Dị ứng thuốc là gì?

Dị ứng thuốc là phản ứng quá mức của hệ miễn dịch khi cơ thể sử dụng hay tiếp xúc với một loại thuốc nào đó. Tất cả các thuốc, từ thuốc dùng đường uống, bôi ngoài da, thuốc tiêm, thuốc có nguồn gốc thảo dược, thậm chí ngay cả thuốc chống dị ứng cũng đều có thể dẫn đến dị ứng. Trong đó, dị ứng thuốc kháng sinh penicillin được coi là tình trạng phổ biến nhất.

Cần phân biệt dị ứng thuốc với các tác dụng có hại khác của thuốc như tác dụng phụ của thuốc, không dung nạp thuốc, độc tính của thuốc và tác dụng thứ phát của thuốc.

Dị ứng thuốc không phụ thuộc vào liều lượng thuốc và có tính mẫn cảm chéo. Có nghĩa là nếu dùng lại thuốc đó hoặc thuốc cùng họ với nó thì phản ứng dị ứng sẽ xảy ra nặng hơn và có thể tử vong.

Biểu hiện dị ứng thuốc rất đa dạng, từ các biểu hiện nhẹ như nổi mề đay, phát ban, sốt đến các biểu hiện nặng như phù mạch, phù niêm mạc, khó thở, trụy tim mạch, tụt huyết áp. Biểu hiện nặng nhất là sốc phản vệ, có thể dẫn đến tử vong.

1. Nguyên nhân gây dị ứng thuốc

Nguyên nhân gây dị ứng thuốc

Dị ứng thuốc xảy ra khi hệ miễn dịch mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào trong thuốc. Một số loại thuốc có nguy cơ cao gây dị ứng:

  • Thuốc kháng sinh, nhất là nhóm penicillin
  • Aspirin và các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)
  • Thuốc hóa trị trong điều trị ung thư
  • Các vitamin dạng tiêm
  • Thuốc gây tê tại chỗ, gây ngủ, giãn cơ
  • Một số vaccine và huyết thanh
  • Thuốc nội tiết như insulin
  • Thuốc điều trị các bệnh tự miễn, ví dụ như viêm khớp dạng thấp
  • Thuốc điều trị HIV/AIDS
  • Hoa cúc dại, một loại thảo dược dùng để điều trị cảm lạnh thông thường
  • Thuốc cản quang được sử dụng trong chụp X quang, chụp CT có cản quang
  • Thuốc giảm đau gây nghiện

2. Những yếu tố nguy cơ dị ứng thuốc

Những yếu tố nguy cơ dị ứng thuốc

Dị ứng thuốc có thể xảy ra với bất cứ ai, ở bất kỳ lứa tuổi nào. Điều đáng buồn là hiện này không có cách nào để kiểm tra xem một ai đó có bị dị ứng với một loại thuốc nào đó hay không.

Trong hầu hết các trường hợp, chỉ biết dị ứng với một loại thuốc nào đó khi sử dụng nó và xuất hiện các triệu chứng dị ứng.

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị dị ứng thuốc:

  • Đã từng bị dị ứng, chẳng hạn như dị ứng thức ăn
  • Đã từng dị ứng với thuốc trước đây
  • Gia đình có người bị dị ứng thuốc
  • Uống thuốc với liều lượng cao, uống lại nhiều lần hoặc uống kéo dài
  • Nhiễm HIV hoặc nhiễm virus Epstein-Barr

3. Triệu chứng dị ứng thuốc

Các triệu chứng của dị ứng thuốc thường xảy ra trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi dùng thuốc. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:

Mày đay

  •  Là biểu hiện hay gặp và sớm nhất của dị ứng thuốc, xuất hiện và biến mất nhanh.
  • Tổn thương cơ bản là sẩn phù và rất ngứa.
  • Sẩn phù với 3 đặc điểm: Sưng nề lan tỏa với nhiều hình dạng và kích thước khác nhau, ngứa đôi khi có cảm giác nóng rát, thường biến mất sau 24 giờ.
Triệu chứng dị ứng thuốc

Phù Quincke

  • Xuất hiện chậm hơn mày đay, thường sau khi dùng thuốc vài phút đến vài giờ
  • Thường xuất hiện phù ở các vùng da như môi, cổ, quanh hốc mắt, bộ phận sinh dục, thanh quản, ruột…
  • Phù Quincke thường không sốt, không ngứa, màu da ít thay đổi
  • Cảm giác căng đau, ngứa nhẹ, hoặc tê bì do thần kinh cảm giác bị chèn ép

