1. ĐẠI CƯƠNG

Xương là một mô liên kết đặc biệt bao gồm các tế bào xương và chất căn bản. Chất căn bản của mô xương bao gồm các sợi collagen và các mô liên kết giầu chất glucoaminoglycin. Tế bào xương, chiếm khoảng 20% thể tích xương nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển hóa và phát triển của khung xương.

Cấu tạo xương có phần trung tâm mềm hơn được gọi là tuỷ xương, là cơ quan tạo máu. Chức năng chủ yếu của xương là nâng đỡ, vận động và bảo vệ các tạng trong cơ thể.

Gãy xương có thể do chấn thương hoặc bệnh lý, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới, bất kỳ lúc nào và bất kỳ vị trí nào.

Mỗi tuổi, mỗi nhóm đối tượng có một loại gãy xương hay gặp:
- Trẻ em: Hay gặp gãy xương đòn, trên lồi cầu xương cánh tay, xương đùi...
- Người trung niên và người già: Hay gặp gãy cổ xương đùi, đầu dưới xương quay
- Thợ lò: Hay bị gãy cột sống
- Thợ cưa, thợ tiện: Hay bị gãy ở bàn tay, các ngón tay
- Gãy xương do bệnh lý: Có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể

 

2. NGUYÊN NHÂN GÃY XƯƠNG

Có nhiều nguyên nhân gây ra gãy xương, nhưng chủ yêu là do chấn thương:
- Tai nạn giao thông, chiếm trên 50% tổng số nguyên nhân gây gãy xương
- Tai nạn lao động, tai nạn do thể dục thể thao, tai nạn sinh hoạt, tai nạn học đường....
- Gãy xương bệnh lý, loại này ít gặp hơn có thể do: Loãng xương, viêm xương, lao xương, u xương,...
- Gãy xương cũng có thể gặp do các bệnh bẩm sinh như khớp giả bẩm sinh, bệnh xương thủy tinh,....
- Thời chiến còn gặp gãy xương do hỏa khí, do sức ép bom, mìn,...

 

Tỷ lệ tử vong do gãy xương đùi rất cao!

3. BIỂU HIỆN CỦA GÃY XƯƠNG

- Biểu hiện rõ nhất và dễ thấy nhất là đau, đau tăng lên khi vận động, nếu bất động tốt thì đau giảm nhanh
- Hạn chế vận động: Tại vị trí gãy sẽ mất hoàn toàn vận động hoặc vận động hạn chế nhiều.
- Biểu hiện toàn thân: Gãy xương nhỏ thường ít ảnh hưởng đến toàn thân, nhưng nếu gãy các xương lớn như gãy xương đùi, gãy cổ xương đùi có thể gây gây sốc chấn thương, sốc mất máu. Gãy cột sống có thể gây liệt.
- Khám tại chỗ có thể thấy: Vị trí gãy bị sưng nề, bầm tím, biến dạng, lệch trục,...
- Chụp X quang: Để chẩn đoán xác định gãy xương thường căn cứ vào phim X quang, trên phim thấy hình ảnh khe sáng làm mất tính liên tục của thành xương.

 

4. CÁC BIẾN CHỨNG CỦA GÃY XƯƠNG

Biến chứng tức thì có thể gặp:
- Sốc do mất máu, sốc chấn thương
- Tổn thương mạch máu gây mất máu cấp
- Rối loạn cảm giác: Tê bì, kiến bò
- Tổn thương thần kinh: Có thể gây liệt, mất cảm giác. Đặc biệt trường hợp gãy cột sống cổ C1 - C5 có thể gây liệt tứ chi; Gãy cột sống lưng, thắt lưng từ D12 - L1 có thể gây liệt 2 chi dưới,...

Các biến chứng sau gãy 24 - 48 giờ:
- Nhiễm trùng vết thương nếu gãy xương hở
- Rối loạn dinh dưỡng: Vị trí gãy có thể nổi nốt phỏng nước, sưng nề, hoại tử

Các di chứng:
- Teo cơ, cứng khớp, hạn chế vận động, giảm chức năng chịu lực của xương
- Chậm liền xương, sau 4 - 5 tháng xương không liền
- Tàn phế: Nếu không được xử trí kịp thời và phù hợp, gãy xương có thể dẫn đến tàn phế, mất khả năng vận động tự chủ, sống phụ thuộc.

