Đường huyết tăng cao có thể gây tổn thương toàn bộ sợi thần kinh của cơ thể nhưng chi dưới và bàn chân thường bị tổn thương nhiều nhất.

Biến chứng thần kinh do bệnh tiểu đường ít khi gây tử vong nhưng lại là thủ phạm chính gây tàn phế, giảm chất lượng cuộc sống và là nguyên nhân hàng đầu phải cắt cụt chân ở các bệnh nhân tiểu đường.

Theo thống kê, có tới 60 – 70% người mắc bệnh tiểu đường có biến chứng thần kinh. Tuy nhiên, mức độ trầm trọng của bệnh phụ thuộc vào vị trí của sợi thần kinh bị tổn thương, thời gian mắc bệnh và mức độ ổn định đường huyết. Đáng chú ý là ngay tại thời điểm được phát hiện bệnh tiểu đường đã có gần 10% số bệnh nhân có biến chứng thần kinh.

1. Nguyên nhân:

Cơ chế gây tổn thương thần kinh ở các bệnh nhân tiểu đường chưa được biết rõ hoàn toàn. Có thể tình trạng đường máu cao kéo dài sẽ gây tổn thương (tắc, hẹp) các mạch máu nhỏ nuôi dây thần kinh, mặt khác đường máu cao còn sinh ra các sản phẩm chuyển hóa gây độc cho dây thần kinh.

Hậu quả là các dây thần kinh bị thoái hóa, tốc độ dẫn truyền các tín hiệu bị chậm lại, có khi mất hẳn. Hầu hết những tổn thương này có tính chất thoái hóa vĩnh viễn, và khi có trên 50% số sợi trục bị tổn thương thì khả năng phục hồi là không thể.

2. Triệu chứng:

Triệu chứng của bệnh thần kinh do tiểu đường rất khác nhau, tùy thuộc vào vị trí và dây thần kinh nào bị tổn thương.

Dấu hiệu sớm của tổn thương dây thần kinh ở các bệnh nhân tiểu đường là giảm cảm giác đồng đều ở cả hai chân, chủ yếu ở bàn chân, cũng có thể lan lên cả cẳng chân nhưng ít khi vượt qua đầu gối (rối loạn cảm giác kiểu đi bốt).

Tê bì, cảm giác như kiến bò, chủ yếu ở hai bàn chân, ngón chân. Cảm giác rát bỏng bắt đầu ở ngón chân và dần dần lan lên trên bàn chân.

Đau như dao đâm, như dao cắt hay như điện giật, thường tăng lên vào ban đêm khiến bệnh nhân bị mất ngủ. Các triệu chứng đau này rất khó điều trị và thường không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường.

Biểu hiện tê bì, giảm cảm giác có thể gặp ở các vị trí khác của cơ thể, như vùng lưng, thắt lưng, bụng, tay….

Khoảng 50% trường hợp mất cảm giác ở chân mà không có triệu chứng gì, biến chứng thần kinh chỉ được phát hiện khi bác sĩ hỏi hoặc thăm khám. Những bệnh nhân này có nguy cơ cao bị loét chân hoặc đoạn chi, do không nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm như đau, nóng hay dẫm vào dị vật. Nhiều bệnh nhân bị bỏng hoặc có những vết rách lớn ở chân mà không hề hay biết cho tới khi chân bị sưng tấy, nhiễm trùng nặng. Hậu quả là nguy cơ bị loét bàn chân, bị cắt cụt chân tăng lên rất cao ở bệnh nhân tiểu đường.

 

3. Hậu quả:

Bệnh thần kinh do tiểu đường có thể để lại nhiều hậu quả nặng nề, bao gồm:

- Loét, hoại tử vô khuẩn, nhiễm trùng ở chân, nhiều trường hợp phải cắt cụt chân
- Đau, biến dạng khớp, hạn chế vận động
- Nhiễm trùng tiết niệu và tiểu không kiểm soát
- Hạ huyết áp tư thế: tổn thương thần kinh kiểm soát hệ tuần hoàn sẽ tác động lên khả năng điều chỉnh huyết áp của cơ thể.
- Rối loạn tiêu hóa: có thể gây táo bón, tiêu chảy, hoặc táo bón xen lẫn tiêu chảy, buồn nôn, đầy hơi, nặng nhất có thể gặp đó là liệt dạ dày.
- Hạ đường huyết không cảnh báo: không phát hiện các triệu chứng hạ đường huyết và không điều trị kịp thời, rất dễ bị hôn mê và thậm chí tử vong.
- Giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương (ở nam), khô âm đạo (ỡ nữ)
- Tàn phế, giảm chất lượng cuộc sống, mất tự chủ

 

Biến chứng bệnh tiểu đường gây tổn thương hệ thần kinh​

4. Dự phòng:

Cho đến nay, điều trị các biến chứng thần kinh do tiểu đường vẫn còn nhiều khó khăn cho nên việc phòng ngừa có vai trò cực kỳ quan trọng.

Bệnh nhân có thể phòng ngừa và làm chậm các biến chứng của bệnh thần kinh do tiểu đường bằng cách giữ đường huyết trong giới hạn cho phép, chăm sóc chân và thay đổi lối sống.

