Tóm tắt nội dung
Á sừng có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, tuy không quá nguy hiểm nhưng lại gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh. Bên cạnh đó, á sừng cũng rất dễ tái phát theo một chu kỳ, gây mất thẩm mỹ, khiến cho người bệnh ngại tiếp xúc với người khác. Nếu không được chữa trị đúng cách, bệnh có thể trở nặng, gây nhiễm trùng thứ phát.
Hiện chưa có thuốc điều trị dứt điểm, tuy nhiên một số yếu làm thay đổi hormone như dậy thì, mang thai, mãn kinh ở phụ nữ… có thể khiến bệnh thuyên giảm hoặc tự khỏi.
1. Nguyên nhân gây bệnh á sừng
Nguyên nhân gây bệnh á sừng đến nay vẫn chưa được biết rõ, song một trường hợp được coi là có nguy cơ cao là:
- Yếu tố di truyền: Trong gia đình có bố, mẹ hoặc anh chị em ruột từng bị bệnh á sừng thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn
- Cơ địa dị ứng: Những người có cơ địa dị ứng cũng có nguy cơ cao mắc bệnh á sừng
- Thay đổi thời tiết: Thời tiết mùa hè nóng nực, ra nhiều mồ hôi hay mùa đông lạnh, khô khiến người bệnh phải đeo tất, giày, ủng. Điều này khiến bệnh dễ tái phát và trở nên nặng hơn.
- Thức ăn: Người từng bị á sừng nếu ăn nhiều thức ăn dễ dị ứng như hải sản, thịt bò, thịt gà, hành tỏi, củ cải…rất dễ bùng phát lại.
- Nghề nghiệp: Một số công việc như rửa bát trong các nhà hàng, thợ làm móng, tóc, người làm nội trợ, bán cá, rau củ quả, công nhân vệ sinh… có nguy cơ rất cao gây bệnh á sừng.
- Cọ xát do cử động lặp lại: Vị trí gót chân hoặc ngón chân cọ xát vào giày lúc di chuyển có thể là tác nhân gây khởi phát bệnh
- Tiếp xúc với chất liệu gây kích ứng: Các loại tất chân quá bí làm bằng vải sợi tổng hợp, giày dép có chất liệu nylon hoặc vinyl.
- Tăng tiết mồ hôi: Mồ hôi khiến da bị ẩm ướt sau đó khô đi nhanh chóng, gây ra hiện tượng nứt nẻ trên bề mặt da.
2. Những biểu hiện của bệnh á sừng
- Da dày, chai, sần, nứt nẻ, có thể nứt ngày càng sâu hơn tạo các rãnh lớn và làm chảy máu
- Thường xuất hiện ở đầu ngón tay, kẽ tay, lòng bàn tay, mu bàn tay và tương tự với bàn chân
- Có khả năng nhiễm nấm, nhiễm khuẩn ở các vùng da bị tổn thương tạo ra các ổ mủ, chảy nước hoặc nổi mụn nước
- Kèm theo ngứa đặc biệt là khi thời tiết nóng
- Móng có những lỗ nhỏ li ti, chuyển vàng và có thể tách ra khỏi nền móng
- Nếu vùng da đã bị á sừng mà vẫn tiếp xúc với các loại hóa chất, chất tẩy rửa, nước bẩn…. thì các biểu hiện sẽ nặng hơn.
3. Chẩn đoán bệnh á sừng
- Chẩn đoán bệnh á sừng chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng, ngoài ra có thể khai thác thêm về tiền sử bản thân, tiền sử gia đình nữa.
- Xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh không giúp gì nhiều trong chẩn đoán bệnh á sừng
- Sinh thiết da để xét nghiệm dưới kinh hiển vi cho kết quả chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt với một số bệnh khác
4. Điều trị bệnh á sừng
Bệnh á sừng hiện chưa có thuốc điều trị triệt để, các biện pháp điều trị tập trung vào các mục tiêu như cải thiện triệu chứng, điều trị bệnh á sừng trở nặng và tránh các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa tái phát.
