Tóm tắt nội dung
Chậm phát triển tâm thần còn được gọi là bệnh thiểu năng tâm thân hay thiểu năng trí tuệ. Hậu quả là làm cho trẻ khó hoặc chậm tiếp thu các thông tin từ thế giới xung quanh.
Đây là bệnh rối loạn đa dạng, có thể liên quan đến rối loạn về gen, do môi trường sống hoặc do các yếu tố xã hội khác. Trẻ mắc bệnh thường chậm phát triển về trí tuệ so với các trẻ cùng trang lứa và có mức thông minh dưới trung bình.
Chậm phát triển tâm thần đặc trưng bởi các triệu chứng về kĩ năng như hạn chế các khả năng nhận thức ngôn ngữ, vận động chậm chạp, chậm thích ứng với xã hội. Đây không phải là một bệnh, mà là một trạng thái rối loạn của một bệnh nào đó gây ra sự thiếu sót trong các hoạt động trí tuệ và khả năng thích ứng.
1. Nguyên nhân gây chậm phát triển tâm thần
Nguyên nhân gây bệnh là một quá trình dài từ khi người mẹ trước khi mang thai, trong khi đang mang thai và sau sinh.
Trước thời kỳ mang thai: do các yếu tố di truyền, như gen di truyền, các bất thường về nhiễm sắc thể ở người mẹ và người bố trước khi mang thai.
Trong khi mang thai:
- Các bệnh lí ở người mẹ như nhiễm khuẩn, nhiễm độc, tác động của các tia phóng xạ, các hóa chất, các yếu tố cơ học… có thể gây ra các dị tật ở thai nhi và là nguyên nhân gây chậm phát triển tâm thần
- Rối loạn nội tiết ở người mẹ: bệnh tiểu đường, bệnh tuyến giáp
- Bất đồng nhóm máu: bất đồng nhóm máu ABO, nhóm máu Rh
- Tổn thương ở nhau thai và các yếu tố khác gây thiếu oxy cho thai nhi, dẫn đến suy thai
Trong khi sinh:
- Trẻ sinh non, bị sặc ối khi sinh, thiếu vitamin K
- Các chấn thương sản khoa.
Sau khi sinh:
Rất nhiều nguyên nhân sau sinh có thể gây ra chậm phát triển tâm thần, như:
- Nhiễm khuẩn: viêm não, viêm màng não, lao màng não và các bệnh nhiễm khuẩn khác ảnh hưởng đến não
- Thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin và các yếu tố vi lượng.
- Chấn thương sọ não
- Các rối loạn nội tiết, chuyển hoá ảnh hưởng tới não.
- Các bất thường của hộp sọ ảnh hưởng đến phát triển của não và lưu thông của dịch não tủy.
- Các bệnh lí ảnh hưởng tới não.
- Tính phản ứng của cơ thể.
- Thiếu sót giác quan ảnh hưởng đến việc tiếp nhận thông tin như mù, câm, điếc...
- Thiếu các kích thích tâm lí xã hội, thiếu điều kiện chăm sóc và giáo dục.
Một số nguyên nhân đặc biệt:
Bệnh phenylcetone niệu:
Còn gọi là bệnh Folling do thiếu chất phenylalanine oxydase là một enzyme chuyển hóa phenylalanine thành tyrosine. Dẫn đến phenylalanine tăng trong máu và acid phenylpyruvic tăng trong nước tiểu.
Bệnh biểu hiện bằng các triệu chứng: nôn, nước tiểu có mùi hôi bất thường, cơn co giật, giảm sắc tố ở tóc, da, tăng trương lực cơ, rối loạn tác phong, chậm phát triển tâm thần mức độ trung bình đến nghiêm trọng.
Hội chứng Down:
Hội chứng Down khá thường gặp, tỉ lệ khoảng 1/600 - 1/700 lần sinh, trẻ mắc do có 3 nhiễm sắc thể 21.
Biểu hiện bất thường ở trẻ như có đầu nhỏ, tròn, thóp rộng và chậm liền, tóc thưa thớt, hai tai nhỏ, mắt xếch hay bị lé, răng mọc chậm, lưỡi to, thè ra ngoài, bàn tay rộng, ngắn và dày, trương lực cơ giảm, hệ thống dây chằng kém phát triển nên các khớp thường lỏng lẻo.
Trẻ bị Down thường chậm phát triển cả về tâm thần và vận động, như chậm biết ngồi, chậm biết đi, chậm nói, ngôn ngữ phát triển vừa chậm và không đầy đủ, không rõ ràng, thường nói lắp, nói không thành tiếng.
2. Biểu hiện lâm sàng
Chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ
Chiếm khoảng trên 80% tổng các trường hợp. Nhóm này có thể học tập được, các rối loạn thể hiện không rõ rệt, khó khăn về cảm giác, vận động ở mức độ nhẹ.
Trẻ mắc bệnh có thể phát triển các kĩ năng về quan hệ xã hội ở giai đoạn trước tuổi đi học, rất khó phân biệt với trẻ bình thường khác lúc còn nhỏ. Hầu hết các trường hợp có khả năng tự phục vụ, tự chăm sóc bản thân và làm các việc vặt trong gia đình, nhưng thường có khó khăn trong học tập lí thuyết và nhiều trẻ có rối loạn đọc và viết.
Trẻ cần được giúp đỡ về giáo dục để phát triển các kĩ năng và bù trừ cho sự thiếu sót. Người bệnh có thể theo học ở trường phổ thông cho đến khoảng lớp 6. Lúc trưởng thành có khả năng hành nghề và quan hệ xã hội độc lập, nhưng sẽ gặp khó khăn khi có stress hoặc thay đổi bất ngờ của đời sống.
