Bệnh phổi kẽ còn được gọi là bệnh nhu mô phổi lan tỏa hay bệnh phế nang viêm xơ hóa vô căn, là tên chung của một nhóm bệnh gây tổn thương các tổ chức kẽ của phổi như vách phế nang, tổ chức kẽ liên phế nang, mạch máu. Các bệnh phổi kẽ thường có chung triệu chứng lâm sàng, tiến triển mạn tính, dễ dẫn đến xơ phổi, cuối cùng gây ảnh hưởng tới khả năng hô hấp của cơ thể.

Bệnh phổi kẽ thường gặp ở nữ giới hơn nam giới. Nhóm bệnh phổi kẽ liên quan đến di truyền thường xuất hiện trong độ tuổi 20 – 40, trong khi tình trạng xơ phổi vô căn gặp ở người độ tuổi 50. Bệnh phổi kẽ nếu không điều trị tốt dễ triến triển thành mạn tính, gây xơ phổi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hô hấp.

1. Nguyên nhân gây bệnh phổi kẽ

Nguyên nhân gây bệnh phổi kẽ

Thông thường, khi phổi bị tổn thương, sẽ có một lượng mô lành được tái sinh đủ để bù đắp các tế bào bị tổn thương. Nhưng trong bệnh phổi kẽ, các mô tổn thương không được phục hồi bằng mô mới, các mô xung quanh các túi khí (phế nang) có xu hướng sẹo hóa, dày lên. Điều này gây cản trở cho quá trình trao đổi oxy và đưa oxy vào máu.

Bệnh này được kích hoạt bởi nhiều yếu tố, như các bệnh tự miễn dịch, tiếp xúc với các tác nhân hữu cơ và vô cơ trong nhà hoặc nơi làm việc, thuốc và một số loại bức xạ. Trong một số trường hợp khác thì nguyên nhân gây bệnh chưa được rõ ràng.

2. Một số bệnh phổi kẽ thường gặp

Viêm phổi tăng cảm

Xuất hiện do hít phải bụi hữu cơ trong thời gian dài, có sự tham gia của đáp ứng miễn dịch và tổn thương khoảng kẽ. Tùy theo mức độ và thời gian, bệnh viêm phổi tăng cảm được chia thành các thể cấp tính, bán cấp tính và mạn tính.

  • Thể cấp tính: Hay gặp nhất với các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, buồn nôn, mệt mỏi và khó thở (dễ nhầm lẫn với nhiễm virus hoặc nhiễm khuẩn). Việc điều trị thể này chủ yếu là điều trị triệu chứng, ngừng tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Bệnh sẽ tự hết sau khoảng 12 giờ hoặc vài ngày. Nếu tiếp xúc lại với bụi hữu cơ thì bệnh có thể tái phát.
  • Thể bán cấp: Là thể có tốc độ tiến triển từ từ với các biểu hiện như ho có đờm, mệt mỏi, khó thở, sút cân. Nếu ngừng tiếp xúc với bụi hữu cơ thì bệnh có thể khỏi hoàn toàn sau vài tuần tới vài tháng. Ngoài ra, có thể điều trị bằng corticoid cho bệnh nhân viêm phổi tăng cảm thể bán cấp.
  • Thể mạn tính: Bệnh khởi phát mạn tính, với các triệu chứng ho có đờm, khó thở, mệt mỏi, giảm cân và ngón tay dùi trống. Nếu ngừng tiếp xúc với tác nhân gây bệnh thì bệnh có thể thuyên giảm phần nào. Việc điều trị vẫn là sử dụng corticoid.

Xơ hóa phổi vô căn

Xơ hóa phổi vô căn

bệnh phổi kẽ không rõ nguyên nhân, tổn thương mô bệnh học là tình trạng viêm khoảng kẽ lan tỏa và xơ hóa phổi. Thể này hay gặp ở người 50 - 70 tuổi, có biểu hiện khó thở tăng dần, giai đoạn muộn bị tím tái da và môi, thiếu oxy, bệnh tim phổi mạn tính, tăng áp động mạch phổi và suy tim. Thời gian sống của bệnh xơ hóa phổi vô căn thường dưới 5 năm.

Viêm phổi tăng bạch cầu ái toan

Đây là tình trạng tăng bạch cầu ái toan trong nhu mô phổi. Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh là tăng bạch cầu ái toan máu ngoại vi và trong dịch rửa phế quản - phế nang hoặc ở mảnh sinh thiết phổi. Bệnh có thể không rõ nguyên nhân.

