Tóm tắt nội dung
1. Hoàn cảnh xuất hiện
Nạn nhân bị bỏng hô hấp thường gặp do tai nạn trong các vụ hỏa hoạn, các vụ cháy do hóa chất, xăng dầu, cồn… hoặc các vụ nổ do hỏa khí, nổ dưới hầm mỏ, nổ nồi áp suất...
Tác nhân gây bỏng đường hô hấp thường gặp trong các trường hợp không khí bị đốt nóng lên từ trên 50 độ C đến 250 độ C. Khói và các sản phẩm hóa học có chứa trong chất khí là những chất kích thích niêm mạc hô hấp, đồng thời cũng là khí độc và ngọn lửa cháy trong các vụ cháy lớn, hơi nước nóng có thể gây bỏng đường hô hấp.
Với trẻ em, gặp ở những bé bị sặc, hít vào đường thở chất lỏng nóng sôi do ngã úp mặt vào tác nhân gây bỏng. Bỏng vùng đầu, mặt, cổ, ngực có kèm bỏng môi. Chất lỏng hoặc hóa chất nóng sôi ngấm vào niêm mạc mũi, mồm, họng. Thở hít phải nhiều khí khói và sản phẩm cháy.
2. Triệu chứng lâm sàng bỏng hô hấp
- Khó nuốt, cảm giác khó chịu vùng cổ họng
- Nói khó hay mất giọng do phù nề dây thanh âm
- Ho khan, sau đó ho có đờm đặc màu bồ hóng, có thể ho có bọt cùng các tia máu.
- Lông mũi bị cháy
- Tăng tiết đờm, dãi ở đường hô hấp.
Thăm khám mũi họng có thể thấy:
- Niêm mạc miệng, mũi, hầu họng, thanh quản xung huyết đỏ
- Trên nền sung huyết có các màng tơ huyết trắng xám
- Lưỡi phù nề, phù thanh hầu và dây thanh âm
- Bỏng sâu có thể thấy đám hoại tử màu trắng trên niêm mạc.
Suy hô hấp do phù nề thanh môn và niêm mạc khí phế quản, với các biểu hiện:
- Khó thở tăng dần, thở nhanh nông
- Nghe phổi thấy rale rít, rale nổ
- Tím môi, tím đầu chi
- Toàn thân kích thích, vật vã.
Có thể kèm theo hội nhiễm độc CO, CO2, nhiễm độc các sản phẩm trong khói, hóa chất…
3. Triệu chứng cận lâm sàng bỏng hô hấp
Chụp X quang phổi:
- X quang ở ngày 1 - 2 sau bỏng thường không phát hiện được gì, có thể thấy hình phế trường rõ đậm với hình các phế quản và mạch máu nhỏ.
- Từ ngày thứ 3 có thể thấy hình đậm ở vùng rốn phổi, các hình ổ mờ ở các phế trường trên đường đi của những phế quản và mạch máu.
- Hình ảnh các đám xẹp phân thùy phổi với vùng mờ đục ở phổi xuất hiện nhanh và mất đi cũng nhanh, hình các ổ viêm phổi xuất hiện đầu tiên ở các thùy dưới của phổi và các vùng gần rốn phổi.
- Nếu trường hợp bệnh lý tiến triển xấu sẽ thấy các hình ảnh áp xe phổi.
Thực hiện các xét nghiệm khác cũng ghi nhận một số biến đổi:
- PO2 máu động mạch có thể giảm xuống tới 75mmHg, tổn thương bỏng càng sâu thì tình trạng thiếu oxy máu động mạch càng nặng, có thể xuống dưới 50mmHg.
- Dung tích sống của phổi bình thường 3.500 - 5.000ml có thể giảm xuống, có trường hợp giảm tới 80 - 1.300ml.
- PaO2/FO2 khi dưới 400 là có rối loạn bệnh lý, nếu dưới 200 phản ánh tình trạng suy hô hấp nặng, đòi hỏi phải hô hấp viện trợ có sử dụng áp lực dương cuối kỳ thở ra PEEP (positive end expiratory pressure) để dự phòng và điều trị xẹp phế nang. PaCO2 có thể cao trên 50mmHg.
