Thuật ngữ cơn hen phế quản hay cơn hen phế quản cấp là thuật ngữ chỉ tình trạng đột ngột xuất hiện triệu chứng hen phế quản với các biểu hiện như khò khè, khó thở, đau hoặc nặng ngực, hay ho. Các dấu hiệu này xuất hiện đột ngột, thường xảy ra sau một tác nhân kích thích như gắng sức quá mức, tiếp xúc với các chất gây dị ứng (như thuốc, thức ăn, bụi …), thay đổi thời tiết, hay nhiễm virus hô hấp. Cơn hen phế quản thường xuất hiện ở người đã từng bị hen, nhưng cũng có khi lần đầu tiên xuất hiện báo hiệu người bắt đầu mắc bệnh hen.

Tìm hiểu về cơn hen phế quản

Còn bệnh hen phế quản là bệnh có đặc điểm là viêm mạn tính niêm mạc phế quản, làm tăng phản ứng của phế quản thường xuyên với nhiều tác nhân kích thích, dẫn đến co thắt lan tỏa cơ trơn phế quản. Sự co thắt phế quản không cố định, thường có thể hồi phục tự nhiên hoặc sau khi dùng thuốc giãn phế quản.

Những dấu hiệu báo trước một cơn khó thở do hen phế quản sắp xuất hiện là ngứa họng, ngứa mũi, hắt hơi, ho, chảy nước mắt, nước mũi… Sau những dấu hiệu đó, cơn hen phế quản xuất hiện với các triệu chứng như khò khè nặng cả khi người bệnh hít vào lẫn thở ra, ho liên tục, thở rất nhanh.

Hen phế quản gặp ở mọi lứa tuổi và ảnh hưởng đến 1 – 18% dân số tuỳ theo mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, tỉ lệ người bị hen phế quản chiếm tới 5% dân số, tương đương khoảng trên 4 triệu người. Trong đó, tỉ lệ trẻ em mắc bệnh là cao nhất và chủ yếu nằm ở nhóm 12 - 13 tuổi. Thống kê mới đây tại Hà Nội có 8,1% trẻ em nội thành và 6,7% trẻ em ngoại thành bị hen phế quản. Tại thành phố Hồ Chí Minh, con số này khá cao với tổng số 29,1% trẻ em dưới 18 tuổi bị hen phế quản.

1. Nguyên nhân hen phế quản

Nguyên nhân hen phế quản

Cơn hen phế quản là bệnh lý liên quan đến cơ chế dị ứng do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là sự kết hợp giữa yếu tố cơ địa và yếu tố môi trường. Một số nguyên nhân gây hen phế quản thường gặp là:

  • Hen phế quản do dị ứng: Các cơn hen phế quản cấp tính có thể xuất hiện khi người bệnh tiếp xúc với các dị nguyên như phấn hoa, bụi nhà, bọ nhà, lông chó mèo, thực phẩm gây dị ứng như hải sản, thịt bò.... hoặc một số thuốc như aspirin, thuốc kháng sinh. Thường xuất hiện từ nhỏ, có trường hợp khỏi khi đến tuổi trưởng thành nhưng cũng có trường hợp tồn tại suốt đời.
  • Các yếu tố kích thích: Các yếu tố môi trường như khói thuốc lá, khói bụi, ô nhiễm không khí, các hóa chất tẩy rửa, thay đổi độ ẩm không khí....
  • Hen phế quản do vận động: Hen phế quản có thể khởi phát hoặc nặng lên sau một vận động gắn sức, trường hợp này được gọi là hen phế quản do gắng sức.
  • Nguyên nhân khác dẫn đến bệnh hen phế quản: Một số nguyên nhân khác gây hen phế quản như viêm đường hô hấp do virus parainfluenza, di truyền, trào ngược dạ dày thực quản, các bệnh lý đường hô hấp, sử dụng một số thuốc như chẹn beta giao cảm.

2. Chẩn đoán cơn hen phế quản

Chẩn đoán cơn hen phế quản

Chẩn đoán xác định cơn hen phế quản dựa vào 4 yếu tố sau:

  • Tiền sử bản thân hoặc tiền sử gia đình có bệnh dị ứng như chàm, mày đay, viêm mũi dị ứng, hoặc đã được chẩn đoán mắc hen phế quản. Các biểu hiện này có khi xuất hiện từ khi còn nhỏ.
  • Đột ngột xuất hiện ho, ho khan, khò khè, khó thở, nặng ngực…. thường xuất hiện về đêm (nửa đêm về sáng), tái phát nhiều lần nhất là khi có tiếp xúc với dị nguyên hoặc khi thay đổi thời tiết (nhiều trường hợp không rõ yếu tố tiếp xúc). Khi dùng thuốc giãn phế quản thì triệu chứng giảm hoặc hết cơn.
  • Nghe phổi trong cơn khó thở có ral rít, ran ngáy.
  • Đo lưu lượng đỉnh (PEF) ở những nơi có điều kiện trang bị máy đo chức năng hô hấp: PEF tăng từ 20% trở lên so với trước khi dùng thuốc hoặc PEF thay đổi sáng - chiều từ 20% trở lên, gợi ý chẩn đoán cơn hen phế quản.

