Amiăng là muối silicat kép của canxi và magie, chứa SiO2 có trong tự nhiên. Có hai nhóm amiăng đó là nhóm serpentine và amphibole. Nhóm serpentine gồm chrysotile gọi là amiang trắng có dạng xoắn và cũng là loại sợi amiăng duy nhất còn tiêu thụ thương mại trên thị trường hiện nay. Trong khi nhiều quốc gia phát triển đã cấm sử dụng và tiêu thụ mọi loại amiăng, thì một số quốc gia đặc biệt là các nước đang phát triển và ở Việt Nam amiăng trắng vẫn tiếp tục được sử dụng.

Bụi amiăng

Ở Việt Nam amiăng trắng được sử dụng chủ yếu để sản xuất tấm lợp A-C và hầu hết được nhập khẩu từ nước ngoài. Từ 10 năm nay Việt Nam luôn đứng trong tốp 10 nước tiêu thụ amiăng nhiều nhất thế giới. Trung bình hàng năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 65.000 tấn amiăng nguyên liệu.

Hiện nay có khoảng 5000 công nhân trực tiếp tiếp xúc trong sản xuất tấm lợp A-C. Trong quá trình làm việc tiếp xúc với amiăng có thể hít các sợi amiăng vào phổi. Nếu cứ tiếp tục làm việc và hít phải sợi amiăng trong thời gian dài sẽ gây tổn thương phổi và xuất hiện các vết sẹo.

Bệnh bụi phổi amiăng còn gọi là bệnh bụi phổi amiăng nghề nghiệp, là tình trạng tổn thương xơ hóa lan tỏa trong nhu mô phổi do hít phải sợi amiăng trong thời gian dài. Bệnh mang tính chất nghề nghiệp và thường xuất hiện sau khoảng 5 đến 20 năm khi làm việc và hít phải sợi amiăng. Hiện nay vẫn chưa có cách điều trị hiệu quả cho bệnh bụi phổi do amiăng gây ra. Người bệnh thường sẽ bị tàn tật hoặc có thể tư vong.

1. Nguyên nhân gây bệnh bụi phổi amiăng

Nếu bạn tiếp xúc với bụi amiăng trong một thời gian dài, sợi amiăng trong không khí có thể hít vào tận trong phế nang. Phế nang là các túi nhỏ trong phổi giúp trao đổi oxi và carbon dioxide trong máu. Các sợi amiăng kích thích và gây sẹo phổi, làm cho phổi bị xơ cứng dẫn đến khó thở.

Khi bệnh bụi phổi tiến triển, ngày càng nhiều mô phổi bị sẹo. Cuối cùng, mô phổi trở nên cứng đến mức không thể co giãn bình thường. Hút thuốc làm tăng sự lưu giữ các sợi amiăng trong phổi và thường làm cho bệnh tiến triển nhanh hơn.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bụi phổi amiăng nghề nghiệp

Nguyên nhân gây bệnh bụi phổi amiăng

Các công nhân làm việc trong những ngành nghề có tiếp xúc với bụi amiăng có nguy cơ mắc bệnh cao như:

  • Sản xuất các loại vật liệu xây dựng trong đó có tấm lợp amiăng
  • Khai thác, khoan, đập, đào quặng đá có amiăng
  • Thực hiện các thao tác như tán, nghiền và sàng quặng đá có amiăng.
  • Thực hiện các thao tác chải, kéo, dệt sợi amiăng
  • Thi công tháo dỡ những công trình có amiăng
  • Chế tạo xi-măng amiăng
  • Chế tạo các vật dụng bằng amiăng

Nguy cơ mắc bệnh bụi phổi amiăng liên quan đến số lượng và thời gian tiếp xúc với amiăng. Tiếp xúc càng nhiều, nguy cơ tổn thương phổi càng cao.

Phơi nhiễm gián tiếp có thể xảy ra với thành viên trong gia đình của công nhân bị phơi nhiễm. Vì sợi amiăng có thể dính trên quần áo của người công nhân và theo họ về nhà, gây phơi nhiễm cho người thân. Những người sống gần khu mỏ cũng có thể tiếp xúc với sợi amiăng trong không khí.

