Bệnh đục thủy tinh thể người già

Thủy tinh thể của mắt có dạng một thấu kính trong suốt, hai mặt lồi và nằm sau mống mắt hay còn được gọi là lòng đen. Trong thủy tinh thể không chứa mạch máu và thần kinh nên việc duy trì ổn định và nuôi dưỡng bằng cách thẩm thấu. Thủy tinh thể đóng vai trò điều tiết, cho ánh sáng đi qua và hội tụ tại võng mạc để giúp cơ thể nhìn thấy mọi vật chung quanh.

Bệnh đục thủy tinh thể ở người già hay còn có những tên gọi khác là bệnh cườm đá, cườm hạt, cườm khô…. Là hiện tượng mà thể thủy tinh ở bên trong mắt bị mờ giống như một tấm kính bám đầy sương mù hoặc lớp bụi. Đục thủy tinh thể hiện nay đang là nguyên hàng đầu gây giảm thị lực và dẫn đến mù lòa trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng được ghi nhận nhiều nhất là từ 50 trở lên.

1. Nguyên nhân dẫn đến bệnh đục thủy tinh thể ở người già

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra có đến 90% người mắc bệnh này do có sự lão hóa tự nhiên của đôi mắt, tức là lão hóa theo tuổi tác.

Chất chống oxy hóa có ở trong mắt đóng vai trò là chất giúp dọn dẹp các gốc tự do sinh ra từ quá trình chuyển hóa của cơ thể bị suy giảm theo tuổi tác, gây ra sự thiếu hụt trầm trọng. Khi đó các gốc tự do sẽ tăng cao, mắt sẽ xuất hiện những đốm mờ đục gây cản trở tầm nhìn.

Bên cạnh yếu tố lão hóa thì một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể đó là thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng của tia cực tím, thường xuyên hút thuốc lá hay mắc các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, tiền sử gia đình bị mắc các bệnh này…

2. Các triệu chứng bệnh đục thủy tinh thể

Các triệu chứng bệnh đục thủy tinh thể
  • Giảm thị lực là triệu cơ bản và quan trọng nhất của bệnh đục thủy tinh thể
  • Thường là nhìn mờ cả hai bên khá cân xứng, bắt đầu từ việc nhìn mờ khi nhìn xa, sau đó tầm nhìn gần cũng bị ảnh hưởng
  • Mức độ giảm thị lực tùy thuộc vào tình trạng tiến triển của bệnh, ở giai đoạn đầu sẽ mất khoảng 1/10 thị lực, khi bệnh nặng nhất thì chỉ còn nhận biết được sáng tối.
  • Loá mắt: Đục thủy tinh thể ban đầu thường gây loá mắt với ánh sáng, nhìn mờ hơn nơi râm mát và ban đêm, gây khó chịu cho người bệnh. Sự khó chịu này đặc biệt xảy ra ở hình thái đục thể thuỷ tinh dưới bao sau.
  • Giả cận thị: Mắt bị đục thủy tinh thể ban đầu có xu hướng cận thị hoá, do vậy khả năng nhìn gần của mắt tốt lên.
  • Lác mắt: Một số trường hợp do đục thủy tinh thể, mắt đó bị nhược thị và lác.
  • Thường xuyên thay đổi kính đeo mắt: Thủy tinh thể đục làm thay đổi độ chiết xuất của mắt
  • Nhìn đôi, nhìn thấy nhiều vật cùng một lúc, nhìn như qua sương mù …tất cả những khó chịu đó được giải thích là do thủy tinh thể bị đục đã làm tán xạ các tia sáng đi qua nó.
  • Một số trường hợp khác lại có những triệu chứng nghe có vẻ lạ như ra ngoài sáng thì nhìn kém, nhưng vào trong nhà, trong bóng râm thì nhìn lại tốt hơn. Đó là những trường hợp đục thuỷ tinh thể trung tâm khi ra nắng, cường độ ánh sáng cao thì đồng tử co nhỏ lại, vì thế hình ảnh tới võng mạc sẽ bị mờ do đi quan đúng vùng trung tâm đục. Trong khi ở điều kiện ít ánh sáng như trong nhà hay bóng râm, đồng tử sẽ giãn rộng hơn, do đó ánh sáng dễ dàng đi qua vùng rìa chưa đục đậm của thủy tinh thể, khiến hình ảnh rõ hơn. Với những trường hợp chỉ mới đục ở vùng ngoại vi, vùng trung tâm còn trong thì triệu chứng sẽ ngược lại.
  • Ngoài ra còn có một số triệu chứng khác như mắt nhìn có chấm đen, dấu hiệu ruồi bay trước mắt cũng có thể là dấu hiệu bệnh đục thủy tinh thể.

