Có những bé rất ít bệnh vặt và không mấy bị ảnh hưởng bởi thời tiết giao mùa. Vậy, bí quyết của các gia đình này là gì nhỉ? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé.
Tăng cường vitamin trong khẩu phần ăn.

Bên cạnh các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, nên khuyến khích trẻ ăn nhiều loại rau xanh, trái cây như cam, quýt, bưởi. Các vitamin, đặc biệt là vitamin C trong rau quả rất hữu ích trong việc nâng cao sức đề kháng và hệ miễn dịch.

Đảm bảo cho trẻ ngủ đủ giấc.


Khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi trong giấc ngủ cũng là lúc các hormone tạo sức đề kháng tăng cường hoạt động để xây dựng thành lũy phòng chống bệnh tật. Chính vì vậy, ngủ đủ giấc, ngủ đúng giờ là một tiêu chuẩn để bé có sức đề kháng tốt.

Chủ động bảo vệ trẻ trước các tác nhân gây bệnh.


Giữ nhà luôn thoáng mát, ít bụi bặm, không khói thuốc, khói bếp. Tắm cho trẻ hay làm vệ sinh cho bé nên dùng nước ấm và lau người thật khô trước khi mặc quần áo. Khi trong nhà có người bị cảm cúm, cần được cách ly.
Vệ sinh mũi họng cho trẻ thật sách sẽ, đặc biệt khi trẻ bị sổ mũi, nghẹt mũi thì phải thường xuyên rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Với trẻ nhỏ, phụ huynh có thể để trẻ nằm nghiêng, dùng bơm tiêm không có kim rút nước muối vào rửa mũi, lần lượt hết bên này rồi làm tiếp bên kia, bơm nhẹ và đều tay. Còn với trẻ lớn thì cha mẹ cũng nên hướng dẫn bé cách xì mũi, vệ sinh mũi miệng, tay chân sạch sẽ và che miệng khi ho.

Nếu trẻ bị nghẹt mũi, khó thở thì cần kê gối cho đầu bé cao hơn một chút so với ngày thường cho bé dễ thở hơn. Có thể nhỏ vài giọt tinh dầu bạc hà lên áo, chăn, gối của bé, với lượng nhỏ, vừa phải để bé không bị cay mắt hoặc có thể làm bỏng làn da bé. Khi cần thiết ra đường, tiếp xúc với khói bụi, cần đeo khẩu trang cho bé.

Đối với trẻ sơ sinh, phụ huynh cần tránh một số biện pháp vệ sinh mũi họng cho trẻ không đúng như:


Không nên dùng miệng hút mũi cho trẻ vì trong miệng của người lớn chứa rất nhiều vi khuẩn gây hại cho bé. Nếu cần thiết phải làm động tác trên thì các bậc cha mẹ phải vệ sinh răng miệng cho mình thật sạch trước khi thực hiện. Tuyệt đối không làm động tác này khi đang bị bệnh đường hô hấp như cúm hay lao phổi…

Tránh vệ sinh mũi bằng nước muối quá nhiều, vì hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh tiết ra một chất nhầy trong mũi, chất nhầy này có tác dụng tạo độ ẩm tự nhiên, ngăn chặn bụi bẩn từ môi trường bên ngoài, cho nên, nếu rửa mũi bằng nước muối quá nhiều sẽ làm teo niêm mạc mũi, ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của trẻ sơ sinh.

Không nhỏ nước ép tỏi vào mũi bé. Mặc dù trong tỏi có chứa chất Allicin, có thể diệt vi khuẩn, vi nấm giúp phòng và điều trị bện cúm, nhưng đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh thì việc làm này rất nguy hiểm. Nó có thể gây nóng,rát, phù nề niêm mạc mũi và có thể làm tình trạng sổ mũi thêm nặng nề hơn, vì niêm mạc của trẻ sơ sinh lại rất mỏng nên dễ xảy ra bỏng. Khi đó trẻ sẽ khó thở bằng mũi mà buộc phải thở bằng miệng, điều này dễ dẫn đến viêm họng, viêm phổi do không khí không được làm ấm khi đi vào phổi.

Để được bác sĩ tư vấn về tình trạng sức khoẻ của trẻ, cha mẹ vui lòng gọi 19001259 hoặc email songkhoe@bacsituvan.vn 

Bệnh thường gặp