Ở tuổi trưởng thành, hầu hết có thể sống độc lập, mặc dù cần sự giúp đỡ trong các việc thông thường ở nhà hoặc ở nơi làm việc, hoặc phải trợ giúp khi bị stress.
Chậm phát triển tâm thần ở mức độ trung bình
Chậm phát triển tâm thần mức độ trung bình là những đối tượng có thể học nghề được, chiếm khoảng 12% tổng số trường trường. Hầu hết bệnh nhân có thể nói và học được cách tự chăm sóc bản thân, nhưng phải có người kèm cặp và giúp đỡ.
Ở giai đoạn trước khi đi học, trẻ có thể nói hoặc học được các cách quan hệ, nhưng thường ít thấu hiểu các quy tắc xã hội. Họ tự chăm sóc bản thân nhưng cần có sự giám hộ vừa phải của người khác.
Một số trường hợp khác có thể học được những kĩ năng cơ bản, cần thiết về đọc, viết hoặc tính toán thông qua các chương trình giáo dục đặc biệt.
Ở tuổi trưởng thành, nhóm này có thể làm được một số việc thực hành đơn giản nhưng phải có người giám sát chặt chẽ. Mặc dù không thể sống độc lập hoàn toàn được nhưng có thể đi lại dễ dàng, hoạt động cơ thể tốt, có thể thực hiện quan hệ giao tiếp và hoạt động xã hội đơn giản. Tuy nhiên vẫn cần sự hướng dẫn và giúp đỡ của người khác khi gặp khó khăn nhỏ về xã hội và đời sống.
Chậm phát triển tâm thần ở mức độ nặng
Nhóm này chiếm khoảng 7% các trường hợp, trẻ kém phát triển về vận động và ngôn ngữ, rất ít hoặc không có khả năng giao tiếp.
Giai đoạn trước khi đi học sự phát triển của trẻ là rất chậm. Đến giai đoạn đi học trẻ có thể học nói và hiểu những vấn đề hết sức sơ đẳng. Nhiều trẻ phải học cách tự chăm sóc bản thân dưới sự giám sát chặt chẽ của người khác. Trẻ thường không có khả năng học nghề.
Khi trưởng thành, có thể có vài hoạt động đơn giản và một số hoạt động xã hội rất hạn chế. Một số ít người chậm phát triển tâm thần nặng có một vài kĩ năng nhận thức đặc biệt, có thể làm được những việc đơn giản dưới sự giám sát chặt chẽ của người khác.
Chậm phát triển tâm thần mức độ trầm trọng
Nhóm này chiếm tỉ lệ khoảng 1% tổng số các trường hợp. Ở giai đoạn trước tuổi đi học rất kém phát triển về chức năng vận động. Ở tuổi đi học có một vài phát triển về vận động và trẻ có thể tiếp thu được những sự hướng dẫn tối thiểu về chăm sóc bản thân.
Khi trưởng thành, luôn cần được theo dõi, chăm sóc ở các cơ sở y tế đặc biệt và cần một sự giám sát thường xuyên.
Chậm phát triển tâm thần không xác định:
Đây là những trường hợp không thể đo lường trí tuệ bằng cách trắc nghiệm tâm lí vì bị rối loạn nhiều mặt hoặc không chịu hợp tác.
3. Chẩn đoán chậm phát triển tâm thần
Chẩn đoán xác định chậm phát triển tâm thần dựa vào các tiêu chuẩn chính sau:
- Hoạt động trí tuệ dưới mức trung bình rõ rệt, chẳng hạn đo chỉ số IQ < 70
- Có thể dẫn đến hoặc phối hợp với các thiếu sót về khả năng thích ứng
- Khởi đầu trước 18 tuổi.
Tiêu chuẩn thứ 3 này còn thay đổi tùy theo tập quán, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá và tính chất phức tạp lao động của người chậm phát triển tâm thần.
4. Chăm sóc người chậm phát triển tâm thần
Chậm phát triển tâm thần ở mức độ nhẹ
Số người chậm phát triển tâm thần ở mức độ nhẹ trong dân số chưa được thống kê đầy đủ. Hầu hết những người này được sống với gia đình, được người thân trong gia đinh chăm sóc. Ở một nhiều nước họ được các thầy thuốc gia đình chăm sóc và theo dõi.
Chậm phát triển tâm thần ở mức độ nặng
Chậm phát triển tâm thần ở mức độ nặng trong dân chiếm tỉ lệ khoảng 9/1000 dân. Một số cần sự chăm sóc đặc biệt suốt đời và cần có kế hoạch chăm sóc ngay từ khi được chẩn đoán.
5. Điều trị chậm phát triển tâm thần
Điều trị chậm phát triển tâm thần là quá trình lâu dài và phức tạp, đòi hỏi sự quan tâm của cả gia đình và xã hội.
Điều trị chủ yếu là điều trị ngoại trú dưới sự theo dõi và quản lí của trung tâm y tế cơ sở hoặc các trung tâm giáo dục, các khoa điều trị ban ngày.
Việc điều trị tại cộng đồng tạo điều kiện cho người bệnh phục hồi chức năng và tái thích ứng xã hội.
Tuy vậy, khả năng phục hồi còn rất hạn chế chỉ phát huy được những tiềm năng còn sót lại, làm cho trẻ có những tiến bộ về vận động và ngôn ngữ.
Chậm phát triển tâm thần