Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non là tình trạng rối loạn tăng sinh mạch máu, xảy ra ở võng mạc trẻ sinh non, dẫn đến quá trình tạo mạch máu võng mạc không hoàn chỉnh. Trẻ sinh non trước 31 tuần tuổi, trẻ sinh nhẹ cân mà cân nặng dưới 1250g và đặc biệt là những trẻ có tiền sử thở oxy cao áp kéo dài là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non được cho là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa tại nhiều quốc gia trên thế giới.

1. Nguyên nhân gây bệnh võng mạc trẻ sinh non

Nguyên nhân gây bệnh võng mạc trẻ sinh non

Mắt của thai nhi bắt đầu phát triển các mạch máu ở võng mạc vào tuần thứ 16 của thai kỳ. Các mạch máu võng mạc phát triển tiến đến gần võng mạc, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho võng mạc. Quá trình phát triển mạch máu võng mạc diễn ra nhanh hơn ở 12 tuần cuối của thai kỳ (tức từ khoảng tuần 28 – 40).

Ở trẻ sinh non, quá trình phát triển mạch máu võng mạc bị gián đoạn, các mạch máu chưa tiếp cận đến cạnh võng mạc, không cung cấp đầy đủ oxy và chất dinh dưỡng cho cạnh võng mạc dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh lý về võng mạc.

2. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh võng mạc trẻ sinh non

Với những tiến bộ vượt bậc của y học trong việc chăm sóc trẻ sinh non trong những năm gần đây, rất nhiều trẻ sơ sinh nhẹ cân, tuổi thai nhỏ được cứu sống. Tuy nhiên, một vấn đề nổi bật ở trẻ sinh thiếu tháng là bệnh võng mạc trẻ sinh non khi tuổi thai càng nhỏ, tỷ lệ mắc bệnh càng cao.

Những đối tượng cần được chẩn đoán và theo dõi bệnh võng mạc trẻ sơ sinh bao gồm:

  • Trẻ sinh non dưới 31 tuần;
  • Trẻ có cân nặng khi sinh dưới 1500g;
  • Trẻ có cân nặng khi sinh từ 1500g – 2000g, là trường hợp đa thai;
  • Trẻ có cân nặng khi sinh 1500g – 2000g, có các bệnh lý kèm theo như bị ngạt khi sinh phải thở oxy trong kéo dài, viêm phổi, thiếu máu, nhiễm trùng…

3. Các giai đoạn phát triển của bệnh võng mạc trẻ sinh non

Các giai đoạn phát triển của bệnh võng mạc trẻ sinh non

Bệnh võng mạc trẻ sinh non là bệnh tiến triển tăng dần, bắt đầu với những thay đổi nhỏ ở mạch máu, sau đó tiến triển dần đến những thay đổi lớn hơn ở vùng tiếp nối giữa võng mạc có mạch máu phát triển bình thường và võng mạc chưa có mạch máu (võng mạc vô mạch).

Bệnh được chia thành 5 giai đoạn với các đặc điểm tổn thương khác nhau:

Giai đoạn 1: 

Xuất hiện đường ranh giới mỏng màu trắng ngăn cách giữa hai khu vực: Khu vực võng mạc đã hình thành mạch máu và khu vực võng mạc vô mạch. Ở giai đoạn này các mạch máu vẫn có thể tiếp tục phát triển bình thường, tuy nhiên bác sĩ cần theo dõi chặt chẽ tình trạng của trẻ.

Giai đoạn 2:

Lúc này, đường ranh giới giữa khu vực võng mạc đã hình thành mạch máu và khu vực võng mạc vô mạch đã nhìn thấy rõ hơn và phát triển khỏi bề mặt võng mạc, trở nên rộng và cao tạo thành một đường gờ màu trắng (nếu ít mạch máu) hoặc hồng (nếu nhiều mạch máu). Các búi mạch máu bất thường rải rác sau gờ tạo ra hình ảnh giống như ngô rang.

Giai đoạn 3:

Đây là giai đoạn tăng sinh sợi mạch ngoài võng mạc. Từ bề mặt của gờ, tổ chức xơ mạch tăng sinh, phát triển lan rộng ra phía sau hoặc phía trước bề mặt võng mạc, vuông góc với bình diện võng mạc vào trong dịch kính. Ở giai đoạn 3, tình trạng bệnh còn được chia theo mức độ nhẹ, vừa và nặng tùy thuộc vào mức độ tăng sinh của tổ chức xơ mạch vào trong dịch kính.

Giai đoạn 4:

Tổ chức xơ phát triển mạnh vào trong buồng dịch kính gây ra tình trạng co kéo vào võng mạc, làm một phần võng mạc bong khỏi thành nhãn cầu. Dựa vào vị trí của võng mạc bong, người ta lại chia giai đoạn này ra làm hai phần là 4A và 4B.

