1. ĐẠI CƯƠNG

Bệnh viêm mũi dị ứng là môt bệnh khá phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tỷ lệ mắc bệnh dị ứng đường hô hấp chiếm khoảng 10 - 15% dân số thế giới. Ở Việt Nam, bệnh viêm mũi dị ứng chiếm khoảng 32% các bệnh lý về tai mũi họng. Sự biến đổi về khí hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, tỷ lệ mắc bệnh viêm mũi dị ứng cũng tăng theo.

Viêm mũi dị ứng là phản ứng của cơ thể trước những chất lạ (dị nguyên) xâm nhập vào cơ thể đặc biệt là qua đường hô hấp, cơ thể khi đó sẽ tạo ra các kháng thể để chống lại. Sự kết hợp giữa kháng thể dị ứng với các dị nguyên tạo ra chất histamin, đây là một chất gây ra một loạt các phản ứng dị ứng.

Các dị nguyên có thể xâm nhập cơ thể bằng nhiều đường khác nhau như đường thở, ăn uống, qua da, niêm mạc… Mỗi người có thể bị mẫn cảm với một hoặc nhiều loại dị nguyên.

 

2. NGUYÊN NHÂN

Bệnh viêm mũi dị ứng do sự xâm nhập của dị nguyên vào cơ thể. Các dị nguyên thường gặp trong cuộc sống bao gồm:

- Bụi nhà, lông vũ (gia súc, gia cầm), phấn hoa, nấm mốc, côn trùng, khói thuốc lá, thuốc lào, các loại hóa chất, các loại mỹ phẩm, các loại sơn, vôi, ve…
- Các thức ăn theo đường tiêu hóa như hải sản, tôm, cua…
- Các thuốc tân dược, thuốc nam, thuốc gây tê, gây mê, kháng sinh…
- Môi trường ô nhiễm, thời tiết thay đổi, mưa bão… là yếu tố gây viêm mũi dị ứng
- Các nhân tố khác như độc tố của vi khuẩn, nấm do các nhiễm trùng mạn tính ở xoang mũi, amiđan, răng, lợi, miệng…
- Ngoài ra, các yêu tố thuận lợi như: Vẹo, gai, mào vách ngăn
Yếu tố tiền sử của gia đình cũng là nguyên nhân gây bệnh:
- Nếu cả bố và mẹ đều có cơ địa dị ứng thì các con của họ sẽ có 75% nguy cơ bị dị ứng. Nguy cơ này giảm xuống 50% nếu chỉ có bố hoặc mẹ bị dị ứng và 15% nếu cả bố và mẹ đều không bị dị ứng.
- 70% anh em sinh đôi cùng trứng có mắc các bệnh dị ứng giống nhau, trong khi sinh đôi khác trứng chỉ là 40%.

Một nghiên cứu của nước ngoài cho thấy, dị ứng thường xuất hiện trên các cơ thể có rối loạn chuyển hóa, các rối loạn chức năng gan, rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn nội tiết, rối loạn tâm lý, tâm thần,....

3. BIỂU HIỆN CỦA VIÊM MŨI DỊ ỨNG

Viêm mũi dị ứng có các biểu hiện chính như sau:
- Ngạt mũi, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi (thường là chảy mũi loãng, dịch trong)
- Đau đầu, cảm giác ù và đầy tai
- Đau họng và khạc đờm kéo dài
- Ho khan
- Cảm giác giống người bị “cảm” kéo dài
- Rối loạn giấc ngủ, có thể có hiện tượng ngáy
- Rối loạn cảm nhận mùi và vị giác, khó tập trung
- Ngứa, đỏ, chảy nước mắt, phù nề, thâm quầng mí mắt.

4. ĐIỀU TRỊ VIÊM MŨI DỊ ỨNG

Hiện nay chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn các bệnh dị ứng, trong đó bao gồm cả bệnh viêm mũi dị ứng, các biện pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng. Phương pháp điều trị nói chung có 3 vấn đề cơ bản là: Tránh tiếp xúc với các dị nguyên gây bệnh; sử dụng các thuốc chống dị ứng để giảm triệu chứng và điều trị giải mẫn cảm đặc hiệu khi xác định được tác nhân gây dị ứng.

