Tóm tắt nội dung
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, cúm A H5N1 rất nguy hiểm khi lây sang người, có khả năng giết chết gần 60% số người nhiễm bệnh.
Cúm A H5N1 lây truyền bằng cách ký sinh ở tế bào ruột non của các loài chim di cư. Tuy nhiên, do có đề kháng với virut nên các loài chim di cư không hề bị bệnh nhưng lại dễ dàng cảm thụ với các loài gia cầm được nuôi để lấy thịt như gà, vịt, ngan… Đây là nguyên nhân chính gây nên các đợt dịch cúm gia cầm.
Bệnh cúm A H5N1 ở người thường xảy ra đồng thời với dịch cúm gia cầm. Môi trường đông đúc, không đảm bảo vệ sinh như chợ gia cầm, chợ chim sống là ổ dịch thuận lợi cho sự sinh sôi và phát triển của virus cúm A H5N1.
Tổn thương phổi thường gặp ở người là thâm nhiễm lan toả, thâm nhiễm kẽ phổi, nhanh chóng diễn biến đến suy hô hấp cấp, rồi tử vong. Điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, tuy nhiên những trường hợp nặng cần hỗ trợ hô hấp (thở oxy, thở máy), điều trị kháng sinh là cần thiết trong những trường hợp bội nhiễm phổi do vi khuẩn. Điều trị thuốc kháng virut có thể được áp dụng tuy nhiên hiệu quả chưa được đánh giá.
1. Nguyên nhân gây bệnh cúm A H5N1
Virut cúm tên khoa học là Influenza thuộc họ Orthomyxoviridae, gồm 3 typ A, B và C (còn gọi là cúm A, cúm B và cúm C). Virut cúm rất dễ biến dị nhất là virut cúm A, do biến dị nên virut cúm gồm nhiều phân typ (subtype). Mỗi lần virut biến dị kháng nguyên cũng bị biến đổi, do đó gây khó khăn trong việc sản xuất vacxin phòng bệnh cúm.
Virut cúm A được chia thành nhiều phân typ dựa trên kháng nguyên bề mặt ngưng kết hồng cầu Hemagglutinin (H) và neuraminidase (N). Có 16 loại kháng nguyên H (từ H1 đến H16) và 9 kháng nguyên N (từ N1 đến N9), nghĩa là có tất cả 144 tập hợp các loại virut cúm A.
Cúm A H5N1 là virut có khả năng gây nhiễm cao ở gia cầm. Chủng virut này lần đầu tiên được ghi nhận lây sang người là vào năm 1997 tại HongKong. Chính nhóm virut cũng là tác nhân gây dịch cúm trên gia cầm ở HongKong thời điểm đó.
Đến nay, trên thế giới đã có hơn 600 người nhiễm virus H5N1 với tỷ lệ tử vong khoảng 60%. Quốc gia chịu tổn thất về người nặng nề nhất là Indonesia và Việt Nam. Đã có 10 quốc gia châu Á và châu u phát hiện thấy virut cúm A H5N1.
Tại Việt Nam từ tháng 12/2003 đã xuất hiện những đợt dịch cúm gia cầm ở 64 tỉnh trong cả nước, phải tiêu huỷ hàng trăm triệu con gia cầm. Dịch trên người xảy ra ở nhiều tỉnh thành phố, đến nay nước ta ghi nhận 124 trường hợp mắc bệnh và 62 người tử vong.
2. Đường lây nhiễm cúm A H5N1 sang người
Hiện đường lây truyền vẫn chưa xác định được rõ ràng. Có các bằng chứng phù hợp lây trực tiếp từ gia cầm hay từ môi trường sang người, như gặp ở người chăn nuôi hoặc giết mổ gia cầm mắc bệnh. Trong khi chưa có đủ cơ sở để khẳng định có sự lây truyền cúm A H5N1 từ người sang người, đường lây truyền này đang được nghiên cứu.
Vi rút cúm A H5N1 có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người do tiếp xúc với gia cầm bị bệnh hoặc bất kỳ bộ phận nào của gia cầm bị bệnh (bao gồm cả phân và lông). Sự lây nhiễm có thể xảy ra qua các đường sau:
Qua tiếp xúc trực tiếp như: giết mổ, vận chuyển, mua bán, cầm nắm, sờ vào gia cầm bị nhiễm bệnh.
Qua ăn, uống:
- Ăn thịt và các sản phẩm gia cầm bị nhiễm bệnh.
- Ăn các sản phẩm của gia cầm không được nấu chín kỹ như trứng, tiết canh...
