Tóm tắt nội dung
Đây là một nhóm bệnh do nhiều nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh gây ra nhưng trong giai đoạn toàn phát có 3 dấu hiệu đặc trưng cho mọi hình thái đó là:
- Nhãn áp tăng cao từ 25mmHg trở lên
- Thị trường thu hẹp
- Soi đáy mắt có dấu hiệu lõm teo đĩa thị
Cườm nước thường xảy ra khi chất lỏng trong mắt không thể thoát ra ngoài, làm tăng áp lực bên trong mắt và gây áp lực lên dây thần kinh thị giác. Bệnh khá phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là từ 70 – 80 tuổi.
Các dây thần kinh thị giác là một bó với hơn 1 triệu sợi thần kinh có nhiệm vụ kết nối thông tin giữa võng mạc với vỏ não. Tăng nhãn áp có thể gây tổn thương dây thần kinh thị giác, dẫn đến mất thị lực và mù lòa. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng có thể ngăn chặn được sự tiến triển của bệnh, giảm được nguy cơ mù lòa.
1. Nguyên nhân gây bệnh cườm nước
Bệnh cườm nước không có nguyên nhân rõ ràng nhưng có liên quan đến sự tăng áp lực trong mắt và tình trạng giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng dây thần kinh thị giác.
Thủy dịch liên tục được bài tiết bởi các tua thể mi, là các tế bào biểu mô không sắc tố, rồi lưu thông từ hậu phòng ra tiền phòng qua lỗ đồng tử. Sau đó thoát ra khỏi nhãn cầu qua vùng bè giác mạc và màng bồ đào củng mạc. Vì lý do nào đó, quá trình lưu thông thủy dịch bị tắc nghẽn, sẽ gây ra tình trạng tăng nhãn áp. Điều này có thể do bẩm sinh hoặc do tổn thương bên trong mắt. Tăng áp suất thủy dịch có thể dẫn tới bệnh cườm nước, tuy nhiên không phải ai cũng bị bệnh khi mắc chứng tăng áp suất thủy dịch. Một số nguyên nhân khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cườm nước bao gồm:
- Tuổi tác: Khoảng 10 người trên 75 tuổi có 1 người bị mắc bệnh
- Chủng tộc: Những người có nguồn gốc châu Phi, Caribbean hoặc châu Á có nguy cơ cao bị bệnh cườm nước hơn những người ở nơi khác.
- Di truyền
Một số nguyên nhân thứ phát như:
- Điều trị bằng các chế phẩm có corticoid tại mắt và toàn thân trong thời gian dài.
- Người bị tiểu đường không được theo dõi và kiểm soát chặt chẽ đường máu.
- Bị cao huyết áp có biến chứng tại mắt nhưng không được điều trị đúng, kịp thời.
- Viêm màng bồ đào, chấn thương, bị bỏng mắt, không được điều trị kịp thời.
- Người bị bệnh đục thể thuỷ tinh ở giai đoạn cuối gây biến chứng tăng nhãn áp.
2. Các loại bệnh cườm nước
Có hai loại bệnh cườm nước đó là loại góc đóng và góc mở (thường gọi là Glocom góc đóng và Glocom góc mở). Hai loại này có mức độ nguy hiểm khác nhau, cách thức điều trị cũng khác nhau.
- Glocom góc mở: Trường hợp này tình trạng tắc nghẽn không hoàn toàn ở góc thoát thủy dịch của mắt, làm tăng áp suất trong mắt. Điều này lâu ngày sẽ khiến các dây thần kinh thị giác bị tổn thương. Bệnh diễn biến từ từ, không đau nhức gì cả nên rất khó nhận biết.
- Glocom góc đóng: Còn gọi là tăng nhãn áp góc đóng hay dân gian gọi là thiên đầu thống, xảy ra khi góc thoát thuỷ dịch của mắt bị đóng hoàn toàn. Điều này khiến cho mắt bị gia tăng áp suất đột ngột, rất nguy hiểm, có thể gây mù vĩnh viễn. Người bị Glocom góc đóng thường đau mắt, đau đầu, xuất hiện quầng sáng xung quanh khi nhìn vào bóng đèn, buồn nôn… Khi gặp phải các triệu chứng này phải đi khám ngay.
3. Triệu chứng bệnh cườm nước
Ở giai đoạn đầu, bệnh tăng nhãn áp không có triệu chứng, không gây đau, tầm nhìn vẫn bình thường. Tăng nhãn áp có thể phát triển ở một hoặc cả hai mắt.
Nếu không được điều trị, người bị tăng nhãn áp sẽ dần dần mất đi tầm nhìn ngoại vi, giống như đang nhìn qua một đường hầm. Theo thời gian, tầm nhìn thẳng về phía trước có thể giảm dần cho đến khi không còn tầm nhìn.
