ĐẠI CƯƠNG

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh viêm đặc hiệu xảy ra ở các khớp gây tổn thương màng hoạt dịch, sụn khớp và đầu xương dưới sụn, diễn biến mạn tính dẫn đến tình trạng dính và biến dạng khớp.

Viêm khớp dạng thấp là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh khớp. Ở Việt Nam tỷ lệ mắc bệnh là 0,5% trong nhân dân và khoảng 20% số bệnh khớp nằm điều trị tại bệnh viện. Bệnh gặp ở mọi nơi trên thế giới, chiếm khoảng 0,5 - 3% dân số ở người lớn.

Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn khá điển hình ở người, dưới dạng viêm mạn tính ở nhiều khớp ngoại biên với biểu hiện khá đặc trưng, như sưng, đau khớp, cứng khớp buổi sáng và đối xứng hai bên. Ngoài ra, còn có các biểu hiện toàn thân (mệt mỏi, xanh xao, gầy sút…) và tổn thương các cơ quan khác trên cơ thể. Nhiều trường hợp bệnh có tính chất gia đình.

NGUYÊN NHÂN

Nguyên nhân của bệnh viêm khớp dạng thấp còn chưa được biết đầy đủ. Gần đây người ta cho rằng viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn, với sự tham gia của nhiều yếu tố.

- Tác nhân gây bệnh: Có thể là virus, vi khuẩn, dị nguyên.... Nhưng chưa được xác định chắc chắn.
- Yếu tố cơ địa: Bệnh có liên quan rõ rệt đến giới tính (70-80% bệnh nhân là nữ) và tuổi (60-70% gặp ở người trên 30 tuổi).
- Yếu tố di truyền: Viêm khớp dạng thấp có tính gia đình, có liên quan với kháng nguyên hòa hợp tổ chức HLA DR4 (gặp 60-70% bệnh nhân có yếu tố này, trong khi tỷ lệ này ở cộng đồng chỉ là 30%).
- Các yếu tố thuận lợi khác: Môi trường sống ẩm thấp, cơ thể suy yếu, mệt mỏi, nhiễm lạnh, phẫu thuật.

TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG

Khởi phát: Đến 85% trường hợp khởi phát từ từ, tăng dần. Khoảng 15% bệnh bắt đầu đột ngột và cấp tính. Trước khi có triệu chứng của khớp, có thể có biểu hiện như sốt nhẹ, mệt mỏi, gầy sút, ra nhiều mồ hôi, tê các đầu chi. Giai đoạn này kéo dài vài tuần đến vài tháng rồi chuyển sang giai đoạn toàn phát.

 
Toàn phát:
+ Thường xuất hiện viêm, đau nhiều khớp (nên còn gọi là bệnh viêm đa khớp dạng thấp). Trong đó hay gặp nhất là các khớp nhỏ ở cổ tay, bàn tay, các ngón tay, khớp gối, khớp cổ chân, khớp ngón chân, khớp khuỷu,...Các khớp ít gặp là khớp háng, cột sống, khớp vai, khớp ức đòn, nếu có viêm các khớp này cũng thường là ở giai đoạn muộn.
+ Tính chất viêm: Xu hướng viêm cả 2 bên và đối xứng, với biểu hiện thường gặp là sưng, đau, hạn chế vận động, có thể tràn dịch khớp gối nhưng hầu như không có nóng, đỏ. Đau tăng nhiều về đêm và gần sáng, cứng khớp buổi sáng. Có thể biến dạng khớp, như ngón tay hình thoi, hình cổ cò, bàn tay gió thổi, bàn tay lưng lạc đà...

Triệu chứng ngoài khớp:
- Sốt nhẹ, ăn ngủ kém, gầy sút cân, rối loạn thần kinh thực vật
- Hạt dưới da, hạt nổi gồ lên khỏi mặt da, chắc, không đau, thường gặp trên xương trụ gần khớp khuỷu, trên xương chày gần khớp gối
- Teo cơ, thường rõ ở vùng quanh khớp viêm, viêm gân Achille
- Ngoài ra có thể gặp: Viêm màng ngoài tim, viêm màng phổi nhẹ, giảm mật độ xương, gãy xương tự nhiên.

