Tóm tắt nội dung
Chứng tạo đờm do virus là tình trạng nhiễm virus hợp bào đường hô hấp gây tăng tiết đờm ở đường hô hấp. Virus hợp bào hô hấp (RSV – respiratory syncytial virus), còn gọi là virus tạo đờm đường hô hấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây các bệnh viêm đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi… ở trẻ em dưới 2 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Nhiễm RSV đường hô hấp có thể tạo đờm nghiêm trọng ở một số trường hợp, đặc biệt là ở trẻ sinh non và trẻ sơ sinh có bệnh lý kèm theo. RSV cũng có thể trở nên nghiêm trọng ở người lớn tuổi, người bị bệnh tim mạch và bệnh phổi.
Theo Tổ chức Các bệnh phổi Thế giới, mỗi năm RSV đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 66.000 trẻ em và có khoảng 3 triệu người nhập viện vì nhiễm virus này. Khi vào cơ thể qua đường mũi, RSV sẽ gây viêm niêm mạc mũi, tiết dịch mũi đặc dính làm bít tắc đường thở dẫn đến suy hô hấp. Rồi xâm nhập vào tiểu phế quản và các phế nang làm tổn thương phế nang, ứ khí, thậm chí dẫn đến hoại tử tế bào đường hô hấp.
1. Nguyên nhân gây chứng tạo đờm do vi rút
- Tác nhân gây bệnh là virus hợp bào đường hô hấp, là một loại thường gây viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi…
- Hầu hết trẻ em dưới 2 tuổi đều bị nhiễm virus này, tuy nhiên cũng gặp ở người trưởng thành, người cao tuổi.
- Ở người lớn tuổi và trẻ em khỏe mạnh, các triệu chứng hô hấp đều nhẹ và thường giống cảm lạnh thông thường.
- Các trường hợp nặng và nguy kịch gặp ở trẻ sinh non và trẻ sơ sinh có bệnh lý kèm theo.
Virus hợp bào đường hô hấp có 2 typ là:
- Typ 1: Có thể gây các triệu chứng nặng như sốt cao, ho, khó thở… tiên lượng nặng
- Typ 2: Sốt nhẹ, thậm chí không sốt
Con đường lây truyền của RSV giống như những loại virut gây cảm cúm, bao gồm:
- Người bệnh ho và hắt hơi mà không che miệng, dẫn tới phát tán các giọt nước vào không khí, làm lây lan virut sang người khỏe mạnh.
- Người khỏe mạnh chạm hoặc bắt tay với người nhiễm khiến virut truyền từ người này sang người khác.
- Người khỏe mạnh tiếp xúc với một bề mặt hoặc vật thể có virus, sau đó đưa tay lên mũi, mắt hoặc miệng của mình.
2. Yếu tố nguy cơ gây chứng tạo đờm do virus
- Trẻ em dưới 2 tuổi tuổi là yếu tố nguy cơ cao nhất
- Trẻ em ở các trung tâm chăm sóc trẻ em, trại trẻ mồ côi, trường mầm non
- Các trẻ em có anh hoặc chị đi học cũng có nguy cơ nhiễm cao
- Những trẻ em sống trong môi trường bị ô nhiễm, như nhiều bụi, khói thuốc lá…
Những trường hợp có nguy cơ nghiêm trọng:
- Trẻ em dưới 6 tháng tuổi
- Trẻ em, đặc biệt là dưới 1 tuổi, trẻ sinh non, mắc bệnh lý kèm theo như tim bẩm sinh hoặc bệnh phổi.
- Trẻ em có hệ thống miễn dịch yếu, chẳng hạn như trải qua hóa trị hoặc cấy ghép.
- Người lớn tuổi, người lớn bị suy tim sung huyết hay bệnh phổi tắc nghẽn.
- Những người bị suy giảm miễn dịch, bao gồm cả những người có HIV/AIDS.