 

5. QUÁ TRÌNH HỒI PHỤC SAU GÃY XƯƠNG

Đây là quá trình phức tạp, liên quan tới nhiều yếu tố. Có thể chia quá trình hồi phục thành 4 giai đoạn như sau:
Giai đoạn đầu, còn gọi là pha viêm:
- Xuất hiện ngay sau khi xương gãy, kéo dài trong 3 tuần.
- Khi xương gãy, sẽ làm tổn thương mạch máu dẫn tới hoại tử các tế bào tại ổ gãy, các tế bào này sẽ giải phóng các yếu tố hoạt hóa thành mạch gây giãn mạch và thẩm thấu thành mạch. Quá trình này làm tăng lưu lượng máu tới ổ gãy. Trên nền của cục máu đông hình thành từ các tế bào viêm, các nguyên bào sợi xuất hiện tạo ra collagen dần thay thế cục máu đông bằng tổ chức hạt.

Để giúp cho quá trình liền xương được tốt, hạn chế các di chứng, ở giai đoạn này cần đến cơ sở y tế uy tín và thực hiện các biện pháp như:
- Bất động vị trí gãy xương, đảm bảo hai đầu xương gãy liên tục với nhau, tránh lệch trục. Gãy ở các xương nhỏ, gãy đơn giản có thể kéo nắn, rồi bó bột. Trường hợp gãy phức tạp, hoặc gãy các xương lớn phải phẫu thuật kết hợp xương.
- Xử trí tốt vết thương tại vị trí gãy (nếu có), tránh nhiễm trùng
- Phục hồi các mạch máu bị tổn thương, đảm bảo cung cấp máu tốt cho xương.

Giai đoạn hai là giai đoạn tạo can xương:
Giai đoạn này kéo dài từ 1 đến 4 tháng, gồm hai phân đoạn như sau:
- Hình thành can xương mềm, diễn ra trong 1 - 3 tuần đầu:
+ Trong giai đoạn này hình thành nhiều các mạch máu tân tạo được tạo ra bởi các tế bào gốc tủy xương.
+ Sức căng giãn tại chỗ sẽ hoạt hóa tế bào gốc sinh các nguyên bào sợi. Ở những nơi có nồng độ oxy thấp và căng giãn thường xuyên các tế bào gốc sẽ tạo các nguyên bào sụn (chrondrocyte), sau đó các can sụn sẽ tạo cầu nối giữa hai đầu xương gãy, cũng chính các can sụn này sẽ làm giảm độ căng giãn và đưa tới sự liền xương.
+ Nguyên bào xương (Osteoprogenitor cell) sẽ tăng sinh nhanh chóng ở môi trường giàu oxy và ít bị căng giãn cơ học, những vùng này tạo nên can xương cứng trực tiếp.
+ Can xương mềm được tạo ra nhờ sự biến đổi từ tổ chức hạt sang tổ chức canxi hoá tạm thời, bao gồm các nguyên bào xương và nguyên bào sụn cùng hệ thống các sợi collgen. Sự khoáng hoá can mềm xuất hiện đầu tiên ở chỗ tiếp giáp giữa các đầu xương gãy, tuần tự từ đầu này sang đầu kia của ổ gãy cho đến khi hai đầu xương gãy được nối liền nhau. Can ở giai đoạn này rất mềm và dễ gãy.
- Hình thành can xương cứng: Can xương mềm tiếp tục phát triển, các tế bào sụn cùng hệ thống sợi collagen lắng đọng canxi tạo môi trường cho các tế bào gốc đi vào biến đổi thành các nguyên bào xương, các tế bào này biến đổi sụn đã khoáng hóa thành các bè xương cứng. Sự cốt hoá tạo thành các bè xương cứng đảm bảo nối liền ổ gãy vững chắc.

Ở giai đoàn này, để thúc đẩy nhanh quá trình can xương, có thể cung cấp các vitamin và dưỡng chất giúp tăng tái tạo xương và phát triển sụn như: Canxi, vitamin D3, MK7, chondroitin, Collagen, các khoáng chất thiết yếu như magie, kẽm, đồng, boron, silic, mangan, ... Lúc này, giải pháp tốt nhất là sử dụng thuốc hoặc thực phẩm chức năng dạng viên uống, mỗi viên có chứa đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu đã kể ở trên.

