Tóm tắt nội dung
Chắp và lẹo là tình trạng xuất hiện những khối sưng đột ngột khu trú ở mi mắt. Chắp không phải do nhiễm trùng mà là tình trạng tắc nghẽn tuyến bài tiết chất nhày ở sụn mi mắt (còn gọi là tuyến Meibomius), trong khi lẹo là do nhiễm trùng.
Cả hai trường hợp đều gây cương tụ, sưng phù và đau mi mắt. Theo thời gian chắp khu trú lại thành nốt ở trung tâm mi mắt trong khi lẹo vẫn đau và khu trú ở bờ mi. Chẩn đoán dựa vào lâm sàng.
1. Nguyên nhân gây ra chắp và lẹo
- Lẹo mắt thường do tụ cầu khuẩn hoặc vi khuẩn khác xâm nhập vào tuyến chân lông mi gây viêm nhiễm cấp tính.
- Chắp xuất hiện do có sự tắc nghẽn ống tuyến nhờn của mi mắt, là tuyến Meibomius.
- Đôi khi, nguyên nhân ban đầu là do nhiễm khuẩn tuyến tiết chất nhờn ở mí mắt (tức là lẹo), không được điều trị kịp thời hoặc là lẹo tái phát nhiều lần gây tắc các tuyến, khi đó trở thành chắp.
2. Cách phân biệt bệnh chắp và lẹo mắt
Chắp mắt
Chắp mắt do tắc nghẽn tuyến nhày của mi mắt, biểu hiện như một khối tròn nhỏ, sưng đỏ. Vị trí thường cách xa bờ tự do của mi hơn so với lẹo.
Các dạng của chắp:
- Chắp nằm ở trong đĩa sụn và thường cách xa mép bờ mi, nhưng cũng có trường hợp chắp gây sưng toàn bộ mi mắt.
- Nhiều trường hợp đa chắp, tức là có rất nhiều đầu chắp trên một mi hay cả hai mi, thậm chí ở cả hai mắt.
Lẹo mắt
Khi mới xuất hiện, mi mắt sẽ hơi sưng, hơi đỏ, kèm theo ngứa và đau nhức. Tiếp đó, chỗ đau nổi lên một khối rắn to như hạt gạo. Lẹo thường mọc ở ngay bờ mi, dính chặt vào da mi.
Sau khoảng 3-4 ngày, lẹo sẽ mưng mủ tráng rồi tự vỡ hoặc do tác động gây vỡ. Lẹo có đặc điểm là rất hay tái phát, có thể bị ở một hoặc 2 mi mắt, có khi sưng to cả mi mắt.
Các dạng lẹo mắt:
- Lẹo trong do nhiễm trùng tuyến nhày của mi mắt: Nằm ở mặt trong của mi mắt, bên trong đĩa sụn. Khi lật mi, có thể nhìn thấy được lẹo. Trong một số trường hợp còn có thể thấy đầu mủ trắng của lẹo.
- Lẹo ngoài do nhiễm trùng nang lông mi: Là một nốt đỏ, đau ở bờ mi với kích thước và độ rắn giống như hạt đậu.
- Đa lẹo: Có rất nhiều đầu lẹo trên một mi hay cả hai mi, thậm chí ở cả hai mắt.
3. Triệu chứng của chắp và lẹo mắt
Chắp mắt:
Thông thường, chắp mắt sẽ có số biểu hiện như:
- Sưng nhưng không đau ở mí mắt, tiến triển chậm trong tuần đầu tiên
- Sưng lớp màng bao phủ bề mặt mi mắt và mặt trong mí mắt (kết mạc)
- Cộm mắt, khó chịu ở mắt
- Chắp có thể xuất hiện ở bên ngoài hoặc bên trong mí mắt (lật mí mắt lên sẽ nhìn thấy)
- Nhìn mờ hoặc hình ảnh khi nhìn bị méo mó
- Xuất hiện vùng màu đỏ hoặc xám bên trong mí mắt
- Chắp mắt là tình trạng nổi cục ở mí mắt trên, ít khi xảy ra ở mí mắt dưới. Người lớn thường gặp phải tình trạng này hơn so với trẻ em, thường xảy ra trong độ tuổi 30–50.
Lẹo mắt:
Lẹo thường chỉ xảy ra ở một mắt tại một thời điểm, rất ít trường hợp có thể bị lẹo ở cả hai mắt. Các triệu chứng ban đầu của lẹo mắt thường nhẹ và có thể bao gồm cảm giác hơi khó chịu hoặc mẩn đỏ dọc theo bờ mi. Mắt bị ảnh hưởng cũng có thể bị kích thích gây chảy nước mắt, sợ ánh sáng.
Khi mụn lẹo phát triển, các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Xuất hiện vết sưng đỏ giống như một mụn dọc theo mí mắt gần với bờ tự do của mi mắt
- Hình thành đốm nhỏ màu vàng ở giữa vết sưng
- Cảm giác lộm cộm ở trong mắt
- Mắt nhạy cảm với ánh sáng
- Chảy nước mắt hoặc có ghèn dọc mí mắt
- Xuất hiện nốt sần gây ra các triệu chứng tương tự, nhưng khối sần cứng và không đau.