Khả năng giãn nở thể tích ngực giảm tới 50%
Xét nghiệm máu có thể thấy thiếu máu do hồng cầu bị tiêu hủy:
- Nếu bị bỏng đường hô hấp có kèm theo bỏng da với diện tích bỏng chung khoảng 21% - 50% diện tích cơ thể thì khối lượng hồng cầu có thể bị hủy tới 15%
- Nếu diện tích bỏng chung trên 50% diện tích cơ thể thì khối lượng hồng cầu bị hủy đến 29%
- Nếu chỉ bỏng da đơn thuần do sức nhiệt thì khối lượng hồng cầu chỉ bị hủy khoảng 14%.
- Máu cô đặc do tính thấm thành vi mạch nhu mô phổi tăng cao để thoát nhiều huyết tương ra khoảng kẽ với hematocrit khoảng 60% - 72%, độ nhớt của máu tăng cao.
- Ure, creatinin máu tăng
- Thể tích máu lưu hành giảm thấp nhiều so với những trường hợp bỏng đơn thuần có cùng diện tích bỏng
- Độ pH máu động mạch chuyển hướng về toan hô hấp.
4. Phân độ bỏng hô hấp
- Bỏng nhẹ: Giọng nói bình thường, rối loạn hô hấp nhẹ, khó chịu vùng hầu họng, không có tím tái, ít bị biến chứng viêm phế quản hoặc nếu có cũng diễn biến không nặng, X quang phổi bình thường.
- Bỏng vừa: Giọng nói khàn, rối loạn hô hấp nặng, tím tái, nghe phổi có tiếng thở thô, có rale rít, rale ngáy. Thường có biến chứng viêm phổi với diễn biến khá nặng, suy hô hấp và suy tim độ 1, 2.
- Bỏng nặng: Giọng nói khàn nặng, khó thở nặng, có thể tắc thở, tím tái, tĩnh mạch cổ nổi, ho khan hoặc có đờm đặc, suy hô hấp và suy tim cấp nặng; khí phế thũng, xẹp phân thùy phổi, hoại tử. Giai đoạn cuối thường gặp phù phổi cấp dễ dẫn đến tử vong. Thường thì tử vong gặp nhiều nhất trong những ngày đầu sau bỏng, còn tử vong do biến chứng viêm phổi, do biến chứng nhiễm khuẩn toàn thân thường sau từ 3 - 20 ngày.
5. Cấp cứu ban đầu bỏng hô hấp
Cấp cứu ban đầu hay còn gọi là sơ cứu bỏng hô hấp cần nhanh chóng thực hiện:
- Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi khói và nhiệt, đảm bảo nạn nhân ở nơi thoáng khí, an toàn.
- Dập tắt lửa đang cháy bằng các thiệt bị hiện có như bình cứu hỏa, trùm kín bằng chăn hay lăn lộn dưới đất, dội nước, cởi bỏ quần áo đang cháy...
- Với người cấp cứu khi vào phòng kín cần có dụng cụ bảo hộ cẩn thận, như mặt nạ phòng độc hay bình dưỡng khí. Luôn luôn giữ an toàn cho bản thân trước tiên.
- Nếu nạn nhân bị nôn, cần đặt nạn nhân nằm nghiêng (phải) để phòng trường hợp nạn nhân nôn, trào ngược vào phổi gây tắc nghẽn lưu thông đường thở.
- Dùng khăn mùi xoa hay vải mỏng lót tay để móc hết đờm dãi, dị vật, khai thông đường thở cho nạn nhân.
- Đặt nạn nhân nằm ở chỗ thoáng khí để sơ cứu theo tư thế Fowler (nửa nằm, nửa ngồi - đầu cao).
- Cho nạn nhân thở không khí trong lành ngay tức thì hoặc chuyển nhanh tới phòng cấp cứu.
- Nếu nạn nhân bị ngừng thở, ngừng tim phải đặt nạn nhân trên nền cứng, rồi tiến hành ngay việc cấp cứu ngừng tuần hoàn – hô hấp bằng cách ép tim ngoài lồng ngực, hô hấp nhân tạo.
- Gọi trợ giúp, kêu gọi nhiều người đến hỗ trợ và gọi cấp cứu 115, rồi nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
6. Điều trị bỏng hô hấp
Trên lâm sàng, hay gặp bỏng da kết hợp với bỏng hô hấp. Đây là một thể bỏng rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
Tại cơ sở điều trị chuyên khoa bỏng:
- Lấy bỏ hết dị vật, dịch tiết (nếu có) ở mũi miệng, đường thở
- Thở oxy 100%
- Nằm tư thế Fowler (tư thể nửa ngồi, đầu cao)
- Cho thuốc an thần, giảm đau (loại không ức chế hô hấp).
