Tóm tắt nội dung
1. Phân loại bỏng da
Tùy theo mức độ tổn thương da, mà bỏng được chia là 4 độ:
- Độ 1: Bỏng chỉ ảnh hưởng đến lớp thượng bì, làm da bị đỏ, đau và rát. Bỏng mức độ này có thể tự khỏi và không để lại sẹo trên da.
- Độ 2: Ảnh hưởng đến da ở lớp trung bì hoặc cả lớp hạ bì, vết bỏng không chỉ có hiện tượng như độ 1 mà còn bị nổi phỏng nước và rỉ dịch.
- Độ 3: Vết bỏng tổn thương đến toàn bộ các lớp da và đến cả xương, không cảm thấy đau nhiều nếu bỏng không chạm vào các dây thần kinh, nhưng vùng da bị ảnh hưởng sẽ thay đổi màu sắc, có thể bị cháy đen hoặc nhợt nhạt.
- Độ 4: Mức độ bỏng nghiêm trọng nhất, ăn sâu vào mô, cơ, xương và các dây thần kinh. Do mức độ bỏng rất nặng nên da có thể bị rỉ máu lẫn mủ, gây đau rát và phá hủy các tế bào da bị tổn thương.
Ngoài ra, phân loại bỏng da còn dựa vào diện tích da bị tổn thương. Theo phân loại này, mức độ bỏng da được tính theo % giữa diện tích da bị bỏng so với tổng diện tích da của cơ thể. Trên thực tế, ước lượng % da bị tổn thương rất khó chính xác và cho phép sai số từ 3 – 5%. Có nhiều tác giả đưa ra các cách phân loại khác nhau dựa vào các bộ phận cơ thể bị tổn thương.
Phương pháp phân loại theo con số 9 của Walace:
- Bỏng 1 chi trên: 9%
- Bỏng đầu, mặt, cổ: 9%
- Bỏng thân mình phía trước: 9x2 = 18%
- Bỏng thân mình phía sau: 9x2 = 18%
- Bỏng 1 chi dưới: 9x2 = 18%
- Bỏng 1 đùi: 9%
- Bỏng cẳng và bàn chân: 9%
2. Các nguyên nhân gây bỏng da thường gặp
Bỏng da do nhiều nguyên nhân gây ra, các nguyên nhân thường gặp là:
- Do nhiệt độ, còn gọi là bỏng nhiệt, rất hay gặp do nước sôi, hơi nước sôi, ngọn lửa hay tiếp xúc với vật quá nóng gây ra
- Do lạnh hay bỏng lạnh, do tiếp xúc với đá hoặc vật quá lạnh
- Bỏng hóa chất, cũng khá thường gặp do axít hoặc bazơ gây ra
- Bỏng do bức xạ, hay gặp bức xạ tử ngoại do ánh nắng mặt trời, tia X, xạ trị
- Do thực phẩm hay gia vị có tính cay, nóng như tỏi, ớt
- Bỏng do ma sát hay cọ xát, gặp trong trường hợp bề mặt da bị ma sát mạnh với mặt phẳng gây phỏng nước và tổn thương da.
3. Chẩn đoán bỏng da
Bỏng da chẩn đoán xác định khá dễ, quan trọng là chẩn đoán nguyên nhân và phân độ bỏng da. Bác sĩ có thể chẩn đoán bỏng da bằng cách:
- Quan sát trực tiếp các tổn thương trên bề mặt da, đánh giá sơ bộ tổn thương như độ rộng, độ sâu, các lớp da bị tổn thương
- Kiểm tra thời điểm bị bỏng da, sơ cứu vết bỏng bằng cách nào, tác nhân gây ra bỏng là gì?
- Ngoài ra, có bị đau rát ở vùng da bị ảnh hưởng, có cảm thấy khó chịu ở phần nào khác trên cơ thể hay không?
- Bên cạnh đó, bác sĩ có thể cho làm các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán các tổn thương liên quan và đánh giá hậu quả, như chụp X quang, xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm bảng chuyển hóa toàn diện.
- Trên cơ sở kết quả khám và xét nghiệm, bác sĩ đưa ra chẩn đoán nguyên nhân, và chẩn đoán mức độ của bỏng. Chẩn đoán mức độ của bỏng rất quan trọng, nó quyết định phương pháp điều trị cũng như tiên lượng bệnh.
