Võng mạc là một bộ phận nằm phía sau khối tinh thể mắt, chứa các tế bào đặc biệt, có thể gọi là tế bào “nhận ảnh” chúng nhạy với ánh sáng và các tế bào thần kinh. Các tế bào nhận ảnh có hai loại là hình dẹt và hình que dài. Chúng có chức năng chuyển quang năng thành điện năng cho hệ dây thần kinh.

Bệnh bong võng mạc

Các tế bào que dài rất nhạy với ánh sáng, chúng cho phép ta nhìn thấy các vật trong điều kiện thiếu ánh sáng, giúp cho tầm nhìn được xa hơn. Các tế bào nhận ảnh hình dẹt thì ngược lại cần nhiều ánh sáng, nhưng lại cho ta nhận biết các chi tiết rất nhỏ của vật ta nhìn vào, đảm bảo tập trung thị lực vào một điểm và giúp phân biệt các màu khác nhau. Loại tế bào thứ hai nằm tập trung vào một chỗ, chúng quyết định sự tinh tường của thị giác.

Võng mạc được cấu tạo bởi mười lớp. Lớp ngoài cùng chứa sắc tố và vitamin A. Sắc tố có vai trò ngăn cản sự phản chiếu ánh sáng trong toàn nhãn cầu, sẽ khiến cho hình ảnh sẽ bị mờ. Vitamin A rất cần thiết để thành lập quang sắc tố.

Võng mạc tiếp giáp với lớp mao mạch của mắt, nhưng nhiều chỗ độ tiếp giáp yếu. Khi võng mạc bị bệnh thì độ tiếp giáp càng yếu đi. Bong võng mạc là tình trạng các tế bào võng mạc tách ra khỏi lớp mạch máu cung cấp oxy và chất dinh dưỡng.

Bong võng mạc là một tình trạng khẩn cấp, nếu không được điều trị, để càng lâu thì nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn ở mắt càng lớn. Dấu hiệu cảnh báo của tình trạng bong võng mạc bao gồm sự xuất hiện đột ngột của hiện tượng ruồi bay trước mắt, chớp sáng và giảm thị lực.

1. Nguyên nhân gây bong võng mạc

Nguyên nhân gây bong võng mạc

Bong võng mạc có thể do:

  • Co kéo dịch kính (dịch kính giống như chất gel lấp đầy bên trong mắt);
  • Chấn thương;
  • Biến chứng bệnh tiểu đường tiến triển
  • Tăng huyết áp
  • Thoái hóa võng mạc do tuổi tác.

Quá trình bong võng mạc có thể diễn ra theo các bước:

  • Do bệnh lý võng mạc có thể làm cho võng mạc mỏng đi. Khi đó võng mạc có thể có vết rách, làm cho dịch kính thoát ra khiến cho nhãn cầu xẹp xuống, gây co kéo võng mạc. Sau đó dịch lỏng bên trong dịch kính chảy qua vết rách và tích tụ bên dưới võng mạc, tách võng mạc ra khỏi lớp mô bên dưới. Lớp mô này có chứa mạch máu gọi là màng mạch. Các vị trí bị bong võng mạc sẽ mất nguồn cung cấp máu và ngừng hoạt động, từ đó dẫn đến mất thị lực.
  • Khi lớn tuổi, quá trình tự nhiên của cơ thể, dịch kính có thể thay đổi độ đồng nhất và co kéo hoặc hóa lỏng. Sau đó, dịch kích có thể tách ra khỏi bề mặt võng mạc, một tình trạng phổ biến gọi là bong dịch kính sau. Khi dịch kính bị tách hoặc bong ra khỏi võng mạc, gây co kéo võng mạc với một lực vừa đủ để làm rách võng mạc. Nếu không điều trị, dịch lỏng từ khoang dịch kính có thể đi qua vết rách vào khoang sau võng mạc, làm võng mạc bị bong ra.

Bong dịch kính sau có thể gây ra các triệu chứng về thị lực, như đột ngột xuất hiện hiện tượng ruồi bay hoặc thấy tia chớp (chớp sáng). Tình trạng này thậm chí có thể xảy ra vào ban ngày ở nơi có nhiều ánh sáng và rõ ràng hơn khi nhắm mắt hoặc ở trong phòng tối.

