Cảm giác đau nhức có thể âm ỉ, dai dẳng hoặc đau buốt thành từng cơn. Đôi khi, đó chỉ là cảm giác mệt mỏi, uể oải, nặng nề khắp người. Ngoài ra, các triệu chứng đau nhức còn kèm theo mất ngủ, ngủ không sâu giấc, đau đầu, chán ăn, đau ngực, khó thở, khó nuốt.…

1. Nguyên nhân gây đau nhức toàn thân

Nguyên nhân gây đau nhức toàn thân

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đau mỏi khắp người. Các nguyên nhân thông thường có thể dẫn đến hiện tượng đau mỏi toàn thân như:

  • Vận động, chơi thể thao quá mức
  • Do tư thế nằm hay ngồi không đúng
  • Ít vận động hay do thời tiết thay đổi (lạnh sâu hay đi mưa bị ướt),
  • Thiếu canxi, magie
  • Nhiễm khuẩn, nhiễm virus…
  • Các bệnh lý toàn thân như thoái hóa khớp, rối loạn hệ thần kinh – nội tiết, viêm gan, bệnh tuyến giáp, suy thận, bệnh di truyền… cũng là nguyên nhân gây đau nhức toàn thân.

2. Triệu chứng của đau nhức toàn thân

Triệu chứng của đau nhức toàn thân

Toàn thân đau nhức phần lớn trường hợp người bệnh mô tả khá rõ về tình trạng đau nhức. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Đau nhức: Cảm thấy đau khắp người từ tay, chân, thân người, xương khớp, bắp thịt… Khi ấn vào các vị trí cổ, vai, gáy, sườn, hông, đùi hoặc khắp cơ thể thì thấy đau, khó chịu. Đau tăng lên vào lúc trái gió trở trời, thời tiết thay đổi, hoạt động nhiều hơn bình thường, khi tinh thần không ổn định, stress…
  • Người mệt mỏi: Đau nhức khiến người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống, không muốn làm việc, chỉ muốn nằm. Thỉnh thoảng sợ gió, sợ lạnh (dù trời nóng nhưng khi quạt thổi vào lại nổi da gà…)
  • Khó ngủ: Giấc ngủ thường xuyên bị xáo trộn, ngủ không ngon giấc, hay bị thức giấc giữa chừng, sáng ngủ dậy có cảm giác uể oải.
  • Triệu chứng thần kinh: Người bệnh hay bị nhức đầu hoặc đau nửa đầu, tê bì toàn thân. Một khảo sát cho thấy hơn 84% những người mắc bệnh đau mỏi toàn thân đều thấy thấy tê bì.
  • Các biểu hiện khác như: Hoa mắt, chóng mặt, dễ nhạy cảm, lo âu, hay quên trước quên sau, đau ngực, khó thở, đầy bụng, đau bụng, tiêu chảy, táo bón, đau bụng dưới.

3. Chẩn đoán đau nhức toàn thân

Chẩn đoán đau nhức toàn thân

Chẩn đoán đau nhức toàn thân khá đơn giản, nhiều khi chỉ cần người bệnh tự mô tả. Đôi khi bác sĩ chỉ định thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng với mục đích là chẩn đoán nguyên nhân gây đau.

Chẩn đoán đau mỏi toàn nhân dựa vào:

  • Lâm sàng: Bao gồm các triệu chứng đau nhức toàn thân, người mệt mỏi, đau đầu, tê bì, khó ngủ, lo âu, hoa mắt, chóng mặt….
  • Xét nghiệm công thức máu: Giúp phát hiện các trường hợp nhiễm khuẩn, hay nhiễm virus
  • Tốc độ máu lắng: Tăng trong một số trường hợp nhiễm khuẩn, bệnh tự miễn dịch
  • Xét nghiệm các yếu tố miễn dịch như kháng nguyên bạch cầu người (HLA-B27), kháng thể kháng nhân (ANA), yếu tố dạng thấp (RF)… chẩn đoán các bệnh liên quan đến tự miễn dịch
  • Xét nghiệm: chức năng gan, thận, hormon tuyến giáp…

4. Điều trị đau nhức toàn thân

Điều trị toàn thân đau nhức chủ yếu là điều trị triệu chứng, điều trị nguyên nhân, cải thiện sức khỏe và vật lý trị liệu phục hồi chức năng.