Giai đoạn sửa chữa hình thể can:
Quá trình này kéo dài từ một đến vài năm, trả lại cho xương cấu trúc tổ chức học của nó. Sự sửa chữa được thực hiện bởi các tế bào xương là tạo cốt bào và hủy cốt bào. Quá trình này diễn ra theo một trình tự được lặp đi lặp lại.
Ở giai đoạn này, tiếp tục cung cấp các vitamin và dưỡng chất giúp tăng tái tạo xương. Đặc biệt là canxi, vitamin D3 và MK7, các khoáng chất thiết yếu như magie, kẽm, đồng, boron, silic, mangan, ... để duy trì quá trình tạo xương, giúp xương chắc khỏe.

Giai đoạn hồi phục hình thể xương như ban đầu:
Kéo dài từ một đến nhiều năm. Hình thể xương phục hồi hoàn toàn ở trẻ em, nhưng ở người trưởng thành không thể hồi phục như hình thể ban đầu.
Giai đoạn này, vẫn cần cung cấp các vitamin và khoáng chất giúp tăng tái tạo xương. Bên cạnh đó, cần thực hiện các biện pháp luyện tập thể dục thể thao, phục hồi chức năng, đảm bảo phục hồi tốt chức năng của xương bị gãy.

 

6. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUÁ TRÌNH LIỀN XƯƠNG

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình liền xương, bao gồm các yếu tố tại chỗ và toàn thân.

Các yếu tố tại chỗ:
- Mức độ chấn thương tại chỗ: Gãy xương mà bị chấn thương tại chỗ nhiều, các tổ chức phần mềm quanh xương bị tổn thương nhiều thì liền xương chậm.
- Mức độ mất xương: Mất chất xương hoặc bị kéo quá nhiều sẽ chậm liền.
- Mức độ bất động: Nắn nhiều lần, bất động kém thì không tạo được các cầu ở can xương bên ngoài, sẽ chậm liền, tạo thành khớp giả.
- Nhiễm khuẩn: Nếu gãy xương bị nhiễm khuẩn hoặc do nhiễm khuẩn mà gãy thì liền xương sẽ chậm hoặc không liền.
- Các bệnh lý tại chỗ: Gẫy xương do loãng xương, u xương, bệnh Paget, bệnh loạn sản xơ,...liền chậm, thậm chí không liền xương.
- Tình trạng vô mạch: Bình thường xương liền được là nhờ mạch máu từ hai đầu gãy. Nếu một đầu gãy không có mạch nuôi, bị hoại tử vô mạch thì xương nhờ  các vi quản từ đầu gãy còn sống. Nếu cả hai đầu đều bị vô mạch thì rất khó   liền.
- Gãy nội khớp: Dịch khớp có chứa fibrinolysin là tiêu máu tụ, làm chậm thì đầu của liền xương. Ở gãy nội khớp, xương có thể liền song khó khăn hơn so với gãy ngoại khớp.

Các yếu tố toàn thân:
- Tuổi bệnh  nhân: Tuổi trẻ rất nhanh  liền, tuổi càng cao càng khó liền xương.
- Các hormone và khoáng chất
+ Corticosteroid, hormone vỏ thượng thận, qua thực nghiệm và lâm sàng cho thấy ức chế sự liền xương.
+ Hormone tăng trưởng là một yếu tố giúp liền xương.
+ Các hormone khác qua thực nghiệm cho thấy hormone giáp trạng, insulin, vitamin A, vitamin D liều sinh lý, các hormone đồng hóa,… có tác dụng giúp liền xương nhanh.
+ Thiếu canxi, thiếu vitamin D, còi xương,.... đều làm chậm quá trình liền xương khi bị gãy.
+ Chondroitin, Magie, Mangan,... có tác dụng giúp nhanh liền xương
KẾT LUẬN
Gãy xương là tình trạng khá phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi lúc, mọi nơi. Gãy xương nếu không được xử trí sớm và phù hợp có thể để lại nhiều di chứng, có thể dẫn đến tàn phế, thậm chí tử vong. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hồi phục của xương sau gãy xương. Việc bổ sung canxi, vitamin D, MK7 và các dưỡng chất giúp tăng tái tạo xương đều có tác dụng giúp nhanh liền xương.
 
Ths.Bs Vũ Văn Lực

Gãy xương