  • Giai đoạn 4A: Chức năng của mắt lúc này chưa bị tổn hại nhiều, tình trạng bong võng mạc còn chưa lan tới vùng hoàng điểm.
  • Giai đoạn 4B: Chức năng của mắt giảm rõ rệt, tình trạng bong võng mạc rộng hơn lan tới cả võng mạc vùng hoàng điểm.

Giai đoạn 5:

Bong võng mạc toàn bộ, võng mạc bị bong cuộn lại có dạng hình phễu. Có ba loại phễu là phễu mở, phễu đóng, phía trước đóng phía sau mở.

4. Các triệu chứng nhận biết bệnh võng mạc trẻ sinh non

Các triệu chứng nhận biết bệnh võng mạc trẻ sinh non

Bệnh ở giai đoạn sớm (như giai đoạn 1 và 2), nếu chỉ quan sát bằng mắt thường thì rất khó để thấy được dấu hiệu bệnh. Bệnh biểu hiện những triệu chứng ra bên ngoài chỉ khi bước vào giai đoạn muộn.

Chính vì vậy, để phát hiện sớm bệnh võng mạc ở trẻ sinh non và điều trị hiệu quả, cha mẹ cần phải cho bé khám sàng lọc chuyên khoa mắt sớm, tốt nhất là ngay sau sinh với những trẻ sinh non.

5. Biến chứng bệnh võng mạc trẻ sinh non

Ở thể nhẹ khi bệnh đã được chữa khỏi và không tiến triển thêm, trẻ vẫn có thể mắc một số khuyết điểm như cận thị hoặc lác (lé) khi lớn. Tuy nhiên, cha mẹ không nên quá lo lắng, vì những trường hợp này các bác sĩ sẽ điều chỉnh khi bé được 1-2 tuổi.

Nhưng khi bệnh võng mạc ở trẻ sinh non đã tiến triển nặng, điều trị sẽ vô cùng khó khăn, trẻ có thể bị mù lòa, loạn sản phổi – phế quản có thể gặp ở trẻ sinh quá non hoặc trẻ suy hô hấp phải thở máy. Ngoài ra, bệnh võng mạc trẻ sinh non còn có thể tiến triển thành nhiễm trùng, vàng da nặng, thiếu máu.

6. Chẩn đoán bệnh võng mạc trẻ sinh non

Để chẩn đoán bệnh võng mạc trẻ sinh non, bác sĩ cần thăm khám lâm sàng, chỉ định các xét nghiệm.

Soi đáy mắt được coi là biện pháp thăm khám tốt nhất, dễ thực hiện nhất để chẩn đoán bệnh võng mạc trẻ sinh non

Các dụng cụ và vật tư cần chuyển bị:

  • Máy soi đáy mắt gián tiếp;
  • Thuốc gây tê bề mặt Dicain 1% hoặc các thuốc tương tự khác;
  • Kính lúp 20D, 28D;
  • Thuốc tra giãn đồng tử Mydrin-P;
  • Nước muối sinh lý 0,9%.
Chẩn đoán bệnh võng mạc ở trẻ sinh non

 Các bước tiến hành soi đáy mắt:

  • Trẻ phải được nhỏ thuốc giãn đồng tử vào cả 2 mắt ít nhất 3 lần, khoảng cách mỗi lần là 5 – 10 phút.
  • Khi đồng tử đã giãn tối thiểu đạt 4mm, bác sĩ bắt đầu tiến hành soi đáy mắt. Lưu ý là trẻ sơ sinh, lại non tháng nên phải điều chỉnh khoảng cách đồng tử, cường độ ánh sáng phải phù hợp.
  • Bác sĩ sẽ kiểm tra võng mạc vùng hậu cực nhằm đánh giá tình trạng mạch máu, gai thị, hoàng điểm. Sau đó kiểm tra võng mạc phía thái dương (phía ngoài).
  • Nếu võng mạc phía thái dương đã trưởng thành thì không cần phải khám võng mạc vùng khác nữa
  • Trong trường hợp võng mạc phía thái dương chư trưởng thành, bác sĩ sẽ tiếp tục khám võng mạc phía trên, dưới và phía mũi.
  • Dựa vào tình trạng mạch máu, gai thị bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán xác định và chẩn đoán giai đoạn bệnh, phạm vi và vị trí tổn thương.
  • Với những trẻ khám lần đầu và được chẩn đoán ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1, 2), bác sĩ sẽ hẹn lịch tái khám để đánh giá tổng quan bệnh, xem tình trạng bệnh còn phát triển hay không.
  • Thông thường bác sĩ chỉ ngừng hẹn tái khám trong trường hợp võng mạc đã hoàn toàn trưởng thành, mạch máu võng mạc phía thái dương phát triển đến bờ trước võng mạc hoặc là trẻ mắc bệnh nhưng đã thoái triển hoàn toàn.