3. Biểu hiện lâm sàng bệnh cúm A H5N1
Virut cúm A H5N1 là loại virut gây bệnh chủ yếu ở gia cầm nên còn gọi là cúm gia cầm. Bệnh được ghi nhận lây sang người lần đầu tại HongKong năm 1997.
Mặc dù cũng có trường biểu hiện nhẹ, không triệu chứng gì, nhưng phần lớn những người nhiễm cúm gia cầm H5N1 là thể bệnh nặng, với các tổn thương phổi lan tỏa và suy đa tạng.
Thời gian ủ bệnh dài hơn thể cúm thông thường, thường ủ bệnh từ 2 – 4 ngày, thậm chí dao động từ 8 – 17 ngày. Các biểu hiện chủ yếu:
- Sốt cao đột ngột trên 38°C, có thể gai rét hay rét run
- Biểu hiện toàn thân: đau đầu, đau cơ, mệt mỏi rã rời, một số trường hợp có đau bụng, nôn, ỉa chảy phân nhiều nước không có nhầy máu.
- Triệu chứng đường hô hấp dưới xuất hiện sớm và thường gặp khi người bệnh đến viện, như xuất hiện ho có đờm, khó thở tiến triển, thở nhanh, tím môi và đầu chi.
- Khó thở, xuất hiện khó thở phụ thuộc vào tổn thương phổi nhưng thông thường khoảng 5 - 7 ngày sau khi khởi phát bệnh. Khám lâm sàng có thể thấy ran nổ, ran ẩm và ran rít.
- Chụp X quang phổi: tổn thương phổi trên X quang thường xuất hiện vào ngày thứ 5 sau khi khởi phát bệnh (dao động từ 3 - 10 ngày). Thâm nhiễm lan toả, đa ổ hoặc kiểu đốm, thâm nhiễm kẽ, đông đặc tiểu thùy hoặc thùy. Ít có tràn dịch màng phổi, khi có tràn dịch màng phổi cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác hoặc bội nhiễm.
Tình trạng suy hô hấp liên quan đến hiện tượng thâm nhiễm lan toả 2 phổi và biểu hiện của hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS). Suy đa phủ tạng trong nhiễm cúm A H5N1 rất thường gặp với suy thận, suy gan, suy hô hấp.... Tỷ lệ tử vong của bệnh cao khoảng gần 60% các trường hợp bệnh được chẩn đoán. Bệnh nhân thường tử vong sau khi khởi phát bệnh 9 - 10 ngày và phần lớn liên quan đến ARDS và suy đa tạng.
4. Chẩn đoán bệnh cúm A H5N1
Chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng và dịch tễ học rất khó chẩn đoán xác định nhiễm virut cúm, bởi vì bệnh cúm không có biểu hiện gì đặc hiệu, các triệu chứng rất giống nhau giữa các chủng và ngay cả các virut gây viêm đường hô hấp khác cũng có biểu hiện rất giống với bệnh cúm.
Yếu tố dịch tễ:
- Đang sống trong vùng hoặc đi đến vùng có gia cầm bị nhiễm cúm A H5N1
- Chăn nuôi hoặc tiếp xúc với gia cầm bị bệnh
- Từng ăn hoặc làm thịt gia cầm nghi nhiễm bệnh
- Sốt, gai rét, chán ăn, đau đầu, đau mình, mệt mỏi nhiều và người như kiệt sức
- Biểu hiện viêm mũi họng như hắt hơi, chảy nước mũi, chảy nước mắt
- Triệu chứng đường hô hấp dưới như xuất hiện ho có đờm, khó thở tiến triển, thở nhanh, tím môi và đầu chi.
- Khó thở, mức độ khó thở phụ thuộc vào tổn thương phổi
- Khám lâm sàng có thể thấy ran nổ, ran ẩm và ran rít.
Xét nghiệm virut học:
- Phân lập virut từ dịch họng, dịch tỵ hầu, dịch phế quản hay đờm
- Phát hiện acid nucleic của virut trong những mẫu bệnh phẩm bằng phản ứng chuỗi polymerase (PCR), phiên mã ngược (RT-PCR).
- Định týp virut (A và B) có thể dùng kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang hay HI.
- Các phương pháp huyết thanh học để chẩn đoán chủ yếu có ích trong nghiên cứu hồi cứu.