2.  Các biểu hiện thường gặp khi mắc bệnh bụi phổi amiăng

Các biểu hiện thường gặp khi mắc bệnh bụi phổi amiăng
  • Đau tức ngực và khó thở là hai triệu chứng chính của bệnh, tuy nhiên đa số các trường hợp là không xuất hiện các triệu chứng gì.
  • Ho kéo dài, ban đầu ho khan, sau ho kèm theo khạc đờm
  • Khó thở, đau tức ngực khi gắng sức
  • Ho ra máu, thở khò khè…

3. Hậu quả của bệnh bụi phổi amiăng

Bệnh bụi phổi amiăng có nguy cơ cao mắc ung thư phổi, đặc biệt nếu kèm thêm hút thuốc lá hoặc đã từng hút thuốc lá. U trung mô ác tính, ung thư mô quanh phổi có thể xảy ra nhiều năm sau khi tiếp xúc với amiăng, nhưng rất hiếm.

4. Chẩn đoán xác định bệnh bụi phổi amiăng

Chẩn đoán xác định bệnh dựa vào các yếu tố sau:

Tiền sử tiếp xúc nghề nghiệp:

  • Là một yêu cầu bắt buộc trong chẩn đoán bệnh
  • Những công nhân hoặc người lao động làm việc trong môi trường có bụi amiăng trong thời gian dài (thường là trên 5 năm)
  • Kết quả đo môi trường lao động có nồng độ bụi amiăng vượt tiêu chuẩn cho phép (tiêu chuẩn của Bộ Y tế Việt Nam là 0,5 sợi/ml trung bình 1 giờ và 0,1 sợi/ml trung bình 8 giờ).

Triệu chứng lâm sàng:

  • Triệu chứng lâm sàng chỉ mang tình chất tham khảo, vì không đặc hiệu, chỉ dùng để xác định mức độ tổn thương phổi do biến chứng của bệnh.
  • Các biểu hiện thường gặp như ho, khó thở, tức ngực, thở khò khè…
Chụp X-quang phổi để chẩn đoán bệnh bụi phổi amiăng

Hình ảnh trên phim X-quang phổi: Hình ảnh xơ hoá nhu mô phổi dạng sợi s, t, u (nốt mờ không tròn đều) theo bảng phân loại quốc tế ILO về bệnh bụi phổi. Ngoài ra, có thể thấy một số hình ảnh như mảng vôi hóa màng phổi, dày màng phổi…

Đo chức năng hô hấp: Kết quả đo có thể bình thường hoặc có biểu hiện của hội chứng hạn chế, hội chứng tắc nghẽn, hội chứng hỗn hợp…

Chụp cắt lớp (CT): Cung cấp thông tin chi tiết hơn và giúp phát hiện bệnh bụi phổi amiăng trong giai đoạn đầu, ngay trước cả khi có tổn thương trên X-quang ngực.

5. Điều trị bệnh bụi phổi amiăng

Điều trị bệnh bụi phổi amiăng

Không có phương pháp điều trị nào có thể đảo ngược tác động của amiăng đối với phế nang. Điều trị tập trung vào việc làm chậm tiến triển của bệnh, giảm triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng.

Điều trị nội khoa:

  • Thở oxi để giảm bớt khó thở
  • Tham gia chương trình phục hồi chức năng phổi. Chương trình cung cấp các bài tập như kỹ thuật thở và thư giãn, cách cải thiện thói quen hoạt động và giáo dục để cải thiện sức khỏe tổng quát.

Phẫu thuật: Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, có thể cần phải ghép phổi là biện pháp cuối cùng.

Thay đổi lối sống:

  • Bỏ hút thuốc lá: Bệnh bụi phổi amiăng làm tăng nguy cơ ung thư phổi, bỏ hút thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ này, đồng thời phải cố gắng tránh khói thuốc.
  • Tiêm phòng các bệnh gây viêm đường hô hấp: Tiêm vắc-xin cúm và phế cầu có thể giúp làm giảm nguy cơ viêm phổi.
  • Tránh tiếp xúc với amiăng: Tiếp xúc nhiều hơn với amiăng có thể làm tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng hơn.

6. Một số biện pháp phòng bệnh bụi phổi amiăng

  • Tránh tiếp xúc với amiăng là cách phòng ngừa tốt nhất!
  • Nhà nước cần hạn chế tối đa việc sử dụng và lưu hành các sản phẩm, vật liệu có chứa amiăng.
  • Đối với công nhân và người lao động làm việc trong môi trường có tiếp xúc với bụi amiăng thì phải thực hiện các biện pháp bảo hộ đặc biệt.

Bệnh bụi phổi amiăng có thời gian tích lũy lâu dài, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, như xơ phổi, ung thư phổi và có thể đòi hỏi phải phẫu thuật ghép phổi. Tuân thủ đúng các nguyên tắc làm việc với sản phẩm chứa amiăng sẽ làm giảm nguy cơ bệnh.

Bụi phổi Amiăng (Atbet)