7. Tầm soát bệnh võng mạc trẻ sinh non

Tầm soát bệnh võng mạc trẻ sinh non

Bệnh võng mạc trẻ sinh non nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể để lại nhiều hậu quả nặng nề, trong đó hậu quả nặng nhất phải kể đến là mù lòa vĩnh viễn. Chính vì thế việc tầm soát bệnh ở những trẻ sinh non, sinh nhẹ cân là vô cùng quan trọng.

Cho đến nay, bệnh võng mạc trẻ sinh non được nhiều quốc gia đưa vào chương trình tầm soát cho trẻ sơ sinh thiếu tháng. Tại mỗi quốc gia đã và đang cố gắng để đưa ra những tiêu chuẩn tầm soát cân nặng và tuổi thai thích hợp nhất. Tại Mỹ, tiêu chuẩn tầm soát cân nặng lúc sinh là 1500g và tuổi thai lúc sinh là 28 tuần; tại Anh cân nặng lúc sinh là 1500g và tuổi thai lúc sinh là 32 tuần.

Hai tiêu chuẩn tầm soát trên sau đó đã được một số quốc gia khác áp dụng. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, một số quốc gia nhận thấy rằng có những trường hợp trẻ có cân nặng và tuổi thai lúc sinh nằm ngoài hai tiêu chuẩn trên vẫn bị bệnh do không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì thế, một số quốc gia hiện nay đặt ngưỡng tầm soát dựa trên các đặc thù của quốc gia đó, một số khác tầm soát bệnh cho tất cả trẻ sinh non < 37 tuần.

Tại Việt Nam, tất cả trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 1800g và tuổi thai lúc sinh dưới 34 tuần đều cần được tầm soát bệnh võng mạc. Những trường hợp trẻ sinh non không thuộc các tiêu chí trên, nhưng mắc bệnh viêm phổi, thiếu máu, nhiễm trùng, suy hô hấp phải thở oxy sẽ được khám sàng lọc khi có sự chỉ định của bác sĩ. Ưu điểm của việc tầm soát theo tiêu chuẩn này là không bỏ sót bất kỳ trường hợp nào có nguy cơ mắc bệnh võng mạc ở trẻ sinh non.

8. Điều trị bệnh võng mạc ở trẻ sinh non

Điều trị bệnh võng mạc ở trẻ sinh non

Đối với bệnh võng mạc ở trẻ sinh non, điều trị càng sớm hiệu quả thu được sẽ càng cao. Phương pháp điều trị hiệu quả cho căn bệnh võng mạc ở trẻ sinh non hiện nay là điều trị bằng laser quang đông. Kỹ thuật điều trị bằng laser giúp loại bỏ vùng võng mạc không mạch máu ở ngoại vi, giảm tỷ lệ nếp gấp võng mạc và bong võng mạc.

Trước khi tiến hành kỹ thuật laser quang đông, trẻ cần được điều trị ổn định các bệnh đang mắc như viêm phổi, suy hô hấp, thiếu máu…Đồng thời cho trẻ nhịn ăn trước điều trị 3-4 giờ, nhỏ thuốc giãn đồng tử Mydrin-P.

9. Dự phòng bệnh võng mạc trẻ sinh non

Với trẻ sinh non có cân nặng 1800g hoặc tuổi thai lúc sinh dưới 34 tuần, cha mẹ cần đưa trẻ đến những bệnh viện uy tín có chuyên khoa về mắt để được thăm khám sàng lọc bệnh võng mạc.

Ngoài ra để phòng ngừa hiệu quả căn bệnh này, phụ nữ mang thai cần lưu ý chăm sóc bản thân thật tốt và thăm khám thai sản định kỳ để tránh nguy cơ sinh non.

Một số biện pháp dưới đây sẽ hỗ trợ phòng ngừa sinh non hiệu quả:

  • Không nên mang thai quá sớm khi chưa đủ 18 tuổi, hoặc quá trễ khi đã trên 35 tuổi;
  • Tìm nguyên nhân và điều trị với phụ nữ mang thai từng có tiền sử sinh non;
  • Uống đủ nước để ngăn chặn tình trạng mất nước gây khó chịu tử cung;
  • Không nhịn tiểu, thai phụ vệ sinh thật kỹ sau khi đi vệ sinh để hạn chế tối đa nguy cơ viêm nhiễm;
  • Hạn chế tư thế nằm ngửa, có thể nằm nghiêng sang trái hoặc nghiêng sang phải;
  • Cân bằng thời gian biểu giữa công việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày;
  • Có chế độ dinh dưỡng khoa học đảm bảo dinh dưỡng cho bản thân và cả thai nhi;
  • Tránh công việc nặng nhọc, công việc nguy hiểm, hoặc môi trường độc hại;
  • Theo dõi chặt chẽ để phát hiện những cơn co tử cung bất thường, đi khám và điều trị dự phòng sinh non kịp thời.

Bệnh võng mạc trẻ sinh non