Các triệu chứng thông thường có thể gặp:
- Đau nhức mắt tăng dần
- Nhức xung quanh hố mắt
- Đau nhức lan lên nửa đầu cùng bên
- Nhìn mờ tăng dần
- Nhìn mờ ở 1 phía của thị trường
- Nhìn đèn có quầng xanh đỏ
- Đôi khi thấy sợ ánh sáng, chảy nước mắt nhưng không có rử mắt
- Tuy nhiên, một số trường hợp tăng nhãn áp góc đóng (dân gian gọi là bệnh thiên đầu thống), có thể biểu hiện đột ngột với các triệu chứng như đau mắt dữ dội, đau đầu, xuất hiện quầng sáng xung quanh khi nhìn vào bóng đèn, buồn nôn…
Thăm khám tại mắt có thể thấy:
- Mi mắt sưng nề
- Mắt đỏ theo kiểu cương tụ rìa
- Giác mạc phù nề mờ đục có bọng biểu mô
- Tiền phòng nông, đồng tử giãn méo mó mất phản xạ với ánh sáng
- Thủy tinh thể phù nề, đục hay màu xanh lơ có thể có các vết rạn bao trước
- Dịch kính phù nề
- Đáy mắt trong giai đoạn cấp khó soi được do phù nề các môi
4. Chẩn đoán bệnh cườm nước
Triệu chứng cườm nước nói chung không có gì đặc hiệu, nên để chẩn đoán phải căn cứ vào các thăm khám tại mắt.
Kiểm tra thị lực: Thử nghiệm biểu đồ mắt giúp đo lường mức độ bạn nhìn thấy ở những khoảng cách khác nhau.
Kiểm tra khả năng nhìn ngoại vi: Kiểm tra tầm nhìn ngoại vi giúp bác sĩ phát hiện triệu chứng mất tầm nhìn ngoại vi, một dấu hiệu quan trọng của bệnh tăng nhãn áp.
Soi đáy mắt: Trường hợp soi được đáy mắt có thể thấy gai thị hồng, xuất huyết quanh gai
Đo nhãn áp:
- Chẩn đoán chính xác nhất bệnh tăng nhãn áp
- Có 2 phương pháp đo là đo nhãn áp tiếp xúc và không tiếp xúc
- Nhãn áp 2 mắt ở cùng một thời điểm chênh lệch không quá 5mmHg, nhãn áp 1 mắt trong 24h chênh lệch không quá 5mmHg
- Khi nhãn áp tăng trên 25mmHg thì được coi là tăng nhãn áp
5. Điều trị bênh cườm nước
Điều trị sớm có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh, đó là lý do tại sao chẩn đoán bệnh sớm rất quan trọng. Các biện pháp điều trị tăng nhãn áp bao gồm thuốc, phẫu thuật tạo hình bằng tia laser, phẫu thuật thông thường.
Điều trị bằng thuốc:
Nói chung bệnh cườm nước (Glocom) điều trị phẫu thuật được chỉ định cho mọi trường hợp. Tuy nhiên, Glocom góc mở ở giai đoạn sớm có thể điều trị bằng thuốc (điều trị nội khoa). Ngoài ra, điều trị bằng thuốc còn được chỉ định trong trường hợp cấp cứu hay đang trong gian chờ phẫu thuật.
Các loại thuốc, dưới dạng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc uống, có tác dụng làm giảm áp lực cho mắt bằng cách giúp chất lỏng thoát ra từ mắt.
Phẫu thuật bằng Laser: Bác sĩ sẽ dùng laser argon để tạo hình vùng bè, quá trình lành vết thương sẽ co kéo lớp sợi collagen vùng bè làm tăng thoát lưu thủy dịch.
Phẫu thuật thông thường: Tạo cho một lỗ hở cho chất dịch ra khỏi mắt, phương pháp này bác sĩ sử dụng các công cụ phẫu thuật để tạo ra một lỗ nhỏ dưới kết mạc (lớp xung quanh mắt). Các chất lỏng tích tụ có thể chảy qua lỗ, sau đó hấp thụ vào máu.
6. Phòng ngừa bệnh cườm nước
Hiện không có phương pháp nào phòng ngừa bệnh tăng nhãn áp. Tuy nhiên nếu được phát hiện và điều trị sớm có thể làm chậm và ngăn chặn tổn thương thần kinh thị giác.
- Tăng nhãn áp góc mở không thể phòng ngừa, nhưng nếu được chẩn đoán và sớm điều trị có thể ngăn ngừa suy giảm thị lực.
- Tăng nhãn áp góc đóng, có khả năng phòng ngừa, thủ thuật cắt mống mắt được thực hiện trong giai đoạn đầu của bệnh (khi mắt có góc đóng, nhưng vẫn chưa phát triển thành bệnh tăng nhãn áp) sẽ giúp ngăn ngừa mù lòa.
- Thường xuyên đi khám mắt 1 đến 2 lần trong một năm để phát hiện những dấu hiệu bệnh tăng nhãn áp được coi là biện pháp phòng bệnh tốt nhất.
Cườm nước