Thần kinh ngoại biên là một phần của hệ thần kinh, bao gồm các dây thần kinh, các hạch thần kinh ở bên ngoài não và tủy sống. Thần kinh ngoại biên có chức năng liên kết thần kinh trung ương với các cơ quan và các chi của cơ thể.

Thần kinh ngoại biên không được bảo vệ bởi hộ sọ và cột sống, không được bảo vệ bởi hàng rào máu não nên rất dễ bị tổn thương.

Khi bị tổn thương thần kinh ngoại biên, làm rối loạn quá trình trao đổi thông tin giữa não và các cơ quan, gây ra các triệu chứng của bệnh.

Nguyên nhân

Nhiều trường hợp bệnh không tìm thấy nguyên nhân, hoặc nguyên nhân không rõ ràng. Một số nguyên nhân có thể gặp:

- Thường gặp nhất là biến chứng do bệnh tiểu đường

- Thiếu vitamin, đặc biệt là thiếu các vitamin nhóm B, thiếu vitamin E,…

- Chấn thương làm tổn thương dây thần kinh

- Chèn ép dây thần kinh, gặp trong thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, viêm khớp, nằm bất động lâu, làm việc lâu trong một tư thế, do khối u chèn ép,…

- Các nguyên nhân khác có thể gặp: Nghiện rượu, nhiễm HIV, nhiễm khuẩn, mắc các bệnh tự miễn, suy gan, suy thận, suy tuyến giáp, tiếp xúc với hóa chất, do thuốc, nhiễm độc, nhất là nhiễm độc thuốc điều trị ung thư,…

Biểu hiện lâm sàng

- Tổn thương dây thần kinh cảm giác: Biểu hiện thường gặp nhất là cảm giác đau, đau dọc theo đường đi của dây thần kinh bị tổn thương, tê bị, dị cảm, kiến bò, bỏng rát, mất cảm giác.

Các triệu chứng thường diễn biến từ từ, tăng dần, nhiều trường hợp biểu hiện nhẹ, thoáng qua, đôi khi khó nhận biết. Trong khi ngược lại, nhiều người biểu hiện rất dai dẳng, khó chịu, nhất là về ban đêm.

- Tổn thương dây thần kinh vận động: Có thể biểu hiện yếu cơ hoặc liệt vận động

- Tổn thương dây thần kinh tự động: Có biểu hiện rối loạn đại tiểu tiện, giảm tiết mồ hôi, tụt huyêt áp tư thế, rối loạn sinh dục

Các xét nghiệm chẩn đoán

- Các xét nghiệm máu để kiểm tra: Bệnh tiểu đường, thiếu vitamin cấp, chức năng tuyến giáp, chức năng gan, chức năng thận,....

- Điện cơ: Đánh giá tình trạng dẫn truyền xung động thần kinh, rất có giá trị trong chẩn đoán một số bệnh lý chèn ép dây thần kinh

- Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X quang, chụp cắt lớp điện toán, chụp cộng hưởng từ,… có thể phát hiện các tổn thương như thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm, khối u,...

Điều trị

Nói chung, điều trị bệnh thần kinh ngoại biên là điều trị theo nguyên nhân, tức là nếu biết rõ nguyên nhân thì điều trị nguyên nhân gây bệnh, khi bệnh chính cải thiện thì các biểu hiện thần kinh cũng sẽ giảm.

Bên cạnh đó, điều trị triệu chứng, tức là có biểu hiện triệu chứng gì thì điều trị triệu chứng đó. Điều trị triệu chứng có thể thực hiện song song với điều trị nguyên nhân, hoặc điều trị trong trường hợp không có nguyên nhân rõ ràng.

Các thuốc điều trị bao gồm:

- Thông dụng nhất là thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs), có thể dùng một trong các loại meloxicam, diclofenac, celecoxib, etoricoxib,…. Các thuốc này dùng kéo dài có nhiều tác dụng phụ, như có thể gây viêm, loét dạ dày. Chống chỉ định tuyệt đối trong trường hợp viêm loét dạ dày tiến triển.

- Thuốc giảm đau thần kinh như gabapentin (Neurontin), pregabalin (Lyrica), thuốc chống động kinh như carbamazepin (Tegretol),… cũng được sử dụng để điều trị giảm đau do nguyên nhân thần kinh. Tác dụng phụ có thể gặp là buồn ngủ và chóng mặt.

- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng như amitriptylin, được sử dụng để điều trị trầm cảm, tuy nhiên có tác dụng giảm đau, vì thế mà cũng được dùng để điều trị giảm đau thần kinh.