Điều trị đau nhức toàn thân

Điều trị cụ thể:

Dùng thuốc giảm đau: Là thuốc điều trị cơ bản, giúp giảm đau, cải thiện chất lượng cuộc sống, người bệnh nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường.

  • Trường hợp đau nhẹ, chỉ cần cần dùng nhóm thuốc giảm đau thông thường thuộc nhóm paracetamol.
  • Trường hợp đau nhiều phải sử dụng thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs) như diclofenac, ibuprofen, myloxicam, cerecoxib, etoricoxib… Các thuốc này có tác dụng giảm đau mạnh nhưng có thể gây tác dụng phụ là viêm loét dạ dày tá tràng, thậm chí xuất huyết tiêu hóa nên phải hết sức thận trọng, chỉ sử dụng khi đau và ngừng khi hết đau.

Thuốc giãn cơ: Có tác dụng giảm đau rất tốt trong một số trường hợp đau kèm theo co cứng cơ như đau do chuột rút, thoái hóa hớp, hay đau do thời tiết lạnh…

Thuốc chống trầm cảm: Có thể giúp giảm đau và mệt mỏi liên quan đến đau toàn thân

Thuốc an thần: Giúp dễ ngủ, qua đó giảm mệt mỏi, cũng giúp giảm đau tốt

Thuốc chống động kinh: Điều trị chứng động kinh và cũng có tác dụng tốt để giảm đau trong các bệnh động kinh hay co giật.

Điều trị nguyên nhân: Điều trị các bệnh gây ra toàn thân đau nhức như điều trị nhiễm khuẩn, điều trị thoái hóa khớp, bệnh lý gan, thận, tuyến giáp…

Bên cạnh dùng thuốc, các biện pháp tập luyện, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cũng có tác dụng tốt giúp giảm đau, duy trì kết quả điều trị và dự phòng tái phát. Nhiều biện pháp khác nhau có thể giúp giảm đau mỏi toàn thân như:

  • Vật lý trị liệu: Các bài trị liệu vật lý giúp người bệnh cải thiện sức mạnh, tính linh hoạt và sức chịu đựng.
  • Liệu pháp nghề nghiệp: Thay đổi tư thế làm việc, hạn chế tư thế xấu trong lao động, sử dụng các tiện nghi trong lao động, giảm căng thẳng trong công việc và cuộc sống.
  • Châm cứu, xoa bóp, massage, xông hơi, chườm nóng… cũng là một phương pháp điều trị khá phổ biến hiện nay, giúp tăng lưu thông máu, cải thiện dẫn truyền xung động thần kinh, giúp giảm các chứng đau nhức trên cơ thể.
  • Vận động thể dục thể thao cũng rất tốt với sức khỏe, giúp tăng cường sức khỏe thể lực, tăng lưu thông máu, kích thích tiêu hóa. Vận động phù hợp giúp giảm đau rất tốt trong một số trường hợp liên quan đến co cơ, cứng khớp…

5. Dự phòng đau nhức toàn thân

Dự phòng đau nhức toàn thân

Không có biện pháp tối ưu để dự phòng đau nhức toàn thân. Các biện pháp dự phòng tập trung vào làm giảm các yếu tố nguy cơ gây đau nhức như:

  • Hạn chế các nguy cơ nhiễm khuẩn: Nâng cao thể trạng, tăng cường chế độ ăn giầu dinh dưỡng, giữ ấm về mùa đông…
  • Chế độ làm việc và sinh hoạt hợp lý, tránh các tư thế xâu trong công việc
  • Tăng cường vận động thể dục thể thao, luyện tập các môn phù hợp với sở thích, không có chống chỉ định. Luyện tập đều đặn hàng ngày, mỗi ngày tập ít nhất 60 phút, ít nhất 5 ngày mỗi tuần.
  • Người bệnh cần giữ tinh thần luôn lạc quan, vui vẻ, tránh stress, tránh áp lực trong công việc và cuộc sống.
  • Hạn chế sử dụng những chất kích thích như rượu, bia, chất kích thích, bỏ hút thuốc (nếu có).

Đau nhức toàn thân