Viêm da do tiếp xúc

  • Xảy ra ít giờ sau khi tiếp xúc với thuốc
  • Biểu hiện ngứa dữ dội, nổi ban đỏ, mụn nước, phù nề các vùng da tiếp xúc với thuốc

Đỏ da toàn thân

  • Xuất hiện đỏ da diện rộng hoặc toàn thân trông như hình ảnh tôm luộc
  • Sau giai đoạn da đỏ là giai đoạn bong vảy trắng

Hồng ban

  • Xuất hiện vài giờ hoặc vài ngày sau khi dùng thuốc
  • Kèm sốt cao, đau mỏi toàn thân
  • Trên da xuất hiện nhiều nốt đỏ, sau chuyển sẫm màu

Hội chứng Stevens – Johnson

Đặc trưng của hội chứng này là:

  • Loét các hốc tự nhiên (hay gặp ở mắt và miệng)
  • Có nhiều dạng tổn thương da: Bọng nước, diện tích da tổn thương dưới 10% diện tích da của cơ thể, có thể kèm theo tổn thương gan, thận. Trường hợp nặng có thể gây tử vong.

Sốc phản vệ do thuốc

Sốc phản vệ do thuốc

Đây là tình trạng dị ứng thuốc nặng nhất, nguy cơ tử vong cao. Sau khi dùng thuốc vài giây đến vài giờ xuất hiện các triệu chứng:

  • Mày đay, phù, mạch nhanh
  • Khó thở, tức ngực, thở rít
  • Đau bụng hoặc nôn
  • Mạch nhanh nhỏ, khó bắt, tụt huyết áp
  • Rối loạn ý thức như ngủ gà, lơ mơ, li bì, hôn mê.

Một số biểu hiện dị ứng thuốc còn tiếp tục kéo dài ngay cả khi đã dừng thuốc từ lâu, chẳng hạn như:

  • Sốt, đau khớp, phát ban, phù và buồn nôn
  • Thiếu máu: Giảm các tế bào hồng cầu, gây mệt mỏi, rối loạn nhịp tim, khó thở, hoa mắt, chóng mặt, da niêm mạc nhợt
  • Số lượng bạch cầu tăng cao, phù khắp người, sưng hạch bạch huyết và tái phát bệnh viêm gan.
  • Viêm thận: Có thể gây sốt, tiểu ra máu, phù toàn thân.

4. Điều trị dị ứng thuốc

 Điều trị dị ứng thuốc

Ngay khi thấy các triệu chứng xảy ra sau khi sử dụng thuốc, cần thực hiện:

  • Ngừng ngay thuốc đang tiêm, uống, bôi, hoặc nhỏ mắt, nhỏ mũi, xịt họng, xịt mũi…
  • Nếu dị ứng nhẹ: Dùng thuốc kháng histamine để điều trị
  • Nếu dị ứng vừa: Dùng thuốc kháng histamin, kết hợp với corticosteroid
  • Trường hợp nặng như khó thở, rối loạn tiêu hóa, tức ngực, phát ban khắp người, mạch nhanh, huyết áp tụt, rối loạn ý thức… đây là những dấu hiệu cảnh báo người bệnh có thể bị sốc phản vệ do thuốc.  Đây là biểu hiện nặng, nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy cần phải cấp cứu ngay theo phác đồ sốc phản vệ, rồi nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

5. Dự phòng dị ứng thuốc

Để phòng dị ứng thuốc cần thực hiện các biện pháp:

  • Bất kỳ loại thuốc nào cũng có thể gây dị ứng, kể cả thuốc bổ, thậm chí là thuốc chống dị ứng, vì thế không nên sử dụng thuốc nếu không thật sự cần thiết.
  • Khi đã biết bị dị ứng với loại thuốc nào, cần ghi nhớ để thông báo cho bác sĩ khi đi khám bệnh
  • Đọc kỹ các thành phần của thuốc và các loại thực phẩm, cần tránh các thành phần mà biết đã từng gây dị ứng
  • Mang theo bút tiêm epinerphrine nếu tiền sử từng xảy ra sốc phản vệ do thuốc
  • Dị ứng hoặc sốc phản vệ do thuốc có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi dùng thuốc, nhất là tiêm thuốc kháng sinh. Nên phải dùng thuốc đúng chỉ định, nếu tiêm hoặc truyền tĩnh mạch phải được thực hiện ở cơ sở y tế.

Dị ứng thuốc