Tránh tiếp xúc với dị nguyên:

Là cách đơn giản và hiệu quả nhất để điều trị các bệnh dị ứng nhưng thường rất khó thực hiện trong thực tế. Việc loại bỏ hoàn toàn các dị nguyên vi thể trong không khí như bụi nhà, nấm mốc, phấn hoa gần như không thể. Nhưng giảm được số lượng các dị nguyên tiếp xúc trong môi trường sống và làm việc cũng có thể giúp cải thiện các triệu chứng dị ứng, giảm sử dụng thuốc chống dị ứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Một số biện pháp có thể áp dụng để hạn chế tiếp xúc với dị nguyên:

- Đeo khẩu trang, rửa mũi bằng nước muối sinh lý, tắm gội sạch sẽ sau khi ra bên ngoài trời
- Vệ sinh nhà cửa và các đồ dùng trong nhà sạch sẽ và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời
- Không nên dùng thảm và nệm ghế bằng vải.
- Không nuôi chó mèo hoặc những vật có lông khác trong nhà
- Hạn chế chơi thú bông nếu trẻ bị dị ứng
- Hạn chế tiếp xúc với khói thuốc, khói xe, nước hoa hoặc các chất nặng mùi khác.
- Nếu bị dị ứng nghề nghiệp, nếu không thể đổi nghề, người bệnh nên dùng khẩu trang, mặt nạ hoặc sử dụng các vật liệu thay thế.

Sử dụng thuốc điều trị

Thuốc hàng đầu và là thuốc cơ bản trong điều trị các bệnh dị ứng là thuốc kháng histamin. Hiện trên thị trường có nhiều loại thuốc kháng histamin có tác dụng tốt. Ngoài ra, có thể sử dụng các loại thuốc chống dị ứng có nguồn gốc từ thảo dược, thực phẩm chức để hỗ trợ điều trị và dự phòng tái phát.
Phần lớn các trường hợp viêm mũi dị ứng đều đáp ứng điều trị bằng thuốc. Sử dụng thuốc chống nghẹt mũi, viêm mũi có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp. Cũng có thể sử dụng kết hợp giữa thuốc đường uống và thuốc xịt tại chỗ. Thuốc xịt tại chỗ có nhiều loại, nhưng thường dùng loại có chứa 3 thành phần là Xylomethazolin, Dexamethasone và Neomycin sulphat.

Người bệnh nên chú ý không nên sử dụng các thuốc trị nghẹt mũi, viêm mũi dạng xịt hoặc nhỏ quá 7 ngày vì việc lạm dụng nó sẽ gây hiện tượng sinh lý phản hồi, khiến bệnh nhân nghẹt mũi nặng hơn, phải tăng liều, dẫn đến tình trạng viêm mũi do thuốc và nghiện thuốc, rất khó điều trị.
Giải mẫn cảm đặc hiệu:

Điều trị giải mẫn cảm đặc hiệu với dị nguyên là phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh lý dị ứng, đặc biệt như viêm mũi dị ứng.

Sau khi biết chính xác là dị ứng với loại di nguyên nào người bệnh sẽ được tiêm chất di nguyên gây bệnh  với liều lượng tăng dần và làm cho cơ thể thích ứng dần với chất đó và không dị ứng nữa.

Tỷ lệ thành công của phương pháp này là 80-90% (có hiệu quả cao nhất với các trường hợp dị ứng do phấn hoa, bụi nhà và lông chó, mèo). Nhưng thời gian điều trị khá dài từ 4 – 5 năm mới đạt hiệu quả mong muốn và triệu chứng chỉ bắt đầu cải thiện rõ sau 6-12 tháng.
KẾT LUẬN
Bệnh viêm mũi dị ứng khá thường gặp, bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Nói chung, các bệnh lý liên quan đến cơ dị ứng thường tồn tại suốt đời nhưng các triệu chứng lại có thể thay đổi theo thời gian. Các bệnh dị ứng thường khởi phát ở trẻ nhỏ, ổn định dần ở tuổi dậy thì và tái phát lại sau đó, sớm hay muộn tuỳ thuộc vào môi trường sống và lối sống của mỗi cá thể.
Việc điều trị các bệnh dị ứng còn gặp nhiều khó khăn, do không có thuốc điều trị triệt để, chỉ điều trị triệu chứng thôi.
 
Ths.Bs Vũ Văn Lực

Viêm mũi dị ứng