4.1. Điều trị triệu chứng
- Luôn dưỡng ẩm cho da: Đây là điều tiên quyết nhất đối với điều trị triệu chứng của bệnh. Có thể dùng dầu oliu, hoặc các loại kem dưỡng ẩm dịu nhẹ để làm mềm da.
- Bảo vệ vết nứt trên da để tránh tổn thương: Có thể xịt hoặc bôi acrylate lên vết nứt để giảm đau.
- Sử dụng làm giảm lớp sừng và kháng viêm: Các thuốc thường dùng bao gồm tacrolimus và glucocorticoid bôi tại chỗ, có thể dùng kèm thêm thuốc kháng nấm và kháng histamin.
- Tránh nguy cơ tổn thương lớp sừng da: Không nên chọc mụn nước (nếu có), không lột da, chà xát, kỳ cọ mạnh vùng da tổn thương.
- Dùng khăn lau khô: Sau khi rửa tay chân cần dùng khăn mềm lau khô nhất là các kẽ ngón tay ngón chân rồi bôi kem dưỡng ẩm cho da.
- Không ngâm chân, tay với nước muối: Nước muối có tính ưu trương sẽ làm da khô, căng và dễ nứt nẻ.
Ngoài ra, tùy từng bệnh cảnh cụ thể bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng các phương pháp điều trị kèm theo phù hợp.
4.2. Điều trị khi bệnh trở nặng
Khi bệnh á sừng trở nặng, tốt nhất nên đi khám chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán xác định tình trạng bệnh và hướng dẫn điều trị. Không nên tự ý dùng các loại kem bôi, thuốc uống, thuốc xịt vì có thể gây tác dụng phụ và khiến bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn.
Sau khi thăm khám, tùy tình trạng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc uống và thuốc bôi có chứa glucocorticoid để điều trị.
Nếu bị nhiễm nấm hay nhiễm khuẩn thứ phát do bệnh á sừng, bác sĩ phải chỉ định thêm thuốc kháng nấm hoặc kháng sinh để điều trị.
5. Dự phòng tái phát bệnh á sừng
Để tránh các yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh hoặc khiến bệnh trở nặng, cần lưu ý các biện pháp chăm sóc sau đây:
- Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, tránh lo âu
- Thoa kem dưỡng ẩm sau khi tắm và trước khi đi ngủ để chăm sóc da
- Dành thời gian chăm sóc đôi chân, đặc biệt là các ngón chân và gót chân
- Không bóc, hay chà xát lên vùng da bị bong tróc vì có thể làm ảnh hưởng đến những vùng da lành
- Không gãi các vùng da nhiễm bệnh vì có thể làm tổn thương tế bào da, đồng thời khiến vi khuẩn trong tay có điều kiện xâm nhập vào da nhanh hơn
- Cắt ngắn móng tay, móng chân để không tạo nơi trú ẩn cho vi khuẩn, đồng thời để hạn chế sự tác động của móng lên da làm trầy xước
- Mang giầy tất vừa vặn, mềm mại, chất liệu thoáng khí, không đi giầy cứng hoặc quá chặt làm tổn thương đa
- Giữ ấm cơ thể về mùa đông, đeo găng tay và đeo tất khi thời tiết lạnh để tránh nứt nẻ
- Chế độ ăn đầy đủ vitamin và dưỡng chất cần thiết, đặc biệt là các vitamin A, C, D, E, canxi…
- Uống ít rượu bia, các chất kích thích, không ăn đồ cay, nóng, hạn chế các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như tôm, cua, ghẹ, mực, nhộng….
- Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không điều trị sớm thì rất dễ trở nặng và khó chữa lành. Vì vậy, phải theo dõi chăm sóc da thường xuyên và áp dụng chế độ ăn hợp lý để nhanh chóng hồi phục làn da khỏe mạnh.
- Không tiếp xúc với các chất độc hại như hóa chất công nghiệp, xăng dầu, chất tẩy rửa, xà phòng
- Luôn mang găng tay, ủng chân hoặc găng tay để bảo vệ da khi phải tiếp xúc với hóa chất.
Á sừng