1. Dị ứng thực phẩm là gì?

Dị ứng thực phẩm là gì?

Dị ứng thực phẩm hay còn gọi là dị ứng thức ăn là bệnh cảnh dị ứng xảy ra khi ăn một loại thực phẩm nào đó. Loại thực phẩm đó là kháng nguyên lạ của cơ thể, chính là dị nguyên. Thường thì một người bị dị ứng với một loại thực phẩm nhất định, nhưng cũng có người dị ứng với nhiều loại thực phẩm hay một nhóm thực phẩm.

Dị ứng thực phẩm nói chung thường là nhẹ, chỉ cần điều trị bằng thuốc uống thông thường là khỏi. Nhưng có một số ít trường hợp, dị ứng thực phẩm có thể gây ra triệu chứng nặng, rầm rộ, nhanh chóng dẫn đến phù niêm mạc, khó thở, suy hô hấp, trụy tim mạch. Thậm chí có người còn bị sốc phản vệ do thức ăn.

Dị ứng thực phẩm khá thường gặp, có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Ở trẻ em dưới 3 tuổi tỷ lệ dị ứng thức ăn khoảng 6 – 8%, trong khi tỷ lệ này ở người lớn là khoảng 3%. Bệnh rất dễ bị nhầm với hiện tượng không dung nạp thức ăn, vì thế cẩn phải được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

2. Nguyên nhân gây dị ứng thức ăn

Nguyên nhân gây dị ứng thức ăn

Dị ứng thực phẩm có nguyên nhân do hệ miễn dịch nhận diện nhầm một số loại thực phẩm cụ thể hoặc các chất có trong thực phẩm như là tác nhân gây hại. Khi đó, hệ thống miễn dịch sinh ra các kháng thể gọi là immunoglobulin E (IgE) để trung hòa các tác chất gây dị ứng.

Trong những lần sau đó, khi ăn phải đúng loại thực phẩm đó, dù là rất nhỏ thì các kháng thể IgE sẽ cảm nhận diện và kích thích hệ miễn dịch sản xuất ra các chất trung gian hóa học của phản ứng viêm, như histamin và các hóa chất khác. Các hóa chất này sẽ gây ra một loại các triệu chứng dị ứng, như phát ban, mẩn ngứa, chảy nước mũi, sưng môi, khó thở...

Một số yếu tố được xem là làm tăng nguy cơ dị ứng thực phẩm như:

  • Tuổi tác: Đối tượng có nguy cơ bị dị ứng thức ăn cao là trẻ em, nhất là trẻ dưới 3 tuổi, vì trẻ em có sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Trẻ thường bị dị ứng tôm cua, sữa bò, trứng, đậu phộng, hạt cây, lúa mì…
  • Di truyền: Bố mẹ đồng thời bị dị ứng thức ăn thì con cái của họ có nguy bị bệnh này rất cao.
  • Môi trường: Ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, khu vực sống có nhiều bệnh truyền nhiễm lưu hành... cũng là tác nhân gây ra di ứng thực phẩm.
  • Ngoài ra, thói quen ăn uống thiếu khoa học, sinh hoạt không điều độ cũng là nguyên nhân gây dị ứng thức ăn cho nhiều người.

3. Triệu chứng của dị ứng thực phẩm

Triệu chứng của dị ứng thực phẩm

Dị ứng thực phẩm, các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng vài phút đến 2 giờ sau khi ăn các thực phẩm gây dị ứng. Gây khó chịu hoặc có thể gây nguy hiểm, đe dọa tính mạng. Các triệu chứng dị ứng thực phẩm phổ biến nhất bao gồm:

  • Ngứa trong miệng hoặc phát ban trên da, mày đay, chàm bội nhiễm
  • Sưng môi, mặt, lưỡi và cổ họng hoặc các bộ phận khác của cơ thể
  • Thở khò khè, nghẹt mũi, khó thở
  • Đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa
  • Chóng mặt, choáng váng

Một số ít người có thể bị sốc phản vệ do thực phẩm, với các triệu chứng như:

  • Mày đay, phù, mạch nhanh
  • Khó thở, tức ngực, thở rít
  • Đau bụng hoặc nôn
  • Mạch nhanh nhỏ, khó bắt, tụt huyết áp
  • Rối loạn ý thức như ngủ gà, lơ mơ, li bì, hôn mê.