3. Điều trị bệnh đục thủy tinh thể người già

Điều trị bệnh đục thủy tinh thể người già

Bệnh đục thủy tinh thể là một bệnh nguy hiểm, có thể gây mù lòa, được xem là yếu tố nguy cơ độc lập gây tử vong ở người cao tuổi. Vì thế cần điều trị sớm và kịp thời. 

Cho đến nay chưa có loại thuốc tổng hợp hay hóa dược nào có thể điều trị được tình trạng đục thủy tinh thể, tức là hiện không có biện pháp nào có thể làm cho thủy tinh thể trong trở lại cả.

Đục thủy tinh thể không làm tổn thương mắt mà chỉ làm mờ mắt. Ở giai đoạn sớm, thị lực vẫn tốt không gây ảnh hưởng đến cuộc sống thì không cần thiết phải phẫu thuật. Đôi lúc với bệnh ở giai đoạn đầu, thị lực có thể được cải thiện bằng việc đeo kính. Các biện pháp có thể thực hiện ở giai đoạn này là:

  • Bổ sung vitamin như C, A, D, E… các chất chống gốc tự do, Omega 3…
  • Tăng cường ánh sáng trong nhà, giúp nhìn rõ vật trong sinh hoạt hàng ngày và làm việc
  • Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, khói, bụi
  • Nếu vì điều kiện phải ra ngoài nắng thì phải có những biện pháp bảo vệ, như đeo kính râm, độ mũ rộng vành.
  • Không hút thuốc lá, uống ít rượu bia, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, hạn chế thức ăn ngọt…

Trường hợp đục thủy tinh thể nặng, thị lực giảm nhiều làm ảnh hưởng đến các hoạt động thông thường, thì biện pháp duy nhất để điều trị đó là phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo.

Lưu ý là phẫu thuật không bao giờ thực hiện trên cả hai mắt cùng một lúc. Người bệnh thường được phẫu thuật mắt có thị lực kém hơn trước để vẫn có thể nhìn bằng mắt còn lại trong khi chờ mắt được phẫu thuật bình phục.

4. Phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể người già

Phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể người già

Bệnh đục thủy tinh thể được điều trị bằng phẫu thuật cho kết quả tốt nhưng không phải lúc nào cũng đảm bảo kết quả và đủ điều kiện để mổ. Điều quan trọng là phải biết phòng ngừa đục thủy tinh thể từ những nguyên nhân gây bệnh đã xác định được. Các biện pháp phòng ngừa:

  • Khám mắt thường xuyên: Có thể giúp phát hiện đục thủy tinh thể và các vấn đề về mắt khác ở các giai đoạn sớm nhất.
  • Điều trị và kiểm soát tốt bệnh tiểu đường: Thực hiện đúng chế độ ăn kiêng nếu bị tiểu đường, kiểm soát tốt đường huyết.
  • Điều trị sớm các bệnh tại mắt như Glocom, viêm màng bồ đào.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa và tăng cường chức năng gan tốt sẽ có tác dụng giúp phòng ngừa bệnh.
  • Bổ sung vitamine C, đồng, mangan, kẽm, beta-carotene giúp ‘dọn dẹp’ tốt các gốc tự do - một tác nhân gây tổn hại mắt, bảo vệ mắt không bị những tổn thương liên quan đến ánh sáng.
  • Bổ sung taurin là một acid amin chính trong thủy tinh thể, có khả năng làm chậm sự khởi phát đục thủy tinh thể.
  • Hạn chế các yếu tố nguy cơ khác: Tránh tiếp xúc với tia cực tím từ mặt trời có thể góp phần vào sự phát triển của đục thủy tinh thể, đeo kính râm chặn tia cực tím khi đang ở ngoài trời, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, bia.

Đục thủy tinh thể