Bệnh chân tay lạnh

Do người là động vật đẳng nhiệt, nên nhiệt độ có thể luôn được duy trì ở mức ổn định khoảng 36 – 36,5 độ C. Khi nhiệt độ ngoài trời giảm xuống, cơ thể đảm bảo giữ cho máu lưu thông đến tất cả các cơ quan quan trọng để giữ ấm. Điều này có thể làm giảm lượng máu đến các các vị trí ngoại vi của cơ thể, như bàn tay, bàn chân khiến chúng ta cảm thấy lạnh. Cơ chế này hết sức bình thường và các mạch máu ở tay và chân bắt đầu co lại để tránh tình trạng mất nhiệt.

Chân tay lạnh không phải là một bệnh, nó chỉ là biểu hiện của nhiều bệnh cảnh khác nhau, đôi khi nó chỉ là do ảnh hưởng của thời tiết.

Nhiều người có thể có bàn chân và bàn tay lạnh hơn một cách tự nhiên mà không có bất kỳ tình trạng bệnh lý nào. Trong trường hợp này, việc cần làm duy nhất là giữ ấm để bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên nếu bàn chân và bàn tay luôn trong tình trạng lạnh quá mức, thậm chí gây khó chịu hoặc đi kèm với một số triệu chứng chẳng hạn như thay đổi màu sắc ngón tay thì có thể là do vấn đề về dây thần kinh và lưu thông máu.

Một số người sống hoặc làm việc trong những môi trường lạnh như làm việc trong kho lạnh, tủ cấp đông, quân nhân, những người leo núi, người phục vụ hoặc nhân viên cứu hộ… cần được trang bị những loại quần áo và găng tay bảo hộ đặc biệt để có thể giữ ấm cơ thể.

1. Nguyên nhân gây chân tay lạnh

Rất nhiều nguyên nhân có thể khiến cho bàn chân và bàn tay trở nên lạnh quá mức, gồm cả những sự điều chỉnh từ chính cơ thể để phản ứng với điều kiện nhiệt độ lạnh. Mộ số bệnh lý phổ biến có thể gây chân tay lạnh có liên quan đến sự lưu thông máu kém hoặc tổn thương dây thần kinh ở các chi.
Chân tay lạnh là do thiếu máu

Một số nguyên nhân gây chân tay lạnh thường gặp:

  • Thiếu máu: Thiếu máu là tình trạng suy giảm lượng tế bào hồng cầu khỏe mạnh trong máu. Thiếu máu chủ yếu là do thiếu sắt, khi đó các tế bào hồng cầu không được cung cấp đủ huyết sắc tố để vận chuyển oxy từ phổi đến các cơ quan trong cơ thể. Hậu quả khiến bàn tay và bàn chân bị nhiễm lạnh.
  • Bệnh động mạch: Khi các động mạch trong cơ thể bị hẹp hoặc rối loạn chức năng, lưu lượng máu cung cấp cho bàn chân và bàn tay sẽ suy giảm dẫn đến tình trạng chân tay lạnh. Những người trên 50 tuổi mà mắc bệnh tiểu đường thì có đến 1/3 trường hợp bị mắc bệnh động mạch ngoại biên, bệnh gây tổn thương thành động mạch chi dưới khi tích tụ mảng bám trong thành mạch khiến mạch bị hẹp lại, khiến máu khó lưu thông.
  • Bệnh tiểu đường: Tuần hoàn, lưu thông máu kém là một triệu chứng điển hình ở những người bệnh mắc tiểu đường, đặc biệt ở nếu điều này xảy ra ở tay và chân có thể khiến cho tay và chân nhiễm lạnh.
  • Bệnh tim mạch: Giống như bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch có thể khiến lưu lượng máu đến các chi giảm qua đó dẫn đến tình trạng chân tay lạnh.
  • Bệnh thần kinh ngoại biên: Đặc biệt là đối với những dây thần kinh ở bàn chân hoặc bàn tay là một trong những biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường. Một trong những triệu chứng ban đầu của tổn thương thần kinh là cảm giác đau nhói ở chi như bị kim đâm, rồi tê bì, rối loạn cảm giác, chân tay lạnh
  • Suy giáp: Trái ngược với bệnh cường giáp, suy giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động kém và không sản xuất đủ lượng hormone để giữ cho một số cơ quan trong cơ thể hoạt động bình thường. Lạnh chân và tay là một trong những triệu chứng của suy giáp. Ngoài ra các triệu chứng khác còn bao gồm mệt mỏi, đau nhức xương khớp, khô da, rụng tóc và trầm cảm....
  • Hội chứng Raynaud: Còn gọi là hội chứng rối loạn vận mạch đầu chi, do tình trạng hẹp động mạch, đặc biệt ở tay và chân khiến máu không thể lưu thông bình thường. Hội chứng Raynaud có thể khiến các ngón tay chuyển sang màu trắng, xám hoặc đỏ. Khi sự lưu thông máu trở lại bình thường, bàn tay có thể bị ngứa ran, nhói hoặc sưng.
  • Thiếu vitamin B12: Có thể dẫn đến một số triệu chứng thần kinh bao gồm cả cảm giác buốt lạnh ở bàn tay hoặc bàn chân. Các triệu chứng khác của thiếu vitamin B12 có thể gặp mệt mỏi, thiếu máu, da nhợt nhạt thiếu sức sống, cảm giác hụt hơi, loét miệng, rối loạn nhận thức...
  • Hút thuốc lá: Khói thuốc lá có thể khiến các mạch máu của cơ thể tổn thương, thành mạch bị thu hẹp và góp phần làm nghiêm trọng hơn tình trạng chân tay lạnh. Theo thời gian, các mạch máu tổn thương có thể khiến tim khó bơm máu đến các cơ quan trên cơ thể, đặc biệt là những bộ phận ở xa như ngón chân hoặc ngón tay, làm cho tình trạng chân tay lạnh ngày càng nặng.
Chân tay lạnh là do một số yếu tố khác

