Tóm tắt nội dung
Thủy tinh thể là một khối trong suốt, giống như một thấu kinh 2 mặt lồi. Thủy tinh thể nằm ngay sau mống mắt (lòng đen), được treo vào cơ thể mi bằng dây chằng Zinn. Do không có mạch máu và thần kinh, nên thủy tinh thể được nuôi dưỡng bằng cách thẩm thấu.
Bình thường thủy tinh thể có chức năng điều tiết, cho ánh sáng đi qua và hội tụ tại võng mạc giúp ta có thể nhìn thấy mọi vật. Công suất hội tụ của thể thủy tinh có vai trò quan trọng đối với hệ thống khúc xạ, giúp tiêu điểm ảnh hội tụ đúng trên võng mạc khi nhìn xa. Khả năng thay đổi độ dày của thể thuỷ tinh gọi là sự điều tiết có tác dụng giúp mắt nhìn rõ những vật ở gần.
Đục thuỷ tinh thể là nguyên nhân gây mù lòa phổ biến nhất trên thế giới. Có khoảng 25 đến 50 triệu người trên toàn cầu có thị lực < 1/20 là do đục thủy tinh thể. Tỷ lệ người mắc bệnh đục thủy tinh thể ở tuổi 55 đến 64 là 4,5%, tỷ lệ này tăng lên 18% ở độ tuổi 65 đến 74 tuổi và cao nhất ở tuổi từ 75 đến 84 là 45,9%.
Theo tổ chức y tế thế giới (WHO) tỉ lệ mù do đục thuỷ tinh thể tăng dần mỗi năm bất chấp những tiến bộ trong điếu trị. Năm 2002, WHO ước tính mù do đục thuỷ tinh thể là hơn 17 triệu (47,8%) trong tổng số 37 triệu người mù trên toàn tế giới. Đục thể thuỷ tinh được xem là yếu tố nguy cơ độc lập gây tăng tỉ lệ tử vong ở người cao tuổi.
Tại Mỹ ước tính có gần 20,5 triệu người trên 40 tuổi bị đục thuỷ tinh thể (chiếm 1/6 số người trong độ tuổi này). Ở Đông nam Á mù do đục thuỷ tinh thể chiếm 50% các loại mù. Có 50% người trên 60 đục thuỷ tinh thể và đạt đến 100% ở người trên 80 tuổi, nữ nhiều hơn nam.
Tại Việt Nam, theo Bệnh viện mắt Trung ương, năm 2000 mù do đục thủy tinh thể chiếm 60% các loại mù, trong đó nữ đục thủy tinh thể 2 mắt chiếm 68,5%, nam chiếm 59,3%.
1. Nguyên nhân đục thủy tinh thể
Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra bệnh đục thủy tinh thể, như môi trường, lối sống, chế độ dinh dưỡng, di truyền, chấn thương…Tuy nhiên đục thủy tinh thể do tuổi tác chiếm tới 99%. Bệnh hầu hết đều xuất hiện sau độ tuổi 60.
- Tuổi tác: Ở người cao tuổi, những sự thay đổi có thể xảy ra trong cấu trúc protein thủy tinh thể dẫn đến đục thể thuỷ tinh.
- Bẩm sinh: Trẻ em mới sinh ra cũng có nguy cơ mắc đục thủy tinh thể do rối loạn di truyền. Ngoài ra bệnh cũng có thể phát triển do mẹ khi mang thai mắc các bệnh truyền nhiễm như như bệnh sởi, bệnh rộp da và giang mai.
- Các nguyên nhân thứ phát: Các bệnh như tăng nhãn áp, tiểu đường, béo phì, tăng huyết áp… cũng có thể biến chứng thành đục thể thuỷ tinh. Dùng kéo dài một số thuốc như corticoid (nhỏ cũng như uống), thuốc hạ mỡ máu (simvastatin), thuốc chống loạn nhịp tim (amilodarone), thuốc trầm cảm (phenothiazin)… làm tăng nguy cơ đục thuỷ tinh thể.
- Chấn thương: Chấn thương có thể dẫn đến sự hình thành đục thể thuỷ tinh ngay hoặc sau nhiều năm.
Các nguyên nhân khác bao gồm:
- Mắt tiếp xúc quá nhiều với tia UV (tia cực tím), tia X và bức xạ khác trong lúc xạ trị.
- Ánh nắng mặt trời đã được chứng minh làm đục thuỷ tinh thể gấp 2 đến 3 lần nhóm chứng và không thể xem là yếu tố phối hợp.
- Rối loạn dinh dưỡng, tiêu chảy mất nước, thiếu hụt các yếu tố chống oxi hoá, hút thuốc lá, uống rượu cũng là những yếu tố phối hợp quan trọng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
2. Các triệu chứng bệnh đục thủy tinh thể
- Giảm thị lực là triệu cơ bản và quan trọng nhất của bệnh đục thủy tinh thể
- Thường là nhìn mờ cả hai bên khá cân xứng, bắt đầu từ việc nhìn mờ khi nhìn xa, sau đó tầm nhìn gần cũng bị ảnh hưởng
- Mức độ giảm thị lực tùy thuộc vào tình trạng tiến triển của bệnh, ở giai đoạn đầu sẽ mất khoảng 1/10 thị lực, khi bệnh nặng nhất thì chỉ còn nhận biết được sáng tối.
- Loá mắt: Đục thủy tinh thể ban đầu thường gây loá mắt với ánh sáng, nhìn mờ hơn nơi râm mát và ban đêm, gây khó chịu cho người bệnh. Sự khó chịu này đặc biệt xảy ra ở hình thái đục thể thuỷ tinh dưới bao sau.