Mục tiêu đường huyết:
- Đường huyết trước ăn : 5 - 7 mmol/L (90 - 130 mg/dL)
- Đường huyết 2 giờ sau ăn : < 10 mmol/L (< 180 mg/dL)
- HbA1C < 7%

Chăm sóc bàn chân thích hợp:
- Kiểm tra bàn chân hàng ngày: chọn thời điểm thích hợp, đủ ánh sáng để kiểm tra
- Vệ sinh chân hàng ngày: cẩn thận rửa sạch chân với nước ấm và xà phòng trung tính. Không ngâm chân trong nước quá lâu, nhiệt độ nước không nên quá 37oC.
- Cắt móng chân khi thấy dài: nên cắt tỉa móng chân theo đường vòng của ngón, không để móng dài, không cắt móng quá ngắn và không nên cắt vào gốc móng.
- Giữ cho mạch máu được lưu thông: hãy đặt chân ở tư thế ngang khi ngồi, không đi tất chặt hoặc có vòng cao su ở quanh cổ chân. Tập cử động các ngón chân 5 – 10 phút, vài lần trong ngày. Các hình thức luyện tập như chạy bộ, bơi lội, đạp xe rất tốt cho việc giúp lưu thông mạch máu ở bàn chân.
- Lưu ý đến việc lựa chọn giày dép: luôn mang giày dép thích hợp để bảo vệ bàn chân ngay cả lúc đi lại trong nhà và lao động ngoài trời.
- Không nên để chân trần tiếp xúc với bề mặt nóng như cát nóng, bề mặt xi măng ngoài trời nắng.
Thay đổi lối sống:
- Kiểm soát huyết áp: bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ bị tăng huyết áp cao gấp 2 lần so với người không bị tiểu đường. Nếu bị cả tăng huyết áp và tiểu đường, sẽ tăng nguy cơ bị biến chứng trên mạch máu và giảm tưới máu chi. Kiểm soát huyết áp ở mức < 130/85 mmHg
- Chọn thức ăn có lợi cho sức khỏe: chế độ ăn cân bằng, đặc biệt nhiều rau xanh, trái cây ít ngọt, lúa mì nguyên hạt. Hạn chế uống rượu, bia, chất kích thích, nước ngọt, đồ uống có ga.
- Hoạt động thể lực hàng ngày: giúp bảo vệ tim mạch và cải thiện lưu lượng máu. Đồng thời, góp phần giúp ổn định đường huyết và huyết áp. Đi bộ mỗi ngày khoảng 45 phút, giúp ổn định đường huyết và cải thiện cảm giác tê nhức chân.
- Bỏ hút thuốc lá: hút thuốc lá sẽ tăng nguy cơ bị tai biến và nhồi máu cơ tim gấp 2 lần so với bệnh nhân tiểu đường không hút thuốc.

Một số nghiên cứu cho thấy sử dụng vitamin nhóm B liều cao có tác dụng dự phòng và hỗ trợ tốt điều trị biến chứng thần kinh do bệnh tiểu đường.

5. Điều trị:

Điều trị bệnh thần kinh do tiểu đường tập trung vào:
- Làm chậm diễn tiến của bệnh
- Điều trị triệu chứng
- Điều trị biến chứng
- Phục hồi chức năng

Tùy theo mức độ và vị trí tổn thương mà có biện pháp điều trị khác nhau. Cho đến nay, việc điều trị biến chứng thần kinh do bệnh tiểu đường còn rất hạn chế.

Điều trị triệu chứng:
Chủ yếu là điều trị trình trạng đau, tê bì, dị cảm da đầu chi… Điều trị giảm đau trong bệnh thần kinh do tiểu đường là rất khó khăn. Nhiều thuốc đã từng được sử dụng để giảm đau nhưng không hiệu quả và có nhiều tác dụng phụ.

Những thuốc điều trị bao gồm:
- Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs) như Diclofenac, Meloxicam, Celecoxib… thường phối hợp với Paracetamol. Tuy nhiên, nhóm này tác dụng rất hạn chế và có thể gây tác dụng phụ viêm loét dạ dày.
- Thuốc chống động kinh: những thuốc như là Gabapentin (Neurontin), Pregabalin (Lyrica) và Carbamazepine (Tegretol) được dùng để điều trị giảm đau do thần kinh. Tác dụng phụ có thể gặp là lờ đờ và chóng mặt.
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Amitriptyline, Nortriptyline (Pamelor), Desipramine (Norpramin) và Imipramine (Tofranil), có thể làm giảm đau mức độ nhẹ tới trung bình nhưng cũng có nhiều tác dụng phụ.
- Miếng dán Lidocaine: miếng dán chứa Lidocaine gây tê tại chỗ và giúp giảm đau. Thường không có tác dụng phụ nhiều, thỉnh thoảng gây đỏ da.
- Vitamin nhóm B (B1, B2, B6): có tác dụng nuôi dưỡng tế bào thần kinh và cơ, giúp bồi bổ cơ thể, giúp cơ thể phản ứng các phản xạ thần kinh tốt hơn, có tác dụng dự phòng và cải thiện triệu chứng đau, tê bì do biến chứng thần kinh ở bệnh nhân tiểu đường. Nên chọn sản phẩm chứa vitamin B1 dạng tiền chất với tên là Fursultiamin kết hợp thêm với các thành phần có tác dụng tăng cường lưu thông máu và chống gốc tự do như Ginkgo Biloba, Cao Bluberry. Sản phẩm này (với các thành phần là Fursultiamin, B2, B6, Ginkgo Biloba và Cao Bluberry) sẽ giúp điều trị triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng thần kinh, mạch máu ở bệnh nhân đái tháo đường một cách hiệu quả.
- Kích thích điện qua da: phương pháp này dùng những dòng diện nhỏ kích thích để  giúp giảm đau, tuy nhiên phương pháp này không hiệu quả trên mọi bệnh nhân
- Châm cứu: được áp dụng trong điều trị đau mạn tính bao gồm đau do thần kinh.
- Kỹ thuật thư giãn: giúp giảm áp lực cơ và giảm đau. Kỹ thuật thư giãn bao gồm những bài tập hít thở sâu hay nhìn những hình ảnh êm dịu, tập yoga…

