Tóm tắt nội dung
Bệnh gai đen thường gặp ở người bị béo phì hoặc mắc bệnh tiểu đường. Ở trẻ em mà bị gai đen có nguy cơ mắc tiểu đường typ 2 cao hơn so với trẻ không mắc. Một số trường hợp gai đen có thể được xem là một dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư ở một số cơ quan như dạ dày, đại tràng hoặc gan. Ban đầu, vùng da bệnh có thể chỉ đổi màu xam xám, nhìn giống như bị dính bẩn, sau đó da sẽ đen dần lên, sờ thấy sần sùi, nham nhám vì nổi các u nhú và tăng sừng.
Là bệnh ngoài da nên gai đen dễ dàng nhận biết qua việc quan sát bằng mắt thường hoặc sờ lên vùng da. Hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp điều trị chỉ là hồi phục lại màu sắc và kết cấu bình thường của vùng da bị ảnh hưởng.
1. Cơ chế chính gây bệnh gai đen
Cơ chế gây bệnh rất phức tạp, với yếu tố chủ yếu là sự đề kháng Insulin. Insulin trong máu tăng lên, kích thích tăng sản tế bào keratinocytes, tế bào này chủ yếu chứa melanin (là một loại sắc tố quy định màu da) và nguyên bào sợi.
Bình thường tế bào keratinocytes nhân lên từ lớp sừng dày của da, quá trình đó sắc tố melanin được mang vào nhân của chúng. Sự tăng sinh quá mức các tế bào này, do sự tăng insulin trong máu, làm cho da dày hơn, đen hơn do nhiều sắc tố melanin hiện diện hơn.
Ngoài ra, nguyên bào sợi sản xuất collagen, sự tăng sinh quá mức nguyên bào sợ dẫn đến lắng đọng collagen và khi kết hợp với lớp sừng tăng sinh, tạo ra cảm giác đặc biệt của hội chứng gai đen.
2. Nguyên nhân gây bệnh gai đen
Những nguyên nhân gây ra bệnh gai đen bao gồm:
- Kháng insulin: Hầu hết những người có bệnh gai đen cũng sẽ đề kháng với insulin, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường typ 2.
- Béo phì: Béo phì làm tăng tình trạng kháng insulin, là một trong những nguyên nhân mắc bệnh gai đen. Càng thừa cân nguy cơ mắc bệnh càng tăng.
- Rối loạn nội tiết: Gai đen thường xảy ra ở những trường hợp có các rối loạn như u nang buồng trứng, suy tuyến giáp hoặc các bệnh lý tuyến thường thận.
- Một số loại thuốc như niacin liều cao, thuốc ngừa thai, prednisone và các thuốc corticosteroid khác nếu dùng kéo dài có thể nguyên nhân gây ra gai đen.
- Ung thư: Một số trường hợp, bệnh gai đen cũng xuất hiện do u lympho hoặc khi khối u bắt đầu phát triển trong một cơ quan nào đó, chẳng hạn như dạ dày, đại tràng hoặc gan.
- Tiền sử gia đình: Một số dạng bệnh gai đen có thể mang tính di truyền trong gia đình.
3. Triệu chứng bệnh gai đen
- Những thay đổi màu sắc da ở những vị trí nếp gấp là dấu hiệu duy nhất của bệnh
- Vị trí nếp gấp chủ yếu là gặp ở vùng cổ, nách, háng và dưới bầu ngực
- Dấu hiệu ban đầu là tình trạng da sẫm màu, dày hơn, có thể sần sùi
- Những thay đổi về da thường xuất hiện chậm, rồi dần dần màu sắc da sẽ đậm dần lên, đến khi có thể có màu sạm đen
- Vùng da bị ảnh hưởng cũng có thể có mùi hoặc ngứa
4. Sự nguy hiểm của bệnh gai đen
Dựa vào nguyên nhân gây bệnh gai đen được xác định gồm 5 typ:
- Bệnh gai đen typ 1: Được xem là lành tính, có thể là do tính chất di truyền. Bệnh liên quan đến nội tiết tố, khi nội tiết tố cơ thể thay đổi thì bệnh rất dễ xuất hiện và sẽ mất dần khi qua lứa tuổi dậy thì.
- Bệnh gai đen typ 2: Loại này cũng được xem là lành tính nhưng đi kèm theo đó là những rối loạn về nội tiết tố. Gặp ở người có tiền sử mắc các bệnh lý như kháng insulin, đái tháo đường typ 2, hội chứng Cushing, bệnh to đầu chi hoặc khổng lồ, suy tuyến giáp…
- Bệnh gai đen typ 3: Loại này thường đi kèm với tình trạng béo phì, việc không kiểm soát được cân nặng sẽ khiến cho cơ thể nhanh chóng thay đổi, kéo theo đó làn da cũng có sự thay đổi theo và gây ra bệnh. Thừa cân càng nhiều, gai đen xuất hiện càng nhiều do đó khi kiểm soát được cân nặng thì gai đen sẽ giảm.
- Bệnh gai đen typ 4: Là bệnh do thuốc, việc sử dụng quá nhiều các loại thuốc ở liều cao như axit nicotinic, corticoid... cũng rất dễ khiến mắc bệnh gai đen.