4. Chẩn đoán dị ứng thực phẩm

Chẩn đoán dị ứng thực phẩm

Nói chung chẩn đoán dị ứng thực phẩm nhiều trường hợp khá dễ, chỉ cần hỏi và thăm khám lâm sàng là chẩn đoán được, nhiều trường hợp người bệnh tự mô tả rằng mình bị dị ứng thực phẩm.

  • Hoàn cảnh xuất hiện: Thường xuất hiện sau khi ăn thức ăn lạ khoảng vài phút đến vài giờ.
  • Hỏi bệnh: Bác sĩ thường hỏi hoàn cảnh xuất hiện triệu chứng, thời điểm cũng như các biểu hiện triệu chứng
  • Thăm khám lâm sàng: Thường bác sĩ khám và quan sát da tại vị trí xuất hiện mẩn ngứa, phát ban, khám mắt, miệng, hô hấp, tim mạch…
  • Trường hợp nghi ngờ bác sĩ có thể chỉ định thêm xét nghiệm như: Xét nghiệm máu: xét nghiệm IgE, thường được gọi là xét nghiệm hấp thụ dị ứng phóng xạ (RAST) hoặc xét nghiệm ImmunoCAP, đo lượng kháng thể gây dị ứng trong máu (kháng thể immunoglobulin E).

Tuy nhiên, lưu ý rằng các xét nghiệm dị ứng này có thể dương tính giả hoặc âm tính giả.

5. Điều trị dị ứng thực phẩm

Điều trị dị ứng thực phẩm

Các loại thuốc dùng để điều trị khi bị dị ứng thực phẩm:

Thuốc kháng histamin như chlopheniramin, terfenadin, loratadin, fexofenadin, desloratadin… có dạng viên uống dùng cho người lớn và dạng siro dùng cho trẻ em. Các loại thuốc này có tác dụng giảm nhanh các triệu chứng dị ứng. Tác dụng phụ của thuốc bao gồm: Một số thuốc có thể gây buồn ngủ, gây hiện tượng xoắn đỉnh, nên không dùng khi đang vận hành máy mọc hay đang lái xe, tốt nhất là nên dùng vào buổi tối.

Trường hợp dị ứng thực phẩm gây khó thở, thở rít thì phải sử dụng thuốc có tác dụng giãn phế quản như:

  • Thuốc giãn phế quản: Salmeterol, salbutamol dạng hít làm giảm tình trạng có thắt phế quản, giúp bệnh nhân dễ thở
  • Thuốc corticoid: Dạng hít như beclomethazon, fluticazon và dạng xịt như mometason, budesonide… có tác dụng kháng viêm, giảm phù nề, giảm các cơn co thắt ở phế quản.

Thuốc Epiephrin có vai trò chống suy tim mạch cấp, nâng cao huyết áp đối với trường hợp bị suy hô hấp, hạ huyết áp.

Trường hợp sốc phản vệ do thực phẩm cần cấp cứu ban đầu, rồi nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế nếu tình trạng nặng.

6. Dự phòng dị ứng thực phẩm

Có thể thực hiện các biện pháp sau đây để dự phòng dị ứng thực phẩm:

  • Không sử dụng thực phẩm có chứa thành phần biết chắc là đã gây dị ứng
  • Đọc nhãn thực phẩm cẩn thận để biết chắc không có thành phần dị ứng trong đó
  • Hạn chế ăn các thực phẩm có nguy có nguy cơ cao gây dị ứng tôm, cua, mực, ghẹ, hải sản nói chung…
  • Nếu có bất kỳ nghi ngờ loại thực phẩm có thể chứa tác nhân gây dị ứng, luôn nói không với thực phẩm đó để phòng tránh các hậu quả nguy hiểm do dị ứng gây ra.
  • Người trông nom, chăm sóc trẻ như cô giáo, người giúp việc, bảo mẫu… tranhs sử dụng thực phẩm đã biết là gây dị ứng cho trẻ ăn, rửa tay sạch, làm sạch các khu vực cơ thể đã tiếp xúc với thực phẩm gây dị ứng.
  • Cần nấu chín rau quả trước khi ăn, trái cây và rau nấu chín thường không gây ra triệu chứng phản ứng chéo dị ứng.

Dị ứng thực phẩm