Tóm tắt nội dung
Hiện đường lây truyền của virut cúm A H7N9 chưa được hiểu biết rõ ràng và cũng chưa có kết luận nào về sự lây truyền dịch cúm từ người sang người. Tuy nhiên đa số các ca bệnh cúm A H7N9 được phát hiện đều có tiếp xúc gần với các loại gia cầm bị nhiễm virut cúm A H7N9.
Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm cúm A H7N9 trên người. Nhưng do nước ta có sự giao lưu thương mại, du lịch lớn với Trung Quốc, đặc biệt là với tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây nơi đã ghi nhận các trường hợp nhiễm cúm A H7N9. Thêm vào đó việc nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm vào nước ta vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có nguy cơ xâm nhập virut cúm A H7N9 từ vùng có dịch.
1. Nguyên nhân gây bệnh cúm A H7N9
Virut cúm A H7N9 là một nhóm virut cúm gồm nhiều chủng, nhưng thường chỉ gây bệnh ở các loài gia cầm. Các chủng được phát hiện từng lây nhiễm sang người là H7N2, H7N3, H7N7. Tuy nhiên chủng H7N9 thì mới lần đầu tiên được ghi nhận lây nhiễm sang người vào năm 2013 ở Trung Quốc.
Tổ chức Y tế thế giới vẫn chưa giải thích được bằng cách nào mà virut cúm A H7N9 lại có thể lây sang người. Tuy nhiên, kết quả phân tích gen cho thấy virut này có những biến đổi để có thể phát triển trên các động vật có vú bao gồm cả trên người. Cụ thể, virut cúm A H7N9 có khả năng bám dính vào được các tế bào của động vật có vú và có khả năng phát triển được trong môi trường nhiệt độ cơ thể bình thường của động vật có vú, vốn thấp hơn so với các loài gia cầm.
Mặc dù đã có những chùm ca bệnh được báo cáo, tức là nhiễm bệnh trên những người ở gần nhau, nhưng chưa có bằng chứng về việc lây bệnh từ người sang người. Phần lớn những trường hợp nhiễm virut cúm A H7N9 ở người là kết quả của việc tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với gia cầm nhiễm virut, như sau khi đi chợ và tiếp xúc với môi trường mà gia cầm bị nhiễm virut được lưu giữ, vận chuyển hoặc giết mổ gia cầm.
Gia cầm nhiễm virut H7N9 độc lực thấp thường không có biểu hiện bệnh hoặc biểu hiện không rõ ràng, gây khó khăn cho việc xác định gia cầm bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, đã phát hiện ra sự biến đổi virut H7N9 từ độc lực thấp sang độc lực cao trên gà từ tháng 1/2017 và hiện cả hai chủng vi rút đang lưu hành. Cả gia cầm khỏe mạnh lẫn nhiễm bệnh đều có thể là nguồn lây nhiễm.
2. Những yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm cúm A H7N9
Các yếu tố nguy cơ cao nhất đối với cúm A H7N9 là tiếp xúc với gia cầm bị bệnh hoặc với các bề mặt bị ô nhiễm bởi lông, nước bọt hoặc phân của gia cầm. Trong rất ít trường hợp, H7N9 đã được truyền từ người sang người, nhưng trừ khi virut bắt đầu lây lan dễ dàng hơn giữa con người với nhau, gia cầm nhiễm bệnh vẫn là mối nguy hiểm lớn nhất.
Các mô hình truyền bệnh từ người sang người vẫn chưa được giải thích rõ ràng. Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc H7N9. Độ tuổi trung bình của những người bị ảnh hưởng bởi H7N9 là 62.
Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng phụ nữ sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh cúm gia cầm và các biến chứng của bệnh. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không rõ chính xác lý do tại sao lại như vậy.
3. Biểu hiện lâm sàng cúm A H7N9
Cúm A H7N9 gây bệnh ở người có biểu hiện lâm sàng cũng khá rậm rộ, với các triệu chứng:
- Sốt: Sốt cao 39 – 40 độ C
- Đau mỏi các khớp xương, nhức đầu, buồn nôn, nôn
- Một số trường hợp có biểu hiện viêm long đường hô hấp trên như sổ mũi, hắt hơi, đau họng...
- Ho, tức ngực, khó thở tăng dần
- Các triệu chứng suy hô hấp: tím môi, tím đầu chi, thở nhanh, co kéo cơ hô hấp
- Các biểu hiện nặng, nguy kịch bao gồm: tiểu ít hoặc vô niệu, phù, suy tim, đông máu nội mạch rải rác, suy gan nặng, hôn mê...
4. Chẩn đoán bệnh cúm A H7N9
Yếu tố dịch tễ:
- Đang sống trong vùng hoặc đi đến vùng có gia cầm bị nhiễm cúm A H7N9
- Chăn nuôi hoặc tiếp xúc với gia cầm bị bệnh
- Từng ăn hoặc làm thịt gia cầm nghi nhiễm bệnh
Các biểu hiện lâm sàng gợi ý như:
- Sốt, gai rét, chán ăn, đau đầu, đau mình, mệt mỏi nhiều và người như kiệt sức
- Biểu hiện viêm mũi họng như hắt hơi, chảy nước mũi, chảy nước mắt
- Triệu chứng đường hô hấp dưới như xuất hiện ho có đờm, khó thở tiến triển, thở nhanh, tím môi và đầu chi.