2. Các yếu tố nguy cơ bong võng mạc

Các yếu tố nguy cơ bong võng mạc

Các yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ bong võng mạc:

  • Lão hóa: Bong võng mạc thường gặp hơn ở người trên 50 tuổi
  • Tiền sử bong võng mạc ở một bên mắt
  • Tiền sử gia đình bị bong võng mạc
  • Cận thị nặng
  • Tiền sử phẫu thuật mắt, như mổ đục thủy tinh thể
  • Tiền sử chấn thương mắt nặng
  • Tiền sử có bệnh hoặc viêm mắt
  • Tiền sử mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp.

3. Triệu chứng của bong võng mạc

Bệnh bong võng mạc không gây đau đớn mà chỉ có các rối loạn về thị giác và giảm thị lực. Các triệu chứng thường gặp:

  • Thấy ánh sáng nhấp nháy ở tại góc mắt (chớp sáng);
  • Nhìn thấy nhiều chấm đen (ruồi bay) hoặc có một màng đen che trước mắt. Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng này không chỉ ra được những vấn đề nghiêm trọng.
  • Nếu có một mảng lớn võng mạc bị bong thì có thể cảm thấy như có một mảng tối che trước mắt, lấn dần về phía trung tâm. Khi bong qua hoàng điểm, sẽ thấy mờ mắt rất nhiều và nhanh.
  • Nếu bong võng mạc toàn bộ, người bệnh có khi chỉ còn phân biệt được sáng tối.
  • Một số trường hợp, bong võng mạc có thể tiến triển âm thầm cho đến khi phần lớn của võng mạc bị bong ra.
  • Những trường hợp nặng hơn, bong võng mạc sẽ làm nhòe hay mờ thị lực trung tâm và làm mất tầm nhìn đáng kể ở mắt bị ảnh hưởng.
  • Một số trường hợp bệnh xuất hiện đột ngột, thường bị mất thị lực toàn phần ở một mắt. Sự mất thị lực nhanh có thể cũng gây ra bởi máu chảy vào trong dịch kính, tình trạng này xảy ra khi võng mạc bị rách.

4. Chẩn đoán bong võng mạc

Chẩn đoán bong võng mạc

Để chẩn đoán bệnh bong võng mạc, bác sĩ phải dựa vào các triệu chứng lâm sàng, thăm khám mắt và các xét nghiệm cận lâm sàng.

  • Triệu chứng lâm sàng: Với các biểu hiện như đột ngột giảm thị lực, giảm thị lực ở một phía của thị trường, xuất hiện hiện tượng ruồi bay hay tia chớp…
  • Soi đáy mắt: Bác sĩ có thể dùng một dụng cụ có thấu kính đặc biệt với độ chiếu sáng mạnh (đèn soi đáy mắt) để kiểm tra phía sau mắt, bao gồm cả võng mạc. Soi đáy mắt có thể nhìn thấy một hố võng mạc, rách hoặc bong.
  • Siêu âm mắt: Giúp khảo sát được hình ảnh của võng mạc và các cấu trúc nội nhãn khác, cung cấp các thông tin rất quan trọng để chẩn đoán bong võng mạc.
  • Bác sĩ thường sẽ khám ở cả hai bên mắt cho dù chỉ có triệu chứng ở một bên. Nếu không thể xác định vết rách trong lần khám này, có thể yêu cầu tái khám trong vòng vài tuần để đảm bảo không có vết rách muộn trong mắt do tình trạng tách dịch kính trước đó. Đồng thời, nếu có triệu chứng mới người bệnh phải đến tái khám với bác sĩ ngay lập tức.

5. Điều trị bong võng mạc

Phẫu thuật là phương pháp thường được áp dụng để điều trị lỗ thủng, vết rách hoặc bong võng mạc. Hiện có nhiều kỹ thuật khác nhau để phẫu thuật. Để có thể đưa ra phương pháp phẫu thuật phù hợp, bác sĩ phải thăm khám kỹ, chẩn đoán xác định.

Ngoài ra, người bệnh cũng cần phải được sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để biết mức độ bệnh tật của bản thân, các bệnh lý liên quan và đặc biệt là ưu nhược điểm của từng phương pháp phẫu thuật, để lựa chọn phương pháp phù hợp. Các phương pháp phẫu thuật với các trường hợp cụ thể như:

Rách võng mạc

Phẫu thuật laser quang đông bong võng mạc

Trường hợp rách võng mạc mà lỗ thủng chưa tiến triển đến mức bong võng mạc, bác sĩ phẫu thuật có thể đề nghị thực hiện các biện pháp phẫu thuật để vá lỗ thủng. Mục đích để ngăn ngừa bong võng mạc và bảo tồn thị lực.