Ngoài những nguyên nhân nêu trên, một số yếu tố khác cũng có thể dẫn đến tình trạng bàn tay và bàn chân lạnh bao gồm:

  • Nhiễm khuẩn, nhiễm virut, sốt cao
  • Tình trạng căng thẳng kéo dài
  • Có mối liên quan chặt chẽ giữa chứng khó tiêu mạn tính với chân tay lạnh
  • Một số vấn đề sức khỏe như tăng huyết áp, đau bụng kinh ở nữ cũng có thể dẫn đến chứng bàn chân và bàn tay lạnh.
  • Trẻ em mất nhiệt nhanh hơn khi trời lạnh do diện tích bề mặt cơ thể lớn hơn nhiều so với cân nặng, lớp mỡ dưới da cũng không đảm bảo chức năng cách nhiệt và giữ nhiệt
  • Người cao tuổi mất khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Các mạch máu đặc biệt là ở đầu các chi khó co lại hơn trong điều kiện thời tiết lạnh dẫn đến tình trạng mất nhiệt.

2. Điều trị chứng chân tay lạnh

Chân tay lạnh không phải là bệnh nguy hiểm, nhưng có thể gây khó chịu. Điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, điều trị nguyên nhân và điều trị hỗ trợ. Các biện pháp điều trị bao gồm:

Cọ xát tay chân

Massage chân tay để thúc đẩy tuần hoàn máu, làm ấm chân tay

Khi mới tiếp xúc với thời tiết giá lạnh, massage tay chân liên tục để thúc đẩy tuần hoàn máu, làm ấm, có thể kết hợp xoa bóp cùng một số loại tinh dầu.

Ngâm tay chân nước ấm

Ngâm tay và chân trong nước ấm (khoảng 40 độ C) có thể cho thêm chút muối và vài lát gừng tươi trong khoảng 20 phút. Trong khi ngâm, có thể kết hợp với massage bàn chân và tay để tăng cường lưu thông máu.

Tập thể dục thể thao

Tập thể dục thể thao giúp tăng lưu thông máu và trao đổi chất trong cơ thể. Nhưng khi thời tiết lạnh không nên tập những bài tập quá sức, ra nhiều mồ hôi sẽ khiến cho cơ thể nhanh chóng tỏa nhiệt và nhanh mất nước.

Giữ ấm cho cơ thể

Sử dụng các loại tất chân, găng tay làm từ coton và len không chỉ giúp giữ nhiệt mà còn hấp thụ mồ hôi, giữ tay chân được khô ráo.

Chế độ dinh dưỡng giàu calo

Chế độ dinh dưỡng giàu calo cung cấp năng lượng sản sinh nhiệt sưởi ấm cho cơ thể

Bổ sung vitamin và những thực phẩm có nhiều calo, chất béo, chất sắt để cung cấp nhiều năng lượng, sản sinh nhiệt lượng “sưởi ấm” cho cơ thể.

Bổ sung multi-vitamin cho cơ thể bằng cách chọn những thực phẩm như sữa, trứng, thịt bò, thịt lợn, bơ, các loại hạt và ngũ cốc…

Điều trị hỗ trợ

Có thể sử dụng sản phẩm có chứ Ginkgo biloba, giúp tăng lưu thông máu, cải thiện tuần hoàn ngoại vi. Có thể uống thường xuyên hoặc kéo dài ít nhất 3 – 6 tháng để đạt kết quả tốt nhất.

  • Làm giảm chèn ép rễ thần kinh và mạch máu, giảm tê bì bằng sản phẩm chứa tiền vitamin B1 (fursultiamine), các vitamin nhóm B, chondroitin, Ginkgo Biloba và cao Blueberry.
  • Điều trị tình trạng thiếu máu, nâng cao thể trạng bằng các sản phẩm chứa sắt, acid folic, các vitamin và khoáng chất.

Điều trị theo nguyên nhân

Tùy theo nguyên nhân gây ra chân tay lạnh mà có biện pháp điều trị khác nhau, chẳng hạn như nếu do bệnh tiểu đường thì kiểm soát tốt đường huyết, do bệnh thần kinh thì điều trị bệnh thần kinh, do bệnh mạch máu thì điều trị bệnh mạch máu.

3. Dự phòng chân tay lạnh

Dự phòng chân tay lạnh

Chế độ ăn uống và vận động hợp lý sẽ giúp bàn tay, bàn chân luôn ấm áp, nhất là khi gặp thời tiết lạnh về mùa đông.

  • Giữ ấm cơ thể: Khi trời lạnh, cần đặc biệt chú ý giữ ấm tay chân, đặt biệt là đôi chân. Nên sử dụng các loại tất chân, tay mềm mại và có khả năng giữ ấm cũng như thấm hút mồ hôi tốt.
  • Thường xuyên vận động: Vận động nhiều sẽ làm “ấm nóng” cơ thể, tăng cường và điều tiết tuần hoàn máu. Vận động chân tay thường xuyên để giúp giãn nở mạch máu và lưu thông máu tốt hơn. Sắc da chân tay sẽ không bị tái xám và buốt lạnh.
  • Ăn uống hợp lý: Tăng chế độ ăn có nhiều calo và chất béo sẽ cung cấp cho cơ thể nhiều năng lượng để sản sinh nhiệt lượng “sưởi ấm” cơ thể.
  • Điều trị sớm và triệt để các bệnh lý có thể gây ra chứng chân tay lạnh, như bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, bệnh thiếu máu…

Chân tay lạnh