4. Điều trị chắp và lẹo mắt
4.1. Điều trị chắp mắt
Hầu hết các chắp nhỏ đều có khả năng tự khỏi sau 2 – 8 tuần. Tuy nhiên, để giúp bệnh khỏi nhanh hơn có thể thực hiện:
- Chườm khăn ấm lên mí mắt: Nhiệt độ ấm nóng từ khăn sẽ giúp tuyến nhờn nở ra, bớt tắc nghẽn và dịch có thoát ra ngoài. Nên chườm từ 10–15 phút mỗi lần và làm 3–5 lần/ ngày. Sau khi chườm, giặt nhẹ khăn trong nước ấm rồi vắt khô, tiếp tục đắp lên mí mắt. Thường xuyên vệ sinh mí mắt, dùng khăn lau sạch mí mắt thật nhẹ nhàng.
- Không gãi, nặn hay ấn vào vùng chắp mắt
- Không gãi hay dụi mắt khi chưa rửa sạch tay.
- Không trang điểm mắt hoặc đeo kính áp tròng khi chắp chưa khỏi hẳn.
Nếu khối chắp quá lớn hoặc không tự hết sau 2–8 tuần tự chăm sóc tại nhà, thì tốt nhất nên đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt để được điều trị phù hợp. Trường hợp này, bác sĩ có thể điều trị bằng các biện pháp như:
- Rạch một đường ở mí mắt để giúp cho dịch thoát ra ngoài, thường phải được gây tê cục bộ khi thực hiện.
- Tiêm steroid để giảm sưng
Trong tất cả các trường hợp, không cần phải dùng thuốc mỡ, thuốc nhỏ mắt có kháng sinh vì tình trạng này không liên quan đến nhiễm khuẩn.
4.2. Điều trị lẹo mắt
Hầu hết các trường hợp lẹo mắt có thể được điều trị tại nhà một cách dễ dàng, thông thường là sử dụng thuốc tra mắt có chứa kháng sinh.
Các loại thuốc có thể dùng một trong các loại thuốc tra mắt sau:
- Mỡ tobramycine 0,3% hoặc dung dịch nhỏ mắt tobaramycin 0,3%
- Mỡ ofloxacine 0,3% hoặc dung dịch nhỏ mắt ofloxacine 0,3%
- Mỡ tra mắt tetracylin 1%
- Dung dịch nhỏ mắt chloramphenicol 0,4%
Ngoài ra, có thể thực hiện các biện pháp sau giúp bệnh nhanh khỏi và phòng ngừa tái phát:
- Chườm ấm: Cách điều trị hiệu quả nhất thường là chườm ấm, nhúng khăn sạch vào nước ấm và đắp lên vùng mắt bị lẹo trong tối đa 15 phút, áp dụng biện pháp này 3-5 lần mỗi ngày cho đến khi hết mụn lẹo.
- Không nặn lẹo: Nặn có thể làm vỡ túi mủ và lây lan nhiễm trùng ra xung quanh. Tốt nhất là để mụn lẹo tự thoái triển một cách tự nhiên.
- Không dùng tay day lên mắt, nếu có thì phải rửa tay thường xuyên
- Thay đổi thói quen trang điểm: Không nên trang điểm để che mụn lẹo, điều này không những làm chậm quá trình lành mà còn gây kích ứng mụn lẹo.
- Không đeo kính áp tròng khi đang bị lẹo, vì có thể làm bệnh lâu khỏi và có thể làm lây sang vị trí khác
Trường hợp khối viêm do lẹo lớn, điều trị tại nhà không khỏi hoặc lẹo hay tái phát, hay tạo thành khối áp xe ở bờ mi thì phải đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt để được chỉ định điều trị phù hợp. Trường hợp này, bác sĩ sẽ tiến hành:
- Nếu khối lẹo đang trong giai đoạn tiến triển, cần điều trị bằng thuốc kháng sinh tại chỗ và kết hợp với kháng sinh đường toàn thân (uống hoặc tiêm)
- Bác sĩ có thể cho thêm thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid giúp giẩm viêm, giảm sưng
- Trường hợp mà khối lẹo tạo thành ổ áp xe cạnh bờ mi, bác sĩ phải tiến hành chích để giải phóng ổ mủ. Chỉ có chích cho mủ thoát ra hết thì mới giúp điều trị khỏi được. Khi chích thường phải gây tê tại chỗ. Sau chích vẫn phải dùng thêm thuốc kháng sinh tại chỗ kết hợp với toàn thân.
5. Dự phòng chắp và lẹo mắt
Cách hiệu quả và đơn giản nhất để phòng ngừa lẹo và chắp xuất hiện là tập thói quen giữ vệ sinh mắt thật tốt. Các biện pháp thực hiện:
- Không nên đưa tay dụi, chà mắt vì điều này có thể gây kích ứng mắt và nhiễm khuẩn lây lan.
- Cần có các biện pháp bảo vệ mắt khỏi khói bụi và ô nhiễm môi trường bằng cách: Đeo kính bảo vệ mắt khi ra đường, vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh sạch sẽ, tránh đến những nơi ô nhiễm không khí nặng nề.
- Rửa tay thường xuyên, đúng phương pháp, nhất là trước khi chạm tay vào mắt hoặc là sau khi chăm sóc người bị mụn lẹo
- Phụ nữ hay trang điểm, cần tẩy trang vùng mắt sạch sẽ hàng ngày, khăn rửa mặt, đồ trang điểm mắt cần được dùng riêng rẽ để giữ vệ sinh.
- Rửa tay sạch sẽ trước và sau khi đeo kính áp tròng, làm sạch kính áp tròng với dung dịch khử trùng và dung dịch vệ sinh chuyên dụng.
- Khi kính áp tròng hết thời hạn sử dụng, không nên cố tiếp tục đeo vì có thể gây ra nhiều vấn đề cho mắt.
Chắp và lẹo