- Trong khi dùng các thuốc giảm đau trên, có thể kết hợp với thuốc giảm đau hạ sốt paracetamol.

- Thuốc giảm đau tại chỗ: Có thể sử dụng dạng gel bôi giảm đau như Salonpas gel, Voltaren cream, miếng dán Lidocain,…..

- Corticoid: Được sử dụng để điều trị đau thay thế cho NSAIDs trong trường hợp chống chỉ định với NSAIDs. Corticoid cũng có nhiều tác dụng dụng phụ như giữ nước, tăng huyết áp, giảm sức đề kháng,… Nên hiện này thường dùng dạng tiêm giảm đau tại chỗ, như tiêm trực tiếp vào khớp, tiêm vào điểm bám gân, tiêm ngoài màng cứng,...

- Vitamin nhóm B: Có tác dụng nuôi dưỡng tế bào thần kinh và cơ, giúp bồi bổ cơ thể, giúp cơ thể phản ứng các phản xạ thần kinh tốt hơn, có tác dụng dự phòng và cải thiện triệu chứng đau, tê bì do biến chứng thần kinh ở bệnh nhân tiểu đường.

Các biện pháp không dùng thuốc:

- Kích thích điện qua da: Phương pháp này dùng những dòng diện nhỏ kích thích để giúp giảm đau, tuy nhiên phương pháp này không hiệu quả trên mọi bệnh nhân

- Châm cứu: Được áp dụng trong điều trị đau mạn tính bao gồm đau do thần kinh.

- Kỹ thuật thư giãn: Giúp giảm áp lực cơ và giảm đau. Kỹ thuật thư giãn bao gồm những bài tập hít thở sâu hay nhìn những hình ảnh êm dịu, tập yoga…

- Chườm nóng, xông hơi, xoa bóp, bấm huyệt cũng có tác dụng tốt giúp giảm đau

Điều trị hỗ trợ:

- Alpha lipoic acid (ALA): Được sử dụng trong điều trị bệnh thần kinh ngoại biên ở châu Âu, có tác dụng chống oxy hóa, giúp giảm các triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên.

- Ginkgo Biloba: Một loại thuốc khá thông dụng, được sử dụng rộng rãi, có tác dụng chống oxy hóa, tăng lưu thống máu, tăng tuần não. Có tác dụng tốt trong điều trị các bệnh thần kinh ngoại biên do nguyên nhân mạch máu gây ra, nhất là tổn thương vi mạch máu trong bệnh tiểu đường.

- Giúp xương khớp khỏe, giảm lực đè lên vị trí bị chèn ép bằng sản phẩm chứa canxi, vitamin D3, MK7 cùng các dưỡng chất thiết yếu. MK7 vừa có tác dụng vận chuyển canxi vào tận xương, vừa có tác dụng kéo canxi ra khỏi chỗ không cần thiết thậm chí nguy hiểm, như không cho canxi lắng đọng ở mạch máu và mô mềm. Đây là tác dụng kép vừa có tác dụng giúp xương chắc khỏe, vừa ngăn chặn hình thành các bệnh lý tim mạch, vôi hóa cột sống hay sỏi thận.

- Làm giảm chèn ép rễ thần kinh và mạch máu, giảm tê bì, giúp tăng tái tạo sụn khớp bằng sản phẩm chứa tiền vitamin B1, các vitamin nhóm B, chondroitin, Ginkgo Biloba và cao Blueberry.

Phòng bệnh

Để ngăn chặn bệnh lý thần kinh ngoại biên, tốt nhất là thực hiện các biện pháp dự phòng, tránh nguy cơ như:

- Tăng cường thể dục thể thao, có thể tập bất kỳ môn nào miễn là không có chống chỉ định, phù hợp với độ tuổi và sở thích. Tập thường xuyên ngày ít nhất 60 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày mỗi tuần.

- Hạn chế ngồi nhiều, đứng lâu, hạn chế bê vác nặng

- Chế độ ăn đầy đủ vitamin và khoáng chất, giầu canxi, vitamin D3

- Có thể uống các sản phẩm có chứa vitamin nhóm B, đặc biệt là tiền vitamin B1

- Tránh các tác nhân có thể gây tổn thương thần kinh như hút thuốc là, uống nhiều rượu, tiếp xúc với hóa chất độc hại,…

- Khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh mạn tính như bệnh tiểu đường, viêm gan, bệnh thận, thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm,....

Ths.Bs Vũ Văn Lực

Bệnh thần kinh ngoại biên