Ngoài ra điều trị thử bằng thuốc kích thích beta 2 giao cảm và corticoid dạng hít có kết quả ngay lập tức, như lâm sàng đỡ khó thở, phổi bớt hoặc hết ral, lưu lượng đỉnh (PEF) tăng lên… cũng là một chứng cớ để chẩn đoán hen.

3. Chẩn đoán phân biệt với cơn hen phế quản

Chẩn đoán phân biệt với cơn hen phế quản

Cơn hen tim:

  • Tiền sử có bệnh tim mạch như hẹp hai van hai lá, suy tim, cao huyết áp
  • Tiền sử có khó thở khi gắng sức (khác với khó thở do hen phế quản thường liên quan tới thời tiết, các yếu tố dị ứng, xuất hiện nửa đêm về sáng)
  • Nghe phổi có ral ẩm, thêm vào ran rít ran ngáy, đo huyết áp thường cao nhiều.
  • Nếu chưa phân biệt được chắc chắn, khi xử trí nên dùng thuốc kích thích beta đường xịt hoặc khí dung, tránh dùng đường uống.

Tràn khí màng phổi: Không có tiền sử khó thở, nghe phổi không có ran rít ran ngáy, có hội chứng tràn khí ở một bên phổi.

Đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Tiền sử khó thở liên tục chứ không thành cơn, khó thở thường không bắt đầu từ nhỏ, thường gặp nam giới nghiện thuốc lá nặng.

Viêm tiểu phế quản cấp: Thường kèm theo sốt, ho khạc đờm (hen phế quản ho thường là ho khan).

Dị vật đường hô hấp: Ho sặc sụa, tím tái, khó thở dữ dội.

4. Xử trí cơn hen phế quản cấp tính

Nhằm hạn chế tối đa việc xuất hiện những cơn khó thở cấp tính, người đã được chẩn đoán là mắc hen phế quản cần phải tuân thủ đúng theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ và tránh các yếu tố nguy cơ. Đồng thời, luôn luôn mang theo bên mình thuốc điều trị cắt cơn hen cấp để có thể sử dụng bất cứ lúc nào.

Nếu chẳng may xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên của cơn hen, đầu tiên cần phải nhanh chóng tránh xa (nếu được) những yếu tố làm cơn hen xuất hiện như phấn hoa, phấn bướm, lông gia súc, khói thuốc lá, mùi hoá chất, thuốc điều trị, thức ăn… và tìm ngay một vị trí thoáng mát để nghỉ ngơi, sau đó sử dụng thuốc để cắt cơn khó thở cấp.

Các loại thuốc thường được bác sĩ kê cho dùng để cắt cơn khó thở là những thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh như Ventolin xịt, Berodual xịt, Seretide, Flixotide…

Dùng thuốc xịt nếu cơn hen phế quản nhẹ

Nếu cơn hen phế quản nhẹ:

  • Xịt hít 2 nhát/lần
  • 0 phút sau, nếu vẫn không giảm thì tiếp tục xịt hít thêm 2 nhát
  • 20 phút nữa, nếu vẫn không giảm thì tiếp tục xịt hít thêm 2 nhát nữa và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

Nếu là cơn hen phế quản nặng (lúc ngồi nghỉ cũng khó thở, nói không hết được nguyên câu, thở dốc): Xịt hít thuốc cắt cơn và đưa vào bệnh viện gần nhất

Nếu là cơn hen phế quản đe doạ tính mạng (tím tái, lú lẫn, vã mồ hôi, không thể nói chuyện được): gọi ngay xe cấp cứu, trong thời gian chờ đợi xe thì phải xịt ngay 2 nhát thuốc cắt cơn.

Lưu ý:

  • Người thân và người bệnh đã được chẩn đoán là mắc hen phế quản luôn luôn phải có kế hoạch dự phòng và điều trị kịp thời mọi lúc, mọi nơi cơn hen cấp tính theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Bởi vì con hen cấp tính có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, khi xuất hiện có thể đe dọa tính mạng.
  • Cần tránh các yếu tố có thể kích hoạt cơn hen cấp tính, như phấn hoa, phấn bướm, lông gia súc, khói thuốc lá, mùi hoá chất, thuốc điều trị, thức ăn…
  • Luôn chú ý đến các dấu hiệu có thể xuất hiện cơn khó thở cấp tính và phải luôn mang bên mình thuốc cắt cơn hen, cụ thể là các loại thuốc xịt có tác dụng giãn phế quản.

Cơn hen phế quản