Tóm tắt nội dung
Người lao động làm việc trong môi trường có bụi silic, theo thời gian những tinh thể silic này sẽ tích tụ trong phổi và đường thở. Tình trạng này kéo dài khiến người bệnh bị khó thở, suy hô hấp, ở mức độ nặng có thể tử vong.
Bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp là bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất trong 28 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm hiện nay ở nước ta. Tính đến cuối năm 2011, tổng số bệnh nghề nghiệp mắc của Việt Nam là 27.246 trường hợp, trong đó bệnh bụi phổi silic chiếm tới 74,40%.
1. Nguyên nhân gây bệnh bụi phổi silic
Tinh thể silic tự do (SiO2) là một trong những loại khoáng chất thường gặp nhất ở vỏ trái đất. Nó được tìm thấy trong cát, trong nhiều loại đá như đá granite, sa thạch, đá lửa, đá phiến và một số loại quặng than đá và kim loại.
Khi hít phải bụi có chứa silic qua mũi hoặc miệng, các tinh thể này sẽ hoạt động như những lưỡi dao nhỏ trên phổi, tạo ra những vết cắt nhỏ và sẹo mô phổi. Phổi bị sẹo không thể tự mở và đóng lại, khiến người bệnh thở khó khăn hơn. Bệnh hình thành là một bệnh mạn tính do tiếp xúc với bụi qua một thời gian dài, thường từ 5 đến 10 năm.
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh bụi phổi silic là:
- Công nhân khai thác quặng đá, mài đá, tán, tán, nghiền, sàng đá… có chứa silic tự do
- Công việc đúc tiếp xúc với bụi cát khuôn, làm sạch vật đúc
- Làm sạch hoặc làm nhẵn vật bằng tia cát
- Sản xuất, chế biến thủy tinh, gạch chịu lửa, đồ gốm
- Sản xuất nhựa đường, sản xuất bê tông
- Nghiền hoặc khoan đá, khoan bê tông, khai thác khoáng sản…
2. Phân loại bệnh bụi phổi silic
Bệnh bụi phổi silic được các chuyên gia phân bệnh thành 3 loại, tùy thuộc vào nồng độ bụi silica trong không khí mà người bệnh chẳng may hít phải:
- Bệnh cấp tính: Loại này phát triển sau từ vài tuần đến vài năm tiếp xúc trực tiếp với bụi silic. Bệnh tiến triển nhanh với tình trạng phổi bị viêm rất nặng và chứa đầy dịch lỏng, gây khó thở dữ dội, oxy trong máu thấp.
- Bệnh mạn tính: Thường gặp nhất, xảy ra sau một thời gian dài khoảng 10 đến 30 năm sau khi tiếp xúc trực tiếp với bụi silic (silic nồng độ thấp). Bệnh diến biến âm thầm, không có biểu hiện gì, mặc dù tình trạng nhiễm trùng có thể được phát hiện thông qua phim X quang phổi. Biểu hiện đặc trưng nhất của loại này là bụi silic gây sưng phổi và các hạch bạch huyết ở ngực, khiến người bệnh thở khó khăn hơn. Kết quả chụp X quang còn cho thấy tổn thương đường kính dưới 10mm ở vùng đỉnh phổi.
- Bệnh tiến triển: Là hậu quả của việc tiếp xúc với bụi silic ở nồng độ cao liên tục trong khoảng 5 – 10 năm. Theo đó, người bệnh bị sưng phổi, đồng thời xuất hiện các triệu chứng khác nhanh hơn so với bệnh ở mức độ mạn tính.
- Bên cạnh đó, còn một loại bệnh ít phổ biến hơn, như bệnh phổi silic phức tạp (bụi phổi tụ huyết) để lại nhiều sẹo ở phổi, cùng với sự hình thành các nốt sần lớn hơn 1cm. Bệnh thường đi kèm với xơ hóa khối lớn tiến triển. Các nốt nhỏ hơn kết hợp với nhau để tạo thành những nốt viêm lớn hơn. Tình trạng có thể trở nên trầm trọng nếu người bệnh mắc thêm các bệnh phổi khác như nhiễm nấm, lao, nhiễm khuẩn mycobacteria không lao và ung thư phổi.
3. Triệu chứng của bệnh bụi phổi silic
Ở giai đoạn sớm với tổn thương hạt nhỏ thường không có triệu chứng gì. Đa số trường hợp bệnh được phát hiện qua chụp X quang trong đợt khám sức khoẻ định kỳ, hoặc vì một bệnh lý khác tại phổi.
- Khó thở khi gắng sức là triệu chứng cơ bản, nguyên nhân có thể do xơ phổi hoặc khí phế thũng
- Khó thở tăng dần theo thời gian, đến một thời điểm nào đó khó thở diễn ra thường xuyên
- Suy hô hấp: Thường ở giai đoạn muộn của bệnh, biểu hiện bằng khó thở thường xuyên, tím môi, tím đầu chi
- Ho và khạc đờm: Đây là triệu chứng viêm phế quản, thường bị mắc kèm theo
- Thể trạng giảm sút thường do nguyên nhân khác, hoặc là ở giai đoạn quá muộn.