CẬN LÂM SÀNG

- X quang: Giai đoạn đầu thấy mất vôi ở vùng đầu xương. Sau đó là khuyết xương hay ăn mòn xương phần tiếp giáp với sụn khớp, rồi hẹp khe khớp. Sau cùng là hủy phần sụn khớp và đầu xương gây dính và biến dạng khớp.
- Dấu hiệu sinh học: Gồm dấu hiệu viêm, rối loạn miễn dịch, tràn dịch khớp
- Sinh thiết màng hoạt dịch thấy sự tăng sinh các hình lông của màng hoạt dịch, tăng sinh các lớp phủ hình lông, xuất hiện những đám hoại tử giống như tơ huyết, tăng sinh mạch máu tân tạo, thâm nhập nhiều tế bào viêm quanh các mạch máu. Có giá trị chẩn đoán khi có từ 3 dấu hiệu trở lên.
- Sinh thiết hạt dưới da: Ở giữa là một đám hoại tử dạng tơ huyết, xung quanh bao bọc bởi nhiều tế bào lympho và tương bào.

CHẨN ĐOÁN

- Tiêu chuẩn chẩn đoán của Hội thấp khớp Hoa Kỳ 1987 (ACR 1987), có 7 tiêu chuẩn:
+ Cứng khớp buổi sáng kéo dài trên 1 giờ.
+ Sưng, đau kéo dài tối thiểu 3 khớp trong số 14 khớp sau: Ngón tay gần, bàn ngón, cổ tay, khuỷu, gối, cổ chân, bàn ngón chân (hai bên).
+ Sưng đau một trong 3 vị trí: Khớp ngón tay gần, khớp bàn ngón, khớp cổ tay.
+ Sưng khớp đối xứng.
+ Có hạt dưới da.
+ Phản ứng tìm yếu tố dạng thấp (+).
+ Hình ảnh X quang điển hình.

Chẩn đoán xác định khi có từ 4 tiêu chuẩn trở lên.
- Ở Việt Nam, trong điều kiện thiếu các phương tiện, nên chẩn đoán xác định dựa vào các yếu tố sau:
+ Nữ, tuổi trung niên.
+ Viêm các khớp nhỏ ở hai bàn tay, phối hợp với các khớp gối, cổ chân, khuỷu.
+ Đối xứng hai bên
+ Có dấu hiệu cứng khớp buổi sáng.
+ Diễn biến trên 2 tháng.

ĐIỀU TRỊ

Nguyên tắc chung
- Viêm khớp dạng thấp là bệnh mạn tính kéo dài hàng chục năm, đòi hỏi quá trình điều trị phải kiên trì, liên tục có khi đến hết cả đời.
- Điều trị phải kết hợp chặt chẽ giữa điều trị nội khoa, lý liệu phục hồi chức năng và ngoại khoa.
- Thời gian điều trị chia làm nhiều giai đoạn nội trú, ngoại trú và điều dưỡng.
- Trong quá trình điều trị cần theo dõi chặt chễ diễn biến của bệnh và các tai biến biến chứng có thể xảy ra.
- Giảm lực chèn ép lên các khớp bằng cách giúp cho xương chắc khỏe dẻo dai, tăng nguyên liệu để tạo xương, giảm sự hủy xương.

Điều trị cụ thể:
- Dùng các thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs), phối hợp với paracetamol
- Thuốc Chloroquin, một loại thuốc điều trị sốt rét, có tác dụng ức chế men tiêu thể, được sử dụng rộng rãi trong điều trị viêm khớp dạng thấp
- Dùng corticoid đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch
- Trường hợp nặng (không đi được), có thể phải dùng thuốc ức chế miễn dịch như methotrexate, cyclophosphamide,....
- Để giảm tê bì, giảm thoái hóa khớp, hạn chế tình trạng cứng khớp buổi sáng, có thể sử dụng sản phẩm chứa tiền vitamin B1, các vitamin nhóm B, chondroitin, Ginkgo Biloba và cao Blueberry
- Giảm áp lực chèn ép lên các khớp bằng cách dùng sản phẩm chứa Canxi nano, vitamin D3, MK7 cùng các khoáng chất, dưỡng chất thiết yếu cho xương với mục đích cung cấp nguyên liệu cho quá trình tạo xương. Đồng thời, lưu ý chế độ vận động, thể dục thể thao để giúp xương chắc khỏe, dẻo dai.

KẾT LUẬN
Viêm khớp dạng thấp là bệnh viêm mạn tính ở khớp, thường diễn biến từ từ. Bệnh để lại nhiều biến chứng nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hiện nguyên nhân chưa được hiểu biết đầy đủ, nên chưa có biện pháp dự phòng hiệu quả. Nếu có tình trạng viêm nhiều khớp, nhất là các khớp nhỏ ở cổ tay, bàn tay, kèm theo cứng khớp buổi sáng thì nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ths.Bs Vũ Văn Lực

Viêm khớp dạng thấp