3. Các biến chứng có thể gặp chứng tạo đờm do vi rút
- Nhập viện: Khi bị nhiễm virus tạo đờm đường hô hấp gây bệnh nặng, có thể phải nhập viện để bác sĩ có thể theo dõi và điều trị các vấn đề về hô hấp. Hầu hết nguy cơ nhập viện là trẻ em dưới 6 tháng tuổi, trẻ sinh non, và trẻ sơ sinh có tim bẩm sinh hoặc bệnh phổi.
- Viêm phổi hay viêm tiểu phế quản: Khi virus xâm nhập từ đường hô hấp trên đến đường hô hấp dưới, có thể gây viêm phổi hoặc viêm tiểu phế quản. Biến chứng này có thể khá nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, hoặc bị suy giảm miễn dịch hoặc những người có bệnh tim, bệnh phổi mạn tính.
- Viêm tai giữa: Khi các vi sinh vật xâm nhập vào không gian phía sau màng nhĩ, có thể gây viêm tai giữa. Điều này xảy ra thường xuyên nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Hen phế quản: Có thể có mối liên hệ giữa chứng tạo đờm đường hô hấp với cơ hội phát triển bệnh hen phế quản sau này
- Viêm đường hô hấp tái phát: Khi đã bị nhiễm RSV, mặc dù đã khỏi nhưng thỉnh thoảng tái phát trong suốt cuộc đời, thường là dưới hình thức cảm lạnh thông thường. Mặc dù nhiễm trùng sau đó thường là không nặng, nhưng có thể nghiêm trọng ở người lớn tuổi hoặc những người có bệnh tim hoặc phổi mạn tính.
4. Biểu hiện triệu chứng tạo đờm do virus
Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm virus tạo đờm đường hô hấp thường xuất hiện khoảng 4 - 6 ngày sau khi nhiễm. Nói chung các triệu chứng thường nhẹ, giống như nhiễm cảm lạnh thông thường.
Các triệu chứng thường gặp:
- Sốt nhẹ, ho, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi
- Đau họng, đau đầu nhẹ
- Cảm giác khó chịu.
Hầu hết trường hợp các triệu chứng giảm giảm trong vòng 1 – 2 tuần, rồi khỏi hẳn mà không cần điều trị gì. Nhưng ở trẻ sơ sinh, trẻ sinh non hoặc người lớn có bệnh tim hoặc phổi mạn tính, virus có thể gây ra tình trạng nghiêm trọng hơn, đòi hỏi phải nhập viện, đôi khi đe dọa tính mạng.
Trong trường hợp nghiêm trọng:
Virus hợp bào đường hô hấp có thể dẫn đến bệnh đường hô hấp dưới như viêm phổi hoặc viêm tiểu phế quản. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:
- Sốt cao
- Ho khạc đờm nặng, ho liên tục
- Thở khò khè, thở rít, tiếng the thé thường nghe khi thở ra
- Thở nhanh hoặc khó thở, có thể làm cho trẻ thích ngồi lên hơn là nằm xuống
- Tím môi, tím đầu chi do thiếu oxy
- Trẻ sơ sinh là nghiêm trọng nhất, với các biểu hiện sốt cao kéo dài, ho, khó thở, thở nhanh nông, co rút lồng ngực, tím tái. Trường hợp nặng có thể suy hô hấp, rối loạn tri giác, vật vã, kích động, hôn mê…
5. Chẩn đoán chứng tạo đờm do vi rút
Biểu hiện lâm sàng chứng tạo đờm do vi rút không có gì đặc hiệu, giống với nhiều bệnh nhiễm các loại virus đường hô hấp khác như cảm cúm chẳng hạn. Nên việc chẩn đoán xác định phải dựa vào triệu chứng và các xét nghiệm cận lâm sàng.