Một số nguyên nhân gây viêm phổi tăng bạch cầu ái toan là:

  • Do thuốc: Các thuốc gây bệnh chủ yếu là nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) và kháng sinh
  • Nhiễm độc: Các độc tố gây bệnh có thể là bọ cạp đốt, muối nhôm hoặc các hạt kim loại, hít ma túy, hít phải chất hữu cơ trong quá trình sản xuất cao su.
  • Nhiễm ấu trùng giun đũa (còn gọi là hội chứng Loeffler): Ấu trùng giun đũa đi qua máu đến phế nang trước khi xuống ruột non, khu trú ở đỉnh phổi, có thể tự hết sau khoảng 2 tuần. Các triệu chứng gồm ho khan, cảm giác nóng sau xương ức, bồn chồn khó chịu, có thể bị sốt, ho ra máu lẫn đờm, khó thở, thở khò khè... Việc điều trị bệnh do nguyên nhân này gồm điều trị triệu chứng và sử dụng thuốc tẩy giun.
  • Hội chứng Churg-Strauss: Đặc trưng bởi tình trạng viêm xoang, hen phế quản và tăng bạch cầu ái toan máu ngoại vi.

Viêm phổi kẽ

Viêm phổi kẽ

  • Các biến chứng tổn thương phổi như viêm phổi kẽ, xơ phổi, phù phổi, co thắt phế quản, tràn dịch màng phổi... có thể do thuốc gây ra.
  • Một số loại thuốc gây viêm phổi kẽ như: Kháng sinh, hóa chất điều trị ung thư, thuốc ức chế miễn dịch và thuốc chữa viêm khớp.
  • Xạ trị ung thư cũng có thể gây viêm phổi kẽ.

Bệnh viêm phổi kẽ thường có biểu hiện khó thở, ho (ban đầu ho khan, sau có thể ho ra máu), thở rít, đau ngực. Các triệu chứng ngoài phổi có thể kể đến là đau cơ, đau xương, mệt mỏi, đau khớp, sốt, phù, khô mắt, khô miệng, da nhạy cảm với ánh sáng…

3. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi kẽ

Yếu tố môi trường và đặc thù nghề nghiệp: Những người sống và làm việc lâu dài trong môi trường có nhiều bụi hữu cơ, bụi vô cơ, bụi bẩn… như sợi amiăng, bụi hạt, bụi than, lông vật nuôi, bụi silic… có thể gây hại cho phổi đều có nguy cơ dẫn tới bệnh phổi kẽ.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi kẽ

Một số thuốc được chứng minh có tác dụng phụ có thể gây bệnh phổi kẽ như:

  • Thuốc tim mạch: Aminodarone, Propranolol
  • Thuốc hóa trị hoặc ức chế miễn dịch như Cyclophosphamide, methotrexate
  • Một số thuốc kháng sinh

Tia bức xạ năng lượng cao được dùng trong điều trị ung thư phổi, ung thư vú hoặc chiếu qua vùng ngực để điều trị ung thư trong lồng ngực đều có thể gây ra bệnh phổi kẽ.

Các bệnh lý tự miễn có nguy cơ gây bệnh phổi kẽ như:

  • Viêm khớp dạng thấp
  • Viêm da cơ hoặc viêm sợi cơ
  • Viêm mạch phổi
  • Viêm mô liên kết hỗn hợp
  • Xơ cứng bì
  • Bệnh u hạt
  • Lupus ban đỏ hệ thống

Trong các bệnh lý tự miễn này, hệ miễn dịch lầm tưởng tế bào mô phổi kẽ là tác nhân lạ, rồi tấn công chúng gây tổn thương.

Một số yếu tố khác có nguy cơ cao mắc bệnh phổi kẽ:

  • Tuổi tác: Bệnh chủ yếu mắc ở người trưởng thành và cao tuổi, tuy nhiên đôi khi vẫn gặp ở trẻ em
  • Yếu tố di truyền: Những người có bố, mẹ, anh chị em ruột mắc bệnh phổi kẽ thì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn
  • Hút thuốc lá: Bệnh phổi kẽ xuất hiện nhiều hơn ở những người hút thuốc hoặc đã từng hút thuốc hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc. Đối với người bị bệnh phổi kẽ mà có hút thuốc là thì bệnh cũng tiến triển nặng hơn.

4. Triệu chứng lâm sàng bệnh phổi kẽ

Triệu chứng lâm sàng bệnh phổi kẽ

Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh phổi kẽ là khó thở, hầu hết các trường hợp cảm thấy khó thở thường xuyên và tăng dần theo thời gian.

