) Điều chỉnh lối sống (đến 6 tháng)* Dùng thuốc
Tăng HA độ II, III Dùng thuốc Dùng thuốc Dùng thuốc

Ghi chú: (*) Cho những trường hợp có nhiều yếu tố nguy cơ, cân nhắc cho ngay thuốc phối hợp với điều chỉnh lối sống. (**) Cho những trường hợp có suy tim, suy thận, tiểu đường.

Điều trị tăng huyết áp

- Nguyên tắc điều trị:

+ Phòng ngừa lâu dài các biến chứng

+ Đưa huyết áp về trị số bình thường (< 140/90 mmHg, nếu có tiểu đường thì số huyết áp phải đưa huyết áp về < 130/80 mmHg).

+ Điều trị hết sức tích cực ở bệnh nhân đã có tổn thương cơ quan đích.

+ Cân nhắc từng trường hợp, các bệnh kèm theo, các yếu tố nguy cơ, các tác dụng phụ và ảnh hưởng có thể của thuốc.

+ Nếu không có những tình huống tăng huyết áp cấp cứu thì huyết áp nên được hạ từ từ để tránh những biến chứng thiếu máu cơ quan đích, đặc biệt thiếu máu não.

+ Việc giáo dục người bệnh cần phải nhấn mạnh:

 Điều trị tăng huyết áp là một điều trị suốt đời;

 Triệu chứng cơ năng của tăng huyết áp không phải lúc nào cũng gặp và không tương xứng với mức độ nặng nhẹ của tăng huyết áp;

 Chỉ có tuân thủ chế độ điều trị thích hợp mới giảm được đáng kể các tai biến do tăng huyết áp.

- Điều trị không dùng thuốc (điều chỉnh lối sống)

Đây là điều trị bắt buộc dù có kèm theo dùng thuốc hay không:

+ Giảm cân nặng nếu thừa cân:

 Chế độ giảm cân, cần đặc biệt nhấn mạnh ở những nam giới béo phì thể trung tâm (béo bụng)

 Việc giảm béo phì đã được chứng minh làm giảm được cholesterol và giảm phì đại thất trái

 Không áp dụng giảm cân cho phụ nữ có thai bị tăng huyết áp.

+ Hạn chế uống rượu, bia:

 Nếu uống quá nhiều rượu làm tăng nguy cơ tai biến mạch não ở những người tăng huyết áp, làm tăng tình trạng kháng thuốc.

 Một số thống kê cho thấy nếu dùng lượng rượu thích hợp làm giảm nguy cơ bệnh mạch vành.

 Lượng rượu thích hợp là dùng ít hơn 30ml ethanol/ngày (ít hơn 720ml bia, hoặc 300ml rượu vang, hoặc 60 ml rượu Whisky).

 Đặc điểm người châu Á, cũng như người Việt khá nhỏ, nên nếu có uống rượu, cũng nên giảm một nửa so với lượng trên.

+ Tăng cường luyện tập thể lực:

 Nếu không có chống chỉ định, khuyến khích những người tăng huyết áp tập thể dục đều đặn.

 Có thể tập ít nhất 60 phút/ngày, ít nhất 5 ngày/tuần. Có thể luyện tập môn nào cũng được, miễn là phù hợp với sở thích và độ tuổi, như đi bộ, chạy bộ,…

 Với những trường hợp có triệu chứng hoặc nguy cơ bệnh mạch vành, cần làm gắng sức thể lực trước khi quyết định cho chế độ tập thể lực.

+ Chế độ ăn:

 Giảm muối (Natri), đã được chứng minh làm giảm số huyết áp và nguy cơ biến chứng ở bệnh nhân tăng huyết áp.

 Chế độ ăn giảm muối nên thực hiện với lượng muối ít hơn 6g NaCl/ngày hoặc ít hơn 2,4 g Natri/ngày.

 Duy trì đầy đủ lượng Kali khoảng 90 mmol/ngày, đặc biệt ở bệnh nhân có dùng thuốc lợi tiểu để điều trị tăng huyết áp.Bảo đảm đầy đủ calcium và magnesium.

 Chế độ ăn hạn chế các mỡ động vật bão hoà, hạn chế các thức ăn giàu Cholesterol.

 Bỏ thuốc lá: Cần hết sức nhấn mạnh để bệnh nhân cương quyết từ bỏ hút thuốc lá trong mọi trường hợp, vì đây là một trong những nguy cơ mạnh nhất của các biến chứng tim mạch.

- Sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp

Hiện nay có rất nhiều nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp có tác dụng tốt, các nhóm thuốc thông dụng bao gồm:

+ Thuốc chẹn beta giao cảm

+ Thuốc lợi tiểu

+ Thuốc chẹn kênh canxi

+ Thuốc ức chế men chuyển

+ Thuốc ức chế thụ thể AT1,…

Việc dùng thuốc hạ huyết áp có khá nhiều tác dụng phụ cũng như có rất nhiều lưu ý khi sử dụng. Cho nên, khi phát hiện tăng huyết áp phải đi khám, phân độ tăng huyết áp, phân tầng các yếu tố nguy cơ. Việc dùng thuốc phải tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý bỏ thuốc.

Phòng bệnh tăng huyết áp

Điều trị tăng huyết áp rất khó khăn và tốn kém, nói chung là phải điều trị suốt đời. Tăng huyết áp để lại rất nhiều hậu quả nặng nề, có thể tử vong nhanh chóng hoặc tàn tật suốt đời. Vì vậy, dự phòng tăng huyết áp là vô cùng quan trọng. Các biện pháp dự phòng tập trung vào:

- Thực hiện các biện pháp giống như điều chỉnh lối sống

- Thường xuyên kiểm tra huyết áp để phát hiện tăng huyết áp ở giai đoạn sớm. Có thể sử dụng máy đo huyết áp điện tử để theo dõi huyết áp tại nhà. Nếu phát hiện tăng huyết áp thì phải đến ngay cơ sở y tế khám, và khẳng định lại bằng máy đo huyết áp thủy ngân.

- Khám, điều trị sớm và triệt để các bệnh lý có nguy cơ làm tăng huyết áp.
 

Ths.Bs Vũ Văn Lực

Tăng huyết áp