- Giả cận thị: Mắt bị đục thủy tinh thể ban đầu có xu hướng cận thị hoá, do vậy khả năng nhìn gần của mắt tốt lên.
- Lác mắt: Một số trường hợp do đục thủy tinh thể, mắt đó bị nhược thị và lác.
- Thường xuyên thay đổi kính đeo mắt: Thủy tinh thể đục làm thay đổi độ chiết xuất của mắt
- Nhìn đôi, nhìn thấy nhiều vật cùng một lúc, nhìn như qua sương mù …tất cả những khó chịu đó được giải thích là do thủy tinh thể bị đục đã làm tán xạ các tia sáng đi qua nó.
- Một số trường hợp khác lại có những triệu chứng nghe có vẻ lạ như ra ngoài sáng thì nhìn kém, nhưng vào trong nhà, trong bóng râm thì nhìn lại tốt hơn. Đó là những trường hợp đục thuỷ tinh thể trung tâm khi ra nắng, cường độ ánh sáng cao thì đồng tử co nhỏ lại, vì thế hình ảnh tới võng mạc sẽ bị mờ do đi quan đúng vùng trung tâm đục. Trong khi ở điều kiện ít ánh sáng như trong nhà hay bóng râm, đồng tử sẽ giãn rộng hơn, do đó ánh sáng dễ dàng đi qua vùng rìa chưa đục đậm của thủy tinh thể, khiến hình ảnh rõ hơn. Với những trường hợp chỉ mới đục ở vùng ngoại vi, vùng trung tâm còn trong thì triệu chứng sẽ ngược lại.
- Ngoài ra còn có một số triệu chứng khác như mắt nhìn có chấm đen, dấu hiệu ruồi bay trước mắt cũng có thể là dấu hiệu bệnh đục thủy tinh thể.
3. Điều trị bệnh đục thủy tinh thể
Bệnh đục thủy tinh thể là một bệnh nguy hiểm, có thể gây mù lòa, được xem là yếu tố nguy cơ độc lập gây tử vong ở người cao tuổi. Vì thế cần điều trị sớm và kịp thời.
Cho đến nay chưa có loại thuốc tổng hợp hay hóa dược nào có thể điều trị được tình trạng đục thủy tinh thể, tức là hiện không có biện pháp nào có thể làm cho thủy tinh thể trong trở lại cả.
Đục thủy tinh thể không làm tổn thương mắt mà chỉ làm mờ mắt. Ở giai đoạn sớm, thị lực vẫn tốt không gây ảnh hưởng đến cuộc sống thì không cần thiết phải phẫu thuật. Đôi lúc với bệnh ở giai đoạn đầu, thị lực có thể được cải thiện bằng việc đeo kính. Các biện pháp có thể thực hiện ở giai đoạn này là:
- Bổ sung vitamin như C, A, D, E… các chất chống gốc tự do, Omega 3…
- Tăng cường ánh sáng trong nhà, giúp nhìn rõ vật trong sinh hoạt hàng ngày và làm việc
- Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, khói, bụi
- Nếu vì điều kiện phải ra ngoài nắng thì phải có những biện pháp bảo vệ, như đeo kính râm, độ mũ rộng vành.
- Không hút thuốc lá, uống ít rượu bia, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, hạn chế thức ăn ngọt…
Trường hợp đục thủy tinh thể nặng, thị lực giảm nhiều làm ảnh hưởng đến các hoạt động thông thường, thì biện pháp duy nhất để điều trị đó là phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo.
Lưu ý là phẫu thuật không bao giờ thực hiện trên cả hai mắt cùng một lúc. Người bệnh thường được phẫu thuật mắt có thị lực kém hơn trước để vẫn có thể nhìn bằng mắt còn lại trong khi chờ mắt được phẫu thuật bình phục.
4. Phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể
Bệnh đục thủy tinh thể được điều trị bằng phẫu thuật cho kết quả tốt nhưng không phải lúc nào cũng đảm bảo kết quả và đủ điều kiện để mổ. Điều quan trọng là phải biết phòng ngừa đục thủy tinh thể từ những nguyên nhân gây bệnh đã xác định được. Các biện pháp phòng ngừa:
- Khám mắt thường xuyên: Có thể giúp phát hiện đục thủy tinh thể và các vấn đề về mắt khác ở các giai đoạn sớm nhất.
- Điều trị và kiểm soát tốt bệnh tiểu đường: Thực hiện đúng chế độ ăn kiêng nếu bị tiểu đường, kiểm soát tốt đường huyết.
- Điều trị sớm các bệnh tại mắt như Glocom, viêm màng bồ đào.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa và tăng cường chức năng gan tốt sẽ có tác dụng giúp phòng ngừa bệnh.
- Bổ sung vitamine C, đồng, mangan, kẽm, beta-carotene giúp ‘dọn dẹp’ tốt các gốc tự do - một tác nhân gây tổn hại mắt, bảo vệ mắt không bị những tổn thương liên quan đến ánh sáng.
- Bổ sung taurin là một acid amin chính trong thủy tinh thể, có khả năng làm chậm sự khởi phát đục thủy tinh thể
- Hạn chế các yếu tố nguy cơ khác: Tránh tiếp xúc với tia cực tím từ mặt trời có thể góp phần vào sự phát triển của đục thủy tinh thể, đeo kính râm chặn tia cực tím khi đang ở ngoài trời, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, bia.
Đục thủy tinh thể