Chẩn đoán xác định dựa vào:
- Đối tượng thường gặp: Là trẻ em dưới 2 tuổi, đặc biệt dưới 6 tháng tuổi
- Có biểu hiện sốt, sổ mũi, chảy nước mũi, ho khan hoặc khạc đờm, khó thở, thở khò khè…
- Khám phổi có thể nghe thấy tiếng ral rít, ral ngáy ở 2 trường phổi, co rút lồng ngực (do khó thở), tim tái (do suy hô hấp)
- Trẻ khó chịu, quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn, khó thở nặng gây thiếu oxy trong máu có thể kiến trẻ vật vã, kích động, thậm chí hôn mê
Các xét nghiệm cận lâm sàng giúp chẩn đoán:
- Chính xác nhất là xét nghiệm RT-PCR để tìm vật liệu di truyền của virus hợp bào đường hô hấp (RSV)
- Xét nghiệm công thức máu: Nói chung không thấy thay đổi nhiều, có thể gặp số lượng bạch cầu giảm
- Đo độ bão hòa oxy máu thấy giảm
- Chụp X quang phổi: Hầu hết trường hợp không có dấu hiệu gì, chỉ có trường hợp viêm phổi hoặc viêm phế quản thì lúc đó mới có biểu hiện trên X quang phổi
6. Điều trị chứng tạo đờm do vi rút
Dù không có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng phần lớn trường hợp bệnh tự khỏi trong vòng 1 – 2 tuần mà không cần điều trị gì. Nói chung các trường hợp điều trị chỉ cần điều trị triệu chứng.
- Điều trị triệu chứng: Điều trị các triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi…
- Chỉ điều trị bằng thuốc kháng sinh khi có bội nhiễm, như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa do nhiễm khuẩn
Trong trường hợp nhiễm trùng nặng với các biểu hiện sốt cao, kéo dài, ho nặng, khó thở, tím tái, kích thích vật vã… thì phải nhập viện để được điều trị kịp thời. Các biện pháp điều trị trong trường hợp này:
- Điều trị kháng sinh toàn thân, thường là dùng đường tiêm tĩnh mạch
- Kèm theo điều trị các triệu chứng sốt, ho, sổ mũi
- Thở oxy nếu có khó thở
- Xịt thuốc giãn phế quản, như xịt Ventolin, Seretide, Berodual…
- Khí dung kết hợp Ventolin và Pulmicort
- Trường hợp suy hô hấp phải đặt nội khí quản, thở máy
- Điều trị các bệnh lý kèm theo, như bệnh tim mạch, viêm tai giữa, viêm màng não…
7. Dự phòng chứng tạo đờm do vi rút
Không có vaccine cho virus tạo đờm đường hô hấp. Vì thế các biện pháp dự phòng tốt nhất là tránh lây nhiễm, đồng thời nâng cao thể trạng. Các biện pháp dự phòng bao gồm:
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi chạm vào em bé, và quan trọng là dạy cho con cái việc rửa tay.
- Tránh tiếp xúc với người bị bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh
- Hạn chế cho trẻ sơ sinh tiếp xúc với những người có sốt hoặc cảm lạnh. Điều này đặc biệt quan trọng ở trẻ sinh non và tất cả trẻ sơ sinh và trẻ trong những tháng đầu đời.
- Vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, như phòng ở, đồ dùng cá nhân, đồ chơi. Làm sạch bàn trong nhà bếp và phòng tắm, đặc biệt là khi ai đó trong gia đình có cảm lạnh.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân như cốc, chén, khăn mặt... nhất là trong nhà có người đang bị nhiễm bệnh
- Không hút thuốc, nhất là không cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá. Trẻ sơ sinh tiếp xúc với khói thuốc lá có nguy cơ cao nhiễm RSV và có khả năng các triệu chứng nặng hơn.
- Nếu trẻ bị sốt, kèm sổ mũi tốt nhất cho trẻ ở nhà không nên đến trường vì có thể lây bệnh cho các trẻ khác.
Chứng tạo đờm do vi-rút