1. Phân loại áp xe vùng hậu môn trực tràng

Phân loại áp xe vùng hậu môn trực tràng

Tùy vào vị trí mà áp xe vùng hậu môn trực tràng được chia thành các loại sau:

  • Áp xe dưới da: Khối áp xe chứa mủ hình thành và nằm gần lỗ hậu môn, ở vị trí rất nông, ngay dưới bề mặt da.
  • Áp xe dưới niêm mạc: Vị trí của ổ áp xe là bên dưới niêm mạc, phía dưới thấp ống hậu môn, hoặc trên cao bóng trực tràng.
  • Áp xe giữa các cơ thắt: Khối áp xe nằm giữa các cơ thắt bên trong và ngoài, ở vị trí cao hoặc thấp. Ở vị trí thấp, áp xe thường bám vào bờ dưới cơ thắt ngoài. Ngược lại, ở vị trí cao, áp xe thường bám vào cơ thắt trong.
  • Áp xe trên cơ thắt: Khối áp xe nằm trên các cơ thắt hoặc mặt dưới của cơ nâng hậu môn.
  • Áp xe hố ngồi - trực tràng: Khối áp xe hình thành và phát triển trong hố ngồi - trực tràng, ở vị trí nông hoặc sâu.
  • Áp xe khoang chậu hông - trực tràng: Khối áp xe ở vị trí này có thể do áp xe hố ngồi - trực tràng phát triển từ dưới lên nằm phía trên cơ nâng hậu môn. Hoặc do nhiễm trùng từ các tạng trong ổ bụng hình thành.

2. Nguyên nhân gây áp xe vùng hậu môn trực tràng

Có nhiều nguyên nhân, nhưng các nguyên nhân chính gây ra áp xe vùng hậu môn trực tràng là:

Nguyên nhân nhiễm khuẩn

Nứt kẽ hậu môn có thể gây bệnh áp xe vùng hậu môn trực tràng

Một số loại vi khuẩn như lao, lỵ, tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, vi khuẩn đường ruột… phát triển và gây viêm vùng hậu môn trực tràng. Một số yếu tố tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển có thể kể đến như vệ sinh hậu môn kém, viêm hậu môn, viêm nang lông vùng hậu môn, bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn…

Sau phẫu thuật hoặc thủ thuật vùng hậu môn trực tràng

Người từng phải thực hiện tiểu phẫu hay phẫu thuật vùng hậu môn trực tràng, hoặc thực hiện các thủ thuật xâm lấn như nội soi đại tràng, đặt sông tiểu… có thể là nguyên nhân gây viêm nhiễm và dẫn đến áp xe hậu môn trực tràng.

Dùng thuốc điều trị tại chỗ

Một số thuốc điều trị tại chỗ bệnh lý hậu môn trực tràng được dùng trong thời gian dài hoặc không đúng cách có thể gây kích thích, viêm nhiễm các tổ chức ở vùng hậu môn trực tràng.

Quan hệ tình dục đường hậu môn

Quan hệ tình dục đường hậu môn trực tràng làm tổn thương và xâm hại các mô xung quanh hậu môn, trực tràng, gây nhiễm trùng.

3. Các yếu tố nguy cơ gây áp xe hậu môn trực tràng

Người mắc bệnh Crohn có thể là nguy cơ gây áp xe hậu môn trực tràng
  • Những người bị suy giảm hệ miễn dịch, sức đề kháng kém, cơ thể suy nhược, thường gặp ở trẻ em, người già, người bệnh…
  • Viêm đường ruột như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng, viêm ruột, viêm túi thừa, đái tháo đường
  • Chấn thương hoặc có dị vật vùng hậu môn trực tràng
  • Viêm vùng chậu hoặc sau khi phẫu thuật vùng chậu, xương cụt
  • Nhiễm trùng qua đường tình dục
  • Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch như thuốc corticoid kéo dài.