- Bệnh gai đen typ 5: Là bệnh ác tính, những người mắc bệnh gai đen loại này rất dễ mắc phải một khối u ác tính nào đó trong cơ thể. Thường là carcinome dạ dày, ruột hoặc đường tiết niệu – sinh dục, hoặc ít gặp hơn như là u lympho. Chính vì thế nên cẩn thận khi mắc phải bệnh gai đen.
Như vậy, mức độ nguy hiểm của bệnh gai đen tùy vào thể bệnh. Để xác định xem bệnh thuộc nhóm nào thì phải căn cứ vào triệu chứng, các bệnh lý kèm theo và các xét nghiệm cận lâm sàng.
Với những người mắc bệnh gai đen typ 1 thì có thể tự khỏi. Tuy nhiên, với những trường hợp mắc bệnh gai đen ở các mức độ còn lại sẽ khiến người bệnh đứng trước nhiều mối nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Căn cứ vào 5 nhóm bệnh gai đen được xác định, có thể thấy rõ được những mối nguy hại mà căn bệnh này gây ra. Một số nguy hiểm khi mắc phải bệnh gai đen:
- Làm tổn thương da và khiến cho sắc tố vùng da này thay đổi, có thể lan rộng ra các vùng da khác
- Da nhanh chóng bị dày sừng, tăng nhanh chóng các lớp sừng trên bề mặt da
- Xuất hiện trường hợp bị sừng hóa ở môi, mắt, mặt và tổn thương da nghiêm trọng
- Nguy cơ mắc một số bệnh khác như bệnh thận, tuyến giáp, thực quản, gan, đại tràng…
5. Điều trị bệnh gai đen
Bệnh gai đen không có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp điều trị chỉ là điều trị triệu chứng, tức điều trị vùng da bị thâm và điều trị nguyên nhân gây ra bệnh.
Điều trị bằng thuốc bôi ngoài da giúp cải thiện bệnh như Retin-A, hydroxyacid alpha, vitamin D tại chỗ, acid salicylic. Tuy nhiên tác dụng của các thuốc này rất hạn chế.
Điều trị theo nguyên nhân gây bệnh, cụ thể như sau:
Bệnh gai đen do đề kháng insulin: Kiểm soát cân nặng bằng chế độ ăn uống và tập luyện lành mạnh sẽ giảm tình trạng kháng insulin và cải thiện bệnh
Bệnh do suy tuyến giáp: Điều trị kiểm soát và duy trì hormone tuyến giáp trong giới hạn bình thường sẽ giúp cải thiện bệnh
Giảm cân: Gai đen do thừa cân, béo phì thì hãy áp dụng các biện pháp giảm cân bằng cách kết hợp một chế độ ăn uống hợp lý cùng với việc vận động thể thao mỗi ngày. Sau khi giảm cân thành công thì bệnh gai đen có thể hết hoặc giảm tùy thuộc vào từng trường hợp.
Ngừng sử dụng thuốc hoặc các chất bổ sung: Bệnh gai đen liên quan đến một loại thuốc hoặc chất bổ sung mà người bệnh đang sử dụng thì hãy ngừng sử dụng chúng. Sau khi ngừng sử dụng, bệnh gai đen sẽ tự hết.
Phẫu thuật: Nếu bệnh gai đen đã được kích hoạt bởi khối u ác tính, việc tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u sẽ giúp cải thiện được bệnh, các vùng da bị thâm cũng sẽ giảm dần
Nếu vùng da bị bệnh xuất hiện các vết loét và trở nên khó chịu hơn, hoặc bắt đầu có mùi hôi thì bác sĩ có thể chỉ định:
- Dùng thuốc bôi tại chỗ để làm sáng hoặc làm mềm các vùng da bị ảnh hưởng
- Dùng xà phòng có tính kháng khuẩn, sử dụng nhẹ nhàng để tránh vùng da tổn thương do cọ xát, có thể làm bệnh nặng hơn
- Bôi thuốc thuốc kháng sinh tại chỗ loét
- Dùng thuốc trị mụn đường uống
- Sử dụng liệu pháp laser để làm giảm độ dày của vùng da tồn thương
Nói chung, để điều trị bệnh gai đen cần xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, từ đó mới có cách khắc phục phù hợp, nhằm mang lại hiệu quả tích cực.
Bệnh gai đen tuy nhẹ, không nguy hiểm, không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên nó có thể là dấu hiệu cảnh báo những căn bệnh nguy hiểm khác, đặc biệt là ung thư trong cơ thể như ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư gan... Vì vậy, khi nhận thấy làn da xuất hiện triệu chứng của bệnh gai đen thì nên đi khám để được bác sĩ thăm khám và được tư vấn phương pháp điều trị tốt nhất.
6. Dự phòng bệnh gai đen
Để phòng ngừa bệnh gai đen, có thể điều trị và kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh. Các biện pháp có thể áp dụng:
- Kiểm soát cân nặng, chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao hợp lý sẽ giúp duy trì cân nặng phù hợp và cải thiện tình trạng đề kháng insulin, từ đó sẽ góp phần phòng ngừa bệnh gai đen.
- Điều trị sớm các bệnh lý liên quan đến bệnh gai đen, ví dụ như điều trị suy giáp, tiểu đường typ 2, phẫu thuật sớm khối u dạ dày, đại tràng…
- Tránh và hạn chế sử dụng các loại thuốc, chất bổ sung có thể làm nặng tình trạng bệnh hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh như thuốc ngừa thai, prednisone, corticosteroid, chất bổ sung (niacin liều cao...).
Gai đen