1. Bệnh giả gut là gì?

Bệnh giả gut là gì?

Bệnh giả gút là một dạng viêm khớp đặc trưng bởi sự đột ngột, sưng đau tại một hoặc nhiều khớp. Những đợt đau có thể kéo dài vài ngày hoặc nhiều tuần. Bệnh thường xảy ra ở người lớn tuổi và phổ biến nhất là ảnh hưởng đến khớp gối.

Khác với bệnh gút do lắng đọng tinh thể urat, bệnh giả gút là do lắng đọng tinh thể calcium pyrophosphate ở khớp. Ngoài khớp gối ra, giả gút có thể phát triển trong mắt cá chân cổ tay và khuỷu tay, trong khi bệnh gút có xu hướng ảnh hưởng đến ngón chân cái.

Không rõ tại sao các tinh thể hình thành trong các khớp và gây ra giả gút. Mặc dù không thể loại bỏ các tinh thể ra khỏi khớp vị viêm, nhưng các phương pháp điều trị bằng thuốc giảm đau chống viêm giúp làm giảm cơn đau và giảm viêm.

2. Nguyên nhân gây giả gút

Bệnh giả gút xảy ra khi tinh thể calcium pyrophosphate dihydrate (CPPD) di chuyển từ sụn trong và xung quanh các khớp xương đến màng hoạt dịch khớp, gây viêm, đau.

Hiện nay vẫn không rõ tại sao tinh thể CPPD hình thành và lắng đọng ở khớp, có lẽ nó hình thành do quá trình lão hóa. Tuy nhiên, nhiều người lớn tuổi có tinh thể CPPD trong các khớp xương nhưng hầu hết không có triệu chứng bệnh giả gút.

Người càng lớn tuổi thì càng có nhiều khả năng bị giả gut

Mặc dù vậy các yếu tố có nguy cơ gây bệnh đó là:

  • Tuổi tác: Những người lớn tuổi có nhiều khả năng bị giả gút vì có nhiều tinh thể CPPD thường thấy ở các khớp xương.
  • Yếu tố di tuyền: Tiền sử gia đình có người từng bị bệnh giả gút có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Những người có chondrocalcinosis gia đình (một bệnh di truyền), có xu hướng phát triển các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh giả gút ở các lứa tuổi trẻ hơn.
  •  Một số bệnh toàn thân như cường cận giáp, bệnh thoái hóa dạng tinh bột (bệnh amyloidosis).
  • Bệnh ứ sắt do di tuyền (còn gọi là bệnh hemochromatosis): Chứng rối loạn di truyền gây ra cơ thể lưu trữ sắt dư thừa trong cơ quan và các mô xung quanh các khớp xương.
  • Chấn thương khớp: Chấn thương khớp nghiêm trọng hoặc phải phẫu thuật, làm tăng nguy cơ mắc bệnh giả gút ở khớp đó.
  • Mất cân bằng dinh dưỡng: Nguy cơ mắc bệnh giả gút cao hơn nếu có quá nhiều canxi hoặc sắt trong máu hoặc quá ít magiê.

3. Triệu chứng bệnh giả gút

Dấu hiêu bệnh giả gút

Bệnh giả gút có triệu chứng lâm sàng gần giống với bệnh gút, viêm khớp dạng thấp hay viêm khớp mạn tính. Có khoảng 25% các trường hợp biểu hiện lâm sàng giống hệt bệnh gút, và khoảng 5% biểu hiện giống bệnh viêm khớp dạng thấp, trong khi có đến 50% có các triệu chứng giống bệnh viêm khớp mạn tính.

Các biểu hiện chứng gặp chủ yếu ở khớp gối, rồi đến các khớp khác như cổ chân, cổ tay, khuỷu tay, vai và các khớp ở bàn tay. Các biểu hiện có thể gặp:

  • Ở giai đoạn cấp, đột ngột xuất hiện cơn đau dữ đội, kèm theo khớp bị sưng, nóng đỏ
  • Cơn đau có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần
  • Trường hợp mạn tính, cơn đau xuất hiện không dữ dội, cũng có đau, nhưng cơn đau âm ỉ, khớp thì sưng nhẹ
  • Sau một thời gian, nếu không được điều trị phù hợp, vài năm sau có thể gây tổn thương sụn khớp, làm biến dạng khớp, cứng khớp, hạn chế vận động.

4. Biến chứng của bệnh giả gút

Nếu không được điều trị sớm và kịp thời, bệnh giả gut có thể gây ra cá biến chứng như:

  • Thoái hóa khớp diễn ra sớm và nặng
  • Tạo thành u nang bao hoạt dịch
  • Tổn thương mất sụn đầu xương
  • Viêm khớp mạn tính, viêm khớp dạng thấp
  • Gãy xương

5. Chẩn đoán bệnh giả gút

Chẩn đoán bệnh giả gút

Bệnh giả gút ban đầu thường chẩn đoán nhầm là bệnh gút hoặc bệnh viêm khớp mạn tính. Cho nên ngoài các triệu chứng lâm sàng ra, cần phải làm các xét nghiệm để chẩn đoán xác định, chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác.

