Suy nhược thần kinh là trạng thái rối loạn thần kinh phổ biến nhất, chiếm khoảng 70% số lượt khám bệnh tại các khoa thần kinh và tâm thần, với các lý do đi khám bệnh như suy nhược, đau đầu, mất ngủ,...

Bệnh hay gặp ở những người lao động trí óc hơn là lao động chân tay, những người làm việc với áp lực cao. Còn gọi là căn bệnh thời đại, do chúng ta luôn lo lắng về công việc, rất ít thời gian để nghỉ ngơi và giải trí, mất đi sự thanh thản.

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính của bệnh là sự căng thẳng, những áp lực trong cuộc sống, các tác nhân cứ tích lũy theo thời gian, đến một lúc nào đó sẽ gây ra suy nhược thần kinh. Các nguyên nhân bao gồm:

- Stress:

Là nguyên nhân thường gặp nhất, tình trạng căng thẳng kéo dài, lo âu, căng thẳng nội tâm…. Các trạng thái không tìm ra được hướng giải quyết, khiến cho người bệnh luôn trong tình trạng ức chế, ban đầu còn có thể bù trừ do sự thích nghi của cơ thể, nhưng về sau sẽ phát sinh thành bệnh.

Nguyên nhân dẫn đến các chấn thương tinh thần có thể do các mẫu thuẫn trong trong các mối quan hệ xã hội, như bất đồng với tập thể hoặc cá nhân, bị nghi oan, thất bại trong công việc, thất bại trong kinh doanh, thất nghiệp, mẫu thuẫn vợ chồng, con cái hư hỏng, mất đi người thân,....

- Nhân cách

Một số thể nhân cách dễ bị suy nhược thần kinh, như những người sống nội tâm, ít giao tiếp, luôn thận trọng, đa nghi, hay nghĩ kỹ, hay lo xa,…

- Các tác nhân bên ngoài

Một số tác nhân từ bên ngoài cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh, như môi trường sống khắc nghiệt, mắc bệnh nan y,…

Biểu hiện lâm sàng

Có nhiều thể, biểu hiện rất đa dạng, có thể kích thích hoặc ức chế. Các biểu hiện có thể gặp:

- Trạng thái kích thích suy nhược: Có các biểu hiện như cáu kỉnh, dễ kích thích, khó tập trung, khó nhớ, thiếu kiên nhẫn, hay gắt gỏng, nóng nảy…. Sự kích thích dễ bùng phát và cũng dễ tắt để thay thế nhanh bằng phản ứng suy nhược, chóng mặt, mệt mỏi, buồn bã, tức ngực, khó thở, tê chân tay, suy giảm tình dục,…. Đây là các rối loạn chức năng, chưa có tổn thương thực thể. Nếu không được phát hiện và điều trị phù hợp sẽ dẫn đến tổn thương thực thể.

- Đau đầu: Thường có cảm giác căng đau lan tỏa, đau bề nông, đau mơ hồ, thường không đau dữ dội, không đau khu trú. Đau thay đổi theo trạng thái cảm xúc, càng căng thẳng thì đau càng tăng, trong khi thư giãn thoải mái thì đau lại giảm đi.

- Mất ngủ: Do trạng thái kích thích suy nhược làm cơ thể không ngủ được, càng không ngủ được thì tình trạng hưng phấn càng lan tỏa, hưng phấn lan tỏa lại làm khó ngủ. Quá trình này thành vòng xoắn, làm cho tình trạng mất ngủ ngày càng nặng.

Do mất ngủ, nên cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi rã rời, uể oải, cảm giác nặng nề chân tay, ban ngày lại buồn ngủ, ngủ gà nhưng lên giường nằm lại không ngủ được.

- Ngủ nhiều: Trái ngược với trạng thái hưng phấn là trạng thái suy nhược, người luôn buồn bã ủ rũ, ngủ nhiều, hay gặp ác mộng, ngủ nhiều nhưng vẫn có cảm giác mệt mỏi, uể oải.

- Rối loạn cảm giác

Hoa mắt, chóng mặt, mờ mắt, đau nhức toàn thân,… các biểu hiện này thường thay đổi theo trạng tái tâm lý.

Các biểu hiện thần kinh cũng hay gặp như đau cột sống, đau vai gáy, đau thắt lưng, rối loạn cảm giác, tê bì, kiến bò, run chân tay,…

- Rối loạn thần kinh thực vật:

+ Tim mạch: Hồi hộp, đánh trống ngực, đau vùng ngực, nhịp tim nhanh, có thể có tiếng thổi tâm thu

+ Tiêu hóa: Cảm giác buồn nôn, nôn, ăn không ngon miệng, chướng bụng, đầy hơi, táo bón

+ Suy giảm tình dục, rối loạn kinh nguyệt ở nữ

+ Rối loạn cảm xúc, dễ mũi lòng, dễ xúc động, lo âu,…

+ Khó tập trung, khó thở,…

Các thể lâm sàng

- Thể cường: Nổi bật là tình trạng dễ bị kích thích, dễ phản ứng, cảm xúc không ổn định, dễ xúc động, hay hồi hộp, lo âu, đứng ngồi không yên, khó ngủ, dễ thức giấc, các biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật xuất hiện rầm rộ.

- Thể nhược: Đặc trưng tình trạng chóng mặt, mệt mỏi, suy yếu, dễ mủi lòng, hay hờn rỗi, làm việc giảm sút, ngủ không ngon giấc. Khi bị kích thích mạch thường có đáp ứng yếu, nhưng kích thích nhẹ lại đáp ứng mạnh. Một số trường hợp trở nên gầy yếu, suy kiệt.

