Gan giữ nhiều chức năng quan trọng của cơ thể, như dự trữ năng lượng, tổng hợp protein, chuyển hóa đường, tổng hợp yếu tố đông máu, thải trừ chất độc gây hại cho cơ thể….

Ngày nay nhờ tiến bộ của khoa học kỹ thuật việc chẩn đoán, điều trị áp xe gan trở nên dễ dàng và có hiệu quả hơn. Tuy vậy chọn phương pháp điều trị phải trên cơ sở nguyên nhân gây bệnh. Dựa vào nguyên nhân gây bệnh áp xe gan được chi làm 2 loại, đó là áp xe gan do vi khuẩn và áp xe gan do amip.

1. Nguyên nhân bệnh áp xe gan

Nguyên nhân bệnh áp xe gan
  • Áp xe gan có thể do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây ra. Ở các nước đang phát triển, vệ sinh môi trường kém thì phần lớn áp xe gan là do amip, trong khi ở các nước phát triển chủ yếu áp xe gan lại do vi khuẩn gây ra.
  • Các vi khuẩn xâm nhập vào gan gây bệnh có thể theo đường mật do biến chứng của các bệnh lý đường mật như sỏi mật, giun chui ống mật, u chèn ép đường mật, ứ mật lâu ngày. Các vi khuẩn cũng có thể xâm nhập vào gan qua đường tĩnh mạch cửa từ các ổ viêm hoặc áp xe trong ổ bụng.
  • Áp xe gan do amip thì chủ yếu amip xâm nhập vào gan từ đường tiêu hóa qua hệ tĩnh mạch cửa.
  • Ngoài ra, áp xe gan cũng có thể do vi sinh vật đi ngược theo đường mật vào gan gây nhiễm khuẩn khu trú gọi là áp xe đường mật trong gan.

2. Các yếu tố nguy cơ gây áp xe gan

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây áp xe gan, trong đó các yếu tố nguy cơ chính là:

  • Giới tính: Nữ giới có nguy cơ mắc cao hơn nam
  • Tuổi tác: Người trên 60 tuổi hoặc trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ cao mắc áp xe gan
  • Chế độ ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
  • Người mắc bệnh lý gan và đường mật như viêm gan, suy chức năng gan, sỏi đường mật, u chèn ép đường mật…

3. Biểu hiện triệu chứng của áp xe gan

Biểu hiện triệu chứng của áp xe gan

Biểu hiện lâm sàng của áp xe gan khá đa dạng và đôi khi rất rầm rộ, các triệu chứng có thể gặp như:

  • Đau vùng gan, sốt cao 39 – 40 độ C kèm rét run ở giai đoạn cấp, sau đó sốt giảm xuống và kéo dài
  • Vàng da, vàng mắt, vàng niêm mạng miệng
  • Đau tức hạ sườn phải: đây là biểu hiện do gan bị sưng to, nếu ổ áp xe to cấp tính thì đau lan xuống vùng rốn hoặc toàn bộ vùng bụng.
  • Cảm giác căng tức, nặng vùng dưới sườn phải: do gan sưng to, đẩy cơ hoành lên cao nên có cảm giác này và có khi sẽ gây ho và nấc.
  • Ấn khoang liên sườn 11- 12 đau khi thăm khám lâm sàng
  • Khám có thể sờ thấy gan to, đau
  • Triệu chứng toàn thân có thể gặp chán ăn, buồn nôn, nôn, gầy sút cân, vã mồ hôi nhiều.

4. Chẩn đoán áp xe gan

Chẩn đoán áp xe gan

Ngoài những biểu hiện trên lâm sàng như sốt cao, đau tức vùng dưới sườn phải, ho và khó thở... Để chẩn đoán xác định áp xe gan cần làm những xét nghiệm cận lâm sàng như:

  • Xét nghiệm công thức máu để tìm dấu hiệu tăng bạch cầu đa nhân trung tính, tốc độ máu lắng tăng
  • Xét nghiệm chức năng gan: ALP tăng, Albumin giảm, bilirubin máu tăng.
  • Khoảng 50% các trường hợp áp xe gan sẽ cho kết quả cấy máu dương tính.
  • Xét nghiệm phân: phát hiện amip hoặc trứng amip
  • Chụp X quang ngực thẳng có hình ảnh vòm hoành bên phải nâng cao, có xẹp phổi hay tràn dịch màng phổi
  • Siêu âm gan có thể phát hiện ổ áp xe gan hoặc các ổ áp xe rải rác trong đường mật
  • Chụp CT ổ bụng có thể phát hiện được vị trí, kích thước ổ áp xe
  • Nội soi mật tụy ngược dòng được chỉ định trong trường hợp nghi ngờ tắc nghẽn đường mật, khi đó có thể chỉ ra vị trí và nguyên nhân tắc nghẽn. Có thể tiến hành can thiệp bằng cách lấy sỏi, đặt stent hoặc đặt dẫn lưu đường mật.

5. Các biện pháp điều trị bệnh áp xe gan

Hiện nay, hai phương pháp phổ biến để điều trị áp xe gan là điều trị nội khoa và dẫn lưu rút mủ qua da.

5.1. Điều trị nội khoa

điều trị bệnh áp xe gan bằng thuốc

Tùy theo nguyên nhân gây áp xe gan mà có biện pháp điều trị khác nhau. Nói chung là áp xe gan do nhiễm vi khuẩn thì điều trị bằng thuốc kháng sinh phổ rộng, còn áp xe gan do amip thì điều trị bằng thuốc diệt amip.

Trên thực tế, các trường hợp áp xe gan được các bác sĩ phẫu thuật chọc hút ổ áp xe trước khi điều trị nội khoa. Sau đó bệnh phẩm được nuôi cấy, rồi làm kháng sinh đồ. Từ đó việc sử dụng thuốc dựa vào kết quả kháng sinh đồ. Đây là sự phối hợp điều trị mang lại hiệu quả cao và tiết kiệm kinh phí chữa trị cho người bệnh.

5.2. Dẫn lưu mủ qua da

Hầu hết những ca áp xe gan do vi khuẩn hoặc áp xe gan lớn do amip không được điều trị phục hồi hoàn toàn chỉ với kháng sinh đơn thuần. Do đó cần được dẫn lưu mủ dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc chụp cắt lớp.

Phương pháp này cũng cần thiết khi ổ áp xe vỡ gây viêm phúc mạc, ổ áp xe quá lớn (> 5cm) hoặc nhiều vách, hay người bệnh mắc phải các bệnh lý trong ổ bụng cần phẫu thuật như viêm ruột thừa.

Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những hạn chế như khó áp dụng với các áp xe lớn, nhiều ổ áp xe, các bệnh kết hợp như bệnh đường mật cần phẫu thuật.

6. Dự phòng áp xe gan

Dự phòng áp xe gan

Để phòng ngừa bệnh áp xe gan, cần thực hiện những biện pháp sau trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày:

  • Thực hiện ăn chín uống sôi: không ăn các loại thức ăn sống như nem, gỏi, tiết canh... Không uống nước chưa được đun sôi như nước sông, ao, hồ, suối...
  • Không ăn rau sống chưa được rửa sạch
  • Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
  • Khi cơ thể có dấu hiệu nhiễm khuẩn, cần đến cơ sở y tế khám và chữa trị ngay
  • Khi nghi ngờ bị áp xe gan, nên khám bệnh sớm nhất để theo dõi và điều trị, tránh những biến chứng nguy hiểm như vỡ ổ áp xe gan, viêm phúc mạc, vỡ ống tiêu hóa.

Áp-xe gan