Điều trị biến chứng
- Biến chứng đường tiết niệu: thuốc chống co thắt (Anticholinergics), thay đổi thói quen đi tiểu,… để giảm bớt triệu chứng đường tiểu.
- Rối loạn tiêu hóa: khi bị liệt dạ dày, bệnh nhân nên ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa nên ăn ít, giảm chất béo trong khẩu phần ăn.
- Hạ huyết áp tư thế: bệnh nhân bị hạ huyết áp tư thế cần tránh rượu bia, uống nhiều nước và đứng lên từ từ. Có nhiều thuốc để điều trị hạ huyết áp tư thế, như là fludrocortisone giúp tăng huyết áp.
- Rối loạn chức năng tình dục: Sildenafil (Viagra), tadalafil (Cialis) và vardenafil (Levitra)  có thể cải thiện chức năng tình dục ở nam giới, tuy nhiên những thuốc này có thể không hiệu quả và an toàn đối với tất cả mọi người. Phụ nữ có thể cần chất nhờ âm đạo và kem estrogen để tránh khô âm đạo .

Điều trị loét, hoại tử, nhiễm trùng chân:
Chân của bệnh nhân tiểu đường rất nhạy cảm với nhiễm trùng, chỉ một vết xước nhỏ cũng có thể hình thành loét và hoại tử. Việc điều trị đòi hỏi phải kiên trì và khéo léo để tránh lan rộng ổ nhiễm trùng, dựa trên các nguyên tắc sau:
- Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời
- Kiểm soát đường huyết tốt
- Vùng tổn thương phải được nghỉ ngơi hoàn toàn
- Cắt rạch và lọc tháo mủ ngay khi có chỉ định và đúng cách
- Sử dụng kháng sinh thích hợp
- Thay băng đúng cách hàng ngày
- Tái hồi lưu thông mạch máu
- Những công cụ hỗ trợ chân và những giày dép chuyên biệt
- Giáo dục và tư vẫn cho bệnh nhân khi ở nhà

Việc điều trị bao gồm:
- Điều trị bằng thuốc: Regranex gel là thuốc được FDA chấp nhận để điều trị loét bàn chân tiểu đường, thuốc có chứa yếu tố tăng trưởng giúp mau lành vết thương.
- Tránh áp lực lên vết loét chân giúp mau lành vết thương. Đôi khi có thể đặt chân bệnh nhân trên máng bột để giảm áp lực trên chân.
- Chăm sóc vết thương: làm sạch vết thương và thay băng thường xuyên để tránh nhiễm trùng
- Kháng sinh: kháng sinh thường được sử dụng ngay cả khi chưa có dấu hiệu rõ ràng của sự nhiễm trùng, để ngăn chặn sự lây nhiễm. Thông thường kháng sinh được sử dụng từ 4 – 6 tuần.
- Kiểm soát đường huyết: ổ loét bị nhiễm trùng có thể gây tăng đường huyết. Đường huyết cao lại làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể và chậm lành vết thương. Vì vậy, kiểm soát đường huyết bằng việc điều chỉnh chế độ sinh hoạt, uống thuốc đều đặn sẽ giúp chống nhiễm trùng và mau lành vết thương.
- Ghép da: ghép da giúp mau lành vết thương trong trường hợp vết thương lớn và không đáp ứng với điều trị thông thường.
- Phẫu thuật: việc cắt lọc nhằm loại bỏ các mô chết xung quanh vết thương là cần thiết để làm sạch và thúc đẩy mau lành vết thương. Phẫu thuật bắc cầu mạch máu qua chỗ tắc để giúp cải thiện lưu lượng máu trong động mạch của chân có thể cải thiện vết thương và tránh cắt cụt chân.
- Như là một phương sách cuối cùng, phẫu thuật cắt cụt có thể cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của nhiễm trùng với phần còn lại của cơ thể.
Ths.Bs Vũ Văn Lực

Đái tháo đường