- Những xét nghiệm khác không giúp nhiều cho chẩn đoán nhiễm virut cúm nhưng đánh giá tiên lượng bệnh và giúp ích cho điều trị như xét nghiệm công thức máu thấy giảm bạch cầu, đặc biệt giảm tế bào lympho, giảm tiểu cầu mức độ nhẹ đến trung bình. Khi bạch cầu máu tăng có thể do nhiễm khuẩn thứ phát...
Chụp X quang phổi:
Với những bệnh nhiễm virut cúm thông thường ít có biểu hiện gì đặc biệt trên phim X quang. Nhưng với nhiễm cúm A H5N1 có thể phát hiện tổn thương thâm nhiễm lan tỏa, thâm nhiễm kẽ thậm chí đông đặc tiểu thùy phổi.
Ngoài ra, cũng cần làm xét nghiệm để chẩn đoán phân biệt với các bệnh hô cấp cấp tính do virut khác, hay vi khuẩn....
5. Điều trị bệnh cúm A H5N1
Nhiễm cúm A H5N1 cần phải đặc biệt lưu ý, vì thể này thường rất nặng, diễn biến nhanh, nguy cơ tử vong cao. Các biện pháp điều trị cơ bản:
Hỗ trợ hô hấp:
Hỗ trợ hô hấp có vai trò quan trọng trong điều trị viêm phổi do cúm A H5N1. Tùy theo mức độ tổn thương phổi và tình trạng thiếu oxy mà có thể sử dụng thở oxy qua kính mũi, qua mặt nạ hay thông khí nhân tạo không xâm nhập hoặc xâm nhập
Thuốc kháng virut:
Thuốc kháng virut, là thuốc ức chế enzyme tham gia vào quá trình giải phóng virut ra khỏi tế bào vật chủ. Thông dụng nhất là thuốc oseltamivir đường uống (Tamiflu) và zanamivir đường hít. Nên sử dụng thuốc sớm ngay sau khi nghi ngờ nhiễm cúm A H5N1 trong khi chờ kết quả xét nghiệm. Tuy nhiên hiệu quả của nó còn tranh cãi và đang được nghiên cứu.
Thuốc kháng sinh được chỉ định trong giai đoạn chưa khẳng định xét nghiệm hoặc trường hợp có bội nhiễm viêm phổi nhất là nhiễm trùng bệnh viện.
Bên cạnh đó, cần phải hồi sức suy đa tạng, nâng cao thể trạng, bồi phụ nước và điện giải, điều trị triệu chứng khác và dinh dưỡng đầy đủ.
6. Phòng bệnh cúm A H5N1
Biện pháp dự phòng cúm tốt nhất là sử dụng vacxin, nhưng do tính dễ biến dị của virut cúm, nhất là cúm A nên chế tạo vacxin gặp nhiều khó khăn. Vacxin làm từ kháng nguyên của typ virut gây bệnh cúm năm nay rất khó bảo vệ được cơ thể đối với typ gây bệnh cúm năm sau.
Hiện nay các vacxin cúm tái tổ hợp đang được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và sử dụng thực nghiệm trên động vật. Mặc dù hiện nay virut cúm A H5N1 chưa lây nhiễm được từ người sang người nhưng ngay từ bây giờ các nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu một số loại vacxin khác nhau để dự trữ nhằm dập tắt đại dịch cúm nếu phát tán và lan truyền ở người.
Ngoài biện pháp sử dụng vacxin phòng bệnh, chúng ta phải sử dụng các biện pháp khác nữa để dự phòng cúm A H5N1 như:
- Phải cách ly cả người bệnh đã được chẩn đoán xác định và người bệnh còn nghi ngờ
- Khử trùng và vệ sinh sạch môi trường xung quanh, nơi người bệnh từng đi qua
- Nhân viên y tế khám và chăm sóc người bệnh phải mang phương tiện bảo hộ phòng dịch, như mặc quần áo bảo hộ, đội mũ, đeo kính, đi găng, đeo khẩu trang N95…
- Với những trường hợp tiếp xúc với nguồn lây nhưng không mang các phương tiện bảo hộ, cần uống thuốc dự phòng bằng Tamiflu 75 mg, 1 viên/ngày trong 5 – 7 ngày.
- Đối với gia cầm nhiễm cúm A H5N1 cần phải tiêu hủy hoàn toàn, để tránh lây lan rộng và đặc biệt phòng tránh lây sang người.
- Người dân tuyệt đối không được vận chuyển, giết mổ, chế biến thức ăn từ gia cầm nghi ngờ hoặc đã được khẳng định bị nhiễm cúm A H5N1.
Cúm - Cảm cúm