3. Cấp cứu ban đầu khi bị bỏng
Ngay khi bị bỏng da, cần phải cấp cứu ban đầu (còn gọi là sơ cứu) kịp thời để loại bỏ tác nhân gây bỏng và hạn chế vết bỏng ăn sâu vào da trước khi đến bệnh viện để điều trị.
Ngoài ra, cấp cứu ban đầu có thể giúp không cần đến cơ sở y tế đối với trường hợp vết bỏng nhẹ. Tùy vào từng loại nguyên nhân gây bỏng da sẽ có các phương pháp khác nhau, bao gồm:
- Với bỏng nhiệt, để vết bỏng dưới vòi nước mát để làm hạ nhiệt độ và loại bỏ các chất gây bỏng nếu nguyên nhân là do hóa chất gây ra. Lưu ý là không dùng nước lạnh hoặc đá lạnh để chườm lên vết bỏng vì có thể là cho tình trạng bỏng nặng hơn.
- Với bỏng lạnh thì ngâm nước ấm (khoảng 40 độ C)
- Bỏng axit dội nước vôi trong, bỏng kiểm thì dội nước pha dấm hoặc nước chanh
- Dùng gel hoặc thuốc xịt trị bỏng (nếu có) bôi hoặc xịt lên vết bỏng nhằm giúp cho vết bỏng dịu lại và không bị nhiễm trùng, mau lành vết thương.
- Có thể dùng gạc vô trùng băng lại vết bỏng, sau đó đưa đến cơ sở y tế gần nhất nếu như vết bỏng nghiêm trọng.
- Dùng thuốc giảm đau như ibuprofen, acetaminophen, các thuốc này đều có bán tại các nhà thuốc.
- Bù nước đường uống sớm, nếu có dấu hiệu mất nước từ vết bỏng trước khi đưa đến cơ sở y tế.
- Tuyệt đối không nên chọc các nốt phỏng nước nếu chúng xuất hiện trên vết bỏng, vì có khả năng gây nhiễm trùng. Thay vào đó nên để mụn nước tự vỡ rồi rửa vết thương với nước sạch, dùng kháng sinh tại chỗ bôi lên vết thương và đắp lại bằng gạc y tế để giúp vết thương mau lành.
- Dùng kem chống nắng với chỉ số SPF 15+ để bảo vệ da khỏi nhiệt từ ánh sáng mặt trời và tia cực tím nếu vùng da bị bỏng là vùng hở, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
- Ủ ấm, người bị bỏng diện rộng có sốc thường bị rét run cần phải ủ ấm, nhưng không để nhiệt độ cao quá 37 độ C sẽ làm mất nước thêm dưới dạng bốc hơi.
- Sau khi sơ cứu, nếu vết bỏng nghiêm trọng thì phải đưa đến cơ sở y tế ngay để được điều trị sớm
- Trường hợp mà điều trị tại nhà không mang lại kết quả, hoặc vết bỏng có dấu hiệu nhiễm trùng thì phải đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.
4. Điều trị bỏng da
Tùy thuộc vào mức độ và vị trí bỏng mà bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau. Một số phương pháp điều trị thường được áp dụng là:
- Dùng nước mát để làm sạch vết thương và làm dịu những vùng da bị bỏng. Biện pháp này rất tốt với bỏng nhiệt, và thực hiện sớm ngay khi bị bỏng
- Truyền dịch bù nước và điện giải đường tĩnh mạch khi bỏng ở cấp độ nghiêm trọng để tránh bị mất nước và suy các cơ quan.
- Dùng thuốc an thần, giảm đau để giúp bệnh nhân quên đi đau đớn do vết bỏng gây ra.
- Dùng thuốc mỡ trị bỏng bôi ở vùng da bị bỏng để hạ nhiệt, giữ ẩm cho da, tránh tình trạng nhiễm trùng da và giúp vết thương mau lành.
- Sau khi bôi thuốc mỡ, bác sĩ có thể tiến hành dùng gạc y tế để băng vết thương, giúp da bị bỏng không va chạm với bên ngoài, tránh nhiễm trùng da.
- Vật lí trị liệu: trường hợp bỏng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến cơ, dây thần kinh và xương khớp, phải tiến hành vật lí trị liệu để làm căng da và giúp các khớp hoạt động bình thường.
- Dùng thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng, tiêm vắc-xin phòng uốn ván
- Nếu bỏng nặng làm hoại tử tế bào ở da có thể sẽ phải tiến hành cắt lọc, thậm chí phải ghép da.
Bỏng da