4. Triệu chứng của áp xe vùng hậu môn trực tràng

Triệu chứng của áp xe vùng hậu môn trực tràng
  • Triệu chứng phổ biến nhất là tình trạng đau nhói ở hậu môn, đặc biệt đau ở phần tiếp xúc với bề mặt khi ngồi xuống
  • Áp xe ở vị trí nông có thể phù nề vùng quanh hậu môn, nóng, đỏ và đau nhiều
  • Các dấu hiệu khác có thể gặp như kích thích hậu môn, chảy mủ hoặc rò mủ, đi ngoài ra mủ lẫn máu, táo bón, đau khi đi ngoài…
  • Nếu áp xe nằm sâu dưới da ít đau hơn nhưng gây ra các triệu chứng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn nhân, như có thể gây sốt, ớn lạnh hoặc khó chịu
  • Nhiều trường hợp chỉ có biểu hết duy nhất là sốt mà không hề có cảm giác đau gì cả. Trường hợp này phải chụp cắt lớp hoặc chụp cộng hưởng từ vùng tiểu khung để chẩn đoán xác định.

5. Các biện pháp chẩn đoán bệnh áp xe vùng hậu môn trực tràng

Các biện pháp chẩn đoán bệnh áp xe vùng hậu môn trực tràng

Chẩn đoán áp xe vùng hậu môn trực tràng trước tiên cần khai thác triệu chứng lâm sàng và thăm khám kỹ vùng hậu môn trực tràng. Các triệu chứng hướng đến chẩn đoán bao gồm:

  • Đau vùng hậu môn trực tràng nhất là đau khi ngồi xuống
  • Chảy mủ, rò dịch mủ từ ổ viêm hoặc đi ngoài ra nhiều mủ
  • Thăm khám tại chỗ phát hiện khối viêm, sưng to, nóng đỏ, ấn vào đâu nhiều
  • Thăm trực tràng thấy đau và có mủ theo găng
  • Triệu chứng toàn thân có sốt, ớn lạnh, mệt mỏi

Ngoài ra, cần chỉ định một số xét nghiệm để phát hiện các bệnh lý kèm theo hoặc phân biệt với một số bệnh lý khác như:

  • Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, soi tươi dịch niệu đạo, dịch âm đạo (ở nữ) để phát hiện các bệnh lây truyền qua đường tình dục
  • Soi đại tràng, trực tràng giúp chẩn đoán các bệnh viêm đại tràng, hay ung thư đại, trực tràng
  • Ngoài ra có thể chỉ định người bệnh siêu âm, chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ vùng tiểu khung giúp chẩn đoán chính xác nhất

6. Các biện pháp điều trị áp xe vùng hậu môn trực tràng

Các biện pháp điều trị áp xe vùng hậu môn trực tràng
  • Với khối áp xe hậu môn trực tràng còn đang trong giai đoạn tiến triển, chưa vỡ thì phải dùng thuốc kháng sinh đường toàn thân
  • Khi khối áp xe vùng hậu môn trực tràng đã tiến triển qua giai đoạn cấp, có thể dọa vỡ hoặc đã vỡ thì cần gây tê để trích hoặc phẫu thuật tháo mủ
  • Trường hợp nặng, người bệnh có thể phải nhập viện để gây mê phẫu thuật với trường hợp áp xe rộng và sâu.
  • Dẫn lưu phẫu thuật là biện pháp quan trọng, giúp giải phóng ổ mủ, qua đó giúp điều trị hiệu quả và triệt để. Áp xe bề mặt hậu môn có thể được dẫn lưu sử dụng gây tê tại chỗ.
  • Nếu có lỗ rò hậu môn thì phải phẫu thuật lỗ rò từ 4 - 6 tuần sau khi áp xe được dẫn lưu.

Các biến chứng sau phẫu thuật có thể bao gồm: nhiễm trùng, nứt hậu môn, áp xe vùng hậu môn trực tràng tái phát, để lại sẹo, hình thành lỗ rò hậu môn trực tràng.

Áp-xe vùng hậu môn-trực tràng