- Truyền dịch: Khi bị bỏng, nguy cơ mất nước rất cao, có thể dẫn đến giảm thể tích tuần hoàn, trụy tim mạch. Vì thế truyền dịch là rất quan trọng.
- Số lượng dịch truyền trong 24 giờ đầu tiên nên truyền gấp 1,3-1,4 lần so với những trường hợp chỉ bỏng da đơn thuần có cùng diện tích và độ sâu bỏng mà không có bỏng đường hô hấp.
- Đảm bảo số lượng nước tiểu tối thiểu là 30-50ml/h ở người lớn và 0,5-1ml/kg/h ở trẻ em dưới 30 kg.
Thuốc trợ tim: Nên sử dụng dobutamin.
Khí dung: Theo Hội bỏng Hoa Kỳ nên khí dung bằng heparin. Một số báo cáo nghiên cứu thử nghiệm gần đây áp dụng cho nhi khoa cho thấy, khí dung bằng heparin kết hợp với acetylcystein có tác dụng cải thiện khá tốt, tỷ số PaO2/FiO2 được cải thiện, tỷ lệ tái đặt ống nội khí quản giảm, giảm tỷ lệ tử vong so với nhóm chứng.
Nên đặt ống nội khí quản và mở khí quản sớm khi có dấu hiệu khó thở. Thông khí nhân tạo là một biện pháp bắt buộc trong bỏng hô hấp.
Hút qua ống nội khí quản và canuyn nội khí quản được tiến hành thường xuyên, có vai trò quan trọng trong việc loại bỏ dịch tiết, các mảnh niêm mạc nhỏ bong ra trên đường hô hấp. Trước khi hút, để người bệnh nằm tư thế đầu cao, thông khí nhân tạo với 100% oxy, thời gian một lần hút không quá 15 giây (để hạn chế tình trạng giảm oxy máu thoáng qua).
Nội soi khí phế quản bằng ống mềm là biện pháp xác định chẩn đoán và điều trị tốt nhất. Qua nội soi bơm rửa, hút, lấy bỏ các mảnh niêm mạc lớn hoặc các mảnh hoại tử đã bong ra, tránh gây xẹp hoặc apxe phổi.
Kết hợp vật lý trị liệu rất quan trọng, như tập thở hàng ngày, vỗ rung, tập vận động sớm.
Kiểm soát nhiễm khuẩn hô hấp, tránh nhiễm khuẩn bệnh viện bằng cách dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ. Các thao tác can thiệp trên đường thở bảo đảm vô khuẩn tuyệt đối.
Các biện pháp điều trị hỗ trợ khác vẫn tiến hành đồng thời như những người bệnh chỉ bỏng da đơn thuần.
7. Phòng ngừa bỏng hô hấp
Bỏng hô hấp rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao, ngay cả khi điều trị khỏi thì cũng gây ra nhiều thương tật vĩnh viễn. Bỏng hô hấp khá thường gặp nhưng chúng ta có thể phòng tránh được, bằng cách thực hiện các biện pháp:
- Tuân thủ hướng dẫn về phòng cháy, chữa cháy tại nhà và nơi làm việc
- Trong xây dựng luôn phải có lối thoát hiểm, phòng trường hợp hỏa hoạn xảy ra bất ngờ, phải có hệ thống báo cháy để cảnh báo sớm các trường hợp hỏa hoạn xảy ra
- Phải luôn để các vật dụng dễ cháy cách xa nguồn nhiệt, để tránh bắt lửa
- Hệ thống điện phải đảm bảo an toàn, tránh quá tải, tránh chập điện, bởi vì nguy cơ chập điện gây cháy chiếm tỷ lệ rất cao.
- Khi có hỏa hoạn xảy ra, phải nhanh chóng, bằng mọi cách thoát ra khỏi đám cháy, tuyệt đối không được trú ẩn trong phòng kín, dù còn xa đám cháy, vì có nguy cơ ngạt khói hoặc sốc nhiệt do nhiệt độ xung quanh tăng cao.
- Khi thoát khỏi vùng khói đặc, tốt nhất là phải đeo mạt nạ phòng độc hoặc dùng khăn ướt che miệng mũi lại để tránh khói độc vào đường hô hấp.
Bỏng hô hấp