Bên cạnh đó, một số các triệu chứng khác của bệnh phổi kẽ bao gồm:

  • Ho khan
  • Tức ngực
  • Mệt mỏi
  • Gầy sút cân
  • Đôi khi gặp ho ra máu
  • Đau khớp, ngón tay dùi trống

5. Chẩn đoán bệnh phổi kẽ

Chẩn đoán bệnh phổi kẽ

Để chẩn đoán bệnh phổi kẽ, ngoài dựa vào các triệu chứng lâm sàng bác sĩ phải tiến hành xét nghiệm và kiểm tra bằng hình ảnh của phổi. Các kỹ thuật bao gồm:

  • Chụp X-quang phổi: Là phương pháp đầu tiên được áp dụng, hình ảnh X-quang ở những người bị bệnh phổi kẽ có thể hiển thị các nếp nhăn ở phổi
  • Chụp cắt lớp (CT scan) lồng ngực: Máy quét CT phát ra nhiều tia X và máy tính sẽ tạo ra hình ảnh chi tiết của phổi cũng như các cấu trúc xung quanh.
  • Chụp CT độ phân giải cao: Nếu nghi ngờ mắc bệnh phổi kẽ, bác sĩ sẽ điều chỉnh tính năng của máy quét CT để cải thiện hình ảnh của kẽ phổi, nhằm tăng khả năng quét của máy CT scan và phát hiện bệnh phổi kẽ.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu làm thêm một số các xét nghiệm khác:

  • Thử nghiệm chức năng phổi: những người bị bệnh phổi kẽ, tổng dung tích phổi và khả năng vận chuyển oxy vào máu có thể bị giảm.
  • Soi phế quản ống mềm kết hợp với rửa phế quản, phế nang
  • Đo khí máu
  • Sinh thiết phổi: tiến hành xét nghiệm giải phẫu bệnh, đây là phương pháp cho kết quả có giá trị nhất để chẩn đoán.

6. Điều trị bệnh phổi kẽ

Các phương pháp điều trị bệnh phổi kẽ được lựa chọn tùy theo loại bệnh và nguyên nhân gây bệnh. Việc trị liệu thường bao gồm:

Dùng thuốc

Điều trị bệnh phổi kẽ bằng thuốc

Có thể được chỉ định sử dụng thuốc chống viêm hoặc chống xơ tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh phổi kẽ.

Bệnh phổi kẽ có một quá trình viêm hoặc yếu tố tự miễn, nên có thể có hiệu quả khi được điều trị bằng các thuốc chống viêm hoặc ức chế miễn dịch.

Sử dụng oxy

Oxy không thể ngăn chặn tổn thương phổi nhưng có thể giúp:

  • Thở dễ dàng hơn
  • Ngăn chặn hoặc làm giảm các biến chứng từ tình trạng nồng độ oxy trong máu thấp
  • Giảm huyết áp ở phía tim phải
  • Cải thiện giấc ngủ và giúp dễ chịu hơn
  • Nhận được oxy khi ngủ hoặc tập thể dục, một số người có thể áp dụng phương pháp này cả ngày.

Phẫu thuật: Nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, người bệnh mắc bệnh phổi kẽ có thể được chỉ định phẫu thuật cấy ghép phổi.

7. Dự phòng bệnh phổi kẽ

Cách phòng bệnh phổi kẽ

Duy trì cơ thể khoẻ mạnh là điều cần thiết để phòng ngừa và đối phó bệnh phổi kẽ. Các biện pháp có thể thực hiện đó là:

  • Bỏ thuốc lá: Giúp phòng cũng như làm chậm quá trình diễn biến bệnh. Bên cạnh đó, không được để người khác hút thuốc xung quanh mình.
  • Chế độ dinh dưỡng tốt: Người bị bệnh phổi có thể bị gầy sút cân vì nó dẫn đến tình trạng ăn không ngon và cần nhiều năng lượng hơn để hô hấp. Vì thế cần phải có thể độ ăn giầu dinh dưỡng, đầy đủ calo để giúp dự phòng cũng như đầy lùi diễn biến của bệnh.
  • Duy trì tập luyện thể dục thể thao: Tập luyện môn gì cũng được, miễn là phù hợp với độ tuổi, sở thích và không có chống chỉ định. Tập ít nhất 60 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần.
  • Tiêm chủng đầy đủ: Viêm đường hô hấp có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh phổi kẽ, vì thế nên chủng ngừa viêm phổi và cúm mùa hàng năm.

Bệnh phổi kẽ