  • Phẫu thuật laser quang đông: Bác sĩ phẫu thuật sẽ chiếu chùm tia laser qua đồng tử đi vào mắt. Tia laser gây bỏng quanh vết rách võng mạc, hình thành sẹo giúp “hàn” võng mạc vào lớp mô bên dưới.
  • Lạnh đông võng mạc: Sau khi gây tê cục bộ cho mắt, bác sĩ phẫu thuật sẽ đưa đầu dò lạnh đến mặt ngoài của mắt, trực tiếp trên vết rách. Việc đông lạnh sẽ tạo thành sẹo giúp gắn võng mạc vào thành mắt.

Cả hai thủ thuật này đều được thực hiện nhanh chóng, có thể về ngay mà không cần nằm viện. Sau thủ thuật, người bệnh có thể cần tránh các hoạt động gây chấn động mắt, như chạy bộ trong vài tuần hoặc lâu hơn.

Bong võng mạc

Nếu bị bong võng mạc, cần phẫu thuật để điều trị, phẫu thuật càng sớm càng tốt. Phương pháp phẫu thuật mà bác sĩ đề nghị sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm mức độ nghiêm trọng của tình trạng bong võng mạc, các bệnh lý kèm theo và thể trạng người bệnh. Các phương pháp có thể thực hiện:

Bơm hơi hoặc khí vào trong mắt (còn gọi là áp võng mạc bằng hơi):

Áp võng mạc bằng hơi

Trong thủ thuật này, bác sĩ phẫu thuật sẽ bơm bóng khí hoặc hơi vào trung tâm mắt (khoang dịch kính). Nếu bơm đúng vị trí, bóng hơi sẽ đẩy vùng võng mạc có lỗ thủng hoặc lỗ thủng về lại thành mắt, giúp ngăn dịch chảy vào khoang sau võng mạc. Cũng có thể sử dụng phương pháp lạnh đông trong quá trình thủ thuật để điều trị rách võng mạc.

Dịch lỏng tích tụ dưới võng mạc sẽ tự hấp thụ và khi đó võng mạc có thể dính lại vào thành mắt. Để bóng hơi được ở đúng vị trí, người bệnh cần giữ đầu ở tư thế cố định trong vài ngày. Bóng hơi sẽ tự biến mất sau đó. Người bệnh không được đi máy bay hoặc lái xe nếu đang có bóng hơi trong mắt.

Ấn độn bề mặt mắt (gọi là ấn độn củng mạc):

Thủ thuật này, bác sĩ phẫu thuật sẽ khâu một miếng độn bằng silicon vào củng mạc mắt trên vùng bị ảnh hưởng. Thủ thuật này giúp đẩy võng mạc vào thành mắt và giảm lực co kéo của dịch kính trên võng mạc.

Nếu có một vài vết rách, lỗ thủng hoặc bong một mảng lớn trên võng mạc, bác sĩ phẫu thuật có thể tạo miếng độn củng mạc quanh toàn bộ mắt như một cái đai. Đai độn được đặt sao cho không cản trở tầm nhìn, và thường được giữ vĩnh viễn.

Dẫn lưu và thay dịch lỏng trong mắt (gọi là cắt dịch kính):

Cắt dịch kính

Thủ thuật này, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ dịch kính cùng với các mô đang bị co kéo trên võng mạc. Rồi bơm hơi, khí hoặc dầu silicon vào khoang dịch kính để giúp làm phẳng võng mạc.

Sau đó, hơi, khí hoặc dịch lỏng sẽ được hấp thụ và khoang dịch kính sẽ lấp đầy dịch lỏng cơ thể. Nếu dùng dầu silicon, cần phẫu thuật để loại bỏ vài tháng sau đó. Phương pháp này có thể được kết hợp với thủ thuật ấn độn củng mạc.

6. Phòng ngừa bong võng mạc

  • Đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt ngay khi thấy có các triệu chứng ruồi bay hoặc có chớp sáng hay có vùng tối trong tầm nhìn.
  • Mang kính bảo hộ khi chơi thể thao hoặc sử dụng các dụng cụ có cường độ ánh sáng lớn.
  • Kiểm soát lượng đường trong máu và kiểm soát tốt lượng đường trong máu nếu có mắc bệnh tiểu đường.
  • Khám mắt hàng năm, đặc biệt nếu có nguy cơ mắc bệnh về bong võng mạc.
  • Người bị cận thị nặng nên khám mắt định kỳ 6 tháng một lần.
  • Khi một mắt đã bị bong võng mạc thì phải kiểm tra ngay mắt còn lại để phát hiện sớm những tổn thương mới và có biện pháp điều trị kịp thời.

Bong võng mạc