Xét nghiệm virut học:
- Phân lập virut từ dịch họng, dịch tỵ hầu, dịch phế quản hay đờm
- Phát hiện acid nucleic của virut trong những mẫu bệnh phẩm bằng phản ứng chuỗi polymerase (PCR), phiên mã ngược (RT-PCR).
- Những xét nghiệm khác không giúp nhiều cho chẩn đoán nhiễm virut cúm nhưng đánh giá tiên lượng bệnh và giúp ích cho điều trị như xét nghiệm công thức máu thấy giảm bạch cầu, đặc biệt giảm tế bào lympho, giảm tiểu cầu mức độ nhẹ đến trung bình. Khi bạch cầu máu tăng có thể do nhiễm khuẩn thứ phát...
Chụp X quang phổi:
Với những bệnh nhiễm virut cúm thông thường ít có biểu hiện gì đặc biệt trên phim X quang. Nhưng với nhiễm cúm A H5N1 có thể phát hiện tổn thương thâm nhiễm lan tỏa, thâm nhiễm kẽ thậm chí đông đặc tiểu thùy phổi.
Ngoài ra, cũng cần làm xét nghiệm để chẩn đoán phân biệt với các bệnh hô cấp cấp tính do virut khác, hay vi khuẩn....
5. Điều trị bệnh cúm A H7N9
Nhiễm cúm A H7N9 cần phải đặc biệt lưu ý, vì thể này thường rất nặng, diễn biến nhanh, nguy cơ tử vong khá cao. Các biện pháp điều trị cơ bản:
Hỗ trợ hô hấp:
Hồ trợ hô hấp có vai trò quan trọng trong điều trị viêm phổi do cúm A H7N9. Tùy theo mức độ tổn thương phổi và tình trạng thiếu oxy mà có thể sử dụng thở oxy qua kính mũi, qua mặt nạ hay thông khí nhân tạo không xâm nhập hoặc xâm nhập
Thuốc kháng virut:
Đến nay, 2 loại thuốc có tác dụng điều trị đặc hiệu virut cúm A H7N9 là Oseltamivir (Tamiflu) và Zanamivir được Bộ Y tế chuẩn bị sẵn để điều trị cho người bệnh nhiễm cúm A H7N9. Tuy nhiên thuốc chỉ có tác dụng tốt nhất trong vòng 48h sau khi bị sốt nên nếu nghi mắc cúm A H7N9 cần đến các bệnh viện sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng nguy hiểm đến tính mạng.
Thuốc kháng sinh được chỉ định trong giai đoạn chưa khẳng định xét nghiệm hoặc trường hợp có bội nhiễm viêm phổi nhất là nhiễm trùng bệnh viện.
Bên cạnh đó, cần phải hồi sức suy đa tạng, nâng cao thể trạng, bồi phụ nước và điện giải, điều trị triệu chứng khác và dinh dưỡng đầy đủ.
6. Phòng bệnh cúm A H7N9
Hiện vẫn chưa có vắc xin phòng nhiễm cúm A H7N9 ở người. Việc phòng bệnh chủ yếu tập trung vào các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, trong đó quan trọng nhất là vệ sinh tay, vệ sinh đường hô hấp và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vệ sinh tay:
- Rửa tay trước, trong và sau khi chế biến thức ăn
- Rửa tay trước khi an và sau khi đi vệ sinh
- Rửa tay sau khi tiếp xúc với động vật và chất thải động vật
- Đối với nhân viên y tế phải rửa tay trước và sau khi chăm sóc người bệnh
Vệ sinh đường hô hấp:
- Khi ho hay hắt hơi phải che miệng và mũi bằng khẩu trang y tế, giấy ăn, tay áo hoặc khuỷu tay
- Vứt giấy vào sọt rác có nắp đậy sau khi sử dụng và phải rửa tay sau khi tiếp xúc với các chất tiết của đường hô hấp.
Vệ sinh an toàn thực phẩm:
- Virut cúm có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ thường dùng cho nấu ăn, vì thế các sản phẩm từ thịt và trứng có thể an toàn nếu như được chuẩn bị đúng cách và nấu chín.
- Không nên ăn các thức ăn từ động vật có biểu hiện bệnh rõ ràng hoặc bị chết do bệnh hay chết đột ngột.
- Luôn luôn giữ thịt và trứng sống tách riêng khỏi thực phẩm đã nấu chín hoặc thực phẩm ăn sẵn để tránh lây nhiễm.
- Nhằm giảm thiểu nguy cơ virut cúm A H7N9 xâm nhập và lan rộng ở Việt Nam, hãy mua gia cầm khỏe mạnh từ nguồn đáng tin cậy và báo cáo ngay bất kỳ trường hợp gia cầm chết bất thường nào cho cơ quan quản lý.
Cúm - Cảm cúm