- Thể trung gian: Biểu hiện các trạng thái kích thích lẫn suy nhược, bàng quan, có khi trầm ngâm, dễ sợ hãi, khả năng làm việc thay đổi thất thường, khi thì hưng phấn, khi thì suy nhược.

Điều trị

Người bị suy nhược thần kinh thường khó phát hiện và không được can thiệp sớm, do đó thường để lại nhiều hậu quả tâm lý nặng nề. Vì thế phát hiện sớm, điều trị đúng có thể giúp cho người suy nhược thần kinh nhanh chóng hồi phục, sớm trở lại trạng thái bình thường. Các biện pháp điều trị bao gồm:

- Điều trị triệu chứng:

Có biểu hiện triệu chứng gì thì tiến hành điều trị triệu chứng đó như:

+ Đau: Dùng thuốc giảm đau, vật lý trị liệu, xông hơi, vận động thư giãn,…

+ Mất ngủ: Dùng thuốc ngủ

+ Lo âu, trầm cảm: Dùng thuốc giải lo âu, an thần gây ngủ, trấn tĩnh

- Điều trị theo nguyên nhân:

Khi xác định được nguyên nhân thì điều trị theo nguyên nhân, chẳng hạn như:

+ Làm giảm stress bằng cách: Tạo ra trạng thái tâm lý ổn định, thoải mái như thư giãn, luyện tập, tọa đàm tâm lý, bồi dưỡng nhân cách, liệu pháp gia đình, hoạt động nhóm,…

+ Điều chỉnh các tác động từ môi trường

+ Điều trị các bệnh lý thực thể

+ Bồi dưỡng sức khỏe bằng chế độ ăn đủ chất, cân đối, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý

+ Tạo tâm lý thoải mái, tạo được một cơ thể khỏe mạnh, lành mạnh…

- Điều trị bằng thuốc:

+ Trạng thái kích thích: Dùng seduxen, kết hợp với vitamin B1, B6

+ Nhức đầu: Thường dùng paracetamol, thuốc giảm đau chống viêm không steroid

+ Mất ngủ: Không nên dùng thuốc ngủ như gardenal vì có thể gây quen thuốc, nên dùng các loại thuốc có nguồn gốc thảo dược như Sen Vông, Rotunda,…có thể dùng Seduxen với liều 5 - 10mg/ngày trong thời gian ngắn không quá 7 ngày.

+ Lo âu: Dùng thuốc an thần nhẹ như Seduxen

+ Trầm cảm: Dùng thuốc chống trầm cảm 3 vòng như amitriptylin liều 50 - 100mg/ ngày.

Lưu ý: Các thuốc này nhiều tác dụng phụ, nhiều lưu ý khi sử dụng, nên tuyệt đối không nên tự dùng thuốc, mà phải đi khám và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

- Liệu pháp tâm lý:

Đối với bệnh cảnh suy nhược thần kinh, liệu pháp tâm lý mang lại nhiều lợi ích. Nhiều trường hợp chỉ cần liệu pháp tâm lý bệnh cũng sẽ thuyên giảm mà không cần phải dùng bất cứ loại thuốc nào. Các biện pháp bao gồm:

+ Bằng thái độ ân cần, niềm nở, tìm hiểu những tâm tư, tình cảm của người bệnh, hoàn cảnh gia đình và công việc. Trên cơ sở đó, thầy thuốc hoặc người thân gây được niềm tin từ người bệnh, giải thích hợp lý làm cho người bệnh hiểu được bản chất và nguyên nhân gây bệnh.

+ Thuyết phục người bệnh tin tưởng vào toàn bộ kế hoạch điều trị, hợp tác chặt chẽ với thầy thuốc, hạn chế các tác nhân gây sang chấn.

+ Hướng dẫn cho người bệnh các phương pháp luyện tập, thể dục thể thao, các biện pháp thư giãn... để giúp họ tự chữa bệnh.

+ Các phương pháp chữa bệnh bằng xoa bóp, châm cứu, vật lý trị liệu, xông hơi, tắm nước nóng,… cũng có tác dụng tốt, có thể kết hợp với thuốc giải lo âu, giúp cải thiện đáng kể tình trạng lo âu, buồn phiền.

Phòng bệnh

Suy nhược thần kinh hoàn toàn có thể phòng tránh được, hoặc giảm thiểu những tổn thương thực thể bằng cách phát hiện và điều trị sớm. Các biện pháp dự phòng:

- Xây dựng mối quan hệ tốt, gắn bó giữa các thành viên trong gia đình, cơ quan, tập thể, bà con hàng hàng xóm,…. Hết sức tránh các mâu thuẫn không đáng có.

- Luôn luôn sống vui vẻ, hòa đồng, tham gia nhiều hoạt động tập thể, hoạt động cộng động, tham gia các câu lạc bộ, có thể dành nhiều thời gian đi du lịch,…

- Tránh các chấn thương tâm lý, dù là rất nhỏ cũng phải được cởi bỏ, được xử lý sớm

- Đảm bảo giấc ngủ tốt, đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tránh ngủ muộn, ngủ nướng

- Rèn luyện thân thể bằng cách tăng cường hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện nhân cách vững vàng

- Có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, hết sức hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn làm ảnh hưởng đến sức khỏe

- Nên đi khám và điều trị sớm các bệnh lý thực thể, tránh để bệnh kéo dài làm suy nhược cơ thể

- Nếu có biểu hiện căng thẳng, lo âu, buồn bã, hoặc có các sang chấn mà nguyên nhân đã xác định rõ từ những mối quan hệ xã hội, quan hệ gia đình,… phải đến gặp bác sĩ tâm lý sớm, để được khám, chẩn đoán xác định và có hướng điều trị phù hợp.

Ths.Bs Vũ Văn Lực

Bệnh thường gặp