Các xét nghiệm cận lâm sàng:

  • Phân tích dịch khớp: Chục hút dịch khớp tại vị trí khớp bị sưng đau, lấy dịch soi dưới kinh hiển vi để tìm tinh thể CPPD hay tinh thể urat.
  • Xét nghiệm acid uric máu: Chẩn đoán bệnh gút
  • Xét nghiệm máu để phát hiện các biến đổi do viêm khớp gây ra: như xét nghiệm công thức máu, CRP…
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp, tuyến cận giáp cũng như sự mất cân bằng khoáng chất có thể liên quan đến bệnh giả gút
  • Xét nghiệm các yếu tố miễn dịch: Như yếu tố dạng thập (RF) chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp
  • Nội soi khớp gối (nếu khớp bị viêm, sưng đau là khớp gối)
  • Chụp X quang khớp bị tổn thương: phát hiện các tổn thương do lắng đọng tinh thể CPPD ở sụn khớp.

6. Điều trị bệnh giả gút

Điều trị bệnh giả gút bằng thuốc

Không có biện pháp điều trị dứt điểm bệnh giả gút, tức không thể điều trị để loại bỏ hoàn toàn sự tích tụ các tinh thể tại các khớp. Các phương pháp điều trị chủ yếu kiểm soát các triệu chứng của bệnh, giảm các cơn đau và sưng khớp.

Các thuốc điều trị:

  • Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs): Chẳng hạn như ibuprofen, myloxicam, naproxen, celecoxib… Các loại thuốc này chỉ dùng 1 loại, dùng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, ngừng thuốc khi tình trạng đau đã cải thiện. Lưu ý là thuốc này có thể có tác dụng phụ là gây viêm loét dạ dày hay xuất huyết tiêu hóa, đặc biệt là ở người cao tuổi.
  • Colchicine: Đây là thuốc cơ bản trong điều trị bệnh gút, nhưng nó cũng có tác dụng tốt trong điều trị bệnh giả gút, nhất là với những người chống chỉ định với NSAIDs. Tác dụng phụ bao gồm đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy và ói mửa. Tác dụng phụ hiếm gặp bao gồm ức chế tủy xương và chảy máu ruột. Để giảm thiểu những rủi ro này, bác sĩ kê đơn với liều thấp nhất mà có tác dụng, rồi tăng liều dần, thường không quá hai viên mỗi ngày.
  • Tiêm nội khớp: Thủ thuật này bác sĩ thường dùng bơm tiêm hút bỏ một số dịch khớp, rồi tiêm vào khớp thuốc corticosteroid giúp giảm viêm, giảm đau tại chỗ. Có thể kèm thêm thuốc tê nữa.
Nếu bệnh giả gút do chấn thương hoặc do một bệnh thì phải điều trị bệnh lý kèm theo, kèm với điều trị giảm đau thì bệnh mới cải thiện được.
Song song với quá trình điều trị bằng thuốc, việc nghỉ ngơi, hay bất động khớp bị sưng đau cũng có tác dụng tốt giúp giảm đau nhanh, rút ngắn thời gian dùng thuốc.

7. Dự phòng bệnh giả gút

Cách phòng bệnh giả gút

Hiện các nguyên nhân chưa rõ ràng, nên không có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu. Tuy nhiên có một số biện pháp giúp duy trì kết quả điều trị và dự phòng tái phát như:

  • Nghỉ ngơi và nâng cao thể trạng chung
  • Có chế độ ăn hợp lý, hạn chế thức ăn nhiều đạm như thịt có màu đỏ, phủ tạng động vật… nên ăn nhiều rau, trái cây
  • Nếu đang trong giai đoạn đau cấp phải hạn chế vận động khớp bị viêm, có thể phất bất động tại khớp đấy
  • Khi các khớp đã hết đau rồi, thì cần phải có chế độ luyện tập, vận động hợp lý, tránh khớp bị cứng. Nhưng cũng phải hết sức lưu ý là không được vận động quá mạnh, làm cho khớp chịu áp lực lớn gây tổn thương nặng hơn.
  • Nếu cơn đau do giả gút lặp lại nhiều lần, bác sĩ có thể cho thuốc để dự phòng cơn đau. Tức là cho thuốc trước thời điểm dự đoán cơn đau có thể xảy ra. Thường dùng liều thấp colchicine, một loại thuốc thường được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị bệnh gút, có thể giảm số lượng các cơn giả gút.

Giả gút