- Ho ra máu: Rất hiếm gặp, nếu có ho ra máu phải tìm cách xác định bệnh lao hoặc ung thư
- Khạc đờm đen: Đờm đen, lỏng, gặp ở công nhân làm việc trong các mỏ than
- Đau ngực, đau tăng dần, ban đầu chỉ đau khi gắng sức hay thở mạnh, sau đó có thể đau thường xuyên
- Đối với bệnh cấp tính: Khó thở bắt đầu đột ngột, tiến triển nhanh, có thể sốt, tử vong nhanh trong vài tháng.
4. Chẩn đoán bệnh bụi phổi silic
Nói chung triệu chứng lâm sàng bệnh bụi phổi silic không có gì đặc hiệu, các triệu chứng có thể gặp ở nhiều bệnh khác nhau. Vì thế để chẩn đoán bệnh bụi phổi vừa dựa vào lâm sàng và các đặc điểm sau:
- Yếu tố nghề nghiệp: Là yếu tố quan trọng nhất, bắt buộc phải có thì mới được chẩn đoán là bệnh bụi phổi silic. Những người có yếu tố nghề nghiệp là làm việc trong môi trường có chứa bụi silic vượt quá tiêu chuẩn cho phép trong thời gian dài (thường là trên 5 năm).
- Có các biểu hiện lâm sàng gợi ý: Như khó thở, đau tức ngực tăng dần, hội chứng tắc nghẽn phổi, hội chứng hạn chế, ho khạc đờm kéo dài, ho ra máu…
- Chụp X quang phổi: Tổn thương là các bóng mờ tròn, đường kính dưới 1cm, xuất hiện ở vùng trên phổi, lan xuống vùng giữa và dưới. Nốt tổn thương có xu hướng to dần, vùng tổn thương ngày càng lan rộng. Một số thể có dạng khối u xơ đường kính dưới 1cm thường ở thùy trên hoặc giữa. Bên cạnh tổn thương xơ có thể có khí phế thũng, co kéo hoặc dầy dính màng phổi.
- Chụp cắp lớp lồng ngực: Trên phim chụp có thể nhìn rõ hình ảnh dạng tổ ong, các nốt mờ, bờ rõ, kích thước dưới 1cm.
- Đo chức năng phổi: Giúp đo lường khả năng thở đúng cách của phổi để đưa oxy vào máu. Trong bệnh bụi phổi có thể có rối loạn thông khí hạn chế, rối loạn thông khí tắc nghẽn hoặc rối loạn thông khí hỗn hợp.
- Xét nghiệm đờm: Thường ít có giá trị chẩn đoán bệnh bụi phổi, chỉ có thể chẩn đoán các bệnh lý liên quan như lao hoặc viêm do các vi khuẩn khác.
- Nội soi phế quản: Giúp bác sĩ quan sát phổi rõ nhất, các mẫu mô và chất lỏng cũng có thể được lấy trong quá trình soi phế quản.
- Sinh thiết phổi bằng phẫu thuật: Mục đích là lấy mẫu mô phổi để xét nghiệm giải phẫu bệnh, được chỉ định trong trường hợp cần chẩn đoán chuyên sâu hoặc loài trừ ung thư phổi.
5. Điều trị bệnh bụi phổi silic
Bệnh bụi phổi silic cũng như các bệnh bụi phổi khác không điều trị được khỏi hoàn toàn, các tổn thương phổi do bụi là tổn thương không hồi phục được. Mọi phương pháp điều trị đều nhằm mục đích làm chậm sự tiến triển của bệnh cũng như làm giảm nhẹ các triệu chứng mà thôi.
Những phương pháp thường được chỉ định để điều trị bệnh phổi silic là:
- Sử dụng thuốc giãn phế quản, kháng viêm, qua đó giúp giảm tình trạng khó thở
- Bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt (nếu có), hoặc tránh khói thuốc tuyệt đối. Hút thuốc hoặc ngửi khói thuốc đã được chứng minh làm trầm trọng thêm các triệu chứng cũng như tăng tốc độ tiến triển của bệnh.
- Khi có khó thở, cần thở oxy qua mặt nạ hoặc oxy gọng kính
- Trường hợp rất nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện cuộc phẫu thuật ghép phổi, đây là biện pháp cuối cùng.
Lưu ý là những người bị bệnh bụi phổi, có nguy cơ mắc bệnh lao cao hơn. Do đó, phải xét nghiệm chẩn đoán lao thường xuyên.
6. Biện pháp phòng bệnh bụi phổi silic
Tinh thể silic là thủ phạm gây ra bệnh. Vì thế, để phòng tránh căn bệnh này thì biện pháp tốt nhất là không tiếp xúc với bụi chứa silic.
Nếu phải làm việc thường xuyên trong môi trường chứa tinh thể silic, cần phải có biện pháp bảo hộ an toàn như:
- Đeo khẩu trang và mặc quần áo bảo hộ trong khi làm việc
- Sử dụng phương pháp làm ướt để cắt, bào hoặc mài vật liệu, tránh cho bụi bay vào không khí
- Tắm rửa và thay quần áo sau khi làm việc, để tránh mang bụi ra khỏi nơi làm việc
- Không ăn hoặc uống trong hoặc gần khu vực có bụi silic
- Rửa tay và mặt trước khi ăn
- Duy trì cân nặng với chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng
- Vận động nhiều bằng cách tập thể dục thường xuyên, nhưng đừng quá gắng sức
- Phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp bằng cách tiêm vaccine phòng